Giáo dục trẻ: Cần rạch ròi giữa kỷ luật và trừng phạt
Chuyên gia Giáo dục, TS Giáp Văn Dương cho rằng, trong giáo dục cần phân biệt rạch ròi giữa kỷ luật và trừng phạt.
Ảnh minh họa: INT
Kỷ luật sau khi đã giao ước có thể giúp trẻ phát triển con người tự chủ và tự trị – con người văn minh. Còn trừng phạt thì ngược lại, thường gây ra tổn thương thể xác và tâm lý, rất dễ sa vào vùi dập và sỉ nhục, huỷ hoại nhân cách…
Kỷ luật khác trừng phạt
- Quan điểm của ông khi có ý kiến cho rằng: “Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ”?
Kỷ luật khác trừng phạt. Kỷ luật hoặc trừng phạt chỉ xảy ra khi có người nào đó làm điều sai. Vậy “người nào đó” là ai? Ở đây được hiểu là học sinh và con cái của chúng ta.
Pháp luật đã giới hạn độ tuổi và hạn chế các hình phạt với trẻ vị thành niên. Nói cách khác, trẻ vị thành niên không phải là đối tượng để trừng phạt. Vì lý do đơn giản – trẻ chưa có nhận thức đầy đủ, nên không phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Còn làm điều sai nghĩa là gì? Có thể hiểu là trẻ đã làm một việc không đúng với quy định của thầy cô và cha mẹ. Đến đây ta sẽ thấy có khả năng xảy ra: Trẻ có biết trước quy định của thầy cô và cha mẹ hay không? Và nếu có thì có khả năng thực hiện được hay không?
Nếu trẻ không biết trước, hoặc biết mà không có khả năng thực hiện, thì yêu cầu trẻ phải đáp ứng là điều vô lý. Câu chuyện về việc kỷ luật hoặc trừng phạt trẻ chỉ có ý nghĩa khi trẻ đã biết trước các quy định của thầy cô và cha mẹ, và có khả năng thực hiện được, nhưng đã cố tình không thực hiện.
Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định này thường rất ít khi được nói ra rõ, thảo luận đủ kỹ để hiểu và đồng thuận, và hướng dẫn đủ rõ để trẻ thực hiện theo.
Trong nhiều trường hợp, việc làm sai của trẻ không hẳn là sai so với quy định, mà là sai so với mong đợi của thầy cô và cha mẹ. Vì thế, trẻ bị phạt oan, hoặc có cảm giác bị phạt oan, là rất phổ biến.
Vì lẽ đó, tôi cho rằng, trước khi phạt trẻ, cần phải giúp trẻ hiểu rõ các quy định và hướng dẫn trẻ cách thực hiện trước đã. Nếu không, trẻ sẽ luôn phải đoán mò, và luôn có cảm giác oan ức khi bị thầy cô hoặc cha mẹ phạt.
Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ một chi tiết quan trọng. Đó là việc phạt trẻ thường thể hiện dưới hai dạng: Kỷ luật và trừng phạt. Giữa kỷ luật và trừng phạt có sự khác nhau rất lớn mà ít khi chúng ta để ý đến.
Kỷ luật thường bắt đầu bằng sự hiểu rõ các nguyên tắc phải tuân thủ và các hệ quả sẽ xảy ra khi phá vỡ nguyên tắc đó. Còn trừng phạt thường gắn với sự tước đoạt một nhu cầu, hoặc tước đoạt một phần của con người tự trị, nhằm điều chỉnh hành vi của trẻ.
Về nguyên tắc, kỷ luật có bóng dáng của một quy định đã được thỏa thuận hoặc thông báo trước, như một đồng thuận hoặc một lựa chọn. Còn trừng phạt có dáng dấp của một sự trấn áp, thực hiện được là do bất bình đẳng về vị thế hoặc sức mạnh.
Video đang HOT
Vì lẽ đó, kỷ luật gần với lý tính tương giao, thứ lý tính mà chúng ta sử dụng trong đời sống hàng ngày để xây dựng một xã hội văn minh, còn trừng phạt gần với bản năng của chúng ta hơn, khi chúng ta cho phép mình sử dụng sức mạnh để áp chế.
Hệ quả là, trong phần lớn các trường hợp, kỷ luật sẽ giúp cho con người tốt lên vì giúp ta củng cố con người tự trị và lý tính tương giao. Còn trừng phạt thì thường ngược lại, thường làm ta cảm thấy đau đớn hoặc xấu hổ, trực tiếp tấn công vào con người tự chủ và tự trị của chúng ta.
