Giáo dục đại học thụt lùi: Đào tạo vô tội vạ
Các trường đại học vẫn chủ yếu tập trung tuyển sinh ngành dễ dạy, dễ học, tránh phải tốn kém đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành nên thiếu bản sắc.
Theo các chuyên gia giáo dục đại học (ĐH), cơ cấu ngành nghề và quy mô đào tạo giữa các ngành nghề, lĩnh vực và trình độ đào tạo ĐH hiện phát triển chưa cân đối.
Xu hướng đa ngành khiến các ĐH hiện nay giống như siêu thị – nơi chỉ chuộng những “món hàng” bán được.
Chỉ đào tạo những gì trường có
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), số nhóm ngành kinh doanh và quản lý đang được mở nhiều nhất với 403 ngành, kế đến là khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên với 363 ngành, nhân văn 280 ngành, công nghệ kỹ thuật 232 ngành, máy tính và công nghệ thông tin 150 ngành…
Trong khi đó, nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 116 ngành, sản xuất và chế biến chỉ 47 ngành, dịch vụ xã hội 16 ngành, dịch vụ vận tải 12 ngành…
Học sinh dự thi THPT quốc gia để tìm cơ hội vào ĐH. Ảnh: Người Lao Động.
Những trường đào tạo ĐH phân theo nhóm ngành cũng có sự mất cân đối. Cụ thể, nhóm kinh doanh và quản lý có đến 133 trường, máy tính và công nghệ thông tin có đến 116 trường, công nghệ kỹ thuật 85 trường.
Trong khi đó, đào tạo khoa học tự nhiên chỉ có 30 trường, khoa học sự sống 39 trường, kỹ thuật 51 trường, khoa học xã hội và hành vi 46 trường, nông lâm nghiệp và thủy sản 34 trường, pháp luật chỉ 17 trường…
Hệ cao đẳng (CĐ) cũng có đến 249 trường đào tạo kinh doanh quản lý, 208 trường đào tạo máy tính và công nghệ thông tin.
Rõ ràng, các trường hiện nay chỉ chuộng những ngành liên quan đến kinh doanh, quản lý, công nghệ thông tin… Đó là những ngành dễ tuyển sinh, dễ đào tạo mà không tốn chi phí đầu tư nhiều.
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các cơ sở đào tạo chưa nghiên cứu nhu cầu đào tạo, chưa căn cứ vào thông tin về thị trường lao động và việc làm để xây dựng kế hoạch, thực hiện đào tạo theo nhu cầu sử dụng.
Vì thế, các trường vẫn chỉ chú trọng đào tạo những gì mình có khả năng mà chưa đào tạo những ngành xã hội cần và có nhu cầu lớn.
Video đang HOT
Bộ GD&ĐT cũng từng cảnh báo về tình trạng dư thừa lao động các ngành tài chính, quản trị kinh doanh. Thế nhưng, tỷ lệ nhóm ngành kinh doanh, quản lý được giảng dạy ở các trường CĐ vẫn chiếm 21,5% trong tổng số các ngành đào tạo.
Không có động lực nâng chất lượng
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định hiện nay, giáo dục ĐH nước ta còn yếu kém ở khâu tổ chức quản lý. Cụ thể, các tổ chức của ĐH nước ta và thế giới không mang tính chất tương đương nhau.
Ở nước ta, quan niệm về cơ cấu tổ chức của một viện, ĐH không được hiểu rõ ràng, gây nhầm lẫn. Nhiều trường mới mở do muốn thu hút thí sinh, dù chưa đủ tiêu chuẩn, chất lượng kém cũng cố gắng phóng đại lên thành trường ĐH, trong khi quy mô chỉ tương đương một khoa, phân khoa.
Cách quản lý, tổ chức các trường ĐH cũng chưa được khoa học, còn rời rạc. “Tôi nghĩ nhiều trường ĐH tư, trường nhỏ nên sáp nhập với nhau thành một viện ĐH để dễ quản lý. Hiện nay, nhiều trường tư ở nước ta do những người có vốn nhưng khả năng tổ chức về chuyên môn hạn hẹp làm chủ”, chuyên gia này băn khoăn.
Theo PGS Nguyễn Thiện Tống, hiện nay, cách sử dụng nhân sự, từ cấp quản lý đến giảng viên ở các trường ĐH hay giáo trình cũng còn nhiều hạn chế.
