Giáo dục đại học thụt lùi: Buông lỏng quản trị hệ thống
Bộ GD&ĐT vẫn loay hoay với việc chỉ đạo những vấn đề lẽ ra là việc của cấp trường như tuyển sinh hay nhân sự lãnh đạo.
Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học (ĐH), gần đây hứng chịu nhiều phê phán của công chúng. Những chỉ trích đó có khi trái ngược nhau.
Một mặt, các trường kêu gọi được trao nhiều quyền tự chủ hơn và phê phán những quy định chặt chẽ, bất cập của Bô GD&ĐT.
Mặt khác, xã hội phàn nàn là bộ buông lỏng quản lý dẫn đến tuyển sinh bừa bãi, chất lượng giảm sút, thất nghiệp tràn lan và ở trường tư thì xảy ra hiện tượng tranh chấp nội bộ.
Phụ huynh đợi con thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động.
Tư duy làm chính sách không có bước tiến
Trong bối cảnh đó, một số ít trường tạo ra kết quả đáng khích lệ là nhờ lãnh đạo cấp trường có tầm nhìn xa, có năng lực lãnh đạo, khả năng thu hút người giỏi và can đảm thực hiện những sáng kiến đổi mới.
Để làm được điều đó, họ cần có khả năng thích ứng với bối cảnh chính sách, đòi hỏi của thị trường và điều hòa được lợi ích của các bên khác nhau.
Tuy nhiên, những trường hợp như vậy không nhiều. Phần lớn các trường vẫn phải chạy theo việc đáp ứng các quy định nhiều khi bất cập của bộ, thiếu động lực để đổi mới và thiếu tầm nhìn để đầu tư dài hạn.
Bộ GD&ĐT vẫn loay hoay với việc chỉ đạo những vấn đề lẽ ra là việc của cấp trường, như tuyển sinh hay nhân sự lãnh đạo. Đến bộ trưởng cũng từng nhìn nhận bộ này chẳng khác nào “Bộ thi” vì dường như việc chỉ đạo tuyển sinh chiếm gần hết thời gian và nỗ lực của bộ.
Trước thực tế ấy, cải thiện chất lượng quản trị hệ thống, hay nói cụ thể hơn là chất lượng xây dựng chính sách, trở thành một nhu cầu bức thiết.
Từ trước tới nay, người ta thường thấy vai trò chỉ đạo của bộ thể hiện qua việc đưa ra những quy phạm về mọi mặt hoạt động của nhà trường để hướng dẫn các trường về những việc được phép làm và làm như thế nào.
So với cách đây vài chục năm, phải nhìn nhận là những quy định hiện nay đã thông thoáng hơn rất nhiều và xu hướng nhất quán là quyền tự chủ của các trường ngày càng được mở rộng. Có nhiều ví dụ cho thấy điều đó, cụ thể nhất là tuyển sinh, hay quy định về việc tổ chức sinh hoạt học thuật có yếu tố nước ngoài.
Video đang HOT
Tuy nhiên, tư duy làm chính sách thì không có bước tiến nào đáng kể. Chủ yếu là đưa ra các quy định hướng dẫn và thời gian sau này là ban hành các tiêu chuẩn (tiêu chuẩn kiểm định, tiêu chuẩn chất lượng trường ĐH, tiêu chuẩn giảng viên, tiêu chuẩn phân tầng…).
Vấn đề là nếu những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng đó không gắn với các chính sách khích lệ nhằm tạo ra động lực cải thiện cho các trường thì nó sẽ chỉ kích thích cách làm đối phó. Những cách ấy chẳng phải lúc nào cũng có thực chất hay góp phần thực sự cải thiện hoạt động của các trường.
Vai trò quản lý Nhà nước ở đâu?
Vai trò của Bộ GD&ĐT không phải cho cái này, cấm cái khác, càng không phải can thiệp vào những việc cụ thể của các trường – ví dụ như nhân sự lãnh đạo, chỉ tiêu hay phương thức tuyển sinh – mà là tạo ra những cơ chế khích lệ các trường chọn cách xử sự phù hợp với những mục tiêu nhà nước mong muốn.
Ví dụ, Nhà nước không nên cấm các trường hoặc hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo những ngành hiện nay có tỷ lệ thất nghiệp cao, với lý do những ngành này đang thừa nhân lực và đào tạo thêm sẽ làm tăng khả năng khủng hoảng thừa, gây lãng phí cho xã hội và người học.
