Giáo sư của Đại học Tôn Đức Thắng có gì lạ?
Đại học Tôn Đức Thắng cho biết chỉ những cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên, hợp đồng làm việc với trường 1 năm trở lên mới được bổ nhiệm chức danh phó GS.
Quy định phong phó giáo sư, giáo sư của nhà trường do hiệu trưởng ký chia các chức danh này làm hai nhóm. Nhóm 1 có nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu gồm giáo sư trợ lý, giáo sư cộng tác, giáo sư. Nhóm 2 làm nhiệm vụ nghiên cứu gồm giáo sư trợ lý nghiên cứu, giáo sư cộng tác nghiên cứu, giáo sư nghiên cứu, giáo sư nghiên cứu xuất sắc.
Trong đó, tiêu chí để bổ nhiệm ở nhóm 1 xét cả các lĩnh vực nghiên cứu trong nước và quốc tế và giảng dạy. Ở trong nước, giáo sư trợ lý có 3 bài tác giả chính trên tạp chí quốc gia; Phó giáo sư có 5 bài tác giải chính; Giáo sư có 10 bài.
Quốc tế, giáo sư trợ lý có 2 bài ISI (1 bài là tác giả chính); Phó giáo sư có 5 bài ISI (3 bài tác giả chính); Giáo sư có 10 bài ISI (7 bài tác giả chính).
Tiêu chuẩn giảng dạy, giáo sư trợ lý có 2 năm giảng dạy đại học, hướng dẫn 2 thạc sĩ; Phó giáo sư có 5 năm giảng dạy, hướng dẫn 4 thạc sĩ; Giáo sư có 8 năm giảng dạy, hướng dẫn 2 tiến sĩ.
Ở nhóm 2, giáo sư trợ lý nghiên cứu công bố 4 bài ISI (3 bài tác giả chính), có 12 tổng số trích dẫn. Giáo sư cộng tác nghiên cứu có 10 bài ISI (7 bài tác giả chính), có 30 trích dẫn, dạy ít nhất 3 lớp, hướng dẫn 2 thạc sĩ và 2 tiến sĩ, chủ nhiệm 1 đề tài cấp bộ, có 2 phản biện tạp chí tối thiểu hạng 3.
Giáo sư nghiên cứu có 20 bài ISI (15 bài tác giả chính), 60 trích dẫn, dạy ít nhất 5 lớp, hướng dẫn thành công 4 thạc sĩ và 2 tiến sĩ, có 2 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp quốc gia, phản biện 4 tạp chí tối thiểu hạng 3, chủ tịch 1 chương trình hội thảo, có 1 báo cáo tại hội thảo quốc gia.
Đối với giáo sư nghiên cứu xuất sắc phải có công trình trên tạp chí ngoại hạng (Nuture, Science) hoặc các giải thưởng khoa học đặc biệt, thuộc hạng chuyên gia 2, có 1 sách hạng nhất, hướng dẫn thành công 8 thạc sĩ và 4 tiến sĩ, có 4 đề tài cấp bộ, 2 cấp quốc gia, phản biện 4 tạp chí, chủ tịch 1 hội thảo, có 1 báo cáo tại hội thảo quốc tế.
Tất cả các cá nhân được phong phải tốt nghiệp đại học, sau đại học ngôn ngữ học tiếng Anh, hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế B2, khung châu Âu, IELTS 5.5, TOEFL BPT 500, TOEFL iBT 61, TOEIC 600. Đối với khối ngành kinh tế xã hội trường áp dụng lượng quy đổi thấp hơn.
Ngoài ra trường cũng áp dụng mức quy đổi sản phẩm như 1 bằng sáng chế Mỹ (hạng 1, tác giả thứ nhất) tương đương 2 bài ISI (tác giả chính) 1 bằng sáng chế Mỹ hạng 2, tác giả nhất tương đương 1 bài ISI; 1 bài ISI tương đương 1 đề tài fostect, 2 bài ISI bằng 1 đề tài cấp quốc gia, 3 bài ISI bằng 1 đề tài cấp quốc tế…
Cũng theo quy định này, sau khi được phong, các phó giáo sư, giáo sư ngoài thực hiện trách nhiệm với nhà trường, tham gia các hoạt động giảng dạy, biên soạn chương trình… Ở nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và tổ chức nghiên cứu khoa học người có chức vụ chuyên môn kiêm nhiệm chức vụ quản lý phải công bố ít nhất 1 bài SJR hoặc 1 bài ISI trong vòng mỗi 5 năm.