“Thầy giỏi, chương trình học mềm dẻo mới mong đào tạo những học trò giỏi. Trong khi đó, nền giáo dục ĐH nước ta hiện nay đào tạo nhiều kỹ năng mà xã hội không cần đến”, ông nhận xét.
TS Đàm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng ĐH FPT, cho rằng những năm vừa qua, số lượng sinh viên ĐH tăng nhanh nhưng lực lượng giảng dạy tăng không kịp. Trong khi đó, nghề giảng viên ĐH cũng không có được vị thế như trước nên những người có năng lực nghiên cứu và giảng dạy bổ sung lực lượng bị thiếu hụt.
Chính sách tài chính thiếu hợp lý kéo dài phần nào làm cho bức tranh giáo dục ĐH méo mó. Các thầy cô giỏi, nhiều kinh nghiệm phải dạy quá nhiều lớp tại chức, liên thông vì thu nhập cao. Giảng viên mới, thiếu kinh nghiệm thì giảng dạy các lớp chính quy.
Nhiều trường cũng chưa có động lực thực thụ để nâng cao chất lượng đào tạo. Xã hội và Nhà nước cũng không có tiêu chuẩn thực tế để đánh giá chất lượng các trường ĐH, từ đó dẫn tới việc sinh viên ra trường yếu cả kiến thức lẫn kỹ năng.
“Xã hội và nền kinh tế phát triển rất nhanh, đòi hỏi sinh viên ra trường phải có những kiến thức và kỹ năng mới. Tuy nhiên, ở nhiều trường, kiến thức vẫn quá cũ kỹ và không rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Do vậy, việc sinh viên ĐH ra trường nhưng không làm được việc cũng khá phổ biến.
Điều đáng ngại hơn việc sinh viên ra trường không có việc làm là những vị trí tốt thì lại không tìm được nhân sự chất lượng. Từ đó, dòng đầu tư có thu nhập cao bị hạn chế và Việt Nam không thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình”, ông Minh lo ngại.
Chương trình đào tạo thiếu linh hoạt
Ngoài khâu tổ chức, quản lý, theo PGS Nguyễn Thiện Tống, chương trình đào tạo ĐH hiện nay cũng không được khoa học theo tổ chức chuyên môn, kéo theo hệ thống kiểm định không được chặt chẽ.
Đặc biệt, sinh viên phải học chương trình kiểu “mì ăn liền”, thiếu linh hoạt, do cách truyền đạt kiến thức cứng nhắc, nội dung hạn hẹp nên khó chuyển đổi khi ra trường thất nghiệp.
Việc tuyển sinh theo ngành (chứ không phải theo trường, khối ngành) cũng khiến học sinh bối rối, dễ mất định hướng nghề nghiệp, tốn thời gian tổ chức các chương trình tư vấn tuyển sinh.
Tuyển sinh theo ngành cũng kéo theo sự mất cân bằng ngành, nghề trong xã hội, góp phần tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Theo Người Lao Động
Hệ thống trường đại học: Nên thu hẹp trường công hay tư?
Hệ thống trường đại học, cao đẳng có thể sẽ thay đổi. Tuy nhiên, thay đổi theo hướng thu hẹp trường công lập hay tư thục là bài toán cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cho đến nay, Việt Nam có hơn 400 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Trong đó có 84 trường (60 trường ĐH và 24 trường CĐ) ngoài công lập.
Bên cạnh những trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoạt động hiệu quả, coi trọng chất lượng giáo dục làm ưu tiên hàng đầu thì nhiều trường từ khi thành lập cho đến nay vẫn phải đi thuê địa điểm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chưa đúng với đề án thành lập trường.
Một số trường đã để xảy ra những mâu thuẫn nội bộ kéo dài, khiếu kiện vượt cấp nên đã làm mất uy tín của xã hội và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Điều này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập ngày càng khó khăn.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Khuyến khích trường ĐH tư thục phi lợi nhuận hoạt động
Từ những bất cập trên, tại một hội nghị về giáo dục mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga yêu cầu các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cần nâng cao chất lượng đào tạo.
Chủ trương của Bộ trong thời gian tới là không tăng thêm trường công lập nhưng những trường ĐH tư thục được đầu tư bài bản, có chất lượng đào tạo tốt, hoạt động không vì lợi nhuận thì Bộ GD&ĐT vẫn xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập.
Với chủ trương đó, hệ thống trường ĐH, CĐ của nước ta trong thời gian tới có thể sẽ thay đổi. Tuy nhiên, việc thay đổi như thế nào thì còn là bài toán cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người học và chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội.