Tuy lý do ấy rất cao đẹp và hợp lý song thực tế nó rất dễ bất cập. Vì kinh tế tri thức và toàn cầu hóa ngày nay biến đổi rất nhanh, nhiều ngành đang rất “hot” hôm nay có thể sẽ biến mất hoàn toàn trong vài năm nữa do những tiến bộ công nghệ.
Dù Nhà nước nắm trong tay nguồn lực và nguồn tư liệu lớn, cũng không thể dự báo chính xác ngành nào sẽ cần bao nhiêu người trong vài năm tới.
Thay vào đó, dựa trên dữ liệu thống kê bộ có thể theo dõi được chính xác số liệu sinh viên của từng ngành trong cả nước.
Số liệu này nên được truyền thông rộng rãi để tất cả các bên (bao gồm cả nhà trường, người học, phụ huynh, giới doanh nghiệp…) có cơ sở đưa ra những quyết định trên cơ sở thông tin đầy đủ.
Vai trò can thiệp của bộ có thể thể hiện qua việc cấp học bổng cho sinh viên những ngành có ít người học nhưng bao giờ cũng cần cho việc xây dựng nền tảng xã hội như những ngành khoa học nhân văn, dân tộc, khảo cổ…
Những ngành đã có dấu hiệu thừa người như ngành sư phạm hiện nay, thì không cần cấp học bổng mà nên cấp kinh phí cho các trường này thực hiện việc huấn luyện chuyên môn phục vụ cho các chương trình cải cách.
Bằng cách đó, bộ không cần phải cấm đoán các trường cũng sẽ vận động theo hướng tự điều tiết. Một ví dụ khác, thay vì quy định điểm sàn chung cho cả hệ thống, bộ nên để các trường tự xác định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có vấn đề điểm sàn.
Điều quan trọng là phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh đó cần được nêu công khai trên trang web của trường, để thí sinh có đủ thông tin và đối chiếu, xã hội cũng có thông tin để đánh giá về chiến lược, năng lực, cũng như tính chính trực của các trường.
Chính sách cần được phản biện bởi chuyên gia độc lập
Năng lực xây dựng chính sách có ý nghĩa cốt lõi trong quản trị hệ thống. Thay vì chỉ dựa vào một đội ngũ chuyên viên hoặc dựa vào ý kiến của các trường, bộ cần sự hỗ trợ của lực lượng chuyên gia độc lập. Sở dĩ cần có vai trò của chuyên gia độc lập vì họ ở vị trí khách quan để xem xét vấn đề.
Bộ nên tham vấn họ thay vì chịu ảnh hưởng ý kiến của số đông trên mạng xã hội. Thực tế chứng minh là chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông, nhất là một đám đông thiếu thông tin.
Chuyên gia độc lập là những người có năng lực chuyên môn và có đủ dữ liệu, thông tin để gạn lọc những ý kiến có giá trị trong công chúng, không để những bình luận cảm tính, định kiến, không có cơ sở ảnh hưởng tới việc phân tích và nhận định của mình.
Họ cần được tạo điều kiện để thực hiện công việc của mình một cách chuyên nghiệp và khách quan.
Theo Phạm Thị Ly / Người Lao Động
Giáo dục đại học thụt lùi: Chương trình, giảng viên lạc hậu
Chương trình thiếu thực tiễn, giảng viên hạn chế về ngoại ngữ, chưa thể cập nhật kiến thức mới khiến nhiều trường đang đào tạo những điều quá cũ.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không đánh đồng các trường với nhau nhưng có thực tế là ở nhiều nơi, các trường rất khó đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo.
Nguyên nhân là các trường đại học (ĐH) không có nhân sự năng lực, giảng viên yếu ngoại ngữ, do đó hạn chế trong việc nâng cao trình độ.
Ngành nào cũng học na ná nhau
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng giáo dục ĐH Việt Nam đang tụt hậu so với thế giới. Cái gốc của vấn đề là các trường không được tự chủ, đặc biệt là tự chủ đào tạo nên chương trình hiện nay rất lạc hậu.
"Dạy sinh viên những thứ cũ rích nên các em ngay khi ra trường đã tụt hậu là chuyện đương nhiên", ông Hùng nhấn mạnh.
Điều kiện thực tập, thực hành tại các trường ĐH còn rất nghèo nàn. Ảnh: Người Lao Động.
Đồng quan điểm này, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM, cho rằng dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) luôn nói các trường được tự chủ về chương trình đào tạo nhưng thực tế không phải vậy.
Thời gian đào tạo ĐH rút ngắn chỉ còn từ 3-5 năm nhưng Bộ GD&ĐT vẫn còn quy định 10 tín chỉ lý luận chính trị, 8 tín chỉ giáo dục quốc phòng, 7 tín chỉ ngoại ngữ, 3 tín chỉ thể chất - mất nguyên một học kỳ thì thử hỏi làm sao các trường chủ động được trong thời gian 2,5 năm còn lại?
Theo PGS.TS Đặng Vũ Ngoạn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, sinh viên ĐH đang phải học rất nhiều nhưng có những môn không giúp ích được nhiều cho chuyên môn.
Bậc giáo dục phổ thông đã thay đổi rất nhiều trong khi chương trình bậc ĐH "rất ổn định" nhiều thập niên qua. Khi vào ĐH, sinh viên lại học lại những môn đã học ở bậc THPT. Sinh viên học các ngành khác nhau vẫn phải học chung một khối lượng những môn học giống nhau không cần thiết...
Một bất cập nữa là các trường ĐH khối ngành kỹ thuật dù theo hướng hàn lâm nghiên cứu hay thực hành vẫn đang chạy chương trình giống nhau.
Trong khi, lẽ ra những trường đào tạo theo hướng thực hành phải giảm lý thuyết tăng thực hành cho sinh viên thì chương trình lại giống hệt những trường thiên về định hướng nghiên cứu.
"Hiện nay, bộ đã không còn quy định cứng về chương trình khung nhưng muốn thay đổi cũng không dễ dàng do các trường cứ chạy theo quán tính, phần nữa là do năng lực của giảng viên nhiều nơi còn hạn chế", PGS Ngoạn nói.
Yếu ngoại ngữ, ngại nghiên cứu
Chất lượng đội ngũ giảng viên là yếu tố tiên quyết chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lực lượng giảng viên còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ngoại ngữ.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng người thầy ngày nay khác xưa rất nhiều, phải chuyển từ truyền thụ kiến thức sang khơi dậy tư duy, năng lực tiềm ẩn của sinh viên; người thầy cần phải cập nhật những tiến bộ, những cái mới vào giảng dạy. Thế nhưng, vẫn còn một bộ phận giảng viên yếu do hạn chế về năng lực ngoại ngữ.
Tại ĐH Luật TP.HCM, GS Mai Hồng Quỳ cho biết trường đã ra quy định về chuẩn ngoại ngữ đối với giảng viên. Những giảng viên nào chưa đạt chuẩn phải đi học, nếu không đạt sẽ không xếp lớp. Lãnh đạo nhà trường cho rằng ngoại ngữ như cánh cửa mở ra thế giới, nếu không có ngoại ngữ cũng có thể xem như mù chữ.
Một báo cáo của Vụ ĐH và sau ĐH, Bộ GD&ĐT về công tác đào tạo sau ĐH đã thừa nhận rằng yếu kém lớn nhất của đội ngũ giảng viên nhiều năm qua là thiếu khả năng và thực tiễn hoạt động nghiên cứu khoa học, chưa thường xuyên tiếp cận những kiến thức chuyên môn mới, hiện đại.
Yếu ngoại ngữ nên khó có thể tự đọc dịch tài liệu tham khảo và tham gia các hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ cho giảng dạy.
Cần chiến lược phát triển nhà trường
Trong báo cáo kết quả khảo sát về tiến độ chất lượng ban hành việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị các cơ sở đào tạo phải xây dựng kế hoạch, chiến lược đầu tư phát triển nhà trường có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.
Các cơ sở giáo dục thường xuyên rà soát, điều chỉnh, cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo cho phù hợp với thực tế, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hộ.
Theo Zing
Giáo dục đại học thụt lùi: Đào tạo vô tội vạ Các trường đại học vẫn chủ yếu tập trung tuyển sinh ngành dễ dạy, dễ học, tránh phải tốn kém đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành nên thiếu bản sắc. Theo các chuyên gia giáo dục đại học (ĐH), cơ cấu ngành nghề và quy mô đào tạo giữa các ngành nghề, lĩnh vực và trình...