Giảng viên đại học tự chế hàng tá đồ chơi tại nhà giúp con học chữ, học số nhoay nhoáy, ai cũng tấm tắc khen và làm theo vì chi phí siêu rẻ
Thấy con thích chữ và số, người mẹ ở Phú Thọ dành hai năm miệt mài làm đủ loại đồ chơi tư duy để cùng con vừa chơi vừa học.
Nếu như ngày nào mẹ cũng vật vã giục con đi ngủ, sáng lại vật lộn với nhau để gọi con dậy mà phi đến cơ quan vẫn muộn giờ? Hay con không chịu dọn đồ chơi, không chịu đi đánh răng… phải làm sao để tiếp động lực cho con thay đổi?
Hay làm sao để học phép cộng trong phạm vi 20 siêu nhanh, siêu rẻ, siêu dễ làm? Làm sao để phân biệt phép cộng trừ cho trẻ mầm non?
Mỗi giai đoạn phát triển của con, chị Chử Thị Kim Ngân (30 tuổi, giảng viên khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Hùng Vương, Phú Thọ) lại mày mò, học hỏi và tự làm các loại đồ chơi cho con.
Chị Kim Ngân và bé Tuấn Khôi.
Năm nay bé Nguyễn Tuấn Khôi 3 tuổi, chị Ngân đã có hơn 2 năm làm đồ chơi cho con. Từ các loại bảng tư duy, nhận biết số, phép tính hay các loại bình hoa xinh xắn từ đất nặn… Và quan trọng là chị dành tất cả tình yêu của mẹ vào những món đồ chơi mình làm. Thấy con chơi vui vẻ, thích thú thì mẹ thật sự rất hạnh phúc.
Chẳng hạn, để giúp con tránh lề mề, tạo dựng thói quen tốt mỗi ngày, chị Ngân làm BẢNG KHEN THƯỞNG – BẢNG CHĂM NGOAN cho con và thống nhất với con rằng khi con làm tốt một việc thì mẹ vui, bé sẽ được 1 mặt cười và ngược lại con không làm tốt thì mẹ sẽ buồn. Mẹ và con cùng đề ra mục tiêu làm phần thưởng cho bé tuỳ thuộc theo sở thích của bé.
Hay để Tí Tồ (tên ở nhà của bé Tuấn Khôi) học phép cộng trong phạm vi 20 mà không áp lực, giảng viên này sáng tạo trò chơi “Đoàn tàu qua núi” chỉ với bìa cứng và ống hút. Muốn phân biệt phép cộng trừ, một bảng đa năng học đếm số lượng và cộng trừ lại được ra đời…
Bảng đa năng học đếm số lượng và cộng trừ siêu dễ làm chỉ tốn 5 ngàn đồng giấy xốp.
Trò chơi đoàn tàu qua núi để học phép cộng trong phạm vi 20.
Điểm chung của những đồ chơi handmade này chính là đều được làm từ nguyên liệu rất đơn giản, dễ kiếm và tiết kiệm, có khi không mất đồng nào vì chủ yếu từ nguyên liệu tái chế. Khi tham khảo những trò chơi của chị Ngân, mọi người sẽ hiểu ra rằng, không nhất thiết phải mua những đồ chơi đắt tiền. Điều quan trọng là cha mẹ dành thời gian cho con và nghĩ ra những trò hữu ích từ cuộc sống quanh mình.
Video đang HOT
Bé Nguyễn Tuấn Khôi rất hào hứng với đồ chơi mẹ làm.
Chia sẻ về ý tưởng làm đồ chơi cho con, chị Ngân cho rằng, là một người mẹ, chị hiểu rằng đồ dùng đồ chơi có tác dụng rất lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách cho một đứa trẻ. Bất cứ đứa trẻ nào cũng đều có nhu cầu chơi và được chơi. “Mình làm vì mình thích tự tay làm đồ chơi cho con. Bé chỉ có một tuổi thơ và mấy năm đầu đời bên mẹ thôi nên mình luôn ưu tiên dành thời gian cho con”.
