Giảng viên luật bị tố quấy rối và trù dập sinh viên
Từ đầu tháng 6/2018, trên một nhóm kín của sinh viên khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội xuất hiện nhiều hình ảnh chụp lại tin nhắn được cho là của một giảng viên nhắn cho nhiều nữ sinh.
Trong đó, các tin nhắn có nội dung như giảng viên tán tỉnh, mời mọc, rủ rê các nữ sinh đi ăn, uống cà phê, xem phim… Bên cạnh đó, lời tố cáo còn cho rằng vị giảng viên này đã quấy rối tình dục và trù dập những nữ sinh không nghe theo lời mình.
Một số tin nhắn được cho là của giảng viên Nguyễn Hùng Cường trao đổi với các nữ sinh viên. Ảnh chụp từ Facebook
Ông Nguyễn Hùng Cường (tài khoản Facebook: Nguyen Ba Cuong), hiện đang là giảng viên bộ môn Luật Quốc tế, khoa Luật, ĐHQG Hà Nội thừa nhận mình là người được đề cập đến trong sự việc.
Tuy nhiên, ông khẳng định những tố cáo này là một sự vu khống và bịa đặt.
“Tôi là nạn nhân duy nhất ở đây. Tôi có đầy đủ bằng chứng để không chỉ khẳng định được mình vô tội. Đây là sự dựng chuyện” – ông Cường chia sẻ với VietNamNet.
Cụ thể, vị giảng viên này cho biết các tin nhắn đã bị cắt xén, xuyên tạc. “Phải đọc toàn bộ tin nhắn mới hiểu bối cảnh câu chuyện. Có những câu chuyện thực ra không phải tôi mời các em ấy, mà là các em ấy mời tôi. Nhưng khi người ta cắt xén đi thì thành ra tôi mời họ” – ông Cường nói.
“Thêm nữa, cho dù tôi có mời thì cũng có những tin nhắn là dành cho những người đã ra trường, không còn là sinh viên của tôi. Nhưng vì động cơ, thù ghét tôi nên họ đã cắt xén tin nhắn đó để vu cáo tôi nhắn tin mời họ đi chơi và suy diễn là tôi gạ tình”.
Ông Cường lập luận thêm: “Thứ ba là khi tôi nhắn tin, kể cả cho các em sinh viên thì phải xem bối cảnh câu chuyện là gì. Chỉ một vài câu hỏi như “Tối thứ 6 này em có rảnh không?” hay “Bạn nào đây nhỉ?” (vì tôi có thói quen ai kết bạn trên Facebook tôi đều hỏi lại), thì chẳng nói lên điều gì. Bất kỳ ai có lý trí bình thường đều khẳng định được điều đó. Người ta dựa vào đó để suy diễn tôi có mục đích xấu thì chỉ có những người có suy nghĩ bậy bạ mới nghĩ vậy. Mà nói như vậy thì chắc là tất cả đàn ông trên thế giới này đều quấy rối hết”.
Ông Cường cho rằng, với những lời tố cáo cực kỳ nghiêm trọng thì phải dựa trên bằng chứng xác thực. Vị giảng viên này cho biết ông đã gửi đơn lên cơ quan công an, khoa Luật và ĐHQG Hà Nội.
Ông Nguyễn Hùng Cường – giảng viên khoa Luật, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng
Video đang HOT
Theo ông Cường chia sẻ, đây đều là những tin nhắn nặc danh trên mạng, chỉ có một đơn tố cáo duy nhất có tên tuổi công khai là của em T.U gửi tới khoa Luật. Em U. cũng là một sinh viên hiện đang theo học ở khoa. “Em U. tố cáo tôi trù dập em ấy” – ông Cường chia sẻ.
