Giáo dục dưới mắt mọi người: Cô đơn trong lớp học
Có câu chuyện của học trò mà người thầy như tôi bị ám ảnh mãi. Đó là trong lớp, một học sinh nữ tên H. bỗng nhiên bị bạn bè tẩy chay chỉ vì cha em phải đi tù.
Cái đáng nói là tâm hồn ngây thơ, trong sáng của các em trong lớp bắt đầu thêu dệt lên những câu chuyện xung quanh vấn đề này.
Có em nói: “Hình như ba bạn ấy đi cướp giật của người ta nên bị bắt”. Em khác lại cho rằng: “Có khi nào ba của bạn H. hiếp dâm không nhỉ?”.
Một bạn khác nói chen vào: “Ba của H. là người xấu, mẹ tớ bảo là giỏ nhà ai – quai nhà nấy, không nên chơi với những hạng người xấu như thế dễ bị lây nhiễm lắm”…
Tôi không dám tin những lời nói này lại phát ra từ miệng của những cô cậu còn quàng khăn đỏ. Hôm ấy tôi gặp riêng H. để nói chuyện. H. như cởi bỏ nỗi lòng. Thì ra vì thua lỗ trong làm ăn, bị vỡ nợ nên cha của H. phải ngồi tù.
Bấy lâu nay tôi cứ nghĩ thầy cô lên bục giảng là để truyền thụ kiến thức. Nhưng từ câu chuyện của H., tôi nhận ra chừng ấy là chưa đủ. Nhất là khi H. vừa khóc vừa nói: “Em không còn dám nhìn mặt ai nữa. Em sợ những lời bóng gió của các bạn lắm, cô ơi”.
Những câu đe nẹt tưởng là “vô thưởng vô phạt” mà phụ huynh gieo vào tâm hồn ngây thơ của con lại vô tình khiến con làm tổn thương người khác. Lỗi không phải nằm ở các con mà ở sự ích kỷ, nhỏ nhen của người lớn.
Nói đúng hơn là tâm hồn lương thiện của các con bị thui chột dần bởi sự vô tâm của mẹ cha. Thường thì tâm lý phụ huynh cứ thấy cha mẹ của học sinh gặp chuyện như ly hôn, ngoại tình, vào tù… là lập tức đe nẹt con không được gần bạn, không được chơi với bạn vì sợ con “gần mực thì đen”.
H. bị bệnh phải nghỉ ở nhà, nhưng trong lớp không ai cho mượn vở để chép lại. Mỗi khi H. lại gần là các bạn bĩu môi: “Cha mẹ nào con nấy phải không chúng mày ơi?”.
H. khựng lại, lùi mấy bước rồi quay vào bàn mình, chỉ ngồi thu lu một chỗ.
Video đang HOT
Ám ảnh dòng nước mắt của cô học trò nhỏ, tôi tự trách mình thời gian gần đây đã lơ là, không quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần của các em. Cha mẹ của H. ly hôn từ khi nào, tôi cũng không hay biết.
Hôm ấy, tôi nói với lớp về tình yêu thương, sự đoàn kết của một tập thể. Tôi nhấn mạnh sự xa lánh, sự coi thường, những lời đàm tiếu, đả kích của học sinh dành cho nhau có khi giết chết tâm hồn một con người.
Rồi tôi hỏi cả lớp: “Nếu đặt các em vào vị trí của bạn H., liệu các em có vượt qua được không nếu bị bạn bè tẩy chay? H. không có lỗi trong chuyện cha bạn ấy phải đi tù. H. càng không đáng bị bạn bè ghẻ lạnh, xa lánh như thế.
Lẽ ra khi gia đình H. lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cùng cực như vậy, các em phải biết sẻ chia, quan tâm và gần gũi với bạn, đằng này các em lại quay ra hững hờ, lạnh nhạt với bạn. Tại sao vậy?”.
Lớp bỗng im bặt. H. khóc nấc lên. Tiếng sụt sùi trong lớp vang lên. Một vài em đưa tay lên lau nước mắt… Thật may là sau hôm ấy, các bạn chủ động quan tâm tới H.. Cô bé cũng bắt đầu hòa nhập trở lại với lớp.
Chuyện đã qua nhưng tôi còn ám ảnh mãi lời nói của cô học trò nhỏ, và cũng tự dặn mình, các em đến lớp không chỉ mong mỏi tiếp nhận những bài học trong sách vở, mà còn cần lắm sự gần gũi, quan tâm, nuôi dưỡng tâm hồn từ những người cầm phấn.
Tôi đâu hiểu rằng tấm lòng yêu thương của thầy cô không chỉ nằm trên những trang giáo án, càng không phải chỉ là sự tận tâm mỗi giờ giảng dạy.
Cái tâm của người thầy còn nằm ở việc quan tâm đến tâm hồn học sinh. Các em cần gì mỗi ngày đến lớp? Ngẫm nghĩ lại slogan “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tôi thấy giận bản thân mình.
Thú thật, bấy lâu nay, dù tôi không chạy theo thành tích nhưng tôi chỉ biết miệt mài bổ túc kiến thức cho những em yếu hay trung bình. Tôi cũng thường quan tâm đến những em có hoàn cảnh khó khăn về vật chất.
Nhưng nay tôi nhận ra yêu thương như thế là chưa đủ, bởi những khó khăn về tinh thần, thiếu hụt tình cảm của học sinh cũng đáng lo ngại không kém chuyện học kém hay gia đình khó khăn.
Theo Tô Yến Phương/Tuổi Trẻ
Ai đẩy những học sinh này tới bất hạnh?
