Giáo dục ĐH còn “cái đuôi bao cấp”
Khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong ĐH thì đến một lúc nào đó họ sẽ tuyển chọn những người theo hình ảnh của họ. Đây là nguy cơ lớn nhất của giáo dục ĐH hiện nay.
Báo cáo đề dẫn hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH” do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 13/4, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, khẳng định: “Chủ trương “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” của Đảng và Nhà nước là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với bối cảnh hiện tại của đất nước và với xu thế quốc tế. Nếu tập hợp được những trí tuệ lớn và khơi thông được sức mạnh đồng thuận trong nhân dân thì chủ trương ấy sẽ thành hiện thực”.
Mối nguy của giáo dục ĐH
Đến nay, chúng ta đã xây dựng được mạng lưới hơn 400 trường ĐH và CĐ, đã tạo ra tiềm lực nhất định về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất kỹ thuật, về quy mô đào tạo… Nhưng GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng nền giáo dục ĐH của ta đang nghèo nàn, lạc hậu, trì trệ, gò bó. Ngày nào chúng ta còn quản lý theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, theo cách “xin-cho” thì khó có sáng tạo được. GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, mong muốn nhận được những giải pháp cụ thể để xác lập một số tiền đề làm cơ sở đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục ĐH Việt Nam.
Theo GS-TS Huỳnh Như Phương, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) TPHCM, đổi mới không đơn giản là một ý nguyện mà là một sự nghiệp khoa học và thực tiễn có quy luật của nó. Vì vậy, trong lúc này chỉ có thể bàn việc chuẩn bị đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH mà chưa thể tiến hành.
Các đại biểu tại hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH” ở TPHCM.
Trong điều kiện hiện nay, nên tập trung đổi mới việc tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự vào hệ thống giáo dục ĐH, bao gồm cả người dạy lẫn người làm công tác quản trị ĐH. Khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong ĐH thì đến một lúc nào đó họ sẽ tuyển chọn những người theo hình ảnh của họ. Đây là nguy cơ lớn nhất của giáo dục ĐH hiện nay.
GS-TS Huỳnh Như Phương cho rằng: Nước ta còn nghèo, những người có tài về một lĩnh vực chuyên môn thường không nhiều nhưng các trường chưa liên kết chặt chẽ để sử dụng tài năng của nhau, chưa chiêu mộ tài năng ở các viện nghiên cứu và ngoài xã hội. Ông đề nghị khuyến khích việc thành lập các trường CĐ và trung cấp nghề. Tạm ngưng cho thành lập các trường ĐH, cả công lập lẫn dân lập và tư thục.
Video đang HOT
Tài chính, tự chủ hay tự trị?
Vần đề phân tầng ĐH, tự chủ ĐH, tự trị ĐH… được nhiều đại biểu quan tâm. GS-TS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, tóm gọn: “Tập trung vào tài chính và quản trị mới cải cách được”. Tài chính ở đâu? Nhiều đại biểu đặt vấn đề tăng học phí, bởi không ở đâu học phí ĐH một năm chưa bằng học phí gửi trẻ một tháng như ở Việt Nam.
PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, nói: “Với dân nghèo thì phải có chính sách xã hội, chứ chúng ta không thể hy sinh nền ĐH bằng một thứ học phí cào bằng, rẻ mạt như thế”. PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, đề nghị hãy để cho các trường ĐH làm kinh tế. Ông dẫn chứng: “Chulalongkorn là trường ĐH hàng đầu của Thái Lan, ngoài ngân sách của nhà nước, họ còn có 3 khách sạn, 2 siêu thị, 2 bệnh viện, 3 cao ốc văn phòng cho thuê… Chính nhờ có nguồn tài chính mạnh này mà họ chủ động thực hiện rất nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế”.