“Tôi cho em ấy 1 điểm môn Tư pháp quốc tế. Em học môn này cực kỳ kém, nghỉ nhiều ở mức tối đa là 2 buổi. Chỉ cần thêm 1 buổi nữa là không được thi. Tôi đã phải gọi cho lớp trưởng nhắc em đi học. Nếu trù dập thì tôi làm thế làm gì? Em U. sau đó đi học chập chờn, thường xuyên đi học muộn. Kết quả là bị điểm kém. Nhưng môn này của em đã kết thúc hơn 1 năm rồi. Thời kỳ đó, tôi đã email cho lớp nói rằng bất kỳ ai có thắc mắc gì về điểm số thì gọi điện cho thầy. Em U. không hề gọi cho tôi. Nếu em ấy nghĩ rằng gọi điện cho tôi không đảm bảo được quyền lợi cho mình thì tại sao em không gọi cho trưởng bộ môn, cho ban chủ nhiệm khoa Luật, phòng đào tạo? Khoa Luật hiện nay có đủ kênh chính thức, cơ chế, email, bộ phận để giúp đỡ trường hợp sinh viên cảm thấy quyền lợi bị xâm hại. Tại sao hơn 1 năm trời em ấy không làm vậy? Đến khi lên mạng thấy những thông tin xúc phạm tôi, em ấy mới lên tiếng. Ban đầu em ấy lên mạng nặc danh nói tôi trù dập em ấy, sau đó mới gửi đơn lên khoa” – ông Cường chia sẻ.
Khi được hỏi tại sao những đối tượng này lại vu khống cho ông Cường – theo như lời ông nói – vị giảng viên cho rằng nguyên nhân là do thù hằn cá nhân.
“Tuy nhiên, tôi không loại trừ động cơ khác. Tôi không chỉ là một giảng viên, tôi còn là một nhà khoa học. Tôi viết nhiều bài liên quan đến chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Những bài viết của tôi rất nhạy cảm. Tôi chỉ là một giảng viên hết sức bình thường, tôi không có chức sắc gì cả. Nhưng tôi nghĩ rằng vì công việc của tôi nhạy cảm”.
Ông Cường cho biết, “bằng chứng” mà ông đang có là tất cả tin nhắn đầy đủ của những người đã tố cáo ông trên mạng và của cả em U. – người đã gửi đơn tố cáo tới khoa Luật.
“Tổ xác minh, lãnh đạo khoa Luật, cơ quan công an đã được xem những bằng chứng của tôi – là những tin nhắn đầy đủ, không bị cắt xén. Tôi tin rằng các cơ quan chức năng và khoa Luật sẽ có kết luận chính xác và công tâm để bảo vệ danh dự của tôi” – ông Cường nói.
Về phía khoa Luật (ĐHQG Hà Nội), lãnh đạo khoa đã gửi đi một văn bản công khai có tựa đề “Thông điệp của lãnh đạo khoa Luật, ĐHQG Hà Nội về một số thông tin trên mạng xã hội gần đây”.
Trong văn bản này, lãnh đạo khoa cho biết đã tiếp nhận thông tin liên quan đến phản ánh của một số sinh viên, học viên, cựu sinh viên về một giảng viên khoa Luật được đăng tải trên mạng xã hội (đặc biệt là trang SOL – VNU CONFESIONS).
Lãnh đạo khoa khẳng định đã và đang theo dõi sát sao các thông tin được đăng tải. Quan điểm của khoa Luật là luôn bảo vệ lẽ phải, công bằng, đảm bảo cho người học có môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng, mô phạm.
Đồng thời, khoa Luật mong nhận được những thông tin phản ánh chính thức nếu có của các sinh viên, học viên, cựu sinh viên cũng như các bên có liên quan.
Văn bản này công khai 3 địa chỉ tiếp nhận thông tin rõ ràng và cụ thể. Những thông tin này được cam kết sẽ trong vòng bí mật và người phản ánh, cung cấp thông tin cũng sẽ được bảo vệ.
Nguyễn Thảo
Theo vietnamnet.vn
Phiên dịch ngoại giao: Không đơn giản là nghề chuyển ngữ
Trong thời tiết những ngày Hè nắng nóng đỉnh điểm tại Hà Nội vừa qua có thể làm nhụt chí học tập của bất cứ ai, thì với 50 học viên khóa học Bồi dưỡng Kỹ năng Biên - Phiên dịch 2018 - sự mới mẻ, hấp dẫn của khóa học đã khiến họ quên đi tất cả.
