Giáo dục thay đổi diện mạo nhờ hội đồng trường biết phản biện, giám sát
Chủ tịch hội đồng trường phải là người biết lắng nghe, phân tích, biết tập hợp những đóng góp của các thành viên, và từ đó đưa ra những chiến lược phù hợp nhất.
“Hiện nay tôi đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kì 2019 – 2024, trước đây gọi là hội đồng liên tịch gồm những bộ phận cốt cán trong nhà trường, còn bây giờ hội đồng trường hoạt động theo quy chế và nguyên tắc, họp bàn đưa ra những chỉ đạo, đường hướng phát triển của nhà trường. Có thể nói hội đồng trường rất quan trọng và cần thiết.
Đại diện chính quyền địa phương trong Hội đồng trường của chúng tôi hiện nay là đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường với tư cách là ủy viên, có cả thành phần trưởng ban cha mẹ học sinh, đồng thời có một học sinh trong trường, có đại diện giáo viên, các đoàn thể,… trong nhà trường tham gia với tư cách ủy viên”, Thạc sĩ Đinh Thị Phương Anh – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Thạc sĩ Đinh Thị Phương Anh – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Cô Phương Anh cho biết: “So với trước kia thì hiện nay có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương trong Hội đồng trường đã giúp nhà trường rất nhiều. Có thể nói, những chiến lược phát triển giáo dục của nhà trường được báo cáo với chính quyền, được đưa ra trong các hội nghị của địa phương để các ban ngành cùng thảo luận, Phó chủ tịch phường cũng có ý kiến đóng góp, đưa vào đó những hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới sẽ có tác động tích cực thế nào tới hướng phát triển của nhà trường.
Tuy nhiên tôi chỉ băn khoăn việc chính quyền địa phương về mặt quản lí nhà nước, có liên quan đến việc quản lí nhà trường, nhưng khi tham gia chỉ là ủy viên, lại dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng trường, nhưng khi trường muốn xin ý kiến thì phải là ý kiến của địa phương. Đây là điều hơi bất cập trong chức năng nhiệm vụ.
Đại diện cha mẹ học sinh tham gia vào Hội đồng trường rất tốt bởi, họ sẽ có tiếng nói đóng góp vào sự phát triển chung của nhà trường, đồng thời cũng nắm bắt được chủ trương đường lối, phương hướng, chiến lược của nhà trường để triển khai tới đại diện các lớp, giúp mọi người nắm được toàn diện hơn.
Vai trò của học sinh cũng chỉ là một thành phần trong Hội đồng trường, các em chủ yếu cung cấp các ý kiến, quan điểm và tiếng nói của học sinh trong các cuộc họp của Hội đồng trường. Các em có quyền đưa ra ý kiến, tâm tư đến với các thầy cô, từ đó các thầy cô giáo trong nhà trường cũng nắm bắt được và đưa ra những phương án thay đổi, bổ sung kịp thời các chiến lược sao cho phù hợp nhất”.
Cô Phương Anh nhấn mạnh: “Hội đồng trường rất quan trọng đối với một nhà trường, bởi hiệu trưởng hay ban giám hiệu cũng không thể nào quyết định được hết tất cả các nội dung, mà cần phải qua Hội đồng trường. Các thành viên trong Hội đồng trường gồm tất cả thành viên đại diện cốt cán của các bộ phận trong nhà trường từ Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn, các Tổ trưởng chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn,…Nhiều thành phần như vậy nên sẽ có một cái nhìn tổng thể về hướng phát triển của nhà trường.
Nếu Hội đồng trường hoạt động có hiệu quả thì nhà trường sẽ phát triển tốt và điều này Chủ tịch đóng vai trò quan trọng. Để chọn Chủ tịch Hội đồng trường thì có thể là hiệu trưởng, cũng có thể là phó hiệu trưởng, hoặc có thể là thành phần khác trong bộ máy quản lí. Nhưng Chủ tịch Hội đồng trường phải là người đưa ra được quyết sách cuối cùng sau khi có những đóng góp của các thành viên, chủ tịch phải tập hợp tất cả những ý kiến đó, phân tích, rồi đưa ra những chiến lược để làm sao phù hợp nhất”.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) trong lễ kỉ niệm 45 năm ngày thành lập trường. Ảnh: NVCC.
