Giáo dục VN: Chênh vênh kiềng hai chân
Cần xem xét nhận thức về mức độ nghiêm trọng của sự xuống cấp và lạc hậu của nền giáo dục đã thực sự khủng khoảng chưa hay cơ bản vẫn là tốt. Nếu đã khủng hoảng thì phải cải cách triệt để.
“Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế” đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Tuy nhiên, đổi mới căn bản, toàn diện thế nào không phải là câu hỏi dễ trả lời. Ngày 29/9, tại Hà Hội, đông đảo các GS, trí thức đã tham gia hội thảo Trí thức thủ đô với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam do Liên hiệp Các Hội khoa học Kỹ thuật Hà Nội tổ chức.
Lạc hướng, lạc điệu!
Theo GS Hoàng Tụy, từ nhiều năm qua, giáo dục của ta không chỉ lạc hậu mà còn đi lạc hướng xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh. Ông nhấn mạnh lỗi thiết kế hệ thống của giáo dục – nguyên nhân sâu xa của mọi khó khăn, vấp váp của chúng ta – chính là sự lạc hướng, lạc điệu, không giống ai. GS Chu Hảo cũng nhất trí với quan điểm này và cho rằng giáo dục đang khủng hoảng, cần một cuộc cách mạng thực sự chứ không phải chỉ là “đổi mới căn bản và toàn diện”.
GS Hoàng Xuân Sính phát biểu tại hội thảo
Video đang HOT
Theo GS Chu Hảo, vấn đề ở đây chính là nhận thức về mức độ nghiêm trọng của sự xuống cấp và lạc hậu của nền giáo dục đã thực sự khủng khoảng chưa hay cơ bản vẫn là tốt. Theo ông, nếu đã khủng hoảng thì phải cải cách triệt để.
GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Sách, giáo viên, trường lớp là 3 vấn đề được mọi quốc gia, mọi thể chế và mọi thời đại coi trọng. Song ở nước ta, cả ba yếu tố nền tảng kể trên đều có vấn đề nghiêm trọng. Chương trình giáo dục chính thức nhất quán từ phổ thông đến ĐH chưa có, chưa bàn bạc thống nhất phê duyệt ở cấp quốc gia về những nội dung chương trình cần phải giảng dạy ở tất cả các cấp học thì đã vội vàng biên soạn sách giáo khoa.
Hậu quả là bậc phổ thông học sinh bị bội thực về sách, bậc ĐH thì đói sách học chay triền miên. Chương trình giáo dục ở phổ thông quá nặng và xa rời với chuẩn quốc tế (phải bỏ đi khoảng 30%-50% khối lượng kiến thức – có môn như môn toán phải bỏ tới 60% khối lượng và viết lại cho phù hợp với quốc tế và đặc thù của lứa tuổi phổ thông).
Giáo viên ở bậc phổ thông chỗ thừa chỗ thiếu, việc chuẩn hóa thiếu cơ sở khoa học, ở bậc ĐH thiếu khoảng 20.000 giáo viên nhưng việc sử dụng những trí thức có học hàm học vị hiện có lại nhiều bất cập về cách thức sử dụng và đãi ngộ. Người có trình độ bậc cao, trong đó không ít người có trình độ nghiên cứu và giảng dạy thuộc đẳng cấp quốc tế, cứ đến tuổi là cho về hưu, ngược với xu thế chung về sử dụng đội ngũ chuyên gia giỏi trên thế giới.
Lãng phí ghê gớm
Một vấn đề nhức nhối nữa cũng được các trí thức đề cập, đó là mất cân đối trong hệ thống giáo dục quốc dân và cơ cấu nguồn nhân lực. GS Nguyễn Xuân Hãn ví von: Giáo dục phổ thông, ĐH và dạy nghề được ví như 3 chân kiềng cân đối hài hòa tạo thành hệ thống giáo dục quốc dân hoàn chỉnh, song năm 1993 ta đã thay đổi, gần như xóa bỏ nhánh dạy nghề, hệ thống giáo dục quốc dân trở thành hình trụ. Học sinh vào học lớp 1 phổ thông và đầu ra là thi ĐH, cái kiềng chỉ còn 2 chân, chênh vênh không bền vững.
Theo thống kê, số trường ĐH, CĐ hiện nay là khoảng 500 trường, dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ có khoảng 576 trường, số lượng sinh viên là 4,5 triệu. So với năm 1987, số trường ĐH, CĐ tăng gấp 5 lần, số sinh viên tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. PGS Đặng Danh Ánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu – Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ, nêu lên bất cập giữa quy mô giáo dục tăng mạnh so với trước nhiều lần nhưng vốn kiến thức cơ bản và văn hóa của học sinh phổ thông rất yếu, khả năng thực hành sáng tạo và độc lập nghiên cứu của sinh viên cực kém, trong khi đó năng lực ứng dụng kiến thức đã học của thạc sĩ, tiến sĩ và thực tiễn lại càng hạn chế.
GS Nguyễn Xuân Hãn bức xúc việc mở rộng ĐH ồ ạt không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, vượt xa sức chịu đựng của nền kinh tế. Chất lượng đào tạo của ta rất thấp, bằng cấp của ĐH Việt Nam chưa được thị trường lao động quốc tế thừa nhận, đào tạo mà không sử dụng được là sự lãng phí ghê gớm. Hiện 63% sinh viên ĐH, CĐ thất nghiệp.
Nghề giáo và người thầy bị hạ thấp
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói bà không vui khi các kết quả điều tra mới nhất cho thấy một tỉ lệ lớn giáo viên phổ thông không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành. Sắp tới đây, chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn vì phần lớn sinh viên đang học các trường sư phạm vốn chỉ là học sinh trung bình, phương pháp đào tạo lại quá lạc hậu.
Theo bà Nguyễn Thị Bình, trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông chính là họ không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp Nhà nước trả không đủ bảo đảm cho họ có một cuộc sống tươm tất. Để tự cứu mình, nhiều giáo viên phải dạy thêm dẫn đến dạy thêm tràn lan, sự xuống cấp về đạo đức cũng khiến giáo viên bị lây nhiễm và vì thế, vị thế của nghề giáo, người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội.
PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, chỉ ra sự thiển cận của những người làm chính sách kinh tế lao động cho giáo viên. Không có thầy giỏi, tâm huyết với nghề sẽ không có “nhân cách – nhân lực” tốt cho đất nước. Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh cần phải tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đồng thời sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để giáo viên trường công và gia đình họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình trong xã hội.
GS Nguyễn Xuân Hãn đưa ra đề nghị Nhà nước tách lương giáo viên thành hệ thống lương riêng trong đợt cải cách lương sắp tới như các nước, không để chung trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp, đồng thời tăng lương cho giáo viên tương xứng với “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Theo người lao động
GS Hoàng Tụy: Nền giáo dục còn nhiều hạn chế
Tại hội thảo "Trí thức Thủ đô với đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 2012-2020", Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng nền giáo dục của chúng ta không chỉ lạc hậu mà còn nhiều hạn chế thiên về dạy kiến thức, nhẹ về giáo dục bồi dưỡng nhân cách...
Hội thảo do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức ngày 29/9 tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, những người tâm huyết với sự nghiệp trồng người nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, các giáo sư: Phan Huy Lê, Hồ Ngọc Đại, Phạm Minh Hạc, Hoàng Xuân Sính, Chu Hảo, Nguyễn Đình Chú, Lê Hải Châu...
Với gần 20 báo cáo, kiến nghị của các nhà giáo, các nhà khoa học, giới trí thức Thủ đô đem đến hội thảo nhằm làm sáng tỏ 4 vấn đề lớn: Chương trình, sách, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp; Hệ thống giáo dục quốc dân và cơ cấu nguồn nhân lực; Chế độ đối với đội ngũ giáo viên hiện nay; Đầu tư và hiệu quả.
Quang cảnh hội thảo "Trí thức Thủ đô với đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 2012-2020." (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chỉ rõ những yếu kém tồn tại lâu nay chưa được khắc phục; đồng thời cũng đưa ra các giải pháp cụ thể và khả thi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam, với mong muốn chấn hưng lại sự nghiệp giáo dục mà lâu nay xã hội cho rằng đã lạc hậu cần phải đổi mới.
Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn phải dạy làm người. Muốn dạy làm người hiệu quả cần phải có nội dung và cách dạy phù hợp. Hiện nay, nền giáo dục của chúng ta không chỉ lạc hậu mà còn nhiều hạn chế thiên về dạy kiến thức, nhẹ về giáo dục bồi dưỡng nhân cách...
Theo Giáo sư Chu Hảo để "Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam" cần phải có cuộc Tổng điều tra giáo dục ở quy mô quốc gia. Có như vậy, mới biết được hiện chúng ta đang yếu kém nhất khâu nào và yếu kém đến mức độ nào từ đó có những giải pháp và lộ trình, cách thức đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phù hợp,...
Phát biểu tại hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, chúng ta cần một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và tiên tiến. Do vậy bà đưa ra 5 nhóm giải pháp: Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành giáo dục và nâng cao chất lượng tuyển sinh vào ngành sư phạm. Sắp xếp lại hệ thống các trường đại học sư phạm.
Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông; sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp cho giáo viên. Cuối cùng là xây dựng và ban hành Luật nhà giáo và nghề dạy học, đặc biệt là xác lập chuẩn mực pháp lý về phẩm chất, năng lực của nhà giáo và người quản lý nhà trường.
Theo TTXVN
Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 Thủ tướng vừa phê duyệt "Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020" với mục tiêu tổng quát đến năm 2020, nền GD được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế chất lượng GD được nâng cao một cách toàn diện. Mục tiêu cụ thể được...