Giáo dục Tiểu học Lâm Đồng: Sẵn sàng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học 2019 – 2020 được ngành GD&ĐT Lâm Đồng xác định năm bản lề để toàn ngành chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới. Đặc biệt, cấp Tiểu học với những thay đổi cơ bản càng đòi hỏi đưa các giải pháp để bước vào triển khai hiệu quả.
Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để triển khai CTGDPT mới.
Tiền đề vững chắc cho CTGDPT mới
Năm học vừa qua, Lâm Đồng có 251 trường tiểu học và 17 trường TH-THCS, với tổng số 126.472 học sinh và 4.163 lớp. Tỉ lệ bình quân 30 học sinh/lớp, số phòng học văn hóa bình quân đạt 0,9 phòng học/lớp, tỉ lệ giáo viên bình quân đạt tỉ lệ 1,5 gv/lớp.
Đặc biệt ngành GD&ĐT Lâm Đồng có tới 192/251 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đạt tỉ lệ 76,5%. Và đến nay đã có 179/251 trường đã tổ chức được dạy học 2 buổi/ngày, tỉ lệ 71.3%.
Tiếng Anh và Tin học là 2 môn học bắt buộc từ lớp 3 trong CTGDPT mới. Với nhiều địa phương đây là thách thức bởi thiếu giáo viên, cơ sở trang thiết bị dạy học thì giáo dục Lâm Đồng đã đảm bảo khá tốt điều kiện này trước khi bước vào triển khai.
Giáo dục tiểu học Lâm Đồng tích cực đổi mới phương pháp dạy học.
Đến nay, dạy học tiếng Anh chương trình 4 tiết/tuần của ngành Tiểu học Lâm Đồng đạt tỉ lệ cao 73.3% tương đương 194/251 trường. Môn Tin học được triển khai tại 210/251 trường, tỉ lệ 83.6%.
Video đang HOT
Toàn tỉnh có 160/251 trường áp dụng dạy học theo mô hình trường học mới và duy trì đã 6 năm. Số trường dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục là 203/251 trường (80.1%).
Năm học vừa qua, giáo dục tiểu học Lâm Đồng được Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đánh giá hoàn thành xuất sắc các tiêu chí. Những kết quả là tiền đề vững chắc để giáo dục Tiểu học Lâm Đồng bước vào triển khai CTGDPT mới.
Triển khai đồng loạt giải pháp
Theo ông Nguyễn Duy Hải – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT Lâm Đồng: Để thực hiện CTGDPT mới đạt hiệu quả cao, ngành giáo dục tiểu học Lâm Đồng đã đưa ra hàng loạt giải pháp cần triển khai.
Trước tiên, sở GD&ĐT Lâm Đồng, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã chủ động tham mưu, chỉ đạo triển khai CTGDPT mới. Cùng đó thành lập Ban chỉ đạo, Ban hành Kế hoạch, xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm, huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện CTGDPT mới theo lộ trình quy định.
Ngành giáo dục cũng thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường tiểu học theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, tạo thuận lợi cho người dân; phù hợp với quy hoạch.
Công tác rà soát, sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên tiểu học được tiến hành cẩn trọng. Sau khi xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học sẽ đề xuất kế hoạch tuyển dụng, sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu CTGDPT mới với định biên 1,5 giáo viên/lớp. Với môn Tin học và Tiếng Anh, đội ngũ giáo viên được cơ cấu đủ để dạy các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định.
Để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành giáo dục sẽ thực hiện rà soát, đánh giá lại điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có. Mặt khác, xây dựng kế hoạch, lộ trình sửa chữa, nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ dạy học.
Đặc biệt chú ý đảm bảo tối đa điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho các trường tiểu học, thực hiện tổ chức dạy học 9-10 buổi/tuần và đảm bảo tỉ lệ phòng học văn hóa đạt tỉ lệ 1 phòng/lớp.