Nói đến các khóa bồi dưỡng kiến thức, người ta dễ hình dung đến các buổi học khô khan, một chiều và chẳng mấy mặn mà với nó. Vậy, Trung tâm Biên phiên dịch - Bộ Ngoại giao phải làm gì khi một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình là thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng ngoại ngữ cho các cán bộ, công chức công tác tại các sở ngoại vụ và các đơn vị có nhiệm vụ đối ngoại tại nhiều địa phương trên cả nước?
Lớp học thành... hội nghị
Đó là một khái niệm lạ và khá trừu tượng với bất cứ ai chưa được trực tiếp tham gia vào lớp học. Đây là một lớp bồi dưỡng tiếng Anh nằm trên tầng 5 tòa nhà 7 tầng của Học viện Ngoại giao. Nếu bên ngoài hành lang là sự yên tĩnh đến vắng lặng thường thấy trong những ngày Hè, thì bên trong các lớp học, những "hội nghị thu nhỏ" đang diễn ra vô cùng sôi nổi.
Giải thích với tôi điều này, ông Dương Nguyễn Quốc Vinh (Phó Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia) - là giảng viên trực tiếp tại lớp học cho biết: "Các thành viên trong lớp đang tham gia vào một tình huống giả định có thể diễn ra trong hoạt động đối ngoại của địa phương. Cụ thể, hôm nay các học viên lớp tiếng Anh này đang thực hành các kỹ năng phiên dịch trong tình huống Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp Chủ tịch Hội đồng thành phố London (Anh) đến thăm và làm việc tại tỉnh".
Quang cảnh Hội nghị giả định tại Khóa học. (Ảnh: KN)
Chứng kiến các các giảng viên và các học viên đến từ các tỉnh thành khác nhau đang miệt mài "nhập vai", từ vai Chủ tịch tỉnh, vai Chủ tịch Hội đồng thành phố và các vai dẫn chương trình, đại diện phía địa phương và phía khách quốc tế... Để tiến hành kịch bản này, các học viên đã phải dày công chuẩn bị tài liệu và phát biểu của các bên như một tình huống thực tế. Mỗi học viên đảm nhận một vị trí để hiểu hết những công việc mà một vị trí phiên dịch cần làm trong một sự kiện đối ngoại. Thậm chí, khi Hội nghị đang diễn ra, có một tình huống ngoài kịch bản đó là Chủ tịch UBND tỉnh xin cáo lỗi do phải giải quyết một tình huống đột xuất và người tiếp thay là Phó Chủ tịch tỉnh để các học viên tập xử lý tình huống.
Sau hơn 3 giờ diễn ra sôi nổi, các bên phân tích, trình bày về các tiềm năng, thế mạnh cũng như các cơ hội hợp tác giữa hai địa phương, hội nghị chuyển sang phần tặng quà, chụp ảnh lưu niệm và tiệc chiêu đãi... Học viên Nguyễn Ngọc Lan Chi (Ban Điều phối Dự án Tam nông - TNSP, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ: "Khóa học này được thiết kế dựa trên yêu cầu thực tế đối với công việc ngoại vụ của các địa phương. Trong sự kiện giả định này, tôi đóng vai người chịu trách nhiệm việc biên dịch các tài liệu dự án, thư từ, công văn trao đổi giữa các bên... Cá nhân tôi thấy, những nội dung và kỹ năng thực hành trong suốt khóa học cũng như Hội thảo mẫu mô phỏng rất sát công việc hàng ngày của mình. Chính vì gần với thực tiễn công việc nên những tình huống đưa ra thực sự giúp tôi nhìn lại bản thân, mình đã làm tốt những gì và cần phải cải thiện gì...
