Giảng viên quay cuồng tìm thu nhập
“Đừng đi dạy” là lời khuyên chân thành của giảng viên của một trường đại học lớn tại TP HCM. Anh này cho rằng, “anh bám nghề là bởi muốn học lên tiến sĩ, đam mê nghiên cứu. Chứ làm nghề này không có tiền”.
“Chạy sô” cật lực một tháng kiếm tối đa được 5 – 6 triệu đồng, kết thúc một học kỳ, không ít giảng viên trẻ lại hồi hộp chờ những trường ngoài công lập mời giảng.
Quay cuồng tìm thu nhập
Giảng viên này cho biết, với tấm bằng thạc sĩ lấy ở nước ngoài, nhưng tổng thu nhập cho đến nay cũng chỉ vỏn vẹn 5 – 6 triệu đồng. Với mức sống hiện nay ở thành phố, thu nhập trên chỉ đủ để trang trải tằn tiện cho riêng mình. Còn N.V.T, 3 năm làm ở một trường đại học công lập, cho biết: “Cách đây 3 năm, mình là sinh viên thuộc thành phần ưu tú của trường nên được trường giữ lại. Hai năm đầu đi làm, mình phải sống bằng tiền ba mẹ. Lúc đó, mỗi tháng lương chỉ hơn 1 triệu đồng, nhưng 6 tháng mới phát lương một lần. Vì mình thích nghiên cứu nên chấp nhận ở lại. Hồi đó, có vài công ty mời làm việc với mức lương khởi điểm 6 – 7 triệu đồng/tháng”.
Mặc dù rất yêu nghề, đam mê nghiên cứu nhưng không ít giảng viên trẻ phải giải quyết bài toán kinh tế bằng việc làm thêm hoặc “chạy sô” ở nhiều trường ngoài công lập. Điển hình như giảng viên N.T.C, giảng viên ngành xã hội học. Anh cho biết, hiện nay anh phải dành nhiều thời gian để làm cộng tác viên dịch thuật cho 2 công ty, rồi viết bài cộng tác với các báo, thậm chí mở lớp dạy thêm ngoại ngữ tại nhà. Anh C. cho biết: “Ai cũng đam mê nghiên cứu, muốn cống hiến cho nghề. Nhưng ngặt một nổi lương không đủ sống nên chúng tôi phải giải quyết bài toán thu nhập trước”.
Nhiều giáo viên trẻ chỉ mong được ra ngoài làm. Ảnh minh họa.
Ra đi vì lương thấp
PGS TS Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cũng cho biết : “Sinh viên giỏi ra trường không chịu ở lại mà muốn ra ngoài làm vì thu nhập cao hơn. Ở khối kinh tế-ngân hàng, tôi “dụ” các em rằng sắp tới sáp nhập ngân hàng nên không có việc làm nhiều, hãy ở lại trường để nâng cao trình độ và đi dạy nhưng chỉ nhận cái lắc đầu. Hiện tôi đang tiếp tục tuyển dụng, có ứng viên ở nước ngoài về hỏi trả lương bao nhiêu, tôi nói “ráng” cũng 7 triệu đồng/tháng. Nhưng họ đi học tốn tiền tỷ, giờ lương vậy sao sống, trừ khi đó là con nhà giàu, không quan tâm tiền bạc, chỉ cần có chỗ để làm”.
PGS TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nói: “Nguồn giảng viên ưng ý nhất là diện cử đi nước ngoài học, nhưng lần nào về cũng bị hao hụt, vì doanh nghiệp chào lương rất cao. Thật ra về mặt lợi ích chung của xã hội thì họ đi học là tốt, vì có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên trường bị thiệt hại vì đã mất những người có năng lực. Hiện nay chưa có quy định, chế tài nào về bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với đối tượng này”. Ông Hùng cũng cho biết, phần lớn giảng viên của trường đều không sống bằng nghề dạy học, mà sống bằng nghiệp tư vấn, cố vấn, làm dự án, chương trình, đề tài… Việc này vừa làm nghiên cứu khoa học, vừa có nguồn tài chính ổn định và đủ để những sinh viên có tâm với nghề vừa học, vừa nâng cao trình độ để có thể bám trụ được.
Hiệu trưởng một trường đại học lớn tại TP HCM trầm ngâm: “Trước đây, thời của chúng tôi, lương giảng viên cũng thấp, nhưng chỉ thấp hơn những ngành khác độ 25 – 30%. Nhưng thời đó, chúng tôi còn có tiêu chuẩn, cấp nhà dành cho cán bộ. Còn hiện nay, giảng viên trẻ phải tự thân vận động. Và nếu đem so mức lương của giảng viên với những ngành khác thì không thể”.