Nhân sự chuyên môn làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy phải công bố 1 bài ISI trong thời gian nhất định. Ở nhóm 1 giáo sư trợ lý trong vòng mỗi 4 năm, giáo sư cộng tác trong vòng mỗi 3 năm, giáo sư trong vòng mỗi 2 năm.
Ở nhóm 2, giáo sư trở giảng nghiên trong vòng mỗi 3 năm, giáo sư cộng tác nghiên trong vòng 2 năm, giáo sư nghiên cứu công bố hằng năm, giáo sư nghiên cứu xuất sắc 2 bài/năm.
Cá nhân sau khi được phong bị phát hiện không đủ tiêu chuẩn, vi phạm đạo đức nhà giáo bị huỷ bỏ quyết định bổ nhiệm. Trường cũng miễn nhiệm những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, bị kỉ luật, bị bệnh kéo dài trên 6 tháng, xin từ nhiệm…
Theo Lê Huyền/ Báo Vietnamnet
Video đang HOT
Bộ GD&ĐT: 'Không thể tồn tại 2 hệ thống giáo sư'
Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Hải Thập cho biết như vậy trong cuộc trao đổi xung quanh việc xét, công nhận bổ nhiệm chức danh GS, PGS của ĐH Tôn Đức Thắng.
- Với vai trò quản lý nhà nước, ông đánh giá thế nào về việc làm của ĐH Tôn Đức Thắng?
- Theo thông tin báo chí phản ánh về ĐH Tôn Đức Thắng, và tìm hiểu thì chúng tôi thấy có 3 nội dung cần phải nêu.
Một là ĐH Tôn Đức Thắng chưa thực hiện phong hàm GS cho bất kỳ đối tượng nào. Việc sử dụng từ "phong hàm" do một số báo dùng chứ nhà trường không thực hiện phong hàm.
Thứ hai, ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức xây dựng và ban hành quyết định 881 - trong đó quy định về tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục bổ nhiệm chức vụ chuyên môn của nhà trường.
Sau khi ban hành xong thì tình hình triển khai như thế nào - qua trao đổi thì chúng tôi thấy rằng nhà trường chưa triển khai thực hiện, chưa bổ nhiệm cho bất kỳ nhà giáo nào. Chưa có người nào được bổ nhiệm theo quy trình của quyết định 881. Như vậy chưa có hậu quả.
Ông Nguyễn Hải Thập trao đổi với VietNamNet chiều 22/9. (Ảnh: Văn Chung).
Đánh giá việc này thì chúng tôi thấy rằng việc soạn thảo văn bản của nhà trường không phải sở trường của nhà trường. Các trường ĐH không có kinh nghiệm trong việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Vì lý do đó - khi đọc văn bản thì chúng tôi nhận thấy đây là lỗi của bộ phận soạn theo văn bản, do sơ xuất thiếu cơ sở pháp lý nên văn bản chưa chặt chẽ.
Sau khi trao đổi với nhà trường thì nhà trường cũng nhận thấy và đã dừng lại không thực hiện văn bản đó nữa. Và nhà trường cũng đang làm báo cáo gửi Bộ GD-ĐT và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trao đổi qua điện thoại thì nhà trường đã làm báo cáo và đã gửi. Khi nào nhận được báo cáo chúng tôi sẽ có tìm hiểu cụ thể hơn.
Chưa giao việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các trường
- Bên cạnh những ý kiến không ủng hộ cách làm của ĐH Tôn Đức Thắng cũng không ít ý kiến lập luận cho rằng đây là "cách làm mới cần phải nghiên cứu để thực hiện trong vấn đề phân cấp". Cá nhân ông có cho rằng vấn đề này cần có nghiên cứu?
- Hiện nay Giáo dục ĐH Việt Nam đã phát triển ở tầm cao hơn. Trường ĐH được chủ động, tự chủ hơn - trong đó có cả tự chủ về hội nhập quốc tế. Trong quá trình hội nhập quốc tế thì các trường cũng thấy rằng thế giới có rất nhiều trường ĐH được tự chủ, được tự xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS của các trường. Ví như các trường ĐH của Anh, Pháp, Mỹ...
