“Giáo dục Việt Nam chưa thoát ra được cuộc cách mạng 2.0″
TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đại Nam nhận định, do cách thức vận hành hệ thống giáo dục quốc dân của ta chưa thoát ra được cuộc cách mạng 2.0 nên ngân sách cho giáo dục luôn thiếu. Phải có cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục thì mới có sự thay đổi.
TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đại Nam
Chia sẻ với báo chí, TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đại Nam cho biết , thời gian gần đây, tôi thấy cách mạng công nghiệp 4.0 được mang ra bàn bạc và mổ xẻ như một “phong trào”.
Thực ra bàn cũng được, tuy nhiên cá nhân tôi nghĩ rằng, chỉ có những người quan tâm thực sự mới tìm hiểu thế nào là cách mạng công nghiệp 4.0. Đa số người dân không tìm hiểu 4.0 là gì. Với họ, cơm áo gạo tiền, những cái tác nghiệp hàng ngày, những cái phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại mới là điều quan tâm nhất, dù đó 2.0;3.0; hay 4.0.
Giáo dục đại học cũng vậy. Các trường không chờ đến khi xã hội hô hào, thúc giục mới nghĩ đến 4.0 mà đó là những cái đang hiển hiện, là những thay đổi và chuyển mình từng ngày, từng giờ các trường đã, đang và sẽ làm để nâng cao chất lượng đào tạo.
Cách mạng gì thì cách mạng, cuộc sống thực tế đang diễn ra như thế nào thì chúng ta đón nhận, hòa nhập và thay đổi như thế đó. Đừng đợi đến khi xã hội hô hào mới thay đổi.
Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục 4.0, xu hướng đào tạo trực tuyến sẽ lên ngôi, người học được toàn quyền quyết định, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Cách đây 20 năm, khi ngồi bàn về giáo dục trực tuyến, người ta hoang mang lắm, thấy giáo dục trực tuyến là cái gì đó kỳ bí, ghê gớm và thật xa xỉ. Quan điểm thầy đọc, trò chép; học là phải lên lớp nghe giảng; tối về nghiên cứu giáo trình là kế tiếp của nền giáo dục cũ và lạc hậu. Trong thời đại công nghệ 4.0 quan điểm và xu hướng giáo dục ấy sẽ không thể tồn tại.
Trong kỷ nguyên công nghệ số, việc học của sinh viên sẽ không bị giới hạn về không gian và thời gian. Các em có thể học ở mọi lúc, mọi nơi; có thể ngồi nhà không cần lên lớp, không cần có sách giáo trình in ra giấy, không cần có thầy cô giáo kè kè bên cạnh nhưng cũng có thể tiếp cận được tất cả các tài liệu, kiến thức thông qua internet. Các bài giảng của thầy, sinh viên có thể tra cứu và học bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu chỉ bằng 1 chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet.
Nếu như online là hình thức để học và hiểu thì diễn dàn học tập là công cụ để sinh viên ôn tập, hệ thống lại kiến thức, trao đổi trực tiếp với thầy giáo và bạn học để hiểu sâu sát thêm từng vấn đề.
Các Đại học tiên tiến đã thực hiện điều này cả hàng mấy chục năm trước, ở Việt Nam, các trường đại học phần lớn chỉ đang hướng tới… Trong tương lai gần, sẽ có rất nhiều môn học, sinh viên không cần phải lên lớp.
Khi hình thức đào tạo trực tuyến chiếm lĩnh, các trường đại học có gặp khó khăn trong việc quản lý chất lượng đào tạo không, thưa ông?
Với hình thức đào tạo trực tuyến, sinh viên muốn học kiểu nào cũng được, có thể là online hoặc offline, học bất cứ ở đâu và bất cứ thời gian nào, thậm chí việc học ai cũng không còn là chuyện đáng để bàn luận nữa.
Video đang HOT
Theo tôi, chỉ cần các trường tổ chức được các cuộc thi không ai có thể thi hộ được, các em vượt qua được các kỳ thi một cách thực chất, đó là cách quản lý và kiểm soát chất lượng tối ưu nhất.
Ông đánh giá như thế nào về chương trình đào tạo, cách thức dạy và học trong các trường đại học hiện nay?
Chương trình đào tạo đại học ở Việt Nam hiện đang áp dụng ở phần lớn các trường đại học rất lạc hậu. So với nhu cầu kiến thức mà người học cần có để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng thì trường đại học cung cấp rất hạn chế. Vì thế, số sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm theo chuyên môn được đào tạo còn thấp, thậm chí thất nghiệp. Chương trình đào tạo đại học nước ta hiện nay nói vui là 70% là 2.0, 30% là 3.0 vẫn đang phải ì ạch để hoàn thành.
Cách dạy và học cũng vậy. Chúng ta vẫn chưa “thoát” ra khỏi phương thức dạy học truyền thống “thầy đọc, trò chép” và quan điểm “người thầy là trung tâm”. Trình độ và phương pháp giảng dạy của giảng viên lạc hậu, không truyền được cảm hứng cho người học, kết quả là chất lượng đầu ra chưa đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng.