Video đang HOT
Theo Minh Hưng (Báo Đất Việt)
Hé lộ việc 'dạy thêm' của giáo viên thể dục
Có những mảng màu hoàn toàn đối lập nhau ngay trong cùng một bức tranh về thu nhập giáo viên tại cùng một thành phố như Hà Nội.
Có những giáo viên vì gắn bó với những môn "quan trọng" mà có cơ hội tăng thu nhập. Nhưng có không ít giáo viên "trót" gắn bó với môn "có cũng như không" nên đành ngậm ngùi than thân trách phận. Giáo viên mầm non cũng không phải ngoại lệ.
"Có ai học thêm Giáo dục thể chất không?"
Câu hỏi của anh T. (đề nghị được giấu tên), giáo viên môn Giáo dục thể chất (GDTC) của trường THPT N.H (Hà Nội) có vẻ vừa lạ, lại vừa chua chát. Lạ vì có ai học thêm GDTC bao giờ? Còn chua chát vì như thế có nghĩa là cánh cửa tăng thu của anh nhờ vào chính chuyên môn của mình bị đóng chặt lại.
Giáo viên dạy Giáo dục thể chất cũng đang "ngắc ngoải" vì cửa làm thêm gần như khép kín.
Tại các trường THCS, THPT đã có tình trạng giáo viên ngoài dạy môn chính phải kiêm nhiệm một số môn phụ. Anh T. kể ra một số trường hợp anh biết: Giáo viên chuyên ngành sinh học, hóa học nhưng do "bí quá" nhà trường đành điều động sang dạy kiêm nhiệm GDTC vì "ít nhiều cũng có mối liên hệ giữa các bộ môn này với nhau".
Nhưng anh T. thì không được "may mắn" như thế. Anh T. học ĐH Thể dục Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh), chuyên ngành Sư phạm Thể dục. Với chuyên môn này, anh chỉ có thể làm được một việc duy nhất: Dạy GDTC trong các trường học, ngoài ra thì đành phải "nghỉ ngơi" dù gánh cơm áo gạo tiền của anh cũng không nhẹ hơn người nào từ quê ra thành phố học hành, mưu sinh.
Bù lại, vợ anh T. là giáo viên tiếng Anh, dạy cấp 3. Vì vậy chị có thể đi dạy thêm để tăng thu nhập. Anh T. không giấu giếm: "Đúng là vợ tôi đang là lao động chính trong gia đình, nếu xét về thu nhập. Với đồng lương và phụ cấp còm cõi chưa nổi 2 triệu/tháng, vợ tôi chỉ mong không phải chu cấp thêm cho tôi để cô ấy còn lo tiền thuê nhà, rồi còn tiền sữa nuôi con nhỏ mới 1 tuổi".
Đã nhiều lần tính kế mưu sinh, định đi làm thuê một công việc gì đó ngay trong Thành phố Hà Đông nhưng anh T. đều chưa dám thực hiện bởi đi ra khỏi nhà là gặp học sinh (cũng ở trọ xung quanh gần nhà thầy). Và thế là ngoài các giờ lên lớp, việc chính của anh T. là về trông con giúp vợ và không biết từ khi nào anh trở thành "ông nội trợ" trong gia đình.
Kể về cuộc sống sinh hoạt, anh T. cho biết phải cực kỳ tằn tiện. Vợ đi dạy thêm tiếng Anh cật lực, tổng thu nhập một tháng (cả lương, cả phụ cấp ở trường và cả tiền dạy thêm) được khoảng 5 triệu. Không dám "vung tay quá trán" vì còn phải để dành phòng lúc gia đình ốm đau hay có việc đột xuất, anh T. cắt hết các mối liên hệ, không nhậu nhẹt (hoặc vô cùng hãn hữu), không họp lớp...
Thu nhập thấp nhưng gia đình 2 bên đều nhất quyết không cho anh bỏ nghề với lý do "đây là một nghề cao quý, trong sạch". Còn anh T. ngày càng cảm thấy "ngại vợ" mà chưa tìm được lối thoát nào cho cuộc sống và công việc của mình.
Làm nhân viên thu tiền học thêm
Cô Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, nguyên là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân (GDCD) suốt hơn 20 năm tại trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Đến tận khi về hưu (năm 2009), lương của cô Mỹ cũng chỉ hơn 3 triệu/tháng. Không kiêm nhiệm như các giáo viên khác, cô Mỹ chỉ dạy duy nhất môn GDCD dù chuyên ngành cô được đào tạo là Sinh - Địa.