Nhờ Hội đồng trường nên đã có sự phản biện tốt hơn
Video đang HOT
Nhà giáo Nguyễn Cao Cường – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: “Có thể nói, bản thân các thành phần trong Hội đồng trường rất đa dạng, mỗi thành viên có một cách nhìn nhận khách quan, và điểm mới nhất của Thông tư 32 là học sinh cũng có đại diện.
Một điều rõ nét nhất là những quyết sách lớn trong nhà trường trong một năm học, nhờ có Hội đồng trường nên đã có sự phản biện tốt hơn, giúp hiệu trưởng nhà trường rà soát, quyết tâm hơn khi lực lượng đóng góp ý kiến rất đa chiều về chiến lược ngắn hạn, dài hạn của nhà trường, đây cũng là một căn cứ rất rõ nét được quy định tại thông tư.
Tôi ví dụ: Đại diện chính quyền địa phương, có lẽ ở các vùng nông thôn sẽ thuận lợi hơn khi ở mỗi xã chỉ có 1 trường Trung học cơ sở, họ sinh hoạt thường xuyên cũng như nắm bắt tinh thần của địa phương dễ dàng hơn. Nhưng ở thành phố lớn, việc phát triển kinh tế xã hội thì đôi khi các trường học không nắm bắt được hết, bởi vậy khi có người đại diện chính quyền địa phương nắm vững được nghị quyết của Đảng ủy nhiệm kì đó về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương như vậy họ sẽ có hỗ trợ của địa phương trong chiến lược phát triển nhà trường sát hơn.
Đôi khi việc phát triển của trường có tính khả thi không cao, hoặc có thể có chiến lược tốt hơn thì những ý kiến của địa phương cũng là một trong những kênh thông tin rất quan trọng, những ý kiến đó giúp cho Hội đồng trường cũng có những kênh ghi nhận.
Ngoài ra, đại diện cha mẹ học sinh, cũng như của học sinh là những người thụ hưởng giáo dục tại mỗi cơ sở. Với cha mẹ học sinh đang là người trực tiếp đóng vai trò đại diện, họ đưa ra ý kiến, những sự hài lòng và những điểm mà nhà trường cần khắc phục, những cái họ mong muốn,…đương nhiên trên cơ sở đó Hội đồng trường sẽ có thảo luận, đưa ra được những quyết sách giúp cho lãnh đạo nhà trường có tầm nhìn đúng.
Vai trò đại diện của học sinh trong nhà trường, đương nhiên ở tầm nếu đóng góp về chiến lược thì không thể được như mọi người kì vọng, nhưng với thành phần là học sinh chúng ta có thể xin ý kiến những việc đơn giản phù hợp với tính chất lứa tuổi, và những câu hỏi đó nằm trong chiến lược của Hội đồng trường như các em mong muốn gì và đương nhiên là những mong muốn đó phải phù hợp với quyền trẻ em, phù hợp với quy định của học sinh với mục tiêu cấp học, chứ không phải muốn sao là nhà trường phải đáp ứng.
Trên cơ sở đó Hội đồng trường cũng sẽ có những thảo luận, và tất nhiên nếu phù hợp thì nhà trường cũng sẽ có những điều chỉnh nhất định, qua đó hội đồng sẽ vận hành, kiện toàn và điều đó rất quan trọng”.
Nhà giáo Nguyễn Cao Cường – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: T.D.
Giáo dục đang thay đổi diện mạo nhờ Hội đồng trường
“Sau tất cả những việc đó thì theo tôi, Hội đồng trường có một ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi nhà trường, đương nhiên phải vận hành Hội đồng trường đó thực hiện đúng với chức năng nhiệm vụ đã được quy định tại Thông tư 32, chứ không phải thành lập cho có.
Trong khi hiện nay giáo dục đang thay đổi diện mạo, đang thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đối với 3 cấp học thì vai trò đổi mới giáo dục ở đây phải tạo ra được giá trị tốt đẹp cho người học, vì thế Hội đồng trường đóng một ý nghĩa rất quyết định.
Tuy nhiên khi vận hành Hội đồng trường, chúng ta cũng phải có tầm nhìn, phải kiện toàn hàng năm khi có sự thay đổi về nhân sự bởi chắc chắn sẽ có sự biến động liên quan đến các thành viên. Do đó, việc kiện toàn cần phải được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, có vậy việc vận hành mới có hiệu quả”, thầy Cường nhận định.