Tuy nhiên, áp dụng với các trường ĐH Việt Nam có vấn đề cần phải trao đổi. Cụ thể, các nước mà trường ĐH được tự chủ nhưng trình độ giảng dạy, nghiên cứu các lĩnh vực khoa học họ cao hơn Việt Nam nhiều. Các trường ĐH Việt Nam đã đạt được đến tầm đó chưa thì cần có đánh giá - nếu đạt đến tầm đó thì việc giao quyền tự chủ chắc không có gì khó khăn.
Để đạt đến vấn đề đó thì hiện nay, trong quyết định của Thủ tướng cũng có tiến một bước rồi. Trước đây, quyết định 174 quy định việc xét đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm GS, PGS do cơ quan nhà nước thực hiện và Hội đồng Chức danh Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn. Bộ GD-ĐT được giao việc ra quyết định bổ nhiệm.
Nhưng đến quyết định 20 của Thủ tướng ban hành năm 2012 thì phần quyết định bổ nhiệm giao cho hiệu trưởng các trường ĐH rồi. Như vậy hiệu trưởng các trường có quyền bổ nhiệm các chức danh GS, PGS trong trường ĐH trên cơ sở công nhận đạt tiêu chuẩn của Hội đồng Chức danh GS nhà nước.
Tiến tới nếu giao việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho trường nữa thì phải xem những trường nào đủ đội ngũ GS, PGS thực hiện việc này. Theo như chúng tôi được biết thì nhiều trường ĐH mới thành lập hiện nay còn thuê cả giảng viên thỉnh giảng, chưa có GS-PGS thì làm sao tổ chức hội đồng xét được.
Số lượng trường ĐH chưa có GS hiện có rất nhiều. Cũng có trường ĐH chỉ có vài GS, PGS. Như vậy đội ngũ GS, PGS ở các trường ĐH hiện rất thiếu nên việc giao cho các trường xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS thì phải có đánh giá quy định hiện hành có vấn đề gì cần điều chỉnh - cần phải có đánh giá kỹ.
Mặt khác, cần phải đánh giá năng lực của các trường ĐH thì mới có thể giao tự chủ cho trường trong vấn đề này.
Hiện nay chúng tôi mới dừng ở việc nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo Bộ chứ chưa có chủ trương giao việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các trường.
- Theo những phân tích ông vừa nêu thì ĐH Tôn Đức Thắng chưa đủ tiêu chuẩn...
- ĐH Tôn Đức Thắng rất mong muốn nâng cao chất lượng đội ngũ của nhà trường. Trường cũng được giao nhiệm vụ thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ theo hướng tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Trong việc thực hiện đổi mới thì lực lượng giảng viên là đội ngũ nòng cốt - trong đó đi đầu là đội ngũ GS, PGS - nên nhà trường cũng mong muốn có được đội ngũ GS, PGS đầu đàn để triển khai.
Ý tưởng của ĐH Tôn Đức Thắng được đưa vào trong văn bản của nhà trường. Tuy nhiên kỹ thuật soạn thảo văn bản của nhà trường có lỗi nên nhà trường chưa thực hiện và đã dừng lại.
Phải có rà soát, đánh giá
- Ông có cho rằng đã đến lúc cần có nghiên cứu đề xuất để thay đổi cách bổ nhiệm chức danh GS, PGS?
- Tôi nghĩ với mong muốn của các trường ĐH và sự phát triển của giáo dục ĐH Việt Nam như hiện nay thì nên xem xét các bước đi cụ thể.
Ông Nguyễn Hải Thập trao đổi với VietNamNet chiều 22/9.
Một là, phải tổ chức đánh giá rà soát lại tác động của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS hiện hành xem mặt tích cực và hạn chế như thế nào. Sau đó lấy ý kiến rộng rãi các nhà giáo, các nhà khoa học, các cơ sở giáo dục. Thậm chí tham khảo ý kiến các nước trên thế giới xem xét đến nay có giao tự chủ hơn nữa cho các trường ĐH hay chưa?
