Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên: Vấn đề cấp bách và lâu dài
Sáng ngày 2/10, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Thực trạng đạo đức lối sống của HS, SV – Vấn đề và giải pháp”.
Tham dự hội thảo có TS Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội KH&KT Việt Nam, GS Nguyễn Cương – Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, PGS Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý – Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Xuân An Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HS, SV (Bộ GD&ĐT) cùng đại diện một số trường và các nhà khoa học, các chuyên gia tâm lý GD.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Giáo viên chủ nhiệm chuyên trách đóng vai trò là nhà tâm lý
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Phan Tùng Mậu cho biết, vấn đề GD đạo đức lối sống cho HS trường phổ thông nói riêng và vấn đề GD đạo đức, lối sống cho HS phổ thông, cho SV các trường ĐH, CĐ và HS các trường dạy nghề nói chung, là một vấn đề cấp bách và lâu dài của ngành GD nước ta.
Vấn đề này cần được sự quan tâm lớn, đột xuất và lâu dài trong nhiều năm của Đảng và Nhà nước trong đó ngành GD giữ vai trò chủ công.
Nếu làm tốt việc GD đạo đức, lối sống cho HS, SV thì sẽ góp phần hạn chế được nạn bạo lực học đường, bạo lực xã hội. Hội thảo mong muốn xin ý kiến các nhà khoa học, các nhà trường đánh giá đúng thực trạng và đưa giải pháp để Liên hiệp hội kiến nghị với Bộ GD&ĐT tạo cơ chế chính sách về công tác GD đạo đức, lối sống cho HS, SV.
Những ý kiến tại Hội thảo là cơ sở để Liên hiệp hội đề nghị BCH TƯ Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về GD đạo đức lối sống cho HS, SV.
Chia sẻ thực tiễn GD đạo đức, lối sống cho HS trong nhà trường, TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: GD toàn diện đức – trí – thể – mỹ là nhiệm vụ thường xuyên của các nhà trường Việt Nam, trong đó GD đạo đức có vị trí quan trọng hàng đầu.
Từ khi thành lập năm 1991 đến nay, Trường THPT Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) đã kiên trì thực hiện có hiệu quả các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống HS như đưa bộ môn Kỹ năng sống vào chương trình dạy học chính thức trong nhà trường.
Video đang HOT
Chương trình dạy học mỗi tuần 2 tiết, cả năm học 72 tiết, cả lý thuyết và thực hành với rất nhiều nội dung phong phú về đạo đức, lối sống cho HS. Thông qua chương trình GD kỹ năng sống nhà trường đã GD cho các em biết cách rèn các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.
TS Võ Thế Quân chia sẻ tại Hội thảo.
Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ GV và HS. Với quan điểm “gieo suy nghĩ gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Suy nghĩ tích cực sẽ dẫn đến hành động tích cực, hành động tích cực sẽ dẫn đến kết quả tốt.
Nhà trường đã chọn mô hình mới “xây dựng đội ngũ GV chủ nhiệm (GVCN) chuyên trách”. Đây là những thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm trong công tác GD học sinh, được đào tạo chính thức trong các trường ĐH SP, có năng lực chuyên môn và năng lực quản lý.
GVCN chuyên trách đóng vai trò là nhà tâm lý, nhà giáo dục, nhà quản lý, người mẹ thứ 2 của các em HS.
Việc giáo dục đạo đức không được xem nhẹ
Nói về thực trạng GD đạo đức, lối sống hiện nay của HS, SV, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, chuyện GD đạo đức hiện nay như một báo động về thế hệ trẻ đã đi chệch con đường đào tạo con người mà chúng ta mong muốn.
Theo thầy Hòa, nguyên nhân đầu tiên đó là việc GD đạo đức nhỏ lẻ, không được chú tâm, xem nhẹ, mà hiện nay các nhà trường đang lo lắng và tập trung nhất là chạy theo điểm số, chạy theo thi cử và giáo dục cả nước bị cuốn theo dòng thác thành tích – thi cử.
Mà đã tập trung vào GD chạy theo thành tích – thi cử – điểm số thì việc giáo dục đạo đức nếu không coi là bị xem nhẹ thì cũng không phải là trọng tâm, thường xuyên, làm lấy lệ, hình thức không xuất phát từ mục tiêu GD con người.
Tại hội thảo, các đại biểu đặt ra vấn đề cần quan tâm, xem xét GD văn hóa, đạo đức, giá trị sống cho HS trong kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; tha hóa và đạo đức lối sống cho HS, SV – tìm kiếm giải pháp tháo gỡ; GD đạo đức lối sống cho HS, SV cần đa dạng về hình thức và sát với mục tiêu đào tạo; một số kiến nghị về GD đạo đức lối sống của HS, SV
Trịnh Huyền
Theo GDTĐ
Linh hoạt trong bài học và thực tiễn
Không chỉ giáo dục kiến thức, kỹ năng, nhà trường còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh.
Nhiều trường học nói chung và giáo viên nói riêng tại TPHCM đã chủ động, sáng tạo trong việc lồng ghép các bài học, chuyên đề để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học trò.
Thầy Võ Kim Bảo và học sinh đang trao đổi.
Lồng ghép vào trong từng bài học
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 cho biết, ngoài dạy học sinh về kiến thức, thầy còn giáo dục đạo đức, lối sống cho các em bằng các cách: Rút bài học về đạo đức sau khi học một văn bản, cho học sinh bàn sâu về vấn đề đó; Thông qua viết bài văn nghị luận xã hội, giáo dục cho các em về đạo đức, lối sống; Giáo dục đạo đức cho các em trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, mỗi tuần một vấn đề nào đó trong xã hội và cho các em nêu ý kiến, thảo luận như vấn đề về bạo lực học đường, về ứng xử văn minh nơi công cộng, về bảo vệ môi trường...
Thầy Bảo lấy ví dụ, ở lớp 8 có truyện ngắn Lão Hạc, có đoạn ông giáo cảm thông với hoàn cảnh của Lão Hạc, và nói về việc vì sao vợ ông không cảm thông cho lão, do vợ ông không hiểu hoàn cảnh. Học sinh sẽ thảo luận về vấn đề này để rút ra bài học về tình yêu thương, có hiểu thì mới có thương. Ông giáo thương Lão Hạc vì hiểu rõ hoàn cảnh của Lão Hạc. Vợ ông không thương bởi không hiểu hoàn cảnh của lão.
Từ đó, giáo viên phải giảng sâu hơn về việc "không ai muốn mình trở nên đáng ghét, nếu thấy ai đó đáng ghét, hãy tự nhắc nhở bản thân mình rằng họ có lý do để trở nên như vậy. Hãy thông cảm, và có cái nhìn bao dung với cuộc sống. Hãy mở lòng mình ra để cảm nhận, hơn là chê bai, ghét bỏ dẫn đến những hành động, lời nói không đáng có...".
Ngoài những bài giảng, theo thầy Bảo, "nói phải đi đôi với làm", bản thân thầy cô chính là tấm gương phản chiếu để các em nhìn vào, soi vào và học hỏi. Không có bài học nào hay hơn là bài học từ việc làm, lời nói, nhân cách, tri thức của người thầy.
Tại Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Quận 6), thầy Trần Văn Minh, phụ trách Đoàn thanh niên nhà trường cho biết, mỗi tháng, học sinh của trường đều được tổ chức học những chuyên đề giáo dục đạo đức, kĩ năng sống. Một trong những bài học đầu năm học là học sinh sẽ được dạy những chuyên đề như: Biết ơn cha mẹ, cách ứng xử với bạn bè, thầy cô...
Bên cạnh đó, trường còn thực hiện giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua hoạt động trang trí lớp học và hành lang nhà trường với những câu danh ngôn nổi tiếng, những bộ tranh có ý nghĩa giáo dục như những lời nhắc nhở thường xuyên để các em hình thành nhân cách tốt. Trường cũng tổ chức một số hoạt động từ thiện, kết nối nhân ái, những chuyên đề học tập trải nghiệm để học sinh cùng tham gia nhằm giáo dục các em qua những bài học cụ thể, những hành động thiết thực...
