Giáo sư Lâm Quang Thiệp có 5 góp ý để đào tạo giáo viên
Theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp, trong điều kiện định hướng thị trường việc đào tạo giáo viên nên triển khai trong các trường đại học đa lĩnh vực.
Việc đào tạo giáo viên ở nước ta, bên cạnh những thành tựu, còn tồn tại nhiều vấn đề.
Trong hàng chục năm qua tình trạng khi thừa khi thiếu giáo viên xảy ra thường xuyên. Có những năm tình trạng đó trầm trọng đến mức một số trường đại học sư phạm không tuyển được sinh viên, giảng viên không có việc làm.
Đó là chưa kể đến việc trình độ giáo viên không đáp ứng kịp sự tiến bộ của khoa học và công nghệ.
Tình hình nêu trên đặt vấn đề cần cấp bách đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên.
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp (Đại học Thăng Long) nêu một số ý kiến đóng góp về phương hướng đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên, từ ba góc độ: mô hình cơ sở đào tạo giáo viên, quy trình đào tạo giáo viên và việc quản lý chất lượng và cung cầu.
Theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp, cho đến nay hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên ở nước ta được xây dựng theo mô hình Liên Xô cũ: các trường đại học và cao đẳng sư phạm đơn lĩnh vực khép kín.
Các trường “đại học sư phạm” cũng không phải là “đại học giáo dục”, vì chúng được phân chia thành các khoa chủ yếu theo môn học phải dạy ở trường phổ thông, rất ít các khoa chuyên về khoa học giáo dục.
Sở dĩ ở Liên Xô cũ các trường đại học được xây dựng theo mô hình đơn ngành, đơn lĩnh vực khép kín vì mô hình đó phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung: chương trình đào tạo đại học liền một mạch theo chuyên môn hẹp, người tốt nghiệp được nhà nước phân phối vào các cơ sở kinh tế quốc doanh hoặc cơ quan nhà nước.
Khi chuyển qua kinh tế thị trường, mô hình nhà trường và quy trình đào tạo đó trở thành không phù hợp, nên nhiều nước có kinh tế chuyển đổi đã chuyển các trường đơn lĩnh vực thành đa lĩnh vực.
Mặc dù trong thời kỳ đầu đổi mới giáo dục đại học, Nhà nước ta cũng đã có chủ trương xây dựng các trường đại học mạnh theo mô hình đa lĩnh vực (các đại học quốc gia và đại học vùng), tuy tiến trình diễn ra không hoàn toàn suôn sẻ, dẫn đến hình thành các đại học “hai cấp”.
Các trường đại học sư phạm thì phần lớn vẫn duy trì mô hình đại học đơn lĩnh vực khép kín, trừ một số trường đã chủ động xin đa lĩnh vực hóa và đổi tên (Đại học Vinh, Đại học Hải Phòng, Đại học Quy nhơn).
Sở dĩ đại học đa lĩnh vực là mô hình trường đại học tối ưu trong nền kinh tế thị trường vì mô hình đó giúp trang bị tốt nền tảng giáo dục khai phóng (đào tạo theo diện rộng, coi trọng giáo dục đại cương); thuận lợi trong nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội và dễ thích nghi với biến động của thị trường nhân lực.
Video đang HOT
Theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp, trong điều kiện định hướng thị trường việc đào tạo giáo viên nên triển khai trong các trường đại học đa lĩnh vực. (Ảnh: Thùy Linh)
“Có thể thấy một lý do quan trọng tạo nên khó khăn trong tuyển sinh ở các trường đại học sư phạm là ở mô hình trường sư phạm đơn lĩnh vực khép kín.
Do đó, trong điều kiện định hướng thị trường việc đào tạo giáo viên nên triển khai trong các trường đại học đa lĩnh vực chứ không nên co cụm trong các trường đại học sư phạm đơn lĩnh vực khép kín”, Giáo sư Lâm Quang Thiệp đề xuất.
Về quy trình đào tạo giáo viên, Giáo sư Thiệp cho hay, đối với bậc trung học, trên thế giới thường có hai quy trình đạo giáo viên: đào tạo song song và đào tạo nối tiếp.
Giáo sư Lâm Quang Thiệp nói rõ thêm, đào tạo song song là cách thực hiện đào tạo môn học và đào tạo nghiệp vụ sư phạm đồng thời trong suốt chương trình đại học.
Theo quy trình này giáo viên được định hướng sư phạm ngay từ lúc bước vào đại học, chương trình môn học ở đại học bám sát chương trình môn học ở bậc phổ thông.
Đào tạo nối tiếp là đào tạo môn học trước, thường ở hai năm đầu đại học, đào tạo nghiệp vụ sư phạm sau, thực hiện ở hai năm cuối đại học. Một kiểu đào tạo nối tiếp nữa là đào tạo môn học ở chương trình cử nhân, và đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở chương trình cao học.
Ý tưởng của quy trình đào tạo nối tiếp này là trang bị cho sinh viên tiềm năng khoa học để họ vận dụng trong quá trình hành nghề chứ không phải “cầm tay chỉ việc”, đào tạo người thầy chứ không phải người “thợ dạy”.
Ưu điểm của đào tạo song song là sinh viên được “cầm tay chỉ việc” trong giảng dạy, dễ có các thao tác sư phạm tốt ngay từ khi ra trường.
Nhược điểm của đào tạo song song, một là kiến thức môn học của sinh viên không thật sâu sắc, hai là sinh viên khó chuyển đổi nghề nghiệp khi có biến động của thị trường nhân lực.
Nhược điểm của đào tạo nối tiếp có thể là ở giai đoạn đầu hành nghề người giáo viên chưa thật thành thạo việc giảng dạy,họ cần một thời gian để thích nghi.
Tuy nhiên ưu điểm của đào tạo nối tiếp là giáo viên hiểu sâu về môn học cũng như những kiến thức về khoa học giáo dục để vận dụng có hiệu quả trong suốt cuộc đời giảng dạy.
Mô hình đào tạo song song thường được thực hiện trong các trường đại học sư phạm đơn lĩnh vực khép kín, mô hình đào tạo nối tiếp lại được lựa chọn ở những nước đào tạo giáo viên trong các đại học đa lĩnh vực, hoặc ở các nước không có các trường đại học sư phạm mà chỉ có các khoa giáo dục trong đại học đa lĩnh vực (như Hoa Kỳ).
“Nếu xét theo định hướng thị trường thì đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp phù hợp hơn và có hiệu quả hơn”, vị này nêu quan điểm.
Ngoài ra, giáo sư Lâm Quang Thiệp cũng cho rằng, quản lý chất lượng đào tạo giáo viên cần chú ý đến đầu vào và quá trình đào tạo.
Do đó, muốn đầu vào tốt, tức là tuyển được những sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, cần có chính sách vĩ mô tạo nên sự hấp dẫn của nghề giáo viên.
Thầy Thiệp nêu ví dụ, trên thế giới có nhiều nước quy định giáo viên có mức lương cao, chẳng hạn nghề giáo viên ở Đài Loan có mức thu nhập cao hơn khoảng 20%-30% so với các ngành nghề khác.
Hoặc ở Hàn Quốc mức lương khởi điểm và mức lương khi về hưu của giáo viên đều cao hơn các mức trung bình tương ứng của các nước OECD.
Ngoài ra, có thể đưa ra các chính sách ưu tiên đối với sinh viên sư phạm khi cho vay và cấp học bổng trong quá trình học tập.
Muốn quá trình đào tạo tốt cần tạo cơ hội cho sinh viên sư phạm được học ở những môi trường đào tạo tốt nhất. Quy trình đào tạo nối tiếp chính là sự đảm bảo để sinh viên sư phạm được học các môn học ở các khoa khoa học cơ bản, nơi thường có các giáo sư giỏi nhất.
Và cần tạo một cơ chế liên thông nhằm đảm bảo cho sinh viên các chương trình cử nhân khoa học cơ bản được học nối tiếp ở các trường đại học sư phạm, hoặc sinh viên các trường kỹ thuật nông, công nghiệp được học nối tiếp ở các trường đại học sư phạm kỹ thuật để trở thành giáo viên.
Quản lý cung cầu có thể theo hai cơ chế: cơ chế đặt hàng và cơ chế dựa vào tín hiệu của thị trường.
Người đặt hàng cho các trường sư phạm có thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các Sở Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào dự báo nhu cầu về các loại giáo viên và các bậc học. Hiển nhiên muốn đặt hàng chính xác phải dự báo đúng nhu cầu giáo viên. Nếu việc đặt hàng được kèm theo các điều kiện cung cấp tài chính thì càng tốt.
Nếu theo cơ chế dựa vào tín hiệu của thị trường thì cần đảm bảo cho sinh viên có thể tự điều chỉnh ngành nghề.
Chính quy trình đào tạo nối tiếp tạo cơ hội cho sinh viên chuyển đổi ngành nghề sau hai năm đầu đại học.
Cơ chế tín dụng ưu đãi cho sinh viên sư phạm và miễn hoàn trả sau khi tốt nghiệp nếu họ hành nghề sư phạm cũng giúp sinh viên điều chỉnh theo thị trường.
Từ các phân tích trên Giáo sư Lâm Quang Thiệp đề xuất một số khuyến nghị cho việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống đào tạo giáo viên ở nước ta bao gồm:
Thứ nhất, không nên duy trì việc đào tạo giáo viên trong các trường đại học sư phạm khép kín. Để cho các trường đại học sư phạm tự chủ phát triển thành các đại học đa lĩnh vực, trong đó có thể ưu tiên lĩnh vực sư phạm.
