‘Giành’ học sinh dạy… miễn phí
Sáng chủ nhật nhưng toàn trường không còn phòng học trống, cả nghìn học sinh học bài say sưa. Trên ghế đá, thảm cỏ dưới sân trường, học sinh, giáo viên tổ chức ôn bài.
Có những nữ giáo viên trẻ, tay ẵm con nhỏ, tay chỉ bài cho học trò với ánh mắt đầy trìu mến.
Hỏi thầy hiệu trưởng: Trường mình dạy thêm ngày nghỉ quy mô vậy sao? Câu trả lời của thầy kèm theo nụ cười hiền khiến tôi ngạc nhiên không kém cảnh tượng mình nhìn thấy: “Không đâu cô, các thầy giáo, cô giáo dạy phụ đạo cho học sinh hoàn toàn miễn phí đó!”.
Học sinh ôn bài.
Vẫn biết, trường THPT Tháp Mười là đơn vị có phong trào rất mạnh về dạy phụ đạo của Đồng Tháp, nhưng chỉ khi trực tiếp chứng kiến các thầy cô chẳng quản ngày nghỉ, không ngại mưa nắng, đến trường mà không nhận bất kỳ khoản phí nào, có người ròng rã hàng chục năm như vậy, mới thấy sự hy sinh thật lớn lao.
Vất vả là thế, lạ thay, có giáo viên còn “giành” học sinh yếu để dạy phụ đạo. Chuyện “khó xử” này được thầy Nguyễn Văn Định – Hiệu trưởng nhà trường – kể lại đầy xúc động: Có lần, một giáo viên đến đề nghị tôi can thiệp vì giáo viên bộ môn khác “giành” hết học sinh yếu để dạy phụ đạo, trong khi ngày thi đã cận kề.
Dù lúng túng nhưng tôi cũng kịp đưa ra một quyết định ôn hòa là: Mời hai người đến để cùng thương lượng, thống nhất lịch phụ đạo mỗi môn. Hiệu trưởng có quyền nhưng không thể ra lệnh trong tình huống như thế”.
Người viết đã từng được nghe tâm tư của nhiều vị hiệu trưởng: Khuyến khích giáo viên bộ môn dạy phụ đạo tự nguyện, giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn là việc làm cần, rất cần, nhưng không hề dễ dàng. Điều này dễ hiểu, bởi người giáo viên ngoài việc trường lớp, tối về vẫn phải soạn bài, chấm bài còn là bề bộn nỗi lo gia đình, cuộc sống…
Thế nên, mới giật mình khi nghe con số thống kê từ thầy Nguyễn Văn Định: Trong năm học 2012-2013, các thầy cô giáo trường Tháp Mười đã dạy phụ đạo lên tới 2.550 tiết. Con số này tăng lên theo từng năm: Năm học 2013-2014 là 2.890 tiết, năm học 2014-2015 đạt 3.124 tiết và học kỳ 1 năm học 2015 – 2016, số tiết dạy phụ đạo đạt 1.375 tiết.
Hầu hết giáo viên của trường đều tham gia giúp đỡ học sinh yếu kém với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, nhiều cặp vợ chồng là đồng nghiệp đều tham gia phụ đạo, không ít giáo viên dạy hàng trăm tiết trong một năm học…
Video đang HOT
Theo cha mẹ đến trường ngày nghỉ
Ở trường THPT Tháp Mười, có không ít cặp vợ chồng là đồng nghiệp. Vậy nên, ngày nghỉ mới thấy cảnh sáng sớm, những chiếc xe máy chở 4 người vào cổng trường với ríu ran tiếng nói cười. Với các thầy cô, đó chẳng phải là nỗi niềm, là vất vả.
Hơn 13 năm giảng dạy là từng ấy năm cô Trần Thị Thúy Loan tham gia dạy phụ đạo. Gia cảnh đơn chiếc, mẹ già, con nhỏ, nhưng băn khoăn của cô lại hướng về những học sinh của mình: Nhiều em tội lắm, ngày nghỉ, các em thường phải ở nhà giúp cha mẹ nên không dễ tập trung 100% học sinh yếu kém học bồi dưỡng.
Chỉ mong tiết học nào các em cũng đi học đều, tích cực lắng nghe, ôn bài, tiến bộ – giản dị vậy thôi, nhưng đó chính là niềm vui lớn nhất của chúng tôi.
Là gương mặt đi đầu trong công tác bồi dưỡng học sinh yếu kém, cô Nguyễn Thị Xuân Mai chia sẻ rất thật: Dạy phụ đạo, không đơn giản chỉ là thời gian từng ấy tiết học, vì đối tượng học sinh này cần tài liệu riêng và thông thường giáo viên tự mình điều tiết nên mất thời gian vô cùng.
