Giáo dục STEM: Gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học
Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Điều này phù hợp với cách tiếp cận tích hợp trong Chương trình GDPT mới.
HS Trường Nguyễn Siêu tham gia cuộc thi “Cùng robot chung tay xử lý rác thải”. Ảnh: Lê Đăng
Khuyến khích các trường mạnh dạn đổi mới
Từ năm 2014, Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội đồng Anh triển khai thí điểm chương trình giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) tại Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Nam Định. Đến nay giáo dục STEM được xem xét đưa vào đại trà trong Chương trình GDPT mới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của STEM là gắn liền với hoạt động nghiên cứu khoa học. Để giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế, các em thỏa sức với những đam mê của mình, các nhà trường đã thành lập ra những câu lạc bộ (CLB): Tái chế, Sáng tạo, Nhà sinh học trẻ, Robotic…
Tại ngày hội STEM của học sinh Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội), các em đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, thiết thực với cuộc sống như máy nhặt rác
Ecorobot, thùng phân loại rác tự động (kim loại – phi kim), giải pháp tuần hoàn rác hữu cơ, chiếc thuyền vớt rác… Em Nguyễn Phú Lộc, lớp 10F1, cho biết: Cuộc thi năm nay của trường là sáng tạo robot với chủ đề “Cùng robot chung tay xử lý rác thải”. Nhiêm vu cua cac đôi chơi la thiêt kê robot thu gom rác thải ở sân trường về nhà máy xử lý, tái chế rác thải. Sau 2 – 3 tuần lắp ghép từng bộ phận, đấu nối và lập trình, các robot sẽ tham gia phân loại rác thải theo đúng vị trí của nó. Nguyên liệu lắp ghép do các em tự tìm kiếm, lắp ghép dưới sự hướng dẫn của thầy cô.
Thầy giáo Hoàng Văn Hiệp cùng học sinh trong ngày hội STEM
Cách tiếp cận tích hợp trong Chương trình GDPT mới
Trong những năm học qua, các đơn vị trường học trên địa bàn vùng cao huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã triển khai dạy học theo định hướng tiếp cận giáo dục STEM. Mặc dù bước đầu còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng các trường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cô Nông Thị Thương, GV Trường THCS số 1 Phố Ràng cho biết, hiệu quả của các tiết dạy học theo mô hình giáo dục STEM đã xóa đi khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, các em được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học. Các em được làm việc cá nhân hoặc hoạt động theo nhóm để tạo ra sản phẩm gắn với kiến thức lí thuyết môn học.
Video đang HOT
Ngoài ra, các tiết học STEM đã tạo ra một phong cách học tập mới cho học sinh, đó là phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị, biết cách mở rộng kiến thức, cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống mà người học đang phải giải quyết. Điều này phù hợp với cách tiếp cận tích hợp trong Chương trình GDPT mới.
Dựa vào kiến thức bài tam giác và đường tròn trong môn Toán học, kiến thức môn Công nghệ, các em tạo ra biển báo giao thông, làm các loại hộp bút, đèn treo tường, đèn ông sao… Theo cô Nông Thị Thương, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan (qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra. Các kiến thức và kĩ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lí mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
Chuẩn bị những kỹ năng và kiến thức theo chuẩn toàn cầu
Nhằm thúc đẩy việc triển khai công tác giáo dục về STEM trong chương trình GDPT mới, thời gian qua, các Sở GD&ĐT, nhà trường đã lan tỏa chương trình tập huấn STEM cho GV. Chương trình tập huấn nhằm cung cấp cho giáo viên phương pháp hỗ trợ học sinh nâng cao kiến thức chuyên môn và liên môn, phát triển tư duy, kỹ năng làm việc nhóm cũng như cá nhân trong quá trình học tập.
PGS.TS Mai Văn Hưng, Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội cho biết: Chúng ta đang sống trong thời đại hòa nhập giữa các quốc gia có văn hóa khác nhau. Nhu cầu trao đổi công việc và nhân lực ngày càng cao. Trong bối cảnh như vậy, ngành GD cũng cần chuẩn bị cho HS những kỹ năng và kiến thức theo chuẩn toàn cầu.
Giáo dục STEM với nhiệm vụ cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21 đang và sẽ là mô hình giáo dục diện rộng trong tương lai của thế giới. Phương pháp giáo dục STEM là phương pháp giáo dục mới và có phương pháp tiếp cận khác trong giảng dạy và học tập, nên cần được sự quan tâm và nhận thức của toàn xã hội. Học STEM để đón đầu xu hướng phát triển giáo dục tiên tiến, là bước đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển đất nước trong tương lai.