Thứ hai, nên lựa chọn mô hình quy trình đào tạo nối tiếp, đặc biệt đối với giáo viên phổ thông trung học. Khi tiềm lực kinh tế của đất nước đảm bảo, nên ưu tiên đào tạo giáo viên phổ thông trung học theo mô hình: cử nhân khoa học cơ bản cao học nghiệp vụ sư phạm.
Thứ ba, nên ban hành quy chế liên thông giữa các trường đại học khoa học cơ bản và kỹ thuật công, nông nghiệp tương ứng với các trường đại học sư phạm và sư phạm kỹ thuật.
Thứ tư, nên có chính sách tín dụng và học bổng ưu tiên cho sinh viên sư phạm, chính sách miễn hoàn trả tín dụng nếu họ hành nghề sư phạm.
Thứ năm, Nhà nước cố gắng nâng hệ thống lương giáo viên ở mức độ có thể.
Thùy Linh
Theo giaoduc.net.vn
Bội thực đào tạo giáo viên
Tình trạng đội ngũ giáo viên nơi thừa, nơi thiếu cục bộ dẫn đến việc điều hành quản lý bất cập, dự báo nhu cầu chưa chính xác, chưa có chính sách kịp thời tháo gỡ nên nhiều đơn thư, ý kiến xảy ra ở nhiều nơi... là ý kiến của các đại biểu trong Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 của Bộ GD&ĐT sáng 6/8.
Tình trạng đội ngũ giáo viên nơi thừa, nơi thiếu cục bộ đang gây khó khăn cho quản lý.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm nhằm hình thành mạng lưới đào tạo giáo viên bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu về số lượng, cơ cấu và tăng cường năng lực giáo viên của các địa phương.
Tuy nhiên, đơn vị cũng thẳng thẳn chỉ ra, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc quy hoạch lại mạng lưới và xây dựng đề án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, không đồng nhất.
Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên. Bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 05 tỉnh Tây Nguyên. Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GDĐT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Thứ trưởng Bộ Nội Vụ - ông Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, những năm qua ngành Nội vụ luôn đồng hành với ngành giáo dục để giải quyết vấn đề đội ngũ tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Đó là tình trạng đội ngũ giáo viên nơi thừa, nơi thiếu dẫn đến việc điều hành quản lý bất cập. Các địa phương dự báo về số lượng giáo viên, học sinh trong độ tuổi đến trường chưa được chính xác; chưa có chính sách kịp thời tháo gỡ nên nhiều đơn thư, ý kiến xảy ra ở nhiều nơi.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thực hiện Nghị quyết T.Ư về việc tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trên thực tế, có một bộ phận phụ huynh sẵn sàng trả học phí cao hơn để con được học ở những trường ngoài công lập thì ở khu vực đô thị phải có tỉ lệ chuyển đổi cơ chế để giải quyết việc này. Các nước trên thế giới cũng thực hiện theo nguyên tắc là phân khúc cao sẽ xã hội hóa. Phải chăng, chúng ta giao cho cho các trường cơ chế tự chủ, Hội đồng nhân dân xem xét mức học phí, để từ học phí đó lo cho giáo viên sẽ giảm bớt gánh nặng quỹ lương.
Phó thủ tướng cũng chỉ ra vấn đề bất cập hiện nay trong đào tạo giáo viên đó là, mỗi năm có khoảng gần 20 nghìn giáo viên về hưu nhưng chỉ tiêu đào tạo sư phạm vẫn giao ở mức trên 50.000/ năm.
Hiện nay đào tạo sư phạm đang được nhà nước bao cấp nhưng chất lượng không cao, nhiều ra trường sinh viên không kiếm được việc làm. Vì vậy, Phó thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT có đề án cụ thể, các địa phương phải tính toán, đề xuất nhu cầu giáo viên trong 5-10 năm tới để đặt hàng các trường sư phạm có chất lượng tốt đào tạo giáo viên. Ngoài ra, các địa phương cũng phải trích một phần ngân sách để đào tạo lại đội ngũ giáo viên.
Theo Tiền phong
Trường ĐH Sài Gòn tuyển sinh bổ sung 2 ngành đào tạo giáo viên Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Sài Gòn vừa ra thông báo kể từ năm 2019 trường sẽ tuyển sinh thêm 2 ngành đào tạo giáo viên trung học cơ sở. Thí sinh thi THPT QG 2019 Cụ thể, Trường ĐH Sài Gòn sẽ tuyển sinh ngành sư phạm Khoa học tự nhiên (mã ngành 7140247) xét tuyển theo 2 tổ hợp môn...