Giáo dục Ninh Bình cần sự bứt phá
Đó là mong muốn và kỳ vọng của bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 -2020 của ngành Giáo dục Ninh Bình sáng ngày 16/8.
Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 3 tập thể xuất sắc
Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt trên 80%
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết: Năm học 2018-2019 có ý nghĩa quan trọng: tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về giáo dục đào tạo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 21, nhiệm kì 2015-2020; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Quy mô trường, lớp ở các cấp học ổn định, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trong tỉnh. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố vững chắc và nâng cao; được GD&ĐT ghi nhận kết quả thực hiện chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 và chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường; tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; trang thiết bị giáo dục ngày càng đáp ứng tốt hơn hoạt động dạy học, giáo dục. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tiếp tục được đẩy mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cán bộ quản lý và giáo viên ở từng cấp học. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt trên 80%.
Nhiều năm liền, kết quả thi THPT quốc gia của Ninh Bình đứng ở thứ hạng cao so với toàn quốc; năm 2019, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đạt 97,87%; điểm trung bình bài thi của thí sinh tỉnh Ninh Bình xếp thứ 3 toàn quốc; có 40 bài thi các môn đạt điểm 10 (mười), 117 thí sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển vào đại học đạt từ 26 điểm trở lên. Những kết quả trên tiếp tục khẳng định vị thế của giáo dục Ninh Bình trong tốp các tỉnh, thành phố có chất lượng giáo dục cao của cả nước.
Giáo dục đào tạo là một khâu đột phá để phát triển
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác giáo dục – đào tạo của tỉnh vẫn còn những hạn chế, tồn tại và những bất cập cần được khắc phục như chưa chủ động tìm ra các giải pháp tạo bước đột phá cho sự phát triển giáo dục – đào tạo của tỉnh.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị
Chất lượng giáo dục toàn diện tuy được nâng lên nhưng vẫn còn chậm và không đồng đều ở các khối lớp, các địa phương; Chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa cao: Số học sinh đạt giải cấp quốc gia, quốc tế còn ít, không có giải cao, đã lâu không có học sinh tham gia giải quốc tế, ít có học sinh đỗ thủ khoa các trường đại học.
Công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi còn nhiều hạn chế chưa được khắc phục, kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia có biểu hiện giảm sút.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, chấn hưng giáo dục là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển của Ninh Bình. Động lực cho Ninh Bình là phát triển con người. Vì vậy, cần tiếp tục phát huy thế mạnh, phát huy thành tích, để đạt được kết quả cao hơn, hoàn thiện hơn.
Toàn cảnh hội nghị
Bà Thanh cho rằng, chất lượng đại trà của GD Ninh Bình bao năm nay đều đạt từ thứ 4 đến thứ 5 cả nước. Điều đó chứng tỏ chúng ta đã khẳng định được chất lượng ổn định.
Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới GD Ninh Bình cần chuyển từ chất lượng đại trà đến sự bứt phá. Phấn đấu trong những năm học tiếp theo, Ninh Bình phải đạt thứ nhất, thứ nhì về điểm bình quân thi tốt nghiệp THPTQG, tăng cường thi học sinh giỏi, các đội tuyển quốc gia và quốc tế.
Cả tỉnh cần chung tay với ngành GD để tạo nên sự bứt phá
Nhất trí với các nhiệm vụ và giải pháp mà báo cáo đã nêu trong hội nghị, bà Thanh đề nghị toàn ngành Giáo dục trước hết, cần tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Thực hiện rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học; khắc phục tình trạng quá tải học sinh/lớp; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy, học.
Hai là, Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, có kế hoạch linh hoạt về đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại và có chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp, tránh thừa thiếu cục bộ, bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.
Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình trao Huân chương Lao động hạng 3 cho ông Trần Quang Vinh
Ba là, Đảm bảo việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm, học lực học sinh trong các nhà trường được thực hiện công bằng, khách quan, phản ánh thực chất, chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
Bốn là, Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở các cấp học, trong đó tập trung làm tốt các nội dung. Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại…
Năm là, Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.
Sáu là, Tập trung đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo mũi nhọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giám đốc Sở GD&ĐT tặng cờ thi đua của UBND tỉnh cho các tập thể xuất sắc
Bà Thanh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các Sở, ban, ngành của tỉnh; các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng chung tay với ngành Giáo dục đào tạo tỉnh nhà tạo dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh trong nhà trường, trong mỗi gia đình và ở ngoài xã hội; tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ cho dạy và học, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện, phát triển bền vững của ngành giáo dục tỉnh nhà.
