Giáo dục Tiểu học: Năm “nước rút” để chuẩn bị các điều kiện cho chương trình mới
Đối với giáo dục tiểu học, năm học 2019-2020 sẽ là năm “nước rút” để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ lớp 1 sau đúng một năm nữa.
Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, các Sở GD&ĐT phải chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện và định hướng chuẩn bị tâm thế cho những người tham gia vào quá trình đổi mới.
Phát triển mạng lưới trường lớp
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong điều kiện chỉ còn một năm nữa sẽ chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, những mục tiêu trong năm 2019-2020 của bậc tiểu học sẽ chủ yếu xoay quanh việc chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này.
“Cụ thể, giáo dục tiểu học sẽ tập trung thực hiện rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất các trường tiểu học đáp ứng điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chuẩn bị sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học. Đồng thời sẽ chú trọng đổi mới công tác quản lí, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lí, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường. Tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục, chú trọng kết hợp giữa dạy chữ và dạy người” – ông Thái Văn Tài nói.
Năm học 2018-2019, các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới trường, lớp tiểu học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, hiện nay tỉ lệ này đạt 80,06% (năm học trước đạt 74,8%). Nhiều địa phương đã đạt tỉ lệ 100% học sinh học 2 buổi/ngày.
Cũng trong năm học vừa qua, các địa phương đã vận dụng nhiều hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, gắn kiến thức học trong nhà trường với thực tiễn, tăng cường kĩ năng sống; quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng tiếp tục được nâng cấp, xây dựng thêm trường lớp, sân chơi, cây xanh, thảm cỏ ngày càng khang trang, sạch đẹp. Nhờ vậy đã góp phần hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học và tăng cường giáo dục kĩ năng sống cho học sinh dân tộc một cách thiết thực, hiệu quả.
Video đang HOT
Chuẩn bị về cơ sở vật chất là một trong những điều kiện để chương trình giáo dục cần thiết chương trình GDPT có hiệu quả.
Đối với vấn đề chuẩn bị cơ sở vật chất cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị, cần nâng cao hơn nữa vai trò của địa phương để giải quyết những vấn đề còn tồn tại hiện nay như sĩ số học sinh/lớp đông, thiếu trường lớp dạy và học 2 buổi/ngày, thiếu công trình nước sạch, nhà vệ sinh, sắp xếp, dồn ghép trường lớp cơ học, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục…
Giáo dục tiểu học phải chuẩn bị tốt các điều kiện và định hướng chuẩn bị tâm thế cho những người tham gia vào quá trình đổi mới trong năm “nước rút” trước khi thực hiện chương trình GDPT mới. Ảnh: T.F
Vất vả hơn, thu nhập không tăng, thầy cô phải chuẩn bị tâm thế
Chuẩn bị về giáo viên là hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của chương trình mới. Nhưng hiện nay, thiếu giáo viên cục bộ và bồi dưỡng đội ngũ là vấn đề các địa phương rất quan tâm,
Thiếu giáo viên, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên tiếng Anh là vấn đề được ngành giáo dục TP HCM nêu ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục tiểu học, đồng thời mong muốn có giải pháp khắc phục. Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, mặc dù TP đã có chế độ thu nhập tăng thêm khá hấp dẫn cho giáo viên ngoại ngữ song việc tuyển dụng giáo viên vẫn rất khó khăn, số giáo viên dự tuyển chỉ đáp ứng 50% nhu cầu.
Cũng bàn về chuẩn bị đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh hiện có 80% giáo viên tiểu học có trình độ ĐH trở lên, về cơ bản số lượng, chất lượng giáo viên tiểu học của Đồng Tháp đáp ứng được yêu cầu triển khai chương trình mới bắt đầu từ lớp 1.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, điều đáng lo không không phải là thừa – thiếu giáo viên mà là phẩm chất năng lực của thầy cô, đặc biệt là phẩm chất đạo đức, mối quan hệ với phụ huynh học sinh. “Tới đây, giáo viên tiểu học sẽ phải dạy học 2 buổi/ngày, vất vả hơn hiện nay nhưng lương, thu nhập không tăng, đây là việc phải được định hướng để giáo viên sẵn sàng tâm thế. Đổi mới là quá trình, nếu đòi hỏi chu toàn hết ngay khó có thể làm được nhưng quan trọng là có lộ trình, bước đi và phải đúng hướng và kiên định” – Bộ trưởng chia sẻ.
Nhìn nhận một số việc mà giáo dục tiểu học đã triển khai trong thời gian qua như đổi mới kiểm tra, đánh giá, khen thưởng học sinh hay giảm áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên, Bộ trưởng cho rằng, đã được triển khai tốt nhưng vẫn chưa triệt để, vẫn còn đánh giá khen thưởng dựa trên mong muốn của phụ huynh, thành tích của nhà trường; vẫn còn tình trạng lạm dụng hồ sơ sổ sách ở một số cơ sở giáo dục, gây áp lực cho giáo viên.