GS Trần Phương - Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - đồng ý với việc khuyến khích mô hình trường tư thục phi lợi nhuận. Hoàn toàn có thể chuyển từ trường hoạt động vì lợi nhuận sang trường phi lợi nhuận thông qua việc ưu tiên cho các cơ sở giáo dục ĐH được thuê đất, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất...
Khi sẵn sàng tham gia đầu tư cho mô hình trường tư thục phi lợi nhuận, các nhà đầu tư nên chấp thuận nhận lợi tức cổ phần không cao hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, cũng cần mở rộng thành phần góp vốn cho đông đảo các nhà giáo tham gia (mức góp nên hạ xuống 10 triệu đồng/cổ đông).
Nên thu hẹp hệ thống trường ĐH công ở mức độ nào?
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ sinh viên ĐH ngoài công lập năm học 2015-2016 là 13,3% và 15 năm trước (1999-2000), con số này cũng là 13,3%. Trong 15 năm qua, năm có tỷ lệ cao nhất là 13,4% (2006-2007) và thấp nhất là 10,6% (2013-2014).
Như vậy có thể thấy so với bức tranh chung toàn cầu, tỷ trọng giáo dục ĐH ngoài công lập ở Việt Nam là không cao. Việt Nam có chủ trương phát triển ĐH ngoài công lập nhưng 15 năm qua không có thay đổi gì về tỷ trọng.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT - nhận định từ 2006 đến nay, chính sách với giáo dục ĐH ngoài công lập dường như ngày càng siết chặt. Nguyên nhân chính có lẽ là lo lắng của xã hội về chất lượng giáo dục ĐH, sự bất ổn trong tuyển sinh và trong quản trị của một số các trường ngoài công lập.
Hệ thống các trường ĐH, CĐ dù có theo mô hình nào thì cũng cần có sự đầu tư của Nhà nước và tư nhân.
Giải pháp mà TS Trường Tùng đưa ra là theo hướng tư nhân hóa trường công. Theo đó, Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng tăng số trường và mức độ tự chủ của các trường công, trừ một số trường trọng điểm ưu tiên phát triển. Các trường còn lại thì Nhà nước lên lộ trình giảm dần chi từ phí hàng năm để các trường thích nghi dần.
Còn nếu như vẫn có ý định phát triển trường ĐH tư thì theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), giải pháp quan trọng nhất là thu hẹp hệ thống trường công, có thể thực hiện theo cách giảm chỉ tiêu mỗi năm 5% các trường công trong vòng 7 năm để tạo thị trường cho các trường tư.
Nếu để trường ĐH công lập và ngoài công lập cạnh tranh tự do như hiện nay, đặc biệt là nếu để các trường tự xác định chỉ tiêu thì không có cách nào khác các trường ĐH ngoài công lập có thể nâng tỷ trọng lên được. Quan trọng nhất là giảm thị phần của trường công để tạo sân chơi rộng hơn cho trường tư phát triển.
"Hiện nay, sau 20 năm phát triển, hệ thống các trường ĐH ngoài công lập đang ở trạng thái rất yếu kém, các trường ĐH công lập chỉ cần tuyển sinh vượt lên một chút là các trường ĐH ngoài công lập hết thí sinh.
Theo tôi, ít nhất các trường ĐH ngoài công lập phải chiếm tỷ trọng 30% để thành hệ thống đàng hoàng không mang tính chất trang trí như hiện nay" - TS Lê Trường Tùng nói.
Đồng ý với quan điểm của TS Lê Trường Tùng, bà Trần Thị Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng ASEAN - đề xuất thêm Bộ GD&ĐT chỉ cần áp dụng đúng theo quy định của Thông tư 32 (quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh), không cho các trường ĐH công lập tuyển vượt thì sẽ có số dư cho bậc dưới hoặc trường tư.
Với những tranh luận xung quanh cơ cấu lại hệ thống trường ĐH, CĐ theo hướng mở rộng trường tư hay thu hẹp trường công bằng cách nào thì yếu tố quan trọng nhất là các trường phải coi trọng chất lượng đào tạo; coi xứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội làm yếu tố tiên quyết.
Theo Bích Lan/ VOV
Phó thủ tướng: Bằng tiến sĩ không đủ nếu không thực sự giỏi Nói chuyện với sinh viên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tấm bằng đại học, thậm chí bằng thạc sĩ, tiến sĩ sẽ không ý nghĩa nếu không thực sự giỏi và có kỹ năng tốt. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Đại học Cần Thơ sáng 31/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần...