Giáo dục nhân văn, sáng tạo, thực chất trong mùa dịch COVID-19
Dịch COVID-19 đã gây ra những khó khăn rất lớn cho ngành giáo dục, nhưng cũng làm bộc lộ, phát huy những phẩm chất nhân văn, sáng tạo và hướng đến thực chất của sự nghiệp trồng người.
Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga ( Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dạy học online môn Văn. Ảnh: Hải Nguyễn
Ngay từ đầu mùa dịch, trước thực trạng học sinh thiếu nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, các giáo viên môn Hóa trường THPT Dân tộc Nội trú số 1 tỉnh Nghệ An đã tổ chức sản xuất gel rửa tay khô sát khuẩn, cung cấp miễn phí cho học sinh. Cô Nguyễn Kiều Hoa – Hiệu trưởng đã đứng ra vận động giáo viên, các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí để mua các hóa chất, nguyên liệu sản xuất dung dịch rửa tay khô sát khuẩn và khẩu trang phát miễn phí cho học sinh.
Sau đó, khoảng 20 trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An bắt tay sản suất gel rửa tay khô kháng khuẩn dùng trong nhà trường, riêng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu còn có sản phẩm bán ra thị trường.
Tại Trường THPT Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), các thầy cô đã tổ chức mua nguyên liệu, sản xuất tấm chắn trong suốt chống giọt bắn phục vụ công tác phòng dịch trong nhà trường, vừa có tính thẩm mĩ, vừa rất hiệu quả.
Tranh thủ thời gian nghỉ học, nhiều giáo viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn cả nước đã tình nguyện tham gia nấu ăn, phục vụ tại các khu cách ly phòng dịch COVID-19. Nhiều nhà trường, giáo viên, học sinh đã đóng góp tiền hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Nhiều trường học đã biến thành điểm cách ly.
Về nội dung, phương pháp giáo dục, dịch COVID-19 là cơ hội, thử thách “vàng” đối với sự linh hoạt, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục. Gần như tức thời, nhiều trường học đã tổ chức dạy học online, ôn thi, kiểm tra trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Nhiều giáo viên lặn lội đến tận nhà học sinh giao bài tập, hướng dẫn ôn tập. Học sinh tích cực tự học ở nhà, hoạt động nhóm… thông qua các phương tiện liên lạc điện tử, mạng Internet…
Giáo dục, đang hướng đến hiệu quả, thực chất hơn khi giảm tải bớt các kiến thức hàn lâm, các hoạt động không cần thiết, kiểm tra, sát hạch năng lực người học thông qua chuẩn đầu ra. Với hướng đi này, các gia đình, người học, nhà trường và ngân sách tiết kiệm được số kinh phí không nhỏ.
Video đang HOT
Như vậy, trong mùa dịch, ngành giáo dục đã làm được rất nhiều, chứng tỏ sức sống và sức sáng tạo, bản lĩnh của dân tộc, con người Việt Nam, không lùi bước trước bất cứ hoàn cảnh nào.
Qua mùa dịch này, các em học sinh đã có thêm bài học sâu sắc về ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng, tinh thần đoàn kết, tình nguyện để khắc phục, vượt qua khó khăn, thử thách.
QUANG ĐẠI
Chuyên gia RMIT: Bài giảng cho dạy online phải giúp người học cảm nhận người thật, giao tiếp thật
Theo giảng viên Đại học RMIT Việt Nam Phạm Công Hiệp, một nhiệm vụ quan trọng của người dạy trực tuyến là chuẩn bị bài giảng hội đủ 3 yếu tố của sự "hiện diện trực tuyến", tạo ra môi trường học trong đó người học cảm nhận được người thật, giao tiếp thật.
Theo Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, việc dạy và học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác.
Giải pháp tối ưu cho ngành giáo dục
Thực hiện phương châm "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học" của ngành giáo dục, đến nay, bên cạnh 14 kênh truyền hình phát sóng các bài giảng giáo dục phổ thông, đã có nhiều trường phổ thông trong cả nước đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống quản lý học tập (LMS) để tổ chức dạy, quản lý dạy và học trực tuyến; 92/240 trường đại học đang áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến.
Ở góc độ của một chuyên gia đã 10 năm nghiên cứu, áp dụng CNTT trong giáo dục và đang giảng dạy nhiều môn học trực tuyến tại Đại học RMIT Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp nhận định, dạy và học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, những điều kiện tiên quyết nào cần có với hình thức dạy học trực tuyến để có thể đảm bảo hiệu quả như hình thức học truyền thống đang là mối quan tâm của nhiều cơ sở giáo dục, nhiều giáo viên, giảng viên.
Theo phân tích của vị giảng viên cấp cao Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, hình thức học trực tuyến có ưu điểm lớn là các tài liệu học tập, câu hỏi thảo luận, bài kiểm tra, điểm thi đều được lưu trữ trên một nền tảng quản lý nội dung trực tuyến nên người học có thể truy cập những nội dung này vào bất kỳ thời gian nào, ở bất cứ đâu.
Bài giảng sẽ được phát trực tiếp để người học có thể tham gia ngay tại thời điểm đó, đồng thời cũng được ghi hình lại để làm tài liệu hỗ trợ có thể sử dụng khi cần. Tùy theo số lượng người tham gia, người dạy và người học vẫn có thể tương tác với nhau trên nền tảng này.
"Những ưu điểm trên sẽ giúp người học có thể bắt kịp chương trình khi không thể trực tiếp đến lớp, hoặc có thể xem lại bài dễ dàng nếu không hiểu hay chưa theo kịp bài giảng", Tiến sĩ Hiệp nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia RMIT cho hay, học trực tuyến cũng cho thấy một số nhược điểm riêng như: người học có thể mất tập trung do trong môi trường trực tuyến, họ sẽ không được ai nhắc nhở, không có thời gian biểu cụ thể để tuân theo; môi trường học thiếu ổn định do bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài như tốc độ đường truyền kém, âm thanh không rõ, hình ảnh không đủ chất lượng; thiếu sự tương tác trực tiếp giữa người học với người dạy và giữa người học với nhau...
Làm sao để dạy và học trực tuyến hiệu quả?
Tiến sĩ Phạm Công Hiệp cho rằng, để khắc phục thiếu tính tương tác trực quan và cảm quan trong lớp học được dạy trực tuyến, người dạy nên chuẩn bị bài giảng hội tụ đủ 3 yếu tố của sự "hiện diện trực tuyến", gồm hiện diện người dạy, hiện diện yếu tố xã hội, hiện diện nhận thức.
Trong đó, hiện diện người dạy liên quan tới việc tạo ấn tượng với người học qua chia sẻ thông tin về tính cách, sở thích cá nhân trước buổi học đầu tiên cũng như phong thái dạy thể hiện cá tính riêng. Người dạy phải đóng vai trò kiến tạo và kết nối người học với nhau qua các hoạt động bổ trợ, cách đặt câu hỏi nhóm, cung cấp phản hồi cả trực tuyến và sau lớp học. Người học sẽ dễ kết nối và hứng thú hơn với bài giảng nếu họ hiểu và đón nhận tính cách cũng như biểu cảm của người dạy trực tuyến.
Hiện diện yếu tố xã hội giúp người học trực tuyến kết nối và có cảm xúc với cả nhóm, tạo sự hiện diện tương tự như ngoài đời thật nhờ tương tác, thảo luận qua tính năng đàm thoại, nhắn tin trực tiếp trên nền tảng dạy học, hay thậm chí là tạo nhóm thảo luận trực tuyến ngay giữa bài giảng.
Còn về hiện diện nhận thức, đây là việc kết nối bài giảng trực tuyến với những kiến thức sẵn có của người học, giúp họ kiến tạo thông tin và tri thức mới qua các hình thức trắc nghiệm, kiểm tra kiến thức ngay trong bài giảng, trả lời câu hỏi qua hình ảnh, âm thanh hay tin nhắn.
"Kiến tạo "hiện diện trực tuyến" sẽ tạo ra môi trường học trong đó người học cảm nhận được người thật, giao tiếp thật và sự hiện diện của bản thân người học cũng được quan tâm. Điều này giúp người học kết nối với thầy cô và bạn học như trong môi trường thực", Tiến sĩ Hiệp chia sẻ.
Hiện tại, Đại học RMIT Việt Nam đã chuyển toàn bộ việc học lên môi trường online.
Để chuẩn bị tốt cho việc học trực tuyến, Tiến sĩ Hiệp khuyến nghị người dạy chuẩn bị chi tiết các hoạt động, tài liệu hỗ trợ trước và sau bài giảng trực tuyến để giúp người học nắm được chủ đề trước khi tham gia buổi học và ôn tập lại kiến thức sau đó; kiểm tra, sử dụng các thiết bị giảng dạy và tài liệu buổi học xem có tương thích với phần mềm giảng dạy trực tuyến không; bố trí máy ghi hình và máy ghi âm di động để người dạy có thể thoải mái di chuyển đến bảng viết...
Với người học, chuyên gia RMIT cho rằng, cần chú trọng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ việc học như máy tính, các phần mềm cần thiết, thiết bị ghi hình, thiết bị hội thoại để tham gia lớp học trực tuyến. Đặc biệt, nên truy cập bằng đường truyền Internet tốc độ cao để có thể đạt hiệu quả tối đa khi học trực tuyến.
Bên cạnh đó, người học nên chuẩn bị tất cả những thứ cần thiết khác như nước uống, bút, sổ ghi chép để tránh di chuyển ngoài ý muốn, dẫn đến gián đoạn trong việc tiếp thu bài giảng. Nên tìm không gian phù hợp không bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh để không khiến cả người học và người dạy bị sao nhãng.
Người học cũng nên hiểu rõ các nguyên tắc lịch sự trực tuyến như không bật thiết bị ghi hình nếu không mặc trang phục phù hợp, để chế độ im lặng trên thiết bị hội thoại nếu chưa cần thảo luận, phản hồi khi được yêu cầu trả lời, chủ động tham gia thảo luận trong phòng thoại khi được nêu tên, thông báo với những người đang cùng tham gia khi bản thân phải dừng buổi học sớm.
Chuyên gia RMIT cũng lưu ý thêm, các thiết bị phần mềm hỗ trợ bài giảng trực tuyến đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đạt hiệu quả cao nhất khi học trực tuyến. Microsoft Teams, Google Meet, Collaborate Ultra và Zoom là những phần mềm chuyên dụng giúp dạy và học trực tuyến hiệu quả được vị chuyên gia này giới thiệu.
M.T
Kinh tế buồn mùa dịch, "gia sư online" là cách người trẻ tự chuyển dịch để thích nghi với tình hình hiện tại Khi việc dạy học offline bị gián đoạn vì dịch Covid-19 thì giải pháp gia sư online là điều mà các bạn trẻ thường nghĩ đến. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục cũng không nằm ngoài vùng chịu thiệt hại. Học sinh, giáo viên không thể...