Nữ học viên đến từ Tuyên Quang này cũng cho biết, các giảng viên đều là các phiên dịch dày dạn kinh nghiệm thực tế với số lượng các buổi tác nghiệp là đủ lớn để nắm được tinh thần và phương thức của các buổi làm việc ngoại giao. "Tôi nghĩ, vì lí do đó, các thầy, cô giảng viên khi đóng vai trò diễn giả/ lãnh đạo đơn vị đều rất tròn vai, thể hiện đúng phong cách của nhân vật trong thực tế. Với trải nghiệm của cá nhân, tôi có cảm giác mình đang đi dịch cho một lãnh đạo địa phương thực sự, trong một buổi tiếp xúc thực sự, có đầy đủ những áp lực cần thiết. Tôi học hỏi được rất nhiều trong các buổi dịch như vậy".
Kiến thức căn bản trên hành trình dài
Đánh giá về các khóa đào tạo Kỹ năng biên - phiên dịch, ông Phạm Bình Đàm, Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia (Bộ Ngoại giao) cho biết, khóa học đã đảm bảo được tiêu chí trên 70% thực hành đặt ra đối với chương trình. Trên thực tế, trong 40 buổi đã có 30 buổi thực hành, chiếm tỷ lệ 75%. Tỷ lệ thực hành này được duy trì từ 4 năm trở lại đây. Đây là sự điều chỉnh có hiệu quả, duy trì được chất lượng học, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho học viên tham gia lớp.
Đa số các học viên tham gia khóa học theo mô hình mới này đều cho rằng, việc học đi đôi với hành trong đào tạo kỹ năng biên phiên dịch đã giúp họ có cơ hội trải nghiệm công việc của một phiên dịch chuyên nghiệp. (Ảnh: KN)
Theo ông Phạm Bình Đàm, điểm nổi bật của khóa học năm nay là mỗi tuần học được thiết kế gắn với một chủ điểm cụ thể, nhằm đem lại cho học viên cảm nhận sát thực nhất về nhiệm vụ và kỹ năng cần thiết của một phiên dịch đối ngoại. Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ của giảng viên, các học viên sẽ trực tiếp xây dựng nội dung các tài liệu mẫu để thực hiện kịch bản thi kết thúc khóa học.
Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Kim Yến (Trưởng Phòng tiếng Pháp, Trung tâm Biên phiên dịch - Bộ Ngoại giao) cho biết: "Có thể nói, sau những khóa học kéo dài 12 tuần như thế này, kỹ năng của các học viên đã cải thiện rất nhiều. Nói như vậy không có nghĩa là trình độ ngoại ngữ của các học viên "lột xác" chỉ sau một khóa học bởi học ngoại ngữ là cả một quá trình dài. Tuy nhiên, qua khóa học, các học viên đã được trang bị những kỹ năng để thực hành nghề phiên dịch. Chẳng hạn, đầu khóa học, nhiều học viên còn suy nghĩ đơn giản rằng phiên dịch chỉ là chuyển ngữ từ tiếng A sang tiếng B. Tuy nhiên, sau 12 tuần học tập, các em đã hiểu phiên dịch là cả một quá trình xử lý thông tin để cho ra được thông tin chính xác và thông điệp".
Bà Kim Yến cho rằng, các học viên cần hiểu rằng, người làm công tác phiên dịch không chỉ biết một ngoại ngữ mà cần phải trang bị kỹ năng tổng hợp, đó là khả năng nghe, nhớ và thể hiện được không chỉ trọn vẹn thông điệp mà còn cả cảm xúc của người nói. "Qua buổi thi bằng hội thảo mẫu, tôi thấy các học viên đã nắm được, làm chủ được kỹ năng nhất định, kỹ năng nhớ ngắn hạn và khả năng thể hiện tự tin, thuyết phục, lược bỏ những thói quen không tốt của người phiên dịch. Qua đó, các học viên biết khoảng lùi để đưa ra được thông điệp trơn tru, mượt mà hơn".
