Giáo dục tài chính cho trẻ: Tại sao không?
Là một vấn đề khá mới mẻ đối với cha mẹ ở Việt Nam nhưng ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc dạy cho con cách quản lý tài chính, cách kiếm tiền… được thực hiện từ khi trẻ lên 3 và không giới hạn độ tuổi.
Hiểu một cách đơn giản, giáo dục tài chính là dạy cho trẻ biết tiền là gì, làm thế nào để có tiền và chi tiêu thế nào cho hiệu quả? Đồng thời, trẻ cũng cần được dạy những giá trị liên quan đến tiền bạc như sự sẻ chia, giúp đỡ hay làm từ thiện.
Quan điểm dạy cho trẻ biết tiền quá sớm sẽ ảnh hưởng không tốt là quan niệm sai lầm. Thay vì né tránh việc đó, cha mẹ hãy dạy cho các con những hiểu biết về tiền, cách kiếm tiền từ rất sớm để con hiểu rằng tiền không phải tự nhiên mà có, từ đó con cái sẽ có trách nhiệm hơn với đồng tiền, sử dụng nó một cách hữu ích.
Dưới đây là những cách đơn giản để giáo dục con về quản lý tiền:
Video đang HOT
1. Chủ động cung cấp cho trẻ thông tin về tiền khi các con biết đếm. Lúc đó, các con sẽ quan sát và lặp lại những gì chúng thấy, đó là cách để trẻ học hỏi, ghi nhớ.
2. Giúp trẻ học về giá trị của đồng tiền và ý nghĩa của việc tiết kiệm bằng cách đặt ra mục tiêu cho trẻ. Chẳng hạn, chỉ với món đồ chơi mà các con yêu thích, muốn cha mẹ mua cho mình, bạn hãy lấy đó làm mục tiêu cho con. Con sẽ có nó bằng chính tiền tiết kiệm của mình. Điều này sẽ khiến trẻ sống có trách nhiệm hơn.
3. Hãy nói với con về việc làm thế nào để tiết kiệm tiền: Cha mẹ làm gương trước tiên, mua heo đất của cha mẹ và của con. Hãy cùng bỏ những đồng tiền vào đó mỗi ngày. Và các con sẽ rất thích thú khi mỗi ngày cầm heo đất lại thấy nặng hơn.
Hãy dạy con phân biệt tiền và cách tiết kiệm từ khi con biết đếm
4. Khi trẻ lớn hơn, dạy cách so sánh khi mua sắm: Hãy lên danh sách mua sắm đồ cùng con. Sau đó, bằng cách cùng con đi siêu thị, đi chợ và bạn có thể chỉ cho con biết nếu món đồ nào đó trong danh sách của mình có khuyến mại, hãy so sánh giá cả và nhấn mạnh rằng đó là điều cần thiết khi học cách tiết kiệm tiền.
5. Giúp các con biết về sự khác nhau giữa như cầu, mong muốn và ước muốn. Việc này sẽ chuẩn bị cho trẻ những kiến thức về các cách để đưa ra quyết định tiêu dùng thông minh trong tương lai.
6. Giới thiệu cho trẻ về ý nghĩa của việc tiết kiệm tiền trái ngược với việc chi tiêu: Giải thích và phân tích cho trẻ về việc kiếm lãi trong các món tiền tiết kiệm. Hãy cân nhắc về việc ” trả lãi” cho trẻ nếu trẻ để tiền tiết kiệm ở nhà. Trẻ có thể giúp tính toán tiền lãi và thấy số tiền tích góp được tăng nhanh như thế nào thông qua việc tích góp tiền lãi. Sau đó trẻ sẽ nhận ra rằng cách nhanh nhất để tăng ” tỉ lệ lãi suất” là một quá trình tiết kiệm thường xuyên, lâu dài. Thậm chí là một số cha mẹ đã đưa ra một cuộc thi về số tiền các con tiết kiệm được.
Khi con lớn hơn hãy dạy con hiểu thêm về thẻ tín dụng
7. Khi các em bước vào độ tuổi 9 – 12: Các em có thể đã nhìn thấy bạn sử dụng thẻ tín dụng và biết sự tiện lợi của chúng, nhưng các em sẽ không hiểu được những hao tốn khi dùng thẻ. Bạn cần giải thích cho các em sự khác biệt giữa thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cũng như cách sử dụng thẻ tín dụng có trách nhiệm. Các em cần hiểu rằng việc sử dụng thẻ tín dụng cũng giống như là nhận một khoản vay.
8. Xây dựng một lịch trình thường xuyên cho những cuộc thảo luận của gia đình về các khoản tiền. Đây là một cách đặc biệt có ích cho các con, đó là lúc các con tính tổng cộng số tiền đã tiết kiệm được và số tiền lãi đã được nhận.
Dạy cho trẻ biết cách tiết kiệm tiền và quản lý tài chính không phải chuyện chỉ nói một lần là xong. Nó bắt đầu khi các em còn nhỏ, tiếp tục khi trẻ lớn lên, và cần sự rèn luyện thành thói quen lối sống. Quá trình áp dụng thực tế thường phát sinh lỗi lầm nhưng cũng chính là bài học. Với cách hướng dẫn phù hợp lứa tuổi, trẻ sẽ ít ngây ngô và có thể tự lập hơn khi trưởng thành.
Theo Công lý