Giáo viên 20 năm chưa một lần thưởng tết
Hơn 20 năm nay, 600 cán bộ, giáo viên tại gần 100 điểm trường ở huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) chưa một lần được nhận thưởng Tết.
Tết nghèo trên đất vàng
Vượt qua suối Đắk Sa, con đường vào xã Phước Đức chợt ngoằn ngoèo, mất hút trong bụi đất. Suối nước cuối mùa mưa vẫn đục ngầu, hai bên bờ tan hoang bởi những bãi bồi, hầm hố, là “chiến sự” của nạn đào vàng. Ở đây, những đứa học trò bé như cái nấm, hằng ngày vẫn nhẫn nại trèo qua bờ bãi ngổn ngang này để lội bộ đến trường.
Phân hiệu Plây La Gầm Đhak Hú thuộc trường tiểu học xã Phước Đức nằm bên mép đường dẫn đến bãi vàng đầy gió bụi. Thay vì khuất lấp dưới bóng cây rừng như cách đây 10 năm, khi tôi đến, trường học bây giờ đã được xây tường gạch, ấm cúng, nhưng cả cụm cũng chỉ vỏn vẹn 3 lớp học như xưa.
100% học sinh ở đây là con em đồng bào M’Nông bản địa. Phần lớn sau khi vượt qua cấp tiểu học, các em đều sớm bỏ trường, bươn chải cõng chuyến hoặc làm phu cho các hầm lò đào đãi vàng. Chỉ những cô giáo miền xuôi thì vẫn còn ở đây, vẫn nghèo như xưa, dẫu có người đã bám trụ gần 15 năm.
Các thầy cô ở miền núi Quảng Nam phải vượt suối, trèo đèo để đến được với trường lớp của mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân lóng ngóng tiếp chúng tôi giữa sân trường, có lẽ vì không có được một ly nước chè nóng, một chỗ ngồi nghỉ chân cho khách đường xa. Ở phân hiệu này chỉ có 3 phòng học, giờ giải lao, cô giáo cũng chỉ biết đứng giữa sân. Ở các trường học miền núi khó khăn đều có cảnh tượng tương tự vậy.
Cô Xuân – người con gái ở miệt biển Thăng Bình, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Đà Nẵng, xin việc một vài nơi bất thành, cô thiếu nữ trẻ trung mới lên tận miền núi xa, với ý nghĩ tìm việc làm tạm một thời gian. Nào ngờ, đường về quê ngày một xa lắc, thấm thoắt đã 16 năm.
Bây giờ, cô Xuân không còn nghĩ đến việc xin chuyển về xuôi nữa, dẫu gia đình vẫn một cảnh ba quê, chồng là cán bộ xã ở nơi heo hút núi Phước Hiệp. Hỏi đến chuyện gia đình, thu nhập, chúng tôi phải vòng vo, bởi thấy cô rụt rè, ít nói, giấu thân phận mình như cách cư xử của người M’Nông bản địa.
“Lương giáo viên thì ở đâu cũng giống nhau, nhưng dạy miền núi như bọn em thì được cộng thêm hệ số từ 0,4-0,7, tuỳ thâm niên công tác, tức mỗi tháng hơn miền xuôi khoảng một triệu đồng. Trường ở vùng cao, 100% phụ huynh thuộc diện hộ nghèo, các em đến trường còn không đủ cơm ăn, áo mặc, học phí không đóng nên ngoài lương thì cán bộ, giáo viên không có thêm được phụ cấp nào” – cô Xuân nói.
Cô Nguyễn Thị Trang cho biết, hơn 10 năm công tác ở huyện miền núi Phước Sơn này, chưa hề biết đến khái niệm thưởng Tết. Hằng năm công đoàn trường trích thu 1% từ lương để làm quỹ. Số tiền này chi cho các hoạt động thăm hỏi nhau khi ốm đau, cưới xin, sinh nở… của cán bộ giáo viên trong trường.