Nhiều thầy cô than thở ” sinh viên bây giờ lười học”, có nên trả lời các thầy cô đó rằng ” sinh viên không muốn nghe những kiến thức lạc hậu và cách dạy quá nhàm chán của các thầy không?”.
Tôi nghĩ rằng, với cách dạy cũ thì sinh viên đang bị chính thầy cô của mình kìm hãm. Thầy cô chính là điểm chốt của chất lượng giáo dục đại học trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đội ngũ CBGV chính là điểm chốt của chất lượng giáo dục đại học trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Vậy, chúng ta cần làm gì để tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ giảng viên, thưa ông?
Đấy là một bài toán khó. Có một thực tế ai cũng nhìn thấy, đó là giảng viên chưa được gắn với một trách nhiệm cụ thể nào trong nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Họ chỉ biết họ được phân công giảng dạy môn học này, các trường đại học vẫn đang chấp nhận họ, họ vẫn đang được ăn lương, họ không có nhu cầu “cải biến” lên, chưa nói đến chuyện muốn cải biến lên cũng không được.
Nhiều người đưa giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học bằng cách đầu tư tiền để mua chương trình đào tạo nước ngoài. Xin thưa rằng, mua chương trình đào tạo nước ngoài chẳng có khó khăn gì, vấn đề mấu chốt ở đây là đội ngũ giảng viên đủ trình độ dạy các chương trình ấy ở đâu ra? Hàng trăm nghìn giảng viên các trường đại học của nước ta thì bao nhiêu % giảng viên dạy được chương trình tiên tiến? Chương trình tốt nhưng không có đủ người giảng dạy tốt thì cũng vô nghĩa. Vậy làm thế nào để cải cách?
Chiếc áo không làm nên Thày tu. Các Thầy không đi trước đón đầu thì đừng mong cách mạng 4.0 thành công. Phải nhanh chóng cập nhật kiến thức nếu muốn làm thầy giáo giỏi.
Hãy gạt bỏ ngay cái tư tưởng “thầy là trung tâm”; đừng bao giờ tự ảo tưởng và bằng lòng về những kiến thức, kỹ năng mình đang có bởi thế giới đang thay đổi từng giây, từng phút; đừng để bản thân đứng ngoài trách nhiệm của tập thể… Kiến thức chuyên ngành, ngoại ngữ, công nghệ thông tin và kỹ năng mềm là những thứ người thầy trong thời đại 4.0 phải có.
Nhưng, làm sao để có đông đảo đội ngũ giảng viên 4.0? Lại phải quay lại vấn đề đầu tiên là “Tiền”.
Tiền lương cao cho đội ngũ giảng viên đại học sẽ thu hút được nhiều người giỏi đi làm nghề này. Ngân sách nhà nước có đủ để làm điều này không?
Theo tôi là đủ, nhưng do cách thức vận hành hệ thống giáo dục quốc dân của ta chưa thoát ra được cuộc cách mạng 2.0 nên ngân sách cho giáo dục luôn thiếu.
Phải có cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục thì mới có sự thay đổi, nếu ngân sách giáo dục chi cho giáo dục phổ thông như là phúc lợi để toàn dân được hưởng, còn giáo dục đại học là sự đầu tư của người học thì bài toán về tiền sẽ được giải quyết khi ngân sách quốc gia có hạn.
Không giải quyết được thu nhập đủ ở mức độ khá so với xã hội đối với đội ngũ làm nghề dạy học thì tất cả những lời kêu gọi sẽ chỉ là những cơn sóng nhất thời.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hòe Thu (thực hiện)
Theo Dân trí
ĐH Đại Nam trao bằng Dược sĩ đại học cho gần 200 học viên liên thông
Sáng 26/1, Trường ĐH Đại Nam long trọng tổ chức Lễ trao bằng Dược sĩ đại học cho gần 200 học viên liên thông ngành Dược tại hội trường lớn Phú Lãm - Hà Đông - Hà Nội.
Tham dự buổi lễ có TS. Lê Đắc Sơn - Chủ tịch HĐQT; Ban giám hiệu Nhà trường; lãnh đạo Trung tâm Đào tạo liên tục ngành Dược; cán bộ, giảng viên các phòng ban, khoa cùng gần 200 học viên được nhận bằng Dược sĩ đại học năm 2018.
TS. Lê Đắc Sơn - Chủ tịch HĐQT phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, TS. Lê Đắc Sơn gửi lời chúc mừng và cảm ơn tới các tân Dược sĩ đã tin tưởng lựa chọn ĐH Đại Nam là nơi để học tập, tu dưỡng, thực hiện ước mơ, hoài bão của bản thân. Đặc biệt, TS. Lê Đắc Sơn biểu dương tinh thần học tập của các tân Dược sĩ, trong điều kiện vừa học, vừa làm nhưng vẫn luôn nỗ lực để hoàn thành tốt và vượt các yêu cầu trong chương trình đào tạo của Nhà trường.