Bởi vậy, nhiều khi cũng chạnh lòng khi nghe học trò hỏi: “Sao chủ nhật mà vẫn phải học vậy cô?”; hoặc cho rằng: “Thầy cô dạy phụ đạo để đạt tỉ lệ thi đua cho chính mình”…
Thậm chí, nhiều phụ huynh mặc nhiên xem việc phụ đạo là trách nhiệm của trường và của giáo viên. Nhưng không người giáo viên tâm huyết nào đi tìm niềm vui ở việc để học sinh, hay phụ huynh phải cảm ơn, hay biết ơn. Đó là điều tôi dám chắc chắn.
Dạy phụ đạo, không áp chỉ tiêu cũng chẳng vì thành tích, nhưng ai đã nhận đều dốc hết sức mình – đó là tâm sự của cặp vợ chồng giáo viên môn Lịch sử Phan Văn Thảnh – Võ Thị Giúp. Đau đáu nỗi niềm với môn Lịch sử, thầy cô đã bền bỉ, sáng tạo rất nhiều hình thức phong phú. Mỗi bài dạy, thậm chí mỗi đề kiểm tra của thầy cô đều ăm ắp nhiệt huyết và sáng tạo.
“Chúng tôi trăn trở mỗi khi đọc báo phản ánh về thực trạng dạy học Lịch sử ở trường phổ thông; nhiều học sinh không ham thích học bộ môn. Do đó, công sức của chúng tôi và các thầy cô dạy môn Lịch sử đã không hề uổng phí khi điểm thi môn này của trường THPT Tháp Mười nhiều năm liền dẫn đầu tỉnh” – thầy Phan Văn Thảnh chia sẻ.
Thầy Lê Minh Tường – cũng là giáo viên Lịch sử – cho rằng: Dạy phụ đạo muốn hiệu quả cần có phương pháp thích hợp. Mà muốn có phương pháp thích hợp, không có cách nào khác, người thầy phải thực sự hiểu học trò của mình, biết các em yếu ở đâu, cần bổ sung kiến thức nào. Điều đó không chỉ cần thầy giỏi mà trên hết là tình yêu nghề, là cái “tâm” với học sinh.
Cùng với tâm huyết như vậy, thầy Nguyễn Tiến Nam – người lớn tuổi nhất trường, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến tuổi nghỉ hưu – nhưng tuổi cao, sức khỏe yếu không cản bước thầy đến trường vào mỗi cuối tuần, để say sưa với từng bài giảng.
Thầy chia sẻ lý do giản dị: Có những học sinh bị mất căn bản từ THCS, nhà các em đa phần làm nông, lại xa trường, cha mẹ bận kế sinh nhai đâu có nhiều thời gian quan tâm tới con cái. Thấy hoàn cảnh các em như vậy, tôi mong góp chút sức lực nhỏ bé, giúp học sinh củng cố lại kiến thức.
Vui vì học sinh đã không phụ tâm huyết của thầy cô, nhiều em không chỉ dần lấy lại được kiến thức cơ bản mà còn đuổi kịp tiến độ của những học sinh khá giỏi. Thật ấm áp khi mỗi cuối tuần thời kỳ “cao điểm”, thấy học sinh vẫn đến lớp đúng giờ, có em mang theo cả đồ ăn bởi “tự thưởng” thêm ít phút ngủ nướng trong ngày nghỉ nên chưa kịp ăn sáng.
Ban giám hiệu thì tận tay mang nước đến từng phòng cho giáo viên uống. Với người giáo viên, còn niềm vui, hạnh phúc nào hơn thế.
Theo Hiếu Nguyễn/Giáo dục & Thời đại
Cụ bà hơn 30 năm lái đò miễn phí chở học sinh qua sông
Nhiều lứa học trò nhờ con đò nhỏ của cụ mà đã không phải bỏ học giữa chừng.
Giúp con trẻ học lấy cái chữ
Nhiều năm nay, cụ Thái Thị Sáng (sinh năm 1928) - ngụ ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đều thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho chuyến đò đầu tiên đưa đám con trẻ làng vượt con nước đi tìm con chữ, và cụ chỉ kết thúc công việc đưa đò của mình khi trời về khuya. Âm thầm như con đò, lặng lẽ như mặt nước sông, công việc đưa đò nhẫn nại ấy cụ không nhận bất cứ đồng tiền công nào.
Cụ Thái Thị Sáng.
Nói về cái duyên đến với nghề chèo đò, cụ Sáng kể lại: "Khoảng năm 1984, trong lúc tôi đi bán hàng về, chèo ghe qua dòng kênh Xáng Thị Đội, thấy mấy đứa nhỏ ngồi trên bờ với vẻ mặt buồn thiu. Lúc đó tôi hỏi "Giờ này đã trễ rồi, sao tụi con chưa vào lớp học?". Tụi nhỏ trả lời: "Tụi con không có xuồng để qua sông". Nghe vậy, tôi ghé lại và đưa mấy cháu qua sông để vào lớp học".
Việc làm của cụ Sáng khiến không ít người cho là... "dở hơi", bởi khi ấy cụ "thân cò" một mình nuôi 9 người con khôn lớn trong những năm 70, 80 đầy khó khăn.
Chắt chiu bao năm mua được một chiếc ghe để lái đò kiếm kế mưu sinh ấy vậy mà, ngày nào cụ cũng dành nhiều thời gian đưa học sinh qua sông. Mỗi khi có ai thắc mắc hay thị phi này kia, cụ đôn hậu đáp: "Bởi ước nguyện cháy bỏng nhất của tôi đơn giản chỉ vì mong giúp trẻ em của các thôn ấp trong xã được cắp sách đến trường, không vì chuyện cách sông mà phải bỏ học".
Dòng kênh Xáng Thị Đội chỉ vài chục mét, nhưng khi lũ về, dòng kênh trở nên mênh mông và hung hãn. Do vậy, khi chèo đò, cụ Sáng lúc nào cũng đề cao cảnh giác, trên ghe bao giờ cũng có vài cái can nhựa, phòng khi có biến cố xảy ra...
Nhờ tính cẩn trọng và "vững tay chèo" trong những năm tháng làm giao liên nên trong hơn 30 chèo đò đưa học sinh qua sông, bến đò của cụ Sáng không xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc nào. "Lái đò không khó lắm nhưng phải lanh lợi, nhạy bén, luôn phải sẵn sàng xử lý chuẩn xác tình huống nguy hiểm, vì khúc kênh này rất sâu, các cháu hay đùa nghịch dễ rơi xuống sông. Tôi không mong gì hơn là được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ một chiếc đò an toàn và làm bến đò cố định giúp bà con an tâm đi lại" - cụ Sáng trải lòng.
Tính đến thời điểm hiện tại, cụ Sáng đã sử dụng 7 - 8 chiếc ghe trong hơn 30 năm đưa học sinh qua sông tìm con chữ. Chuyến đưa đò nào cũng vậy, cụ luôn nhắc nhở đám học sinh phải ngồi cẩn thận mỗi khi qua sông và đi học thì phải biết giúp đỡ nhau cùng học tập thật tốt để cha mẹ và thầy cô vui lòng.
Lái đò không công
Với những đóng góp cho sự nghiệp trồng người, cụ Thái Thị Sáng đã được Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng huy chương "Vì sự nghiệp khuyến học". Năm 2001, cụ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.
Khi được hỏi về mong ước của mình, cụ bảo: "Động lực duy nhất của tôi là được thấy bọn trẻ học giỏi, chăm ngoan. Thôn ấp dù nghèo đấy nhưng không thể để các cháu bỏ lỡ chuyện học hành. Với tôi luôn đau đáu nuôi mơ ước về một cây cầu nho nhỏ bắc qua kênh Xáng Thị Đội. Trên mỗi chuyến đò tôi vẫn luôn nhắc nhở lũ trẻ cố gắng học giỏi, sau này về xây dựng cây cầu để phát triển quê hương". Gần 30 năm, cụ Thái Thị Sáng lặng lẽ cống hiến cho cuộc đời. Biết bao người qua đò cụ, nay đã thành danh, cụ không thể nào nhớ hết.
Cụ Sáng chèo đò đến năm 2010 thì "lên bờ" vì sức khỏe và vì yêu cầu của ngành giao thông đường thủy là bến đò phải an toàn, phương tiện lớn, có phao, chứng chỉ hành nghề... Do vậy, cụ Sáng giao bến đò lại cho người con trai thứ 4 là anh Lê Văn Duyên tiếp tục "sự nghiệp" chèo đò của cụ nhưng với điều kiện: học sinh, thầy cô giáo là không được lấy tiền.
Hiện nay dù cụ Sáng đã gần 90 tuổi, xa mái chèo đã lâu nhưng cụ vẫn "nhớ nghề", cụ Sáng nói: "Không được chèo đò đưa các cháu học sinh qua sông tôi buồn và nhớ lắm! Nhưng chẳng biết làm cách nào để tiếp tục gắn bó với bến đò với các cháu nhỏ nên tôi dựng cái chòi, bán bánh kẹo nhưng cốt để có dịp trò chuyện với các cháu".
Theo phunuonline.com.vn
Thầy giáo 9X vay tiền dạy tiếng Anh miễn phí cho sinh viên Tự học 6 tháng, thi IELTS 7.5, TOEIC 890 điểm mkKhi còn là sinh viên năm nhất, vì không có tiền đến trung tâm nên Tiệp tự ở nhà học thuộc từ mới và luyện ngữ pháp. Mỗi ngày, anh dành khoảng 6-8 tiếng để học. Anh còn đạp xe ra hồ Gươm nói chuyện với người nước ngoài. Tiệp xem bờ hồ...