Dù đều là hình thức thể hiện của việc phạt, nhưng kỷ luật có thể giúp nâng đỡ và phát triển con người tự chủ và tự trị, tức con người văn minh, còn trừng phạt thường gây ra tổn thương thể xác và tâm lý và rất dễ sa vào vùi dập và sỉ nhục con người.
Đó là sự khác nhau giữa kỷ luật và trừng phạt. Chúng ta phải rất hiểu, và rất cẩn thận khi sử dụng.
Chuyên gia Giáo dục – Tiến sĩ Giáp Văn Dương.
- Vậy ông quan điểm thế nào về chuyện thưởng – phạt trong giáo dục để không phản tác dụng?
Đến pháp luật cũng không dùng để trừng phạt trẻ vị thành niên. Vậy thì lý do gì ta lại trừng phạt trẻ? Tuy nhiên, do sự giống nhau về hình thức thể hiện mà ta thường xuyên nhầm lẫn giữa kỷ luật và trừng phạt. Sự nhầm lẫn này càng dễ xảy ra khi ta thiếu tỉnh táo và thấu hiểu.
Việc thấu hiểu này không chỉ nằm ở sự thấu hiểu về mục đích và hệ quả của việc trừng phạt đối với trẻ, như có hợp pháp và phù hợp với tâm sinh lý của trẻ nhỏ, mà còn ở sự thấu hiểu về chính người đang trừng phạt, xem đó có phải là công cụ giáo dục hiệu quả nhất?
Oái ăm thay, những khi ta phải phạt trẻ thì đó thường là các tình huống mà ta thiếu tỉnh táo và thiếu hiểu biết thấu đáo nhất. Thậm chí ta cảm thấy bất lực nhất, trong việc giáo dục trẻ. Vì thế, người lớn rất hay phạm sai lầm khi phạt trẻ nhỏ.
Vậy làm thế nào để có sự rạch ròi, không bị nhầm lẫn giữa kỷ luật và trừng phạt? Tôi cho rằng, mấu chốt nằm ở việc thảo luận giữa thầy cô hoặc cha mẹ với trẻ nhỏ để tạo ra các quy định hành xử hợp lý và khả thi trước khi thực hiện.
Sự thỏa thuận này phải có các thỏa thuận về các hình thức thưởng – phạt nếu một trong hai bên vi phạm, phải đủ rõ ràng để hiểu và thực hiện, và đủ sức thuyết phục để trở thành một đồng thuận.
Khi đó, việc phạt trẻ sẽ chỉ đơn thuần là thực thi các quy định đã được báo trước, được hai bên hiểu rõ và tôn trọng.
Đó là về việc phạt trẻ. Còn về việc thưởng trẻ thì cũng tương tự. Về bản chất cũng là việc thực thi một thỏa thuận đã được biết trước, nhưng ở hạng mục ghi nhận và tưởng thưởng.
Không gì có tác dụng giáo dục lớn hơn một sự ghi nhận và tưởng thưởng đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng việc, đúng người. Vì thế, thưởng trẻ là cần thiết.
- Là phụ huynh, ông có cách động viên, khuyến khích hay sử dụng hình phạt như thế nào trong giáo dục con cái?
Tôi thực hiện, và khuyến khích người khác cùng thực hiện, xây dựng một thỏa thuận với trẻ nhỏ, trong đó có các hình thức thưởng – phạt đi kèm. Việc xây dựng nội dung của thỏa thuận này có sự tham gia của trẻ nhỏ. Nếu trẻ có ý kiến khác với người lớn thì cần phải thuyết phục để trẻ hiểu và chấp nhận.
Trong một số trường hợp, thỏa thuận được thể hiện dưới dạng nội quy, có tính áp đặt, thì phải giải thích cho trẻ hiểu tại sao lại có nội quy đó. Ví dụ, ở lớp học có nội quy lớp học, còn ở nhà có nội quy gia đình. Các nội quy này sinh ra trước hết vì lợi ích và sự phát triển lành mạnh của chính bản thân trẻ.
Khi đó, việc thưởng – phạt chỉ đơn thuần là tuân thủ một thỏa thuận hoặc một nội quy mà các bên đã đồng thuận hoặc chấp nhận. Khi đó, nếu trẻ có bị phạt, chúng cũng sẽ hiểu được tại sao lại như vậy và không có cảm giác bị oan ức, làm nhục.