Về vấn đề ĐH tự chủ hay tự trị, PGS-TS Lưu Tiến Hiệp, Trưởng đại diện của UPC tại Việt Nam, chỉ rõ: “ĐH tự trị thì trường tự chịu trách nhiệm về các hoạt động, tính minh bạch, chất lượng đào tạo. Thất bại của trường không thể đổ cho người khác, cơ quan khác hay kêu cứu. Vì thế, nhà trường phải tăng cường năng lực cạnh tranh phải bảo đảm chất lượng để thu hút người học. ĐH tự chủ rất khó cho các trường hoạt động độc lập, vì trường bị chi phối bởi các ràng buộc”. Ông nói thêm: “Nếu Bộ GD-ĐT duy trì cung cách quản lý mang tính kiểm soát như hiện nay thì dẫn đến các trường muốn được việc cho mình phải nói dối, lách luật, đổ thừa, phong bì…”.
Lửng lơ trách nhiệm
Tình hình giáo dục ĐH ở các trường tư thục, dân lập chúng ta vẫn còn lúng túng trong quản lý và điều hành vì hành lang pháp lý không đầy đủ. Các trường ĐH ngoài công lập ở ta đã có lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển (từ năm 1988). Đến nay, chúng ta đã có 80 trường ĐH và CĐ ngoài công lập, vậy mà chúng ta vẫn chưa xác định rõ đâu là sở hữu Nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu cộng đồng chưa làm rõ khái niệm thế nào là ĐH tư, ĐH dân lập…
PGS-TS Đoàn Lê Giang bức xúc: “Những thay đổi lẻ tẻ, cục bộ của từng cá nhân giảng viên, từng khoa, từng trường không giải quyết được vấn đề gì hết. Khi người Pháp đến nước ta, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, họ lần lượt, triệt để và cưỡng bách áp dụng nền giáo dục phổ thông và ĐH ở nước ta, giống như mô hình Pháp – mô hình giáo dục được coi là tiên tiến nhất bấy giờ, mà không cần có một sự thỏa hiệp nào với nền giáo dục nho học trước đó.
Chưa đầy 20 năm, họ đã tạo ra nền ĐH mới của nước ta với hàng loạt trường danh tiếng: Đại học Y Hà Nội, CĐ sư phạm, CĐ Mỹ thuật Đông Dương, Viện Viễn Đông Bác Cổ… Trong khi đó, hơn 25 năm đổi mới, nền ĐH của chúng ta vẫn chưa cắt nổi cái đuôi bao cấp, các giáo sư ĐH của chúng ta vẫn chưa qua khỏi diện “xóa đói giảm nghèo”, trong các ĐH hàng đầu của chúng ta chỉ có vài khoa tiên tiến nhất mới đạt chuẩn Đông Nam Á (AUN). Như vậy, chừng nào giáo dục ĐH của chúng ta mới “được sánh vai cùng các cường quốc năm châu”? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về tình trạng tụt hậu này?”.
Kết hợp giảng dạy và nghiên cứu Ý kiến kết hợp giảng dạy và nghiên cứu được sự đồng thuận cao. PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đề xuất: “Để chất lượng đào tạo và nghiên cứu tác động thuận lợi, nên tách đào tạo ĐH của Bộ GD-ĐT nhập với Bộ Khoa học – Công nghệ, thành Bộ ĐH và Khoa học – Công nghệ. Phần còn lại của Bộ GD-ĐT cùng phần đào tạo nghề nhập lại thành Bộ GD. Như vậy, nhiệm vụ đào tạo ĐH và nhiệm vụ của các viện, các trung tâm nghiên cứu sẽ được nâng chất, kết hợp tốt giữa giảng dạy và nghiên cứu. Và đây cũng là cơ sở thuận lợi để các ĐH nghiên cứu của Việt Nam định hình”.
Theo Vu Gia
Người Lao Động
Người Ma Coong đầu tiên làm thầy giáo
Người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đang vui và tự hào lắm khi Đinh Miệt - đứa con đầu tiên của dân tộc mình trở thành thầy giáo...