“Việc giảm hồ sơ sổ sách Bộ đã chỉ đạo rồi nhưng ở nhiều cơ sở giáo dục việc triển khai chưa triệt để. Có nơi lãnh đạo chưa kịp đổi mới, còn chưa thực sự coi mình là người trong cuộc, vẫn còn cảm thấy đây là vấn đề của người khác. Chỉ khi chúng ta thấy được đây là việc của mình thì mới thống nhất được trong hành động” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
T.Fan
Theo phapluatxahoi
Nghệ An: Học sinh vùng khó không phải đóng tiền học buổi 2
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học sẽ được duy trì trên toàn tỉnh trên cơ sở thống nhất giữa phụ huynh và nhà trường về kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, theo văn bản hướng dẫn mới, các trường ở vùng khó khăn sẽ không huy động đóng góp của phụ huynh học sinh để tổ chức buổi học thứ 2.
Liên Sở GĐ&ĐT, Sở Tài chính và Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản số 440 hướng dẫn việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại các cơ sở giáo dục tiểu học từ năm học 2018-2019.
Bắt đầu từ năm học 2018-2019, học sinh tại các vùng khó ở Nghệ An sẽ không phải đóng tiền học buổi 2.
Văn bản này quy định các trường xây dựng khung chương trình, kế hoạch giảng dạy cụ thể trên cơ sở nhu cầu của học sinh và tự nguyện của cha mẹ học sinh, các điều kiện về cơ sở vật chất, khả năng đáp ứng của đội ngũ giáo viên... để xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Nội dung chương trình buổi 2 phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, đồng thời xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài các môn học, hướng tới các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Thời lượng dạy học và hoạt động giáo dục khối 1, 2 bố trí từ 28 - 30 tiết/tuần; khối 3, 4, 5 bố trí từ 30 - 32 tiết/tuần, tối đa 7 tiết học/ngày.
Các trường học chủ động sắp xếp thời khóa biểu môn học và các hoạt động giáo dục khác một cách linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm, thực tế của mình, đảm bảo khoa học, phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh, ưu tiên quyền lợi của học sinh. Đặc biệt, không bố trí lịch học chính khóa vào buổi chiều đối với những lớp có học sinh không có nguyện vọng học 2 buổi/ngày.
Các trường căn cứ vào tình hình thực tế để lập dự toán thu, chi kinh phí trên nguyên tắc tự nguyện tham gia của phụ huynh học sinh, đảm bảo thu đủ bù chi, dân chủ, công khai, thỏa thuận mức đóng góp. Dự toán này phải gửi Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Tài chính kế hoạch của huyện/thành/thị thẩm định, trình UBND cấp huyện phê duyệt.
Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học thuộc xã, thôn đặc biệt khó khăn, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, UBND huyện căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo và cân đối nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đảm bảo việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không huy động đóng góp của phụ huynh học sinh.
Phần kinh phí này được trả cho giáo viên trực tiếp dạy buổi 2, các chi phí lao công, bảo vệ, tiền điện nước, văn phòng phẩm và chi cho công tác quản lý.
Các huyện/thành/thị căn cứ các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, số lượng người làm việc được UBND tỉnh giao để bố trí giáo viên phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu đáp ứng yêu cầu thực tế tại địa phương. Các địa phương rà soát thực hiện giải quyết giáo viên dôi dư ở cấp THCS để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn giáo viên tiểu học theo quy định để bổ sung cho các cơ sở giáo dục chưa bố trí đủ giáo viên; giải quyết viên chức dôi dư ở các vị trí việc làm khác để bố trí đủ số lượng giáo viên tiểu học được UBND tỉnh giao.
Trước đó, bắt đầu vào năm học 2018-2019, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải gián đoạn do văn bản quy định về mức thu kinh phí không còn thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều trường không đủ giáo viên để bố trí việc dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên trước nhu cầu của phụ huynh, học sinh, nhiều cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt nhiều văn bản quy định hiện hành để tiếp tục triển khai nhưng lại lâm vào cảnh nợ tiền làm thêm của giáo viên.
Hoàng Lam
Theo Dân trí
Tới đây, giáo viên sẽ dạy 2 buổi/ngày nhưng lương không tăng Bộ trưởng Nhạ cho hay, tới đây, giáo viên tiểu học sẽ phải dạy học 2 buổi/ngày, vất vả hơn hiện nay nhưng lương, thu nhập không tăng. Ngày 14/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với Giáo dục Tiểu học. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ...