Giao lưu trực tuyến: Giải pháp nào ngăn tiêu cực và đảm bảo công bằng trong kỳ thi THPT quốc gia?
Từ những bê bối sai phạm tại Hội đồng thi ở Sở GD-ĐT Hà Giang, Sơn La và một số địa phương khác cho thấy, mặc dù quy trình tổ chức thi chặt chẽ nhưng việc triển khai thực hiện kỳ thi THPT quốc gia tại các địa phương lại để nhiều sơ hở. Vậy, giải pháp nào để ngăn tiêu cực và đảm bảo công bằng khách quan trong kỳ thi THPT quốc gia?
Giải pháp nào ngăn tiêu cực và đảm bảo công bằng trong kỳ thi THPT quốc gia?
Hiện nay, việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia tại các địa phương do Sở GD-ĐT chỉ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp tổ chức với phần lớn các môn thi/bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng; bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình chặt chẽ là giải pháp tốt để đảm bảo độ tin cậy, tính khách quan của kết quả thi.
Tuy nhiên, tính nghiêm túc, trung thực, độ tin cậy của kết quả thi sau vụ bê bối điểm thi ở Hà Giang, Sơn La cho thấy, trong mỗi khâu của quá trình tổ chức thi chưa nghiêm túc, sơ hở… sai phạm xảy ra đã vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi.
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc chống tiêu cực trong coi thi là công việc khó khăn và phức tạp nhất do nó liên quan đến hoạt động của hàng triệu thí sinh và hàng trăm nghìn cán bộ làm nhiệm vụ khi kỳ thi đang diễn ra. Việc khó khăn này Bộ GD-ĐT đã làm được và thành công.
Còn tiêu cực chấm thi, nếu có xảy ra chỉ liên quan đến hoạt động của một số người rất hạn chế. Đặc biệt chấm thi trắc nghiệm thì chỉ có một số rất ít người chịu trách nhiệm trực tiếp liên quan. Vì thế việc chống tiêu cực ở chấm thi trắc nghiệm không khó thực hiện so với việc chống tiêu cực trong quá trình coi thi. Nhưng thực tế, tiêu cực trong thi cử vẫn xảy ra nghiêm trọng như vừa qua ở khâu này.
Vậy, nếu tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay thì giải pháp nào ngăn ngừa tiêu cực trong khâu chấm thi?
Các trường ĐH nên có phương thức tuyển sinh như thế nào để đảm bảo công bằng, khách quan khi sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia?
Báo Dân trí tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề này để bạn đọc đặt câu hỏi với các khách mời:
1. GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại
Video đang HOT
2. PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
3. Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc – người đầu tiên phát hiện điểm thi cao bất thường của các tỉnh Hà Giang, Sơn La và một số tỉnh khác.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc
Mời bạn đọc đặt câu hỏi với 3 vị khách mời trên.
Ban Giáo dục
Theo Dân trí
Tuyển sinh đại học ở Đức và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam
Công tác chấm thi tốt nghiệp phổ thông cần được tổ chức khách quan, không nên để địa phương tự chấm thi mà có thể phân cho các đại học chấm thi kết quả này.
Theo dõi thông tin về hiện tượng "điểm thi bất thường" trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, độc giả Diệp Phương Chi, nghiên cứu sinh về giáo dục tại Đức đã gửi tới VietNamNet bài viết từ tuyển sinh đại học ở Đức, soi về thi tốt nghiệp ở Việt Nam. Dưới đây là góc nhìn của tác giả.
Đại học Đức tuyển sinh như thế nào?
Hình thức thi đầu vào: Thường áp dụng với các ngành nghệ thuật và năng khiếu (ví dụ như vào các học viện về mỹ thuật, các ngành sân khấu điện ảnh v.v...). Ở kì thi này, thí sinh phải chứng minh năng khiếu của mình trước một hội đồng chuyên gia.
Ngoài ra ở một số chuyên ngành khác cũng có thể có hình thức thi đầu vào, tùy vào trường đại học tiếp nhận có quyền quyết định nội dung và hình thức, nhưng nhìn chung nội dung chỉ nhẹ nhàng, người đăng kí có thể làm dưới dạng bài TestOnline để kiểm tra kiến thức chung hoặc một số kĩ năng cần thiết (ví dụ như để đánh giá xem người đăng kí có khả năng viết luận tốt như thế nào hoặc đánh giá về biểu đồ tốt như thế nào v.v...). Ở ngành Y Dược, người đăng kí có thể tham gia vào kì thi đầu vào để lấy điểm cộng, kì thi này không bắt buộc, nhưng nếu như tham gia thi và đạt điểm cao thì điều này có thể bù đắp cho điểm số thi tốt nghiệp phổ thông chưa được cao lắm của người đăng kí.