Đinh Miệt năm nay 26 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em. Những năm trước, cũng như những gia đình người Ma Coong khác, gia đình của Đinh Miệt nghèo đói và lạc hậu lắm. Tuổi thơ của Đinh Miệt cũng thường chịu cảnh đói cơm, thiếu áo...
"Hạ sơn" học chữ
"Hồi đó, hàng ngày cả người lớn và trẻ con chúng tôi đều vào rừng đào củ mài, lấy mật ong, bắt cá, bắt ốc dưới suối cho cả nhà sống đắp đổi qua ngày. Khổ vậy nên chưa bao giờ nghĩ mình được đến trường" - Miệt tâm sự. Cũng may, đó cũng là thời điểm huyện Bố Trạch bắt đầu đưa thầy giáo người Kinh lên dựng trường mở lớp dạy chữ cho người Ma Coong. Vậy là Đinh Miệt và những đứa trẻ người Ma Coong được đi học.
Thế nhưng ở xã Thượng Trạch của người Ma Coong cái ăn thiếu thốn nên việc học gian nan lắm. Nhiều năm qua, phần lớn học sinh Ma Coong chỉ biết tí mặt chữ là bỏ ngang về đi làm nương, làm rẫy. Riêng Miệt, cậu luôn phấn đấu học tập tốt để đạt ước mơ trở thành thầy giáo, đem cái chữ giúp cho thế hệ con em quê mình.
Ở xã Thượng Trạch thời điểm đó chỉ có trường tiểu học. Thế nên, để theo học THCS, một mình Miệt phải cơm đùm, gạo nắm vượt rừng về Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện. Tốt nghiệp THCS, Miệt được tuyển vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình và sau đó được cử tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Huế. Vào đại học, ngoài gạo trợ cấp của Nhà nước, cha mẹ Miệt phải phân công 7 anh em vào rừng bắt ong, bắt cá, bắt ếch... đem bán để hàng tháng góp lại đủ mấy trăm ngàn đồng cho Miệt thuê nhà trọ và mua sách vở.
Đêm đêm, thầy giáo Miệt soạn giáo án để dạy trẻ em Ma Coong
Đưa chữ về bản làng
Sau 5 năm miệt mài đèn sách, với nỗ lực không mệt mỏi, mùa hè năm 2011, Miệt tốt nghiệp đại học với văn bằng loại khá và trở thành người đầu tiên của người Ma Coong được làm thầy giáo. Niềm vui càng lớn vì Miệt vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
"Lần đầu tiên, người Ma Coong đã có một thầy giáo. Người Ma Coong mừng, núi rừng mừng, Giàng mừng...". Ông Đinh Hợp
Miệt được Phòng Giáo dục huyện Bố Trạch cho phép chọn nơi công tác thuận lợi theo chế độ ưu tiên của người dân tộc, nhưng Miệt đã chọn Trường THCS Dân tộc nội trú Thượng Trạch. Miệt tâm sự: "Là người con của Ma Coong, nói và hiểu được tiếng của dân tộc mình là điều kiện thuận lợi để em có thể vận động và thuyết phục bà con cho con cháu đi học".
Ngày thầy giáo trẻ Đinh Miệt đến trình diện với lãnh đạo xã Thượng Trạch để nhận việc, ai cũng vui. Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch - ông Đinh Hợp cởi lòng: "Như một giấc mơ đối với người Ma Coong miềng. Chừ cả trăm thanh thiếu niên người Ma Coong theo gương của thằng Miệt chăm chỉ học hành...".
Một học kỳ làm thầy giáo đã trôi qua, Miệt vẫn đang miệt mài xây đắp ước mơ đưa thật nhiều cái chữ về với đồng bào, dân bản mình.
Theo DV
Tuyển sinh 2012: Thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển Hôm nay 31/1 là ngày cuối cùng để các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ và TCCN phải gửi đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 và kết quả tuyển sinh 2011 về Bộ GD-ĐT. Thí sinh được nhiều lần xét tuyển Cùng với nộp đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012, các trường đồng thời phải gửi báo cáo về...