Giáo dục đạo đức lối sống: Học đi đôi với hành
Để triển khai hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, các nhà trường đã phối kết hợp nhiều hoạt động trải nghiệm gắn liền với giảng dạy như tham quan di tích lịch sử, phát động phong trào quyên góp…
Học sinh hướng về cội nguồn qua hoạt động làm bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực.
Học tập gắn liền trải nghiệm
Cô giáo Bùi Thị Thuý Quỳnh, giáo viên Trường THCS Hưng Đạo, tỉnh Hưng Yên, cho rằng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh nên được lồng ghép vào chương trình học chính khóa. Điều này giúp học sinh cảm thấy hứng thú với học tập, đồng thời, nhận thức rõ ràng, chân thật về những bài học đạo đức. Ngoài ra, việc giảng dạy đạo đức, lối sống nên song hành với thực hành để nâng cao trải nghiệm, tránh rơi vào sáo rỗng.
Năm học 2014-2015, cô giáo đã tổ chức hoạt động ngoại khóa Chương trình địa phương: Thuyết minh về di tích lịch sử – văn hóa Phố Hiến. Học sinh lớp 8 được tham quan, tìm hiểu khu di tích lịch sử tại tỉnh Hưng Yên như Văn miếu Xích Đằng, Đền Trần, Đền Mẫu.
“Chuyến đi là cơ hội để giảng dạy cho học trò về lòng biết ơn, kính trọng với hy sinh của cha ông. Ngoài ra, thúc đẩy các em giữ gìn, tuyên truyền và tự hào trước những di tích lịch sử của địa phương”, cô Thuý Quỳnh bày tỏ.
Từ trải nghiệm thực tế, học sinh cũng nâng cao khả năng thuyết trình, biết cách làm bài văn thuyết minh. Dự án của cô Bùi Thị Thuý Quỳnh đã giành giải Nhất cấp huyện, cấp tỉnh và giải Ba cấp quốc gia, được Bộ giáo dục và đào tạo cấp giấy chứng nhận.
Cùng chung chủ đề “lịch sử địa phương”, Trường Tiểu học Đông Kết, tỉnh Hưng Yên, đã tổ chức dưới hình thức hoạt động ngoại khóa. Cô giáo Đỗ Kim Tuyến, Tổng phụ trách nhà trường, đã giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của xã Đông Kết. Sau đó, học sinh đặt câu hỏi liên quan đến các di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu của xã để hiểu thêm về giá trị lịch sử của các di tích địa phương.
Thông qua chương trình, học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường đã hiểu thêm về truyền thống tốt đẹp của cha ông, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ các di tích văn hóa, lịch sử địa phương.
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Trường Tiểu học Phú Diễn, Hà Nội, chia sẻ trong giảng dạy, giáo viên có thể lồng ghép bài học về lòng biết ơn, sự đồng cảm, chia sẻ… để giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Bên cạnh đó phát động những cuộc thi như Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Hội khoẻ Phù Đổng, Tìm hiểu về An toàn giao thông…
“Vào những ngày lễ như Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh gói bánh chưng, làm bánh trôi, bánh chay… để tìm hiểu về văn hóa và ý nghĩa của những ngày lễ lớn. Thông qua chương trình, giáo viên có thể lồng ghép giảng dạy kỹ năng hoặc các bài học đạo đức cho học sinh để vừa khơi gợi sự hứng thú vừa cho các em cơ hội trải nghiệm”, cô Thảo cho biết thêm.
Video đang HOT
Trường Tiểu học Đức Hợp gây quỹ “nuôi lợn nhựa” giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tham gia phong trào
Không chỉ lồng ghép các bài học về đạo đức, lối sống trong giảng dạy, nhiều nhà trường đã phát động những phong trào ý nghĩa, thiết thức cho học sinh. Trường Tiểu học Đức Hợp, tỉnh Hưng Yên, đã phát động phong trào “nuôi lợn nhựa” nhằm gây quỹ giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình này cũng được nhân rộng trong các trường học trên cả nước. Đơn cử, tại Trường THCS Lê Quí Đôn, tỉnh Vĩnh Long, có phong trào “nuôi heo đất” nhằm tuyên truyền vê công tác khuyến học, khuyến tài qua hành động đơn giản, dễ nhớ với học sinh.
Thông qua phong trào, học sinh được rèn luyện về ý thức tiết kiệm, tinh thần đùm bọc, giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn. Thầy giáo Nguyễn Minh Chí, Tổng phụ trách nhà trường bày tỏ: “Dù nguồn quỹ không lớn, nhà trường đã hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, phát quà cho các em trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán… Hành động nhỏ này góp phần động viên các em phấn đấu trong học tập”.
Trong khi đó, Trường Tiểu học Tân Dân, tỉnh Phú Thọ, đã phát động phong trào quyên góp “Tết yêu thương” cho toàn thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh nhà trường. Chương trình là bài học về truyền thống đạo lí “lá lành đùm lá rách” dành đến các em học sinh, giúp các em xây dựng tinh thần tương thân tương ái.
Quyên góp vì học sinh nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán là hoạt động thường niên của nhà trường, góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, giáo dục lòng nhân ái, tinh thần tương thân tương ái. Nhà trường hy vọng những món quà sẽ làm ấm lòng các em nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn, mang lại cái Tết vui tươi, hạnh phúc cho các em.
