Giáo dục tác động lớn đến kinh tế- xã hội
Sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nền giáo dục của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, tác động tích cực đến kinh tế- xã hội. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học – Cao đẳng (ĐH-CĐ) ngoài công lập Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Xuân Nhĩ
Thưa ông, sau 40 năm thống nhất đất nước, ngành giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành công gì?
Khi đất nước còn chia cắt làm hai miền, giáo dục hai miền Nam- Bắc có sự khác nhau. Đó là miền Bắc thực hiện giáo dục 11 năm, miền Nam 12 năm, do đó phương pháp giảng dạy hai miền cũng khác nhau. Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thắng lợi lớn nhất của ngành giáo dục là đã thống nhất được nền giáo dục ở hai miền. Khi nền giáo dục được hợp nhất, tại thời điểm đó chúng ta đã nỗ lực xóa được nạn mù chữ. Đồng thời, sau đó chúng ta đã hoàn thành được nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, phát triển giáo dục phổ thông, trung cấp nghề, phát triển các trường ĐH-CĐ. Năm 1975 cả nước chỉ có vài chục trường ĐH-CĐ, đến này đã có gần 500 trường và số lượng sinh viên học trong các trường cũng đang phát triển. Có thể nói trong những năm qua, ngành Giáo dục đã nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân lên một bậc mới.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm đến chất lượng giáo dục. Từ một nước nghèo, lạc hậu, số người mù chữ, chưa tốt nghiệp THCS, THPT còn chiếm tỷ lệ lớn thì đến nay trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ học sinh- sinh viên đã được nâng cao. Ngoài ra, phương thức giáo dục đã có nhiều đổi mới, từ một nền giáo dục bao cấp đã và đang xây dựng phương thức xã hội hóa giáo dục, tức là huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư vào giáo dục. Đặc biệt là việc Nhà nước đã cho phép mở các trường ngoài công lập xây dựng mô hình trường đại học tự chủ (tức là Nhà nước chỉ quản lý còn các trường xây dựng nguồn lực kinh phí, phương thức giảng dạy học tập…).
Đồng thời, từ năm 1991 đến nay ngành Giáo dục đã chú trọng phát triển giáo dục miền núi, vùng sâu vùng xa, với việc xây dựng được hệ thống trường THPT nội trú, các trường bán trú từ cấp xã đến tỉnh. Từ đó, ngành giáo dục đã đào tạo ra những nguồn nhân lực phục vụ ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa.
Ông đánh giá những bước phát triển về giáo dục đã tác động như thế nào đến nền kinh tế- xã hội của đất nước?
Những bước phát triển của nền giáo dục nước nhà đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội. Ví dụ như giai đoạn 1975-1990, nền giáo dục nước ta còn lạc hậu, chưa có đội ngũ công nhân và kỹ sư giỏi nên khi xây dựng các dự án phát triển xã hội như Nhà máy Thủy điện sông Đà chúng ta phải nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài. Hiện nước ta đã có những kỹ sư giỏi, nhiều dự án phát triển xã hội trong nước đều do đội ngũ kỹ sư và công nhân người Việt Nam thiết kế và thi công. Từ đó, đã thu hút được nguồn lực đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, giáo dục phát triển đã đưa nước ta từ một nước có thu nhập quốc dân thấp chỉ khoảng từ 200 đến 300 USD/năm lên đến vài nghìn USD/năm.
Vậy giáo dục Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế chưa?
Giáo dục Việt Nam đã có những bước phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Kiến thức giảng dạy trong các nhà trường quá ôm đồm, còn nhiều chương trình không phù hợp với thực tế phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Hiện nước ta đã hội nhập với các nước trên thế giới nhưng trình độ tay nghề của một bộ phận người lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mà các doanh nghiệp nước ngoài đặt ra. Tại những dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài, công nhân Việt Nam vẫn đang làm ở công đoạn gia công đơn giản. Bên cạnh đó, năng lực ngoại ngữ của một bộ phận người dân vẫn còn yếu, nên người Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đi xuất khẩu lao động.
Theo ông, giải pháp trong quá trình đổi mới và phát triển của ngành Giáo dục là gì?
Phương pháp giáo dục trong nhà trường chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh- sinh viên, chủ yếu thầy giảng trò ghi. Mặc dù, thời gian gần đây Bộ GD-ĐT đã có thay đổi phương pháp thi cử và phương thức ra đề thi theo hướng vận dụng tính sáng tạo của học sinh. Song song đó đang thực đề án đổi mới sách giáo khoa. Tuy nhiên, đó là cách đổi mới từ ngọn, trong khi đó, quan trọng nhất là đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo tôi, trước tiên ngành giáo dục phải đổi mới phương pháp giáo dục trong các nhà trường, từ đó đổi mới nội dung chương trình trong sách giáo khoa.
Ngoài ra, ngành Giáo dục chưa thực hiện được phân hóa học sinh. Tức là ngay từ khi học sinh học lên THPT cần phân hóa theo hướng đào tạo nguồn nhân lực như: Nghiên cứu, dạy nghề…, từ đó, đào tạo ra được nguồn nhân lực phù hợp với sự phát triển của đất nước, đồng thời, học sinh sớm có sự định hướng được nghề nghiệp và công việc trong tương lai.
Năm 2013, Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 29 – NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây là bước đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước, giáo dục và đào tạo được đặt lên làm quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Theo tôi, khi ngành giáo dục thực hiện đúng các mục tiêu tại Nghị quyết số 29- NQ/TW, trong thời gian tới nền giáo dục nước nhà sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo baohaiquan.vn