Theo thầy Trần Văn Minh, nhờ tổ chức các chuyên đề giáo dục đạo đức, kĩ năng sống trên, học sinh nhà trường đã có những chuyển biến tích cực. Các em ngoan, mạnh dạn, tự tin, rèn luyện bản thân, nỗ lực học tập và tham gia các hoạt động tập thể tích cực. Em Võ Ngọc Hân, học sinh lớp 12A2 chia sẻ: "Qua các hoạt động giáo dục kĩ năng sống do nhà trường tổ chức, em đã rút ra được những bài học bổ ích. Từ đó, em có cách nhìn tích cực về cuộc sống, biết cảm thông, chia sẻ với mọi người hơn. Ý thức được trách nhiệm của người học sinh trong học tập và rèn luyện để sau này thành người có ích cho xã hội, cho đất nước".
Học sinh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh tham gia chuyên đề giáo dục đạo đức "Biết ơn cha mẹ" trong đầu năm học 2019 - 2020. - Ảnh: Trường cung cấp
Gắn bài học với thực tiễn
Đối với cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên Giáo dục công dân, Trường THCS Đức Trí, Quận 1, mỗi bài giảng cô luôn tạo sự thú vị, sinh động và đầy sáng tạo. Cô Thủy được ví như là "cô giáo gameshow" bởi thường xuyên tổ chức hoạt động dạy học bộ môn này như một gameshow mô phỏng chương trình Đường lên đỉnh Olympia để giúp học trò nắm vững kiến thức. Đặc biệt, cô liên tục lồng ghép các hoạt động thực tiễn trong các bài giảng theo từng chuyên đề của từng khối.
Cô Thanh Thủy chia sẻ, ở khối 6, các em sẽ học các bài: Biết ơn, Yêu thương con người; Sống chan hòa với mọi người; Lễ độ; Lịch sự - tế nhị... Học sinh khối 8 học các bài: Tôn trọng người khác; Xây dựng tình bạn trong sáng, lành mạnh; Tích cực tham gia các hoạt động chính trị xã hội; Phòng, chống nhiễm HIV/AIDS. Vì vậy, ngoài việc dạy cho các em hiểu được nội dung bài học, cô đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho học sinh cùng phụ huynh tham gia.
Ví dụ như quyên góp xây dựng nhà tình thương, thăm và tặng quà cho các em khuyết tật mồ côi ở mái ấm Thanh Tâm, huyện Cần Giờ và trẻ em nhiễm HIV/AIDS tại Linh Xuân, quận Thủ Đức; góp tiền ủng hộ cho trẻ bị cha mẹ bỏ rơi tại ngã tư Mạc Đĩnh Chi - Điện Biên Phủ, Quận 1; ủng hộ giúp trẻ em, người nghèo và xây nhà tình thương cho cụ già neo đơn 89 tuổi ở huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận...
Qua thực hiện đối với học sinh khối 6 và 8, trực tiếp cho các em đi và cảm nhận, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, học sinh đã tiến bộ rất nhiều. Các em tự tin, tham gia trải nghiệm tích cực hơn vào các hoạt động học, biết tiết kiệm và giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình. Đặc biệt, các em biết cảm thông, chia sẻ khó khăn với mọi người từ những việc nhỏ nhất. Các buổi học do chính các em trải nghiệm thực tế, phần nào cũng tạo nhiều suy ngẫm về bài học, cùng nhau hợp tác làm việc nhóm, chia sẻ kinh nghiệm, biết nghĩ cho người khác.
Theo cô Thanh Thủy, giáo dục học sinh về đạo đức lối sống không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà mỗi ngày, mỗi tiết học, mỗi lần trao đổi, trò chuyện giáo viên sẽ nhắc nhở các em, bồi đắp thêm cho các em một chút. Việc giáo dục đạo đức lối sống, người giáo viên không thể "đơn độc" mà cần sự kết hợp chặt chẽ với gia đình, với xã hội để giúp các em hình thành nhân cách đạo đức, lối sống văn minh, hiện đại nhưng cũng đầy nghĩa tình.
Hồng Đăng
Theo GDTĐ
Xây dựng văn hóa học đường Bạo lực học đường (BLHĐ) đang là vấn đề "nóng", không chỉ gây bức xúc trong ngành giáo dục mà còn đối với toàn xã hội. Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ BLHĐ còn là dấu hiệu của sự sa sút về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của...