Theo PGS.TS Mai Văn Hưng, trong nền giáo dục không có công nghệ và kỹ thuật thì HS chỉ được trang bị những kỹ năng về lý thuyết, về khái niệm, nguyên lý, công thức, định luật mà không được trang bị kiến thức để áp dụng vào thực tiễn. Vì vậy việc kết hợp các kỹ năng về STEM ngày càng trở nên quan trọng trong thế kỷ 21.
Thầy giáo Hoàng Văn Hiệp, GV môn Công nghệ, Trưởng phòng STEM 1, Trường Nguyễn Siêu cho biết: Ngày hội STEM năm nay của nhà trường có chủ đề thu gom rác thải. HS có rất nhiều ý tưởng sáng tạo. Mỗi lớp có 1 sản phẩm dự thi mang đến những ý tưởng riêng. Hoạt động STEM gắn với chủ đề cụ thể giúp HS chủ động hơn trong tiếp thu kiến thức, không phụ thuộc vào GV, vào sách vở. Các em chủ động ý thức, tìm tòi kiến thức trên mạng, trong sách vở để cho ra đời những sản phẩm gắn với thực tiễn.
Đăng Huyền
Theo GDTĐ
Giảng viên 8X truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho sinh viên
Giảng viên sinh năm 1982 luôn mong muốn sẽ "truyền lửa" cho các sinh viên, để mỗi sinh viên Bách khoa đều có thể tạo ra một sản phẩm có ý nghĩa.
Tiến sỹ Trần Quang Đức, Giám đốc Trung tâm An toàn an ninh thông tin, giảng viên Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) vừa nhận giải Nhì Giải thưởng "Nhân tài đất Việt 2019".
Giảng viên sinh năm 1982 luôn mong muốn sẽ "truyền lửa" cho các sinh viên, để mỗi sinh viên Bách khoa đều có thể tạo ra một sản phẩm có ý nghĩa.
*Nỗ lực nghiên cứu sản phẩm đột phá
Tốt nghiệp Đại học, Thạc sỹ tại Hungary, Trần Quang Đức về "đầu quân" cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2008. Sau đó, anh tiếp tục ra nước ngoài học tập, hoàn thành luận án Tiến sỹ tại Vương quốc Anh rồi quay trở về trường.
Tiến sỹ Trần Quang Đức, Giám đốc Trung tâm An toàn an ninh thông tin, giảng viên Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Tiến sỹ Trần Quang Đức chia sẻ: "Tôi đã thử làm việc ở môi trường khác, nhưng rồi vẫn quay trở về với Bách khoa, gắn bó với ngôi trường đã 11 năm. Ở đây, tôi luôn cảm thấy gần gũi, được bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ, trao đổi chuyên môn, san sẻ những vấn đề trong cuộc sống. Bên cạnh đó, khi làm việc, tiếp xúc với các bạn sinh viên thông minh, nhiệt tình, đầy sức trẻ, tôi thấy mình năng động hơn".
Nói về sản phẩm vừa đoạt giải Nhì Giải thưởng "Nhân tài đất Việt 2019", Tiến sĩ Trần Quang Đức cho biết: Cả nhóm mất khoảng 20 tháng nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Nhóm gồm 13 thành viên, trong đó có 4 giảng viên, một nghiên cứu sinh, một chuyên gia đến từ tổ hợp Công nghệ giáo dục Topica, còn lại là sinh viên, tập trung nghiên cứu giải pháp tăng cường bảo mật cho hệ thống camera an ninh - một hướng đi tương đối khó.
Việc tạo ra một sản phẩm mới, lại có thể giải quyết các bài toán "lỗ hổng" bảo mật toàn diện cho camera không phải đơn giản. Đó là chưa kể, các thành viên mỗi người một công việc riêng nên để sắp xếp thời gian làm việc chung rất khó khăn. Thực tế, có giai đoạn, cả nhóm rơi vào bế tắc, cảm thấy tiềm năng của sản phẩm không được như mong đợi. Nhưng rồi, tất cả các thành viên đều cố gắng, nỗ lực để hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất.
Tiến sỹ Trần Quang Đức kể, có lần giới thiệu sản phẩm (lúc này đã thành hình hài) với một khách hàng, bị vị khách đó nhận xét: "Sản phẩm phục vụ cho mạng nội bộ cũng không cần quá bảo mật!". Nghe khách hàng nói, lúc đó, anh rất thất vọng. Những tưởng "đứa con tinh thần" chăm chút bao ngày tháng được hoan nghênh, ai dè lại bị "dội gáo nước lạnh".
Nhưng anh cùng các cộng sự "lắng" lại cảm xúc, tập trung phân tích tiềm năng ứng dụng, suy nghĩ cách tiếp cận và mở rộng phạm vi của sản phẩm không chỉ là mạng nội bộ mà cả mạng internet. Chính nhờ những góp ý đó, sản phẩm được hoàn thiện hơn.