Giám đốc Sở GD&ĐT tặng cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho các tập thể xuất sắc
Giám đốc Sở GD&ĐT tặng Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các cá nhân xuất sắc
Tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình đã trao Huân chương lao động hạng 3 cho ông Trần Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng; Cờ thi đua của Chính phủ cho 3 tập thể xuất sắc: Sở GD&ĐT Ninh Bình, Trường THPT Kim Sơn A; Phòng GD&ĐT huyện Yên Khánh. Hội nghị cũng tặng Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các tập thể và cá nhân xuất sắc.
Trịnh Huyền – Bá Hải
Theo GDTĐ
Sóc Trăng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQLGD các cấp
Ngày 15/8, Sở GD-ĐT Sóc Trăng tổ chức lễ tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 theo hình thức trực tuyến.
Trường học ở vùng đồng bào dân tộc
Năm học 2018 - 2019, toàn ngành GD - ĐT tích cực thực hiện nhiệm vụ năm học, qua đó đạt được những kết quả cụ thể. Quy mô giáo dục các cấp học tiếp tục được củng cố, sắp xếp theo hướng tinh gọn và tập trung, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (HS).
Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư và bước đầu mang lại hiệu quả, hiện toàn tỉnh có 268/518 trường (công lập) đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 51,7%. Chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học từng bước được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực, đa số các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đổi mới cách đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Việc giảm thiểu học sinh bỏ học, duy trì sĩ số các cấp học được tập trung chỉ đạo, thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể và có hiệu quả...
Giáo dục dân tộc cũng được quan tâm. Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 152 trường có dạy tiếng Khmer, 1.609 lớp (kể cả các trường PTDTNT) với 41.780 HS. Trong đó, Tiểu học 108 trường với 1.224 lớp, có 30.092/42.159 học sinh dân tộc Khmer học chữ Khmer, chiếm tỷ lệ 71,37%; THCS có 35 trường với 336 lớp, có 10.076/19.673 học sinh dân tộc Khmer học tiếng chữ Khmer, chiếm tỷ lệ 51,21%; THPT có 09 trường, 49 lớp với 1.601/4.520 HS dân tộc Khmer học chữ Khmer, chiếm tỷ lệ 35,42%.
Đối với môn tiếng Hoa, tỉnh có 5 trường với 49 lớp, có 1.406 học sinh; trong đó, Tiểu học 3 trường với 32 lớp, có 960/4.361 học sinh dân tộc Hoa học tiếng Hoa, chiếm tỷ lệ 14,82%, THCS 02 trương vơi 17 lớp co 446/4.131 học sinh dân tộc Hoa học tiếng Hoa, chiếm tỷ lệ 10,79%. Hầu hết các đơn vị trường có dạy tiếng Hoa là những trường tư thục của Hội người Hoa tổ chức.
Về đội ngũ, toàn ngành có 18.532 cán bộ, giáo viên và nhân viên, (08 Tiến sĩ, 312 Thạc sĩ, 70 CBGV đang học Thạc sĩ, 08 CBGV đang học nghiên cứu sinh), trong đó tỷ lệ giáo viên là người dân tộc chiếm hơn 27 %, so với năm học 2017-2018 tăng 121 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Tất cả giáo viên đều có trình độ đạt chuẩn 100%.
Năm học 2019 - 2020, ngành GD - ĐT tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và là năm học chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đặc biệt, để thực hiện đạt kết quả tốt 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của Bộ GD - ĐT cùng với thực tiễn của tỉnh Sóc Trăng, ngành GD - ĐT tỉnh Sóc Trăng đề ra chủ đề năm học 2019 - 2020 là "Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo"...
Định hướng cho năm học 2019-2020, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề nghị ngành giáo dục quan tâm triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về nâng cao chất lượng GD - ĐT; các cấp ủy, chính quyền phải xác định việc nâng cao chất lượng GD - ĐT là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo ngành giáo dục của tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ trong năm học mới cũng như trong cả giai đoạn của nhiệm kỳ;
Cụ thể hóa 9 nhiệm vụ trọng tâm, 5 giải pháp cơ bản để vận dụng phù hợp với điều kiện của tỉnh; ngành GD - ĐT cần bám sát chương trình đổi mới GD - ĐT để vận dụng và triển khai có hiệu quả, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền trong việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, xóa các điểm lẻ và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tiếp tục kêu gọi tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư cho giáo dục trên địa bàn, nhất là đối với cấp học mầm non và trung học phổ thông. Cần xác định yếu tố có tính chất quyết định để đổi mới nâng cao chất lượng GD - ĐT là phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD - ĐT...
Cao Xuân Lương
Theo GDTĐ
Quận Hà Đông không ngừng mở rộng quy mô trường lớp Sáng 15/8, phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2019-2020. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội trao cờ thi đua cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc Báo cáo tại lễ tổng kết năm học, bà Phạm Thị Lệ Hằng -...