Hình thức phỏng vấn để chọn lựa: đây không phải là thi vấn đáp mà là một cuộc phỏng vấn từ trung tâm khảo thí của phía trường đại học để tìm hiểu và đánh giá về động lực và sự phù hợp cá nhân của người đăng kí đối với ngành dự tuyển. Người phỏng vấn phải được đào tạo và buổi phỏng vấn phải tổ chức chuyên nghiệp theo một quy trình nhất định mà theo đó, người phỏng vấn sẽ ghi nhận lại các câu trả lời, cách phản ứng và khả năng giải quyết các nhiệm vụ nhỏ của ứng viên. Hình thức phỏng vấn để chọn lựa và hình thức thi đầu vào Online như đã nói phía trên ngày càng phổ biến, nhất là tại các đại học tư.
Hình thức đăng kí tại doanh nghiệp/ công ty: Tại Đức có hệ thống đào tạo kép với sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Bên cạnh chương trình đào tạo nghề theo hệ thống kép thì cũng có dạng đào tạo kết hợp cả đào tạo nghề và đào tạo bậc đại học theo hệ thống kép. Có khoảng 910 chương trình cấp bằng kép (bằng đại học lẫn bằng nghề) được phối hợp giữa doanh nghiệp/ công ty với các học viện hàn lâm, các đại học ứng dụng và các đại học hàn lâm. Người học không đăng kí trực tiếp tại đại học mà đăng kí tại doanh nghiệp với hồ sơ gồm bài luận, các bằng cấp, học bạ và lí lịch. Doanh nghiệp sẽ tổ chức phỏng vấn để chọn lựa. Việc phỏng vấn chọn lựa này diễn ra khoảng một năm trước khi việc đào tạo bắt đầu.
Hồ sơ sản phẩm nghệ thuật (Mappe): Với một số ngành nghệ thuật và thiết kế, để tuyển đầu vào, trường đại học hoặc học viện nghệ thuật sẽ xem xét hồ sơ sản phẩm của ứng viên gửi đến (ví dụ như ảnh, bản vẽ, phim tự tạo v.v...). Việc xét hồ sơ sản phẩm để lựa chọn học viên này thường có độ cạnh tranh rất cao vì các xuất học tại các học viện nghệ thuật khá ít.
Bài luận về động lực học tập: Một số chuyên ngành đại học muốn ứng viên trình bày động lực của mình khi tham gia đăng kí vào chuyên ngành. Bài luận này sẽ được kiểm soát kĩ để loại trừ khả năng người viết copy từ những mẫu có sẵn. Các vấn đề về kinh nghiệm nghề nghiệp (làm thêm trong kì nghỉ), thực tập, các mối quan tâm và sở thích cá nhân liên quan đến chuyên ngành sẽ nâng cao cơ hội cho người dự tuyển.
Xét điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông: Đa số các trường đại học tại Đức xét nhận sinh viên đầu vào từ điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông. Mỗi trường sẽ đưa các ứng viên vào một danh sách xếp hạng theo điểm tốt nghiệp phổ thông của họ. Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số lượng người đăng kí của mỗi năm học mà nhà trường sẽ đưa ra một điểm chuẩn đầu vào. Ứng viên có điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông từ điểm chuẩn này trở lên thì được nhận vào, còn thấp hơn thì bị loại. Những ứng viên bị loại có thể nhanh chóng đăng kí vào một đại học khác để tìm cơ hội khác, vì điểm chuẩn cho cùng một chuyên ngành của các đại học khác nhau là khác nhau.
Ngoài ra, tuỳ chuyên ngành mà các trường đại học lại có những đòi hỏi bổ sung bên cạnh việc xét điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông. Ví dụ: Ngành Sư phạm nghề (tốt nghiệp ra làm giáo viên dạy nghề), bên cạnh xét điểm tốt nghiệp phổ thông thì còn đòi hỏi ở người dự tuyển kinh nghiệm một năm làm việc hoặc thực tập trong chuyên ngành đó (cũng có trường cho nợ tiêu chuẩn này, người học có thể tích lũy và đáp ứng từ từ trong quá trình học).