Nếu tỷ lệ ý kiến đồng thuận cao thì phải báo cáo các cấp có thẩm quyền. Cụ thể là báo cáo Thủ tướng Chính phủ thay đổi các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Vì khi giao tự chủ thì phải được thể hiện trong văn bản luật. Hiện nay, trên cơ sở các quy định của hệ thống văn bản hiện hành thì không thể nói một câu là có thể giao được.
Thứ hai, phải đánh giá xem các trường có đủ năng lực. Hiện cũng có những ĐH phát triển được coi là trọng điểm như các ĐHQG, các ĐH vùng... nhưng nhiều trường chất lượng đội ngũ vẫn thấp. Vậy nếu giao đồng đều thì các trường có đủ năng lực để thực hiện nên phải có lộ trình.
- Từ cách làm của ĐH Tôn Đức Thắng cũng có đề xuất nên tồn tại hai chức danh GS là GS do trường bổ nhiệm và GS do Hội đồng chức danh GS nhà nước bổ nhiệm. Ý kiến của ông về đề xuất này?
-Vấn đề này cần phải tìm hiểu kỹ pháp luật. ĐH Tôn Đức Thắng là trường công lập - là đơn vị sự nghiệp của nhà nước. Mà đơn vị sự nghiệp của nhà nước thì các chức danh chuyên môn nếu được tuyển dụng (theo Luật Viên chức hoặc ký hợp đồng theo Luật Lao động).
Tuyển dụng theo Luật Viên chức hiện có Nghị định 29 và các thông tư hướng dẫn và bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Có chức danh GS, PGS thì đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Do đó, không thể tồn tại hai hệ thống trong một đơn vị. Nếu như ĐH Tôn Đức Thắng trình Thủ tướng xin phép thí điểm về chức danh GS, PGS - được đồng ý thì chúng tôi không có ý kiến. Còn hiện chưa có quy định nên chúng tôi không bàn về vấn đề này.
- Hiện Bộ GD-ĐT đã có tham mưu xem xét mở rộng vấn đề công nhận đạt tiêu chuẩn PGS, GS, đánh giá tác động của các quy định hiện hành với thực tiễn phát triển giáo dục ĐH hiện nay như thế nào?
Hiện mới được trao đổi trong các đơn vị chức năng. Trước hết như tôi đã nói phải đánh giá lại hệ thống văn bản xem điểm nào bất cập, điểm nào hạn chế mới đi lấy ý kiến. Còn văn bản tốt thì không phải điều chỉnh, thay đổi.
Quy trình bổ nhiệm sẽ tinh gọn hơn
- Với vai trò tham mưu thì ông có thể cho biết đến bao giờ các trường ĐH được công nhận chức danh GS, PGS mà không phải thông qua nhà nước? Bởi thực tế quy trình xét, công nhận bổ nhiệm hiện này được cho là cồng kềnh...
- Mình không thể trả lời ngay vấn đề này khi hệ thống các văn bản quy định hiện hành chưa có quy định. Khi nào hệ thống văn bản có sửa đổi thì mới giao các trường tự xét và công nhận chức danh GS, PGS.
Do đó, hiện chưa thể khẳng định có nên tồn tại hai chức danh GS của nhà trường và GS của nhà nước hay không. Muốn làm việc này phải có đánh giá toàn diện và báo cáo Thủ tướng xem xét.
Quy trình bổ nhiệm theo 3 cấp hiện nay chúng tôi, Hội đồng chức danh GS nhà nước cũng hiểu được sự cồng kềnh và sẽ có đề xuất quy trình tinh gọn hơn. Việc này chúng tôi cũng đã biết và sẽ có nghiên cứu đề xuất điều chỉnh.
- Cảm ơn ông!
Theo Kiều Oanh - Ngân Anh - Văn Chung/VietNamNet
Trường bổ nhiệm PGS, GS: Có ủng hộ nhưng cũng băn khoăn Các chuyên gia đã có nhiều góc nhìn khác nhau trước sự kiện ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm PGS, GS. * GS.TS Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM, Ủy viên Hội đồng chức danh GS ngành kinh tế: Trường tự bổ nhiệm, cần thêm thời gian Những quyết định của Chính phủ về việc bổ nhiệm PGS,...