Có nhiều ý kiến lo ngại hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng trường sẽ dẫn đến chuyên quyền? Về vấn đề này, thầy Cường cho biết: “Nếu lãnh đạo nhà trường cho rằng Hội đồng trường chỉ là hình thức, theo tôi đây là sự thất bại rất lớn, bởi vai trò Hội đồng trường ở đây không phải là thực hiện ý chí của hiệu trưởng, mà rõ ràng có sự phản biện.
Hiệu trưởng là người đưa ra chiến lược, nhưng ở đây là ý kiến tập thể, chính quyền điều hành. Nếu lãnh đạo trường nhận thấy vai trò đúng của Hội đồng trường thì phải lắng nghe ý kiến phản biện của các thành viên. Ý chí tập thể là góc nhìn đa chiều của nhiều thành phần khác nhau cùng nhìn vào một chiến lược, vậy đương nhiên sẽ bao quát hơn rất nhiều.
Và thực tế cho thấy có nhiều nhà trường khi người hiệu trưởng đưa ra những ý tưởng, những người phản biện lại lập luận một cách có lý, có luận cứ rõ ràng thuyết phục, như vậy hiệu trưởng phải lắng nghe, bởi nếu không lắng nghe thì khi thực hiện sẽ không tạo được sự đồng thuận. Nếu trong Hội đồng trường không đồng thuận nhất trí cao thì việc biểu quyết những vấn đề lớn cũng không thể thành công được”.
Chính quyền địa phương khi tham gia chỉ là ủy viên, dưới sự chỉ đạo của hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng trường, về vấn đề này thầy Cường nêu quan điểm: “Quan trọng nhất là nhận thức của đại diện chính quyền địa phương, theo tôi họ cũng nhận thức rất rõ mình là một thành viên có trách nhiệm trong việc cùng với nhà trường, đóng góp ý kiến để xây dựng phát triển cho nhà trường, chứ không phải vai trò tôi là Phó chủ tịch phường, thì sang đây tôi phải chức này, chức kia.
Nhiều lúc mọi người cứ “hình thức hóa” quá về việc thành lập Hội đồng trường, còn chúng ta phải xác định sự đúng đắn của nó được thể hiện rõ trong Thông tư 32 thì mới thấy được ý nghĩa quan trọng thế nào, và người hiệu trưởng sẽ vững tin rất nhiều. Có thể hiệu trưởng cứ triển khai và thực hiện nếu như chưa có người phản biện thì tính thành công chưa được rõ, nhưng trước khi thực hiện, anh nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, phản biện của nhiều thành phần trong và ngoài nhà trường, của giáo viên của tổ chuyên môn,…sẽ khác hơn rất nhiều.
Đây là sự thuận lợi lớn nếu hiệu trưởng vận hành đúng quyết sách của Hội đồng trường thì chắc chắn sẽ thành công, nó hoàn toàn khác với Hội đồng giáo dục của nhà trường. Khi triển khai và thực hiện là chức năng của Hội đồng giáo dục chứ không phải lúc đó bàn chiến lược, ở đây là câu chuyện khác nhau hoàn toàn với chức năng Hội đồng trường chỉ đưa ra bàn những quyết sách lớn”.
Thêm 1 chức danh quản lý - chủ tịch hội đồng trường là thừa!
Theo cô Vũ Thị Ngọc Dung, đúng lý ra hội đồng trường trong nhà trường phổ thông công lập rất quan trọng, nhưng thực tế thì nó chưa phát huy được sức mạnh.
Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Thông tư này dự kiến sẽ được thay thế cho Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017.
Điều đáng nói, theo dự thảo của thông tư này thì dự kiến sẽ có thêm 1 vị trí lãnh đạo nữa trong các trường phổ thông công lập đó là chủ tịch hội đồng trường.
Chức danh chủ tịch hội đồng trường là thừa
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chủ tịch hội đồng trường nên là một thành viên trong ban giám hiệu nhà trường, có thể là hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng, hoặc chủ tịch công đoàn.Tuy nhiên, tốt nhất thì hiệu trưởng nên kiêm nhiệm luôn chức danh này.
Cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (ảnh: NTCC)
Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho hay, theo quy định thì hội đồng trường sẽ quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng như chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch và mục tiêu phát triển của nhà trường, các dự án trong từng giai đoạn và năm học, cùng rất nhiều vấn đề quan trọng khác trong nhà trường.
Thế nhưng, trên thực tế thì hiện nay, hội đồng trường trong các trường phổ thông vẫn chưa phát huy được hết sức mạnh do đó khi quyết định những vấn đề quan trọng, có tầm nhìn chiến lược của trường chủ yếu vẫn là cấp ủy, các thành viên trong Ban Giám hiệu, các thành viên cốt cán của trường học.
Cũng đồng quan điểm này, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, dự thảo của thông tư này cho thêm một chức danh lãnh đạo mới trong nhà trường phổ thông công lập là chủ tịch hội đồng trường là rất thừa.
Thầy Huỳnh Thanh Phú giải thích, đã từ nhiều năm nay, chức danh chủ tịch hội đồng trường chủ yếu chỉ là "hữu danh vô thực".
Trong trường phổ thông công lập, hiệu trưởng sẽ là cán bộ quản lý đứng đầu nhà trường hay là chủ tịch hội đồng trường? Nếu giáo viên trúng cử chức danh chủ tịch hội đồng trường thì cũng cần phải làm rõ tiêu chuẩn của giáo viên làm chủ tịch hội đồng trường.
"Nếu chủ tịch hội đồng trường là người hoạch định chính sách, chiến lược phát triển cho nhà trường, còn hiệu trưởng chỉ là người thực hiện. Vậy khi hiệu trưởng triển khai để xảy ra sai phạm thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?" - thầy Huỳnh Thanh Phú đặt vấn đề.
Thông thường, trong các nhà trường phổ thông hiện nay thì hiệu trưởng làm theo các nghị quyết của chi bộ, nếu có thêm chủ tịch hội đồng trường thì sẽ thực hiện vai trò gì?
Ngoài ra, cũng cần phải có quy định rõ thêm chủ tịch hội đồng trường được ký, đóng dấu văn bản nào, trường hợp nào?
Thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, khi có thêm một chức danh lãnh đạo trong trường phổ thông công lập thì cần phải làm, hiểu "đến nơi đến chốn", và thuận lợi nhất vẫn là "hiệu trưởng kiêm luôn chủ tịch hội đồng trường", còn nếu giáo viên kiêm chức danh này thì cần làm rõ ai là người hoạch định chính sách, chiến lược phát triển cho trường học.
Cuối cùng, thầy Huỳnh Thanh Phú đề xuất, nên để mô hình chủ tịch hội đồng trường áp dụng cho các trường ngoài công lập, trường quốc tế thì tốt hơn, mà ở những nơi này người ta vẫn thường gọi là chủ tịch hội đồng quản trị.
"Không thể đem mô hình của trường ngoài công lập áp dụng cho trường công lập. Nếu chúng ta không có chế độ chính sách, cơ sở pháp lý cụ thể thì có thể gây mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường" - thầy Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh.
Nếu hiệu trưởng kiêm chủ tịch hội đồng trường sẽ xảy ra chuyên quyền
Một giáo viên ở trường trung học phổ thông Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi đọc xong dự thảo của Thông tư này khẳng định rằng, nếu hiệu trưởng kiêm chủ tịch hội đồng trường thì sẽ xảy ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền, và trường phổ thông công lập dần dần sẽ biến thành trường ngoài công lập.
Một giáo viên khác ở trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cũng đồng tình quan điểm nói trên, và cho rằng bao nhiêu chức vụ chính trong trường phổ thông công lập hiện nay đều do hiệu trưởng kiêm nhiệm hết.
Nếu hiệu trưởng kiêm luôn chủ tịch hội đồng trường thì việc thực hiện nhiệm vụ của hội đồng trường thường cũng do hiệu trưởng quyết hết, vai trò của các thành viên khác rất mờ nhạt.
Kể cả việc hội đồng trường buông lỏng giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, dẫn đến việc hiệu trưởng sẽ tự tung tự tác.
Đa số học sinh đều e ngại, ít dám lên tiếng trong buổi họp của Hội đồng trường Nếu đại diện học sinh tham gia hội đồng trường, cần giao thêm quyền thu thập ý kiến, nhu cầu của học sinh toàn trường về các vấn đề quản trị của nhà trường. Tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định thành phần của hội đồng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học...