Trên đây vừa trình bày một số các hình thức tuyển sinh đầu vào của các đại học tại Đức.
Việt Nam: Trường đại học sẽ chấm thi THPT quốc gia?
Trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta có thể vận dụng cho phép các trường đại học tự quyết hình thức tuyển sinh của mình dựa trên sự kết hợp xét cùng lúc các cơ sở:
(1) Điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông;
(2) Học bạ;
3) Kì thi đầu vào/ phỏng vấn đầu vào/ viết luận đầu vào hoặc thi năng khiếu đầu vào do trường đại học tự tổ chức dựa trên đặc thù của trường và yêu cầu cụ thể của trường (Lưu ý cơ sở thứ ba này chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết tuỳ theo yêu cầu của nhà trường nhằm tránh lãng phí và cồng kềnh trong thi cử).
Tỉ lệ phần trăm giữa các cơ sở này do trường tự quyết định.
Ví dụ: có trường có thể lựa chọn tỉ lệ điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông chiếm 50%, xét học bạ chiếm 30% và thi đầu vào/ viết luận/ phỏng vấn tại trường chiếm 20%; ngược lại, cũng có trường có thể lựa chọn tỉ lệ điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông chiếm 20%, xét học bạ chiếm 10%, thi năng khiếu đầu vào chiếm 70%; hoặc trường hợp có đại học không tổ chức thi đầu vào/ phỏng vấn đầu mà chỉ xét điểm tốt nghiệp và học bạ, tỉ lệ có thể do trường tự quyết định.
Giả sử không còn kì thi tốt nghiệp phổ thông, thì các đại học có thể xét tuyển đầu vào bằng cách xét học bạ phổ thông kết hợp kì thi đầu vào/ phỏng vấn/ thi năng khiếu khi cần thiết.
Tại nước ta, trong bối cảnh hiện nay vẫn duy trì kì thi tốt nghiệp phổ thông thì trong mọi trường hợp, điểm thi tốt nghiệp phổ thông vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xét tuyển đầu vào của các trường đại học.
Do đó, việc đảm bảo chất lượng tổ chức kì thi tốt nghiệp và chấm thi tốt nghiệp tại các địa phương là rất quan trọng, nhằm tránh tình trạng các đại học phải nhận sinh viên với kết quả thi tốt nghiệp phổ thông "ảo" (như trường hợp phù phép điểm thi ở Hà Giang vừa qua) gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên đầu vào.
Do đó, cần nâng cao công tác thanh tra bảo vệ tại kì thi tốt nghiệp tại các địa phương, tăng cường thanh tra chéo (từ phía Bộ và các trường đại học xuống thanh tra trong kì thi), đồng thời công tác chấm thi tốt nghiệp phổ thông cần được tổ chức khách quan, không nên để địa phương tự chấm thi mà có thể phân cho các đại học chấm thi kết quả này.
Các đại học là những đơn vị sẽ dùng kết quả thi này mà xét tuyển sinh viên vào trường, do đó, việc các đại học chấm thi kết quả tốt nghiệp phổ thông cũng là một phương án khả thi.
Ngoài ra, việc thành lập các trung tâm khảo thí để chấm kết quả thi tốt nghiệp cũng là một giải pháp, tuy nhiên giải pháp này gây tốn kém chi phí hơn giải pháp đã nêu.
Diệp Phương Chi (Giảng viên ĐH Sư phạm kĩ thuật Tp.HCM, nghiên cứu sinh ngành Sư phạm nghề kĩ thuật, ĐH Kĩ thuật Dresden, CHLB Đức)
Theo vietnamnet.vn
Sự kiện điểm thi Hà Giang: Nên chuyển kỳ thi "2 trong 1" sang kỳ thi trên máy tính? Khi tổ chức một kỳ thi Đại học bằng hình thức trắc nghiệm nên chuyển sang thi trắc nghiệm trên máy tính... lúc đó không ai có thể can thiệp vào kết quả của bài thi được nữa, lại có điểm ngay và không thể có tiêu cực thi như ở Hà Giang. Càng thi trên giấy càng dễ nảy sinh tiêu cực...