Kết sổ cuối năm nếu còn dư, thì chị em ban nữ công xuống thị trấn, mua ít hạt dưa, nước mắm, dăm gói mì chính về chia nhau, nhưng mỗi thứ chưa bao giờ quá nửa ký. Cũng có nhiều năm, quỹ công đoàn bị âm, không còn gói quà nhỏ ấy.
Video đang HOT
Nhưng các cô đều không hề than trách, ngược lại tỏ ra thương xót cho lũ học trò nhem nhuốc của mình thiếu áo ấm. Cô giáo Nguyễn Thị Xuân còn chia sẻ thêm: “Em đã bám trụ Phước Sơn gần 16 năm, trong đó dạy ở Phước Năng gần 9 năm, mới về phân hiệu này 7 năm. Bây giờ đi lại đã tiện đường rồi, ngày xưa phải mất 2 ngày đường mới đến được trường lớp. Nhiều năm tụi em phải ở lại cả Tết vì lũ lụt, chia cắt đường, người dân góp tặng đôi khi chỉ mớ rau rừng, ốc đá, dăm cái măng rừng. Đó là những món quà Tết đầy tình cảm nhất của những giáo viên vùng cao”.
Lâu rồi chưa ai nhắc đến thưởng Tết!
Thầy giáo Lê Văn Hà, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cho biết, toàn huyện chỉ có 12 xã, 29 trường học nhưng vì rải rác trên các vùng núi cao nên có đến 78 phân hiệu. Đời sống sinh hoạt của giáo viên miền núi cao tất nhiên là khó khăn hơn rất nhiều so các vùng miền khác. Riêng việc thưởng tết là khái niệm đã bị lãng quên trong tâm thức của các thầy cô.
Từ những năm 1993-1994 trở về trước, chính quyền huyện còn hỗ trợ kinh phí, tặng quà tết mỗi giáo viên được 0,5kg hạt dưa, một gói mì chính, một chai nước mắm. Nhưng hơn 20 năm nay bị cắt hoàn toàn. Tiền quỹ trích từ chính lương hằng tháng của các thầy cô thường không đủ việc thăm hỏi, hiếu hỉ trong năm.
Thầy Hà nói, vài năm trước đây, ngành giáo dục cũng có kiến nghị, đề xuất, nhưng vấn đề này không được giải quyết bởi quá tầm của cấp huyện, thậm chí tỉnh. Địa phương không có nguồn nào để chi thưởng cho cán bộ, giáo viên thì mình biết kiến nghị cũng bằng không. Huyện này có đến 70% hộ nghèo, Tết là dịp mà chính quyền phải tập trung chăm lo cho dân.
Giáo viên, dẫu sao cũng còn có đồng lương, anh em ai cũng không đòi hỏi, vì vậy lâu lắm rồi, chẳng ai nhắc đến chuyện thưởng Tết. “Dẫu đã xác định là vậy, nhưng nhắc đến thưởng tết, anh em giáo viên chúng tôi ai cũng ngậm ngùi. Ở miền xuôi, đồng nghiệp mình ít nhiều cũng đều có thưởng tết. Ngay công nhân lao động chân tay, dịp tết họ cũng còn được có thưởng. Rõ ràng giáo viên còn quá nhiều thiệt thòi”, thầy Hà tâm sự.
Tôi chợt nhớ, tại TP.Đà Nẵng, ngoài những túi quà hiện vật, mỗi giáo viên đều được thưởng từ 1-2 triệu đồng/người, chưa kể họ được thụ hưởng bao nhiêu điều kiện sinh hoạt thuận lợi khác.
Theo ông Lê Trung Chinh – Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng – ngành giáo dục không có tiền, quỹ để trích thưởng tết, Tuy nhiên UBND thành phố Đà Nẵng từ hơn 10 năm nay đã trích ngân sách hỗ trợ thưởng cho giáo viên. Ngoài ra, các trường còn cân đối thu chi, trích quỹ để cuối năm chi thưởng. Nói chung, thưởng tết cho giáo viên ở thành phố không cao, nhưng không đến nỗi tủi thân như công nhân hoặc các đồng nghiệp ở các địa phương nghèo khác.
Trở lại câu chuyện với thầy Hà, ông cho biết hiện nay, thu nhập của giáo viên miền núi đã được cải thiện nhiều, song người cao nhất huyện cũng chỉ 12-13 triệu đồng/tháng. Còn lại, trung bình thu nhập các thầy cô chỉ 7-8 triệu đồng/tháng. Đồng lương có cao hơn so đồng nghiệp ở miền xuôi, nhưng nếu có gia đình thì họ không đủ chi tiêu.
Ở các xã vùng cao như Phước Kim, Phước Lộc, Phước Thành, Phước Chánh, trước đây muốn vào đến nơi phải mất 1-2 ngày đường. Tiền xe thồ ra vào là 3 triệu đồng, đắt hơn đi vào TP.HCM bằng máy bay. Ngày đông tháng Tết, thường sạt núi tắc đường, vật giá leo thang. Có lúc, giá gạo ở đồng bằng chỉ 7.000-8.000 đồng/kg thì ở Phước Sơn là 10.000-11.000 đồng/kg, còn ở các xã như Phước Thành, Phước Lộc là 20.000 đồng/kg.
Để có tiền về quê ngày Tết, các thầy cô phải khiêng xe máy về các cụm xã vùng thấp, gửi vào nhà dân rồi băng về Khâm Đức để tiết kiệm. Làm thế thì ngày Tết ở quê lại không có xe để đi lại. Cũng theo thầy Hà, sự khốn khó, thua thiệt của giáo viên vùng cao đã thành câu chuyện quen tai từ lâu nay.
Câu chuyện về thưởng tết trở thành nhỏ bé trong mớ ngổn ngang của thực trạng giáo dục ở miền núi. Điều ưu tư nhất của cán bộ ngành GDĐT huyện Phước Sơn trong những ngày cận Tết hiện nay là các hoàn cảnh bi đát, lâm bệnh hiểm nghèo của các đồng nghiệp mình.
Thầy Lê Văn Hà kể, thầy Nguyễn Trúc, hơn 20 năm gắn bó với tiểu học Phước Chánh, tuổi xuân chôn vùi ở khuất lấp vùng cao, bây giờ lâm bệnh nặng, gần như nằm liệt tại chỗ trong khi kinh tế gia đình thuộc diện khốn khó. Thầy Trịnh Minh Hà cũng một đời cống hiến cho học trò vùng cao, bây giờ cũng rơi vào giai đoạn cuối của căn bệnh suy thận. Cô giáo Bạch Thị Thu Hà ở tận xã Phước Thành cũng nguy kịch với bệnh nhiễm trùng máu…
Ngành giáo dục huyện cũng chỉ hỗ trợ diện ốm đau với mức cao nhất là 10 triệu đồng, trong khi hoàn cảnh các thầy cô này quá thương xót. Món quà thưởng Tết không phải là câu chuyện lớn ở địa phương mà cả trò lẫn thầy còn nhiều khó khăn như ở huyện miền núi Phước Sơn này.
Theo Lao Động
'Độc chiêu' né thưởng Tết, giữ sĩ diện của doanh nghiệp
Dưới áp lực tâm lý và sĩ diện, nhiều DN vẫn đẩy người lao động ra đường để "né" thưởng Tết.
Doanh nghiệp lao đao với khoản thưởng Tết (Ảnh minh họa)
Mỗi năm đến Tết, người lao động ở bất cứ (doanh nghiệp) DN nào cũng nôn nóng về chế độ lương, thưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đảm bảo việc làm và trả đủ lương đôi khi đã là một mục tiêu nhọc nhằn của nhiều DN.
Có những DN cố gắng lắm cũng chỉ thưởng Tết cho người lao động bằng cây nhà lá vườn, kinh doanh gì thưởng Tết đó. Thế nên mới có cảnh dở khóc dở cười là thưởng Tết bằng... giấy vệ sinh hay quần đùi, tất, gạch... Và cũng có những DN chọn cách chấm dứt hợp đồng lao động để... né thưởng Tết.
Họ là ai?
Đối tượng của kiểu "né" này thường là lao động trình độ thấp, công nhân, tạp vụ hoặc ở những vị trí mà việc chấm dứt hợp đồng lao động ít ảnh hưởng đến hoạt động DN và việc tuyển dụng lại cũng dễ dàng.