Không phải trường học nào cũng năng động, tạo cơ hội làm thêm cho giáo viên dạy các môn phụ.
"Muốn về Hà Nội để được gần gia đình và được vào biên chế thì tôi phải đánh đổi, tôi chấp nhận đi học thêm mất 2 năm rồi về dạy những môn như môn GDCD thôi (trước khi về trường Amsterdam, cô Mỹ dạy Sinh - Địa tại một trường THPT thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây cũ - PV)", cô Mỹ phân trần.
Ở Hà Nội, môi trường năng động hơn, lãnh đạo cũng tạo điều kiện để các giáo viên dạy môn phụ như cô Mỹ có thêm nguồn thu khác, đảm bảo cuộc sống gia đình.
Không thể sử dụng chuyên môn để làm thêm như các thầy cô khác, cô Mỹ và những người dạy môn phụ được bố trí làm các việc như thu tiền các lớp học thêm buổi tối tại trường, tham gia đảm nhận các công việc liên quan đến nhu cầu bán trú của học sinh (như dịch vụ ăn, uống, ...).
Trường Amsterdam khá đông học sinh và đa số đều là con nhà khá giả nên doanh thu từ các dịch vụ này tương đối lớn. Mỗi tháng thu nhập của cô Mỹ cùng những người cùng hoàn cảnh đều được nhân đôi so với lương. Đó là chưa kể đến những thời kỳ cao điểm thì thu nhập hàng tháng của cô còn cao hơn mức này.
"Không biết các trường khác thì thế nào, làm sao mà tăng thu cho những đối tượng không thể làm thêm như chúng tôi. Nhưng tôi thấy các thầy cô dạy môn phụ kêu nhiều lắm", cô nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay cả một giáo viên dạy môn phụ nếu chịu khó, có quen biết thì vẫn có thể đi dạy thêm chính môn GDCD của mình ở các trường Dân lập. "Nhưng như thế phải nói quả thực vất vả. Tôi đã làm thử rồi mà cuối cùng cũng phải bỏ", cô Mỹ kể lại.
Không riêng gì GDCD, ngay cả giáo viên dạy những môn sẽ nằm trong chương trình thi tốt nghiệp hoặc thi ĐH sau này như Sử, Địa, Sinh... cũng có khi rơi vào bế tắc vì không có khoản thu nào tăng gia cho cuộc sống.
"Những môn học này thông thường phải lên cấp 3, thậm chí cuối cấp 3 mới bắt đầu được quan tâm và thực sự là quá kén người dạy cũng như người học. Vì thế nên phải nói tôi có những đồng nghiệp dạy những môn này mà vẫn phải làm thêm tay chân như thường", cô Mỹ nói.
Giáo viên mầm non: Sống nhờ chồng!
Sinh năm 1980, hiện nay lương của chị H. (mầm non Đống Đa) vẫn dậm chân tại chỗ ở mức 1.151.000 đồng/tháng.
Giáo viên mầm non khó tìm cách tăng thu.
Chị H. cho rằng sở dĩ mình vẫn sống tốt được trong khi không thể làm thêm bất kể cái gì và vẫn bám trụ lấy nghề là vì may mắn lấy được một người chồng có điều kiện kinh tế, không đòi hỏi chị phải nỗ lực kiếm tiền mà chỉ cần ở chị một người phụ nữ có nhiều thời gian chăm sóc gia đình.
Mỗi lớp học mầm non hiện đều đang trong tình trạng quá tải vì trường mới ra đời không kịp tốc độ tăng dân số. Vì thế, các giáo viên mầm non, đặc biệt là những giáo viên ngoài biên chế, luôn than thở về sự chênh lệch giữa chế độ đãi ngộ với công sức bỏ ra.
Nhiều giáo viên mầm non đã phải tăng thu bằng cách nhận trông con giúp những phụ huynh không có điều kiện đón con sớm. "Mỗi ngày trông các cháu thêm 2 tiếng, mỗi tháng nhận từ phụ huynh thêm 150 ngàn đồng/cháu. Cố lắm là trông được khoảng 6 cháu/ngày. Tính ra mỗi tháng tôi có thêm 900 ngàn đồng từ việc làm thêm này. Cộng cả lương vào nữa mỗi tháng tôi cũng chỉ vỏn vẹn 2 triệu bạc. Mà sống giữa đất này, cố sẽ vẫn sống được thôi nhưng tôi thấy chật vật, ngột ngạt quá", chị O., GV trường mầm non Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.
Theo Vietnamnet