Giáo dục luôn đòi hỏi sự linh hoạt và tính cá nhân hóa
- Quan điểm của ông về ý kiến cho rằng, cần kết hợp uyển chuyển, linh hoạt cả “khuyên nhủ” và kỷ luật mới có tác dụng trong giáo dục học sinh?
Giáo dục thì tất nhiên cần linh hoạt theo tình huống cụ thể và tư chất của trẻ nhỏ. Đặc biệt là giáo dục đạo đức và kỹ năng sống. Là một phụ huynh có ba con, tôi thấy không thể áp dụng cùng một phương pháp với các con của mình. Ngoài ra, cùng một nội dung, nhưng cách dạy ở nhà của tôi cũng rất khác cách dạy ở trường.
Do đó, cần linh hoạt về phương pháp và phương tiện sử dụng. Khuyên nhủ hay kỷ luật chỉ là hai phương tiện khác nhau mà thôi. Tốt nhất là khi nào cần khuyên nhủ thì khuyên nhủ, khi nào cần kỷ luật thì kỷ luật.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, kỷ luật chỉ thực sự có tác dụng khi đó là một phần của một thỏa thuận từ trước, có thể thực hiện được, phù hợp với pháp luật và phù hợp với tâm sinh lý của trẻ nhỏ.
Ngoài ra, kinh nghiệm của tôi cho thấy, việc giáo dục trẻ không quan trọng bằng việc giúp trẻ tự giáo dục mình.
Vì thế, khuyên nhủ hay kỷ luật cũng đều phải hướng đến việc giúp trẻ tự giáo dục mình. Suy cho cùng, mỗi người đều phải tự sống cuộc đời của chính mình. Ta không thể sống thay, trưởng thành thay cho trẻ được.
- Theo ông, nhà trường, gia đình cần làm gì để hạn chế tối đa việc phải sử dụng đến các hình phạt trong giáo dục trẻ?
Luật pháp không chỉ đơn thuần là một tập hợp các hình phạt. Luật pháp trước hết là một “hành lang pháp lý”, một loạt các hướng dẫn về cách sống, cách ứng xử, cách thực hiện các hành vi sao cho không gây hại cho bản thân mình và xã hội.
Nói cách khác, mục đích của luật pháp không phải là trừng phạt, mà là hướng dẫn cách hành xử phù hợp cho người dân. Chưa kể, đối tượng của các hình phạt được quy định trong luật pháp thường không phải là trẻ nhỏ, và nếu có cũng thường bị giới hạn rất nhiều.
Vì thế, trước khi ban hành luật pháp, người dân phải được tham gia thảo luận và đạt đồng thuận về đa số, và sau khi ban hành rồi thì phải có hướng dẫn, giáo dục pháp luật.
Điều này cũng tương tự như trước khi kỷ luật trẻ, ta phải có thỏa thuận đủ rõ và đủ thuyết phục về các nguyên tắc phải tuân thủ và các hình thức thưởng – phạt đi kèm với trẻ trước. Đồng thời, phải có hướng dẫn, đào tạo chi tiết để trẻ thực hiện các nguyên tắc này.
Chỉ có như thế thì trẻ mới không làm điều sai, dẫn đến phải chịu trừng phạt. Khi đó, việc kỷ luật trẻ trong gia đình và nhà trường mới không bị sa vào trừng phạt, từ đó thể hiện hiệu quả, tính giáo dục và tính nhân văn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
TS Giáp Văn Dương là cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa, lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo) ngành Vật lý Kỹ thuật (2006). Sau một thời gian ngắn làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại Áo, ông làm postdoc tại khoa Hóa học, Đại học Liverpool (Anh) từ 2007 – 2010, sau đó về Singapore làm nghiên cứu tại Temasek Laboratories, Đại học Quốc gia Singapore, từ 2010 – 2012.
Từ 2013 đến nay, ông trở lại Việt Nam và tập trung toàn thời gian hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bao gồm tư vấn đầu tư, phát triển chương trình, đào tạo giáo viên, quản trị trường học… Năm 2015, ông được Asia Society chọn là Asia 21 Young Leaders (Lãnh đạo trẻ châu Á thế kỷ 21).
Nữ giáo viên có nhiều sáng kiến
Trong hơn 10 năm giảng dạy, cô giáo Phạm Thị Thu Huyền, 33 tuổi, Trường Mầm non Hạ Long (TP Hạ Long), đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn.
Cô giáo Phạm Thị Thu Huyền giảng cho học sinh mầm non về các nhân vật trong truyện cổ tích.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh (nay là Đại học Hạ Long), Phạm Thị Thu Huyền về công tác tại Trường Mầm non Hạ Long từ năm 2009 đến nay. Trong quá trình giảng dạy, cô được nhà trường tin tưởng giao dạy các lớp mầm non 5 tuổi. Cô Huyền cho biết: Ở lứa tuổi này, các cháu nhanh nhẹn, hoạt bát, hiếu động hơn. Các cháu đã dần làm quen với kiến thức qua con số, chữ cái, kỹ năng. Vì vậy, kiến thức của giáo viên đòi hỏi phải cao hơn, phải sáng tạo, linh hoạt trong giảng dạy...
Cô giáo Huyền đã tập trung nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến trong công tác giảng dạy phù hợp nhu cầu của học sinh nhà trường. Từ năm 2011 đến nay, cô đã có 8 sáng kiến được áp dụng vào công tác dạy và học, được ngành giáo dục các cấp đánh giá cao; trong đó có sáng kiến "Một số biện pháp xây dựng lớp học hạnh phúc cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, Trường Mầm non Hạ Long" năm học 2019-2020.
Cô giáo Huyền cho biết: Trước đây, nhiều trẻ đến lớp học không hứng thú lắm. Các cháu coi việc đến lớp học là nhiệm vụ mà bố mẹ yêu cầu, nên không tích cực, chỉ làm theo yêu cầu của cô giáo. Sáng kiến này của cô gồm những nội dung: Bồi dưỡng nâng cao nhận thức; lập kế hoạch xây dựng lớp học theo mô hình lớp học hạnh phúc; xây dựng phong trào mỗi ngày đến trường là một ngày vui; kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm. Trước tiên, giáo viên phải thay đổi nhận thức và lên kế hoạch hoạt động trong quá trình học của trẻ từ khi ở trường đến lúc về nhà.
Cụ thể, giáo viên đón trẻ thể hiện bằng cách chào đập tay trước khi bước vào lớp; trong giờ ăn, thay ăn bằng khay bằng cách tập ăn bằng đũa, kẹp, nĩa; tạo ranh giới các góc học tập bằng đồ chơi hoặc vật dụng an toàn, từ giá, kệ, thảm...
Đồng thời, xây dựng kế hoạch sinh hoạt tuần, như trò chơi, sinh hoạt văn nghệ; xây dựng nội quy lớp học theo thời gian biểu của từng ngày. Qua đó, đã tạo trẻ vui vẻ, hứng thú, hạnh phúc mỗi khi đến lớp. Các em hòa đồng, yêu thương bạn, tự do sáng tạo, bộc lộ suy nghĩ của bản thân, tham gia tích cực các hoạt động. Giáo viên có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xây dựng lớp học hạnh phúc. Phụ huynh tin tưởng, yên tâm gửi gắm con cho giáo viên, tích cực phối hợp với giáo viên xây dựng lớp học hạnh phúc.
Cô giáo Phạm Thị Thu Huyền (thứ 2, trái sang) nhận bằng khen của LĐLĐ tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn năm học 2020-2021, TP Hạ Long.
Sáng kiến "Một số biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa tại Trường Mầm non Hạ Long" năm học 2020-2021 của cô giáo Huyền đã góp phần xây dựng môi trường giáo dục "Nói không với rác thải nhựa". Cô đã hướng dẫn trẻ phân loại rác thải ở trường, lớp; tái chế rác thải nhựa trong trang trí môi trường lớp học; tái chế rác thải nhựa thành đồ dùng dạy học, đồ chơi sáng tạo; xây dựng các giờ học, các hoạt động giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa.
Sáng kiến này đã giúp trẻ có hành vi bảo vệ môi trường ở mọi lúc, mọi nơi, biết phân loại rác theo quy định; khuyến khích trẻ tự do sáng tạo những đồ dùng tái chế từ nhựa theo cách riêng của mình, hoạt động một cách tích cực.
Với thành tích trên, nhiều năm qua cô giáo Phạm Thị Thu Huyền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh; được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm học 2019-2020.
"Giáo dục khuyên nhủ" và "kỷ luật tích cực": Làm thế nào cho đúng? Theo chuyên gia tâm lý giáo dục, cần phân biệt giữa "kỷ luật tích cực" và "kỷ luật trừng phạt" sẽ đem lại các hiệu quả khác nhau. Mới đây, trên các diễn đàn mạng xã hội chia sẻ rầm rộ quan điểm của một chuyên gia cho rằng giáo dục khuyên nhủ không sử dụng hình phạt đang hủy hoại giới trẻ....