Thông thường, chị Ngân sẽ dành những ngày cuối tuần để cùng con làm đồ chơi. “Mỗi trò chơi mình làm cho con khá nhanh khoảng 30 phút – 1 tiếng. Bé cảm thấy hào hứng và vui vẻ khi chơi, khám phá đồ chơi của mẹ và chơi hoài không chán” . Bên cạnh đó, những đồ chơi này còn giúp bé được tự do thao tác, hoạt động, được tự do trải nghiệm, được tự do thể hiện những nhu cầu cá nhân, dần dần giúp con hoàn thiện các kĩ năng. Thời gian chơi cùng con, cả mẹ và con đều cảm thấy vui vẻ và học được nhiều điều bổ ích.
Mỗi trò chơi chị Ngân làm cho con khá nhanh khoảng 30 phút – 1 tiếng.
Đầu tư cho con là thế nhưng người mẹ này cho biết, chị cho con con chữ và số vì không muốn bỏ lỡ các giai đoạn vàng phát triển của con chứ không áp lực con phải giỏi giang vượt trội hay gì cả. “Bản thân mình cũng không có ý định so sánh con mình với các bạn cùng lứa tuổi. Mỗi bạn có một khả năng và năng lực riêng. Chẳng hạn bé nhà mình nhạy với chữ và số nhưng năng lực ngoại ngữ chưa tốt. Tuy vậy bản thân mình cũng không quá áp lực”.
Chị Ngân cho rằng, học dễ nhất là học thông qua các trò chơi. Con sẽ học dần và tích luỹ dần. Vì vậy về việc làm đồ chơi cho con, không chỉ đơn giản là để con chơi tự do mà còn là những bài học được thiết lập từ những trò chơi ấy.
Thời gian đầu chị Ngân chỉ làm và chơi cùng con. Sau nhiều lần bạn bè người quen hỏi cách làm, chị đã quay lại các clip ngắn để hướng dẫn mọi người cùng làm và tương tác với con.
Cùng tham khảo những đồ chơi chị Kim Ngân tự làm cho con trai mình:
Trò chơi nhận biết số lượng. Theo chị Ngân: “Nhiều bố mẹ cứ hỏi mình là vì sao bạn Tí biết cộng trừ. Là do bạn Tí biết số lượng. Bản chất của cộng và trừ là tăng giảm số lượng mà thôi”.
Cùng phân biệt lớn hơn nhỏ hơn với trò chơi cá sấu há miệng.
Trò chơi lật hình luyện trí nhớ.
Và một số trò chơi sáng tạo khác:
Hay các loại bình hoa xinh xắn từ đất nặn do bé Khôi làm dưới sự hướng dẫn và cổ vũ của mẹ:
Theo chị Ngân, với trẻ con, đồ gì cũng có thể biến thành đồ chơi. Tuy nhiên, đồ chơi cho từng giai đoạn, từng lứa tuổi sẽ được mẹ chủ động thay đổi, tăng độ khó theo sự phát triển và nhận thức ở trẻ.
Hẳn là nhiều bé, có thể sẽ không nhớ được chúng đã chơi gì, nhưng những kỷ niệm, xúc cảm sẽ lưu giữ để hình thành tâm hồn, trí tuệ và cả tính cách của con. Đó cũng chính là điều mà chị Ngân muốn khi nghĩ ra những trò chơi, tự làm đồ chơi để được chơi cùng con.
Giáo dục mầm non: Nguyên tắc lựa chọn đồ chơi, học liệu
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 47/2020/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Theo đó, Bộ đưa ra các nguyên tắc và các tiêu chí cụ thể để lựa chọn đồ chơi trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Ảnh minh họa
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra 3 nguyên tắc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non. Cụ thể, thứ nhất, đồ chơi phải có trong danh mục thiết bị dạy học do Bộ GD&ĐT ban hành thực hiện theo các quy định hiện hành.