Trẻ ít nói, trầm tính, ít chịu vận động, giáo viên lập tức kết luận bị tự kỷ, "xúi" phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện để... lấy giấy xác nhận.
Từ nghi ngờ đến khẳng định: Khoảng cách mong manh
Anh Lê Trọng Hiếu, nhà ở phường 16, quận Gò Vấp kể, năm học 2014- 2015, khi con trai Lê Trọng Nhân đang học lớp 9 Trường THCS P.T.H (quận Gò Vấp), anh được cô giáo chủ nhiệm mời vào gặp với vẻ nghiêm trọng.
Cô cho biết, Nhân không chịu tập thể dục nên thầy bộ môn không thể chấm điểm. Đến giờ học, thay vì thực hiện các động tác theo thầy hướng dẫn, Nhân cứ đứng thu lu ở gốc cây. Nhân chỉ chơi với người quen, và hầu như có rất ít bạn học...
Theo cô chủ nhiệm, để được thầy "cho qua" môn thể dục, gia đình cần đưa Nhân đi khám, hoặc làm cách nào đó để có một tờ y chứng rằng Nhân bị bệnh tự kỷ.
Vì cô giáo chủ nhiệm yêu cầu phải có giấy xác nhận ghi rõ "bệnh tự kỷ " hoặc "trẻ khuyết tật", gia đình anh Hiếu cũng ráng kiếm được một tờ y chứng "bị bệnh tự kỷ" từ một trung tâm chuyên về tâm lý trẻ em để con mình không phải học thể dục.
Ảnh minh họa: Shutterstock
Trong khi đến bệnh viện khám, bác sĩ chỉ kết luận quá nhút nhát, cần tôn trọng cảm xúc của cháu và cần làm bạn với cháu nhiều hơn. Nhân được "xí xóa" môn thể dục.
Dù thế, anh Hiếu vẫn thấy ấm ức: "Con tui chỉ nhút nhát và thiếu ý thức vượt khó chứ không phải tự kỷ, bởi cháu vẫn học đều và giỏi các môn, nhất là các môn tự nhiên.
Hiện, Nhân học lớp 10. Sáng, Nhân được cha đưa, trưa cháu tự đón xe buýt về. Về nhà, cháu có thể giúp mẹ nhiều việc: phơi quần áo, lau nhà, nhưng ít nói, ngại trao đổi.
Hôm tui đưa con đi khám theo yêu cầu của cô giáo chủ nhiệm, cháu chẳng những không chịu đi mà còn đi tìm tờ kết quả khám sức khỏe tổng quát đầu năm học để chứng minh là mình bình thường".
Cũng "bình thường" nhưng trở thành "bất thường" trong mắt cô giáo như Lê Trọng Nhân là trường hợp của em Phạm Thanh Huy, học sinh lớp 7, con chị Trương Thị Hồng Thắm, ở quận Thủ Đức.
Theo lời chị Thắm, từ nhỏ, Huy chậm nói. Lớn hơn chút, cháu nhút nhát và hễ ra đường là núp sau lưng mẹ. Cháu thích quan sát những chuyển động quay tròn và có thể ngồi hàng giờ để nhìn ngắm chong chóng hoặc bánh xe quay.
Học lực khá tốt, nhưng ở lớp Huy cũng ít chơi với bạn, không tham gia vào những hoạt động có tính tập thể. Có lúc, em bị khủng hoảng tâm lý trong thời gian dài, học hành sa sút và không muốn đến trường.
Tỉ tê với con nhiều ngày, vào tận lớp của con tìm hiểu, chị Thắm mới phát hiện trước đó bạn cùng lớp với Huy có con dao rọc giấy. Trong lúc bạn đang sử dụng thì Huy vô tình đụng bạn và bạn quay qua Huy với tay cầm con dao. Kể từ đó, Huy lo âu, sợ đến lớp và sợ bạn dùng dao hành hung mình.
Cách giải quyết của gia đình chị Thắm là ra sức chiều chuộng, bảo bọc con. Kết quả, Huy lại càng yêu sách với ba mẹ. Cu cậu thường trả treo hoặc yêu cầu ba mẹ phải chiều theo ý mình.
Khi ba mẹ đã hứa điều gì nhưng chưa kịp thực hiện là cu cậu giận hờn, sưng sỉa, trút giận lên anh chị hoặc tự hành hạ chính mình. Quá lo sợ, chị Thắm đã đưa con đi... khám tự kỷ.
Đừng gây cho trẻ thêm nhiều áp lực
Chuyên viên y tế một trường tiểu học ở quận 3 cho biết: "Nhiều trường hợp trẻ không nặng đến mức tự kỷ, mà chỉ có một vài biểu hiện hơi "khác người" như ít giao tiếp, không thích chơi với bạn học, lơ là, học kém, thụ động hoặc thuộc dạng quá năng động... giáo viên liền ngầm mặc định em đó bị tự kỷ.
Thay vì tìm hiểu, quan tâm và tiếp cận học sinh thì không ít giáo viên chọn cách dễ dàng hơn, yêu cầu ba mẹ đưa con đi khám và có giấy xác nhận tự kỷ để không làm ảnh hưởng đến kết quả thi đua, học tập chung của cả lớp.
Hơn nữa, khi lớp có dạy trẻ hội nhập, hòa nhập, giáo viên sẽ được hưởng thêm phụ cấp theo quy định". Chỉ trong vòng tích tắc, trẻ từ biểu hiện nhút nhát liền bị thầy cô, bạn bè nhìn nhận và kết luận mang bệnh bị tự kỷ.
Theo Phụ Nữ TP HCM