Theo giới chuyên môn, đây là một sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, đi đúng hướng về mặt quản lý nhà nước, rất sáng tạo về công nghệ. Sản phẩm đã được đăng ký sáng chế tại Việt Nam và tiến tới sẽ mở rộng bảo hộ ở nước ngoài.
Vượt qua nhiều ứng viên "nặng ký" trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản phẩm "Giải pháp bảo mật toàn diện cho hệ thống camera an ninh" (DASCAM) của nhóm đã xuất sắc giành giải Nhì Giải thưởng "Nhân tài đất Việt 2019".
Ngay từ những vòng thi đầu tiên của Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2019, giải pháp này đã được Hội đồng giám khảo đánh giá cao trong việc giải quyết lỗ hổng đánh cắp dữ liệu của camera. DASCAM được cho là sản phẩm có thể tận dụng được hết những lợi thế của các thiết bị IP camera hiện có trên thị trường, đồng thời cũng khắc chế được những nhược điểm mà các sản phẩm khác không thể làm được.
Với DASCAM, nhóm nghiên cứu không chỉ mong muốn giải quyết được bài toán của Việt Nam mà còn hy vọng có thể hòa chung với dòng chảy công nghệ của thế giới. Để tạo ra một sản phẩm lõi công nghệ rất khó khăn, khi được Ban giám khảo đánh giá cao, cả nhóm rất tự hào và hạnh phúc".
*"Truyền lửa" cho sinh viên
Tiến sỹ Trần Quang Đức chia sẻ: Từ trước đến nay, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đều có truyền thống tham gia "Nhân tài Đất Việt" và một số bạn đã đạt được những thành tích rất ấn tượng. Khi tham gia cuộc thi, các nhóm dự thi đều mong muốn tiếp nối truyền thống, đóng góp vào thành tích chung của Viện, tạo động lực để các bạn trẻ nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ thông tin hữu ích.
Tiến sỹ Trần Quang Đức vừa nhận giải Nhì Giải thưởng "Nhân tài đất Việt 2019". Ảnh: TTXVN
Sau niềm vui nhận giải thưởng, Tiến sỹ Trần Quang Đức nói vui: "Hình như thầy được giải quốc gia, các sinh viên nhìn thầy có vẻ... thiện cảm hơn!" Trên thực tế, để vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học đòi hỏi các thầy, cô dành nhiều thời gian, tâm sức. Và để chuyển đổi từ một công trình nghiên cứu ra một sản phẩm là quãng đường tương đối dài.
Hiện một ngày của Tiến sỹ Trần Quang Đức từ 8 giờ đến 19 giờ ở trường. Thứ Bảy, anh cũng lên cơ quan làm việc. Anh luôn cảm ơn gia đình đã thấu hiểu, động viên, tạo điều kiện cho anh toàn tâm toàn ý với công việc. Điều anh luôn nhắc sinh viên là làm gì cũng cần có đam mê, kiên nhẫn theo đuổi. Làm gì cũng cần cẩn thận, suy nghĩ thấu đáo, tổ chức làm việc nhóm một cách khoa học.
Theo Tiến sỹ Trần Quang Đức, người thầy luôn có sức ảnh hưởng lớn với học trò. Khi còn ngồi trên ghế phổ thông, anh thường hay làm bài cẩu thả, chủ quan. Nhưng nhờ thầy Ngọc Anh, người thầy dạy tại Trường Trung học Phổ thông Việt Đức đã giúp anh rèn giũa, trở nên cẩn thận hơn. Đức tính này đã theo anh từ đó đến nay.
Tiến sỹ Trần Quang Đức cũng luôn biết ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Lan, người đã luôn động viên, theo sát anh từ những ngày đầu làm việc tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên anh tham gia chính là đề tài của cô. Khi đó, anh được sống trong môi trường tập thể gồm các sinh viên, giảng viên, cùng nghiên cứu, làm việc. Nhờ đó, anh biết rằng, để đạt được thành công phải có nhiều người chung sức, không thể đi một mình.
Tiến sỹ Trần Quang Đức đã lên kế hoạch thời gian tới tổ chức những buổi giao lưu để giới thiệu cho sinh viên về công trình nghiên cứu của mình, đồng thời, động viên các em với tinh thần "đã là sinh viên Bách khoa cần tạo ra được sản phẩm có ý nghĩa"./.
Theo Việt Hà/TTXVN
Trường Đại học PCCC kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam Ngày 20-11, tại Hà Nội, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Thiếu tướng Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC chủ trì buổi lễ. Nhân dịp này, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng, PGS.TS Bùi...