Trưởng thành từ hoạt động trải nghiệm
Những năm qua, ngoài giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học, các nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm để tạo môi trường học tập lành mạnh, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Học sinh Trường THPT Yên Khánh A trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.
Giáo dục đạo đức qua giờ sinh hoạt ngoại khóa
Thầy Lê Văn Thuyết, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) cho biết: Trong những năm qua, ngoài các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm để tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Nổi bật như thực hiện chuyên đề Lịch sử theo hình thức dạy học kết hợp trải nghiệm sáng tạo; chuyên đề hoạt động trải nghiệm tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam giúp học sinh được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, truyền thống của 54 dân tộc...
Cùng với đó là các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm với chủ đề: "Tình bạn tuổi học đường", "Vẻ đẹp người phụ nữ trong thơ văn", "Thanh niên với văn hóa học đường", "Thanh niên với phòng chống tác hại của thuốc lá"... được nhà trường tổ chức thường xuyên đã đem lại cho học sinh những kiến thức thiết thực, bổ ích, lý thú; cách ứng xử phù hợp trong cuộc sống, môi trường lớp học.
Qua các hoạt động ngoại khóa, giáo viên và học sinh gắn bó và hiểu nhau hơn. Học sinh tích cực học tập, thêm yêu trường, lớp, bạn bè, thầy cô. Giáo viên tâm huyết với nghề, tích cực học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, giúp học trò được giáo dục toàn diện, phát huy những phẩm chất và năng lực theo tinh thần đổi mới của Bộ GD&ĐT.
Em Phạm Tú Anh- học sinh lớp 12P K53 Trường THPT Yên Khánh A chia sẻ: Trong thời gian học tại trường, em học được nhiều điều bổ ích, tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo. Những bài học về đạo đức lối sống được học trong nhà trường sẽ giúp em có hành trang vững chắc trong tương lai.
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề Giáo dục đạo đức lối sống của học sinh Trường THPT Yên Khánh A.
Trong những năm qua, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) luôn chú trọng tổ chức giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa, ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh bằng các hoạt động cụ thể, hình thức sinh động, phù hợp, hấp dẫn theo từng lứa tuổi.
Theo thầy Hoàng Hải Nam- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, nhà trường tổ chức nhiều câu lạc bộ sở thích cho học sinh, buổi tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề "Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường",; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, cuộc thi tuổi trẻ học tập và làm theo Bác.
Các buổi sinh hoạt ngoại khóa thu hút đông đảo học sinh tham gia nhằm tăng cường giải pháp xây dựng trường học thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trong trường học, góp phần giáo dục ý thức, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, tạo dựng phong cách thanh lịch của học sinh.
Học sinh Ninh Bình tham gia hoạt động viếng nghĩa trang liệt sỹ.
Thiết thực, hiệu quả
Theo bà Phạm Thị Ánh Nguyệt- Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Ninh Bình), thời gian qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên các phong trào thi đua trong HSSV ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng.
Các nhà trường đã phát động và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, phong trào thi đua do ngành Giáo dục phát động; phong trào thi đua của tổ chức Đoàn, Hội, Đội nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc, đất nước được tổ chức thường xuyên.
Ngành Giáo dục cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên dương, vinh danh các tấm gương HSSV tiêu biểu trong học tập và rèn luyện, hành động cao đẹp, gương người tốt, việc tốt trong HSSV. 100% các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, quảng bá di sản văn hóa của tỉnh và dân tộc.
Để thu hút HSSV tích cực tham gia các phong trào, Sở GD&ĐT Ninh Bình đã tăng cường hướng dẫn các nhà trường tiếp tục xây dựng và duy trì chuyên mục tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, chủ nghĩa Mác-Lênin và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu nhi trong đơn vị.
Học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt được giới thiệu kết nạp Đảng.
Nội dung giáo dục đạo đức lối sống đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đa dạng hóa và vận dụng các hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Cũng theo bà Phạm Thị Ánh Nguyệt, nhà trường đã bố trí thời gian hợp lý cho các hoạt động Đoàn, Hội, Đội và hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, đổi mới phương pháp giảng dạy môn học Đạo đức và Giáo dục công dân, Giáo dục lý luận chính trị theo hướng phát triển năng lực phẩm chất người học.
Hiện 100% các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh và công tác xã hội trong trường học. Toàn tỉnh có 6 trường học tiến hành thực nghiệm xong mô hình tư vấn tâm lý học đường. Năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT Ninh Bình sẽ nhân rộng mô hình tư vấn tâm lý học đường trên quy mô toàn tỉnh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Tham gia hoạt động quét dọn vệ sinh, dâng hương tưởng nhớ công ơn vị anh hùng liệt sỹ tại khu tượng đài thành phố Ninh Bình, em Bùi Vũ Thanh Vân, học sinh lớp 11 Trường THPT Lương Văn Tụy chia sẻ: Những buổi sinh hoạt ngoại khóa giúp em trưởng thành, có ý thức hơn trong học tập. Những trải nghiệm trong thời gian học tập tại trường còn giúp em có các kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, biết ơn các thế hệ cha anh đi trước.
Dạy con đọc sách lúc còn thơ Trẻ em "xa lạ" với truyện tranh, những quyển truyện mang tính giáo dục đạo đức; thanh, thiếu niên "xa lạ" với những quyển sách tìm hiểu về thế giới xung quanh, các lĩnh vực của cuộc sống, thay vào đó, các em lại xem điện thoại là người bạn thân thiết của mình. Ở một góc độ nào đó, công nghệ mang...