Thứ hai, đối với đồ chơi không có trong danh mục thiết bị dạy học do Bộ GD&ĐT ban hành và học liệu được lựa chọn theo các nguyên tắc: Đồ chơi, học liệu bảo đảm các yêu cầu an toàn và thẩm mỹ; lựa chọn đồ chơi, học liệu căn cứ vào nhu cầu thực tế thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; phát triển Chương trình giáo dục mầm non; kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; kế hoạch thực hiện chuyên đề hàng năm; lựa chọn đồ chơi, học liệu căn cứ vào điều kiện thực tế: về vật chất (địa điểm, không gian xếp đặt); về nguồn lực (khả năng khai thác, sử dụng, ứng dụng đồ chơi của cán bộ quản lý và giáo viên).
Nguyên tắc thứ ba, bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Về tính an toàn của đồ chơi, Bộ GD&ĐT cũng quy định khá rõ. Theo đó, đồ chơi cần bảo đảm an toàn theo các quy định hiện hành của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về an toàn đồ chơi trẻ em. Đồ chơi bảo đảm các quy định hiện hành về tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GD&ĐT.
Đồ chơi ghi rõ các thông tin về bản quyền (tem, nhãn mác, nơi nhập khẩu, nơi sản xuất, hạn sử dụng, cách lắp đặt, bảo quản); có giấy chứng nhận hợp quy còn thời hạn hiệu lực; gắn dấu hợp quy theo quy định. Đối với đồ chơi tự làm: Các nguyên liệu, vật liệu bảo đảm vệ sinh, an toàn, không gây độc hại cho người sử dụng; hạn chế sử dụng đồ chơi làm từ nhựa tái chế và sản phẩm nhựa dùng một lần...
Về tính giáo dục của đồ chơi: Phải phù hợp với nội dung Chương trình giáo dục mầm non và các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non; giúp trẻ em phát triển các lĩnh vực thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội; đáp ứng yêu cầu phát triển Chương trình giáo dục mầm non, phù hợp với xu thế hội nhập và yêu cầu đổi mới phương pháp.
Đồ chơi không chứa đựng nội dung bạo lực, thông tin xuyên tạc, kì thị về chính trị, tôn giáo, sắc tộc, giới tính. Đồ chơi được thiết kế có tính năng kích thích phát triển thể chất, tư duy, sáng tạo; phù hợp với nhu cầu và phát triển của từng độ tuổi; hỗ trợ trẻ em có nhu cầu đặc biệt bao gồm các nhu cầu về thể chất, giác quan và học tập.
Đối với học liệu, Bộ GD&ĐT yêu cầu, học liệu xuất bản phẩm dược sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non cần có tem, nhãn mác, ghi rõ các thông tin trên xuất bản phẩm theo quy định của Luật Xuất bản; không vi phạm các quy định của pháp luật. Học liệu xuất bản phẩm theo hình thức dịch, xuất bản ở nước ngoài phải có giấy chứng nhận thẩm định theo Luật Xuất bản.
Đối với học liệu xuất bản phẩm điện tử: Có giải pháp quản lý thời gian sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với học liệu tự làm: Bảo đảm vệ sinh, an toàn, không gây độc hại; thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng học liệu từ nhựa tái chế và sản phẩm nhựa dùng một lần. Học liệu cũng cần đảm bảo thẩm mỹ về hình thức, màu sắc cần tươi sáng, âm thanh và lời thoại rõ ràng, không sử dụng âm thanh có cường độ mạnh; ngôn ngữ sử dụng quen thuộc, gần gũi, phù hợp với văn hóa địa phương.
Về việc lựa chọn đồ chơi, học liệu, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non phải có hội đồng lựa chọn, hội đồng lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non do người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non tổ chức lựa chọn đồ chơi, học liệu trẻ em.
Phú Thọ: 38 trường THPT tham gia Hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh Ngày 29/1, Sở GD&ĐT Phú Thọ phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương, tổ chức khai mạc Hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN) cho học sinh cấp THPT trên địa bàn tỉnh. Các vận động viên tham gia thi Điều lệnh đội ngũ đơn vị Tham gia hội thao có 38 trường THPT với 351 vận động viên....