Đây phần lớn cũng là lao động nhập cư, "tay làm hàm nhai", cái Tết của cả một năm chỉ trông chờ vào tháng lương thứ 13 hoặc thưởng. Cũng vì thế, thu nhập của họ không cao, thưởng không nhiều. Và mất việc có nghĩa là nhiều khoản chi tiêu bắt buộc khác cũng không có gì để bù đắp.
Chấm dứt hợp đồng lao động với những người này vào dịp Tết không khác gì đưa họ vào ngõ cụt. Bởi cơ hội xin việc ngay gần như không có và cuộc sinh nhai khi ra giêng còn khó khăn gấp bội.
Điều 103 Bộ luật Lao động quy định về tiền thưởng như sau: "1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. 2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở".
Như vậy, khoản tiền ngoài lương này có hay không, mức độ và đối tượng như thế nào là hoàn toàn do DN quyết định. Ngoài ra, tại từng thời điểm, DN vẫn có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định đã ban hành, tùy thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại.
Tuy nhiên, dưới áp lực tâm lý và sĩ diện, nhiều DN vẫn đẩy người lao động ra đường để "khỏi phải trình bày".
Những DN "thay người như thay áo" này thường không có bản sắc và văn hóa DN. Hơn nữa, đó thường là những DN làm ăn kiểu chộp giật, không thực sự đầu tư cho giá trị làm nên các giá trị, đó là con người.
Làm gì để bảo vệ người lao động?
Xét về lý, việc DN chấm dứt hợp đồng lao động được pháp luật cho phép, nếu hợp đồng lao động hết hạn; được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải người lao động nếu phù hợp các quy định của pháp luật.
Nhưng về tình, chỉ vì né thưởng mà tước đoạt công việc là nguồn sống duy nhất của một con người, một gia đình, lại đúng vào dịp Tết có gì đó hơi bất nhẫn, nếu không muốn nói là thiếu tình người.
Hiện Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, như giảm thuế, hạ lãi suất cho vay, miễn, giảm, gia hạn các khoản chi phí phải nộp... Ngược lại, một bộ phận DN đang được hưởng lợi từ điều đó lại chưa thực sự thấu hiểu mục đích sâu xa của chủ trương này trong việc đảm bảo việc làm và an sinh xã hội.
Nên chăng, Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành nên bổ sung quy định và chế tài để hạn chế việc người lao động bị chấm dứt hợp đồng trước mỗi dịp Tết cổ truyền.
Các cơ quan quản lý nhà nước về lao động cần tiến hành một số biện pháp như:
- Thiết lập đường dây nóng để có thể nắm bắt tình hình và tiếp nhận thông tin từ chính người lao động của DN.
- Thành lập các tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí và tuyên truyền để người lao động biết được những quyền cơ bản của mình và có thể đề nghị trợ giúp khi cần.
- Phát động phong trào đăng ký và cam kết không chấm dứt hợp đồng với người lao động trước mỗi dịp Tết, trừ trường hợp bất khả kháng.
- Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra các DN chấm dứt hợp đồng với người lao động trước mỗi dịp Tết. Bên cạnh đó, có những biện pháp phù hợp đối với những DN có dấu hiệu này liên tiếp nhiều năm.
Đảm bảo mọi người dân đều "có" Tết là việc mà các cơ quan chức năng cần quan tâm và có hành động thực tiễn, hiệu quả. Có như vậy an sinh xã hội và lòng dân mới được ổn định, cái tết của mỗi người, mỗi gia đình mới đầm ấm, yên vui.
Theo Xahoi
Tin vịt: Dành cho người quan tâm quà tết Phải công nhận rằng, bàn tán nhiều nhất khi sắp tết là thưởng tết, quà tết và lì xì. Quà Tết cho "nhà giàu vượt sướng" Cuối năm, công ty Sao Xẹt nhận được 6 suất hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn để họ ăn Tết. Tìm mãi mới được 5 người tương đối nghèo. Cuối cùng họ tìm thêm được...