GV sẽ được tập huấn, bồi dưỡng để thực hiện tốt CTGDPT mới
Thực hiện các giải pháp đổi mới trong tổ chức hoạt động dạy học cũng được đề ra khi triển khai CTGDPT mới. Ngành sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn GV về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của HS…
Để sẵn sàng cho CTGDPT mới, các trường tiểu học sẽ bồi dưỡng từng GV nắm vững cấu trúc chương trình lớp học trước khi thực hiện. Trong quá trình bồi dưỡng chú trọng nâng cao kĩ năng sư phạm, xây dựng lựa chọn nội dung chương trình dạy học, khuyến khích tinh thần sáng tạo của mỗi GV.
Ông Nguyễn Duy Hải cũng cho biết, việc tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ GV, CBQL về thực hiện CTGDPT mới sẽ được đẩy mạnh. Đặc biệt, với khối lớp 1, sẽ tập huấn cụ thể từng GV tham gia tổ chuyên môn, cùng xây dựng kế hoạch cá nhân, kịp thời phát hiện thuận lợi, khó khăn và đề xuất biện pháp giải quyết về chuyên môn, nghiệp vụ khi thực hiện CT, SGK mới…
Sẽ đẩy mạnh truyền thông về giáo dục tiểu học, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Bộ GDĐT về đổi mới và phát triển giáo dục…
Đức Trí
Theo GDTĐ
Thiếu giáo viên tiểu học môn tiếng Anh, Tin học cho chương trình GDPT mới
Theo Thông tư 32 về Ban hành chương tình GDPT mới môn Tin học và Tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với học sinh bậc tiểu học. Do đó, hiện nay thiếu trầm trọng giáo viên ở 2 môn học này.
Tuyển vào biên chế đối với giáo viên tiểu học môn Tin học, Tiếng Anh
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT cho biết, theo chương trình hiện hành môn Tin học và Tiếng Anh là môn tự chọn nên các địa phương chưa có căn cứ để tuyển giáo viên.
Theo Thông tư 32 về Ban hành chương tình GDPT mới môn Tin học và Tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với học sinh bậc tiểu học, vì vậy đây là căn cứ pháp lý để các địa phương tiến hành tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm đảm bảo thực hiện chương trình mới.
Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương chỉ đạo trường tiểu học xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với 2 môn học này, xây dựng vị trí định biên đủ định mức số tiết quy định.
Lộ trình từ năm học 2020 - 2021 và đến năm 2025 - 2026 phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo định mức và thành phần giáo viên bộ môn đủ và cân đối hợp lý giữa các môn theo quy định của chương trình và Thông tư 32 là căn cứ pháp lý để các địa phương chỉ đạo các trường tiểu học, bổ sung vào vị trí việc đối với giáo viên môn Tin học và Tiếng Anh.
Các địa phương có tỷ lệ giáo viên thấp cần tiến hành lên phương án tuyển dụng giáo viên để đảm bảo thực hiện dạy 2 buổi/ngày là Sơn La, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Hà Giang, Tuyên Quang, Hưng Yên... đặc biệt ưu tiên tuyển dụng giáo viên Tin học và Tiếng Anh.
Theo ông Tài, hiện nay, tỷ lệ giáo viên toàn quốc là 1,42 cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, số giáo viên đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động khá nhiều.
Toàn quốc có 383.771 giáo viên tiểu học, trong đó biên chế chính thức là 324.856 (đạt tỷ lệ 84,7%). Theo đó, có 58.915 giáo viên đang thực hiện chế độ hợp đồng, chưa được xét tuyển biên chế chính thức.
Ông Tài cho biết, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ về đề xuất định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình mới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện và Bộ Nội Vụ đã có công văn số 1495/BNV - TCBC ngày 5/4/2019 về việc yêu cầu UBND các tỉnh thành phố rà soát bổ sung biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục và y tế để có phương án giao bổ sung trong thời gian tới.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Vụ học sinh đau bụng, nôn ói sau bữa ăn trưa: Lý giải bất ngờ của trường quốc tế Việt Úc Sau thông tin học sinh bị đau bụng, nôn ói tại trường quốc tế Việt Úc, cơ sở quận 2 vào trưa 20/9 mà báo Người Đưa Tin đã phản ánh, chiều 24/9, đại diện nhà trường cho biết, đang làm việc chặt chẽ với phụ huynh. Cụ thể, chia sẻ với PV, báo Người Đưa Tin đại diện trường quốc tế Việt...