Đa số các học viên tham gia khóa học theo mô hình mới này đều cho rằng, việc học đi đôi với hành trong đào tạo kỹ năng biên phiên dịch đã giúp họ có cơ hội trải nghiệm công việc của một phiên dịch chuyên nghiệp: áp lực, thử thách và rất thú vị. Môi trường như vậy đòi hỏi các học viên phải thực sự tập trung, vận dụng kiến thức nền, tiếng nền một cách linh hoạt cùng với một thái độ học tập hết sức nghiêm túc. Bên cạnh đó, việc giao lưu và kết nối với các đồng nghiệp từ các địa phương khác cũng là một trong những lợi ích lớn mà khóa đào tạo mang lại.
Đi tìm học viên cho lớp học "hạt giống"
Sẽ không quá lời khi nói rằng, các khóa bồi dưỡng kỹ năng biên - phiên dịch chính là môi trường lý tưởng để phát hiện những "hạt giống" tốt trong công tác này, nhằm lựa chọn học viên chất lượng cao cho các lớp đào tạo chuyên sâu tiếp theo.
Ông Dương Nguyễn Quốc Vinh chia sẻ rằng, trong thời gian tới, Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia sẽ triển khai đào tạo kỹ năng biên phiên dịch chuyên sâu đối với các học viên xuất sắc được lựa chọn từ các khóa học. "Năm 2017, chúng tôi đã tổ chức một lớp đào tạo chuyên sâu như vậy với hai kỹ năng chính là thuyết trình và dịch đuổi bằng tiếng Anh. Đây là hai kỹ năng quan trọng đối với cán bộ ngoại vụ địa phương vì hiện nay, hoạt động tiếp các đoàn nước ngoài và đi thăm các địa phương nước ngoài của lãnh đạo các địa phương diễn ra rất thường xuyên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường kết nối các cán bộ ngoại vụ qua không gian mạng để cùng trao đổi kinh nghiệm biên phiên dịch, kinh nghiệm học thuật..." - ông cho biết.
Lãnh đạo Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia (Bộ Ngoại giao) chụp ảnh lưu niệm cùng các giảng viên và một số học viên của khóa học. (Ảnh: Trung Hiếu)
Bịn rịn chia tay các bạn học sau một khóa học đầy thú vị, học viên Phan Trần Thế Phụng (chuyên viên Sở Ngoại vụ Bà Rịa - Vũng Tàu) cảm thấy khá tiếc nuối khi 12 tuần trôi qua quá nhanh: "Trải qua một thời gian rèn luyện ngắn hạn tại một trong những ngôi trường nổi tiếng tại Việt Nam về đào tào ngành ngoại giao, tôi mới nhận ra việc truyền tải thông điệp, cảm xúc của người nói đóng vai trò quan trọng như thế nào trong kỹ năng biên - phiên dịch. Trong thế giới phẳng hiện nay, nhu cầu nhân lực biên - phiên dịch phục vụ công tác đối ngoại của các địa phương là rất lớn.
Có thể nói, sự chủ động của Trung tâm Biên phiên dịch trong việc mang đến một màu sắc mới, thổi luồng gió mới vào các khóa bồi dưỡng, giúp học viên cảm thấy tự tin hơn và bản lĩnh hơn trong việc đảm nhiệm các công việc liên quan đến đối ngoại khi trở về địa phương. Nói như giảng viên Phạm Thị Kim Yến, để phát huy những kiến thức đã được lĩnh hội sau khóa học, khi trở về địa phương, các học viên cần không ngừng củng cố ngôn ngữ, mạnh dạn bám vào việc, lao vào việc... để có cơ hội rèn luyện và tiến bộ hơn.
Theo baoquocte.vn
Nhiều trường cao đẳng, trung cấp ở Gia Lai dôi dư hàng trăm giảng viên Các trường CĐ, trung cấp và trường nghề tại Gia Lai không tuyển được học viên dẫn đến dôi dư hàng trăm cán bộ, giảng viên. Theo thông báo của trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai (trực thuộc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh), năm học mới này, nhà trường có 1.020 chỉ tiêu tuyển sinh cho...