Bằng lời nói từ gan ruột, người đứng đầu Nhà trường chia sẻ: "Sau ngày hôm nay, các anh chị tân Dược sĩ ĐH Đại Nam đã chính thức ra nhập hàng ngũ trí thức tinh hoa nhất của đất nước. Với tư cách người đứng đầu Nhà trường, tôi mong muốn và hy vọng, các anh chị sẽ luôn cố gắng, nỗ lực thể hiện bản thân để nhận về sự trân quý, tôn trọng của xã hội..."
Ban Lãnh đạo và Ban Giám hiệu Nhà trường trao giấy khen cho những học viên đạt thành tích xuất sắc trong khóa học.
TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh, để làm việc tốt và thành công trong điều kiện xã hội không ngừng phát triển, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các tân Dược sĩ đại học phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức. "Các bạn đừng bao giờ nghĩ nhận tấm bằng Dược sĩ đại học hôm nay xong là kết thúc quá trình học tập của bản thân. Nếu không nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức liên tục, chắc chắn các anh chị sẽ bị đào thải...", TS. Lê Đắc Sơn nói.
Cũng theo TS. Lê Đắc Sơn, trong các ngành nghề đặc thù, nghề Dược là một trong những nghề đặc thù nhất. Người hành nghề Dược không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải làm nghề bằng tâm đức. "Trong quá trình làm nghề, các anh chị hãy đặt tâm đức lên đầu, nghĩ đến lợi ích của người dân đặc biệt là những người bệnh, người dân nghèo khổ. Tuyệt đối không buôn bán thuốc giả, không tàng trữ thuốc giả, không được để người nghèo chịu thêm những sự bất hạnh. Người Dược sĩ cần phải làm tất cả những gì có thể để mọi người được điều trị bằng thuốc thật, thuốc tốt...", TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh.
TS. Lương Cao Đông - Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam trao bằng tốt nghiệp Dược sĩ đại học đến từng học viên.
Trong tương lai, các tân Dược sĩ đại học nhận bằng ngày hôm nay sẽ có những người nắm giữ cương vị quản lý, lãnh đạo cấp cao. Chủ tịch Nhà trường mong muốn, trên cương vị công tác, các anh chị tân Dược sĩ hãy nghĩ đến trách nhiệm cộng đồng, những gì gây tổn hại đến nhân dân, đất nước cần tuyệt đối tránh.
"Đứng dưới lá cờ tổ quốc, chúng ta hãy cùng nhau xác định trách nhiệm, quyết tâm hơn trong việc xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển..." TS. Lê Đắc Sơn mong muốn.
Được sự ủy quyền của Ban giám hiệu - Trường ĐH Đại Nam, TS. Lê Thị Thanh Hương - Phó Hiệu trưởng, Trưởng phòng đào tạo đã công bố quyết định về việc công nhận tốt nghiệp và cấp bằng Dược sĩ đại học cho gần 200 học viên liên thông ngành Dược và quyết định khen thưởng cho các học viên có thành tích tốt trong học tập, quản lý lớp. TS. Lương Cao Đông - Hiệu trưởng Nhà trường tự tay trao bằng tốt nghiệp Dược sĩ đại học đến tận tay từng học viên.
Học viên Bùi Thị Lan Phương (lớp Dược 07-03) thay mặt cho gần 200 học viên gửi lời cảm ơn và sự tri ân đến các thầy cô.
Thay mặt cho các học viên nhận bằng tốt nghiệp, học viên Bùi Thị Lan Phương (lớp Dược 07-03) gửi lời cảm ơn chân thành và sự tri ân sâu sắc đến Ban lãnh đạo, Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo trong Trung tâm Đào tạo liên tục ngành Dược đã luôn tận tụy truyền đạt kiến thức, quan tâm, tạo điều kiện và giúp đỡ từng học viên trong suốt quá trình theo học tại trường.
"Với kiến thức chuyên môn được trang bị một cách có hệ thống và những bài học về đạo đức nghề nghiệp quý giá trong suốt thời gian học tập tại trường, chúng em sẽ không ngừng nỗ lực để phát triển bản thân và xứng đáng tấm bằng cao quý được nhận ngày hôm nay đặc biệt là xứng đáng với sự tôn trọng của xã hội..." học viên Bùi Thị Lan Phương chia sẻ.
Ban Giám hiệu Nhà trường và các thầy cô trong Trung tâm Đào tạo liên tục ngành Dược chụp ảnh lưu niệm cùng các tân Dược sĩ Đại học.
Thu Hòe
Theo doisongphapluat
Đề xuất đưa phân luồng sau THCS ra Quốc hội thảo luận, biểu quyết Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất đưa phân luồng sau THCS ra Quốc hội thảo luận, biểu quyết... Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam vừa gửi tới Ủy Ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Bộ GD-ĐT, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc...