Gian nan nhận lại học phí miễn giảm
Theo quy định mới, sinh viên thuộc diện miễn giảm học phí vẫn phải đóng học phí cho nhà trường, sau đó địa phương sẽ chi trả lại sau. Tuy nhiên, có rất nhiều sinh viên chờ một thời gian khá lâu vẫn chưa nhận được khoản tiền này.
Tốt nghiệp rồi vẫn chưa nhận được tiền
Nguyễn Thị Hiền (sinh viên (SV) Khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thường trú tại thôn Ninh Thanh 2, xã Eakamut, H.Eakar, tỉnh Đắk Lắk), cho biết: “Mình được miễn giảm 100% học phí theo diện vùng cao khó khăn. Đến nay đã tốt nghiệp ra trường nhưng vẫn chưa nhận lại một đồng học phí nào từ học kỳ 1 năm 3 đến hết học kỳ 2 năm 4 (2010 – 2012). 4 học kỳ trong 2 năm học, gia đình đã làm đơn xin nhận lại số tiền miễn học phí nhưng xã luôn nói chờ kinh phí bên trên và phải đợi theo đợt. Gia đình mình rất mệt mỏi khi phải đợi chờ, kỳ nào cũng lên xã mà không nhận lại được tiền mình đã đóng. Học phí mình đã đóng trong 2 năm học lên đến khoảng 5 triệu đồng, trong khi gia đình rất khó khăn”.
SV diện miễn giảm học phí vẫn phải đóng học phí tại trường rồi sau đó mới về địa phương nhận lại khoản tiền này – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học cùng khoa và cùng được miễn giảm 100% học phí như Hiền, Phạm Huy Huấn (thường trú tại thôn 15, xã Eakaly, H.Krongpak, tỉnh Đắk Lắk) cũng không rút lại được số tiền đã đóng từ năm 2010. Gia đình cũng làm đơn lên xã nhưng xã cũng nói đi nói lại là “đợi khi nào ngân sách tỉnh xuống mới cấp lại số tiền được miễn”. Huấn cũng đã đóng khoảng 5 triệu đồng.
Dương T.K.Trang (SV Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thường trú tại khu phố Tân Tiến, thị trấn Đinh Văn, H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), thuộc trường hợp con thương binh nên được miễn 100% học phí. Tuy nhiên, theo Trang, số tiền bạn nhận lại chỉ được khoảng 60 – 70% mà không rõ lý do. “Mình không hiểu tại sao lại mất một khoản tiền, lẽ ra phải miễn 100%. Cả 4 học kỳ (2010 – 2012) mình đều bị trừ một khoản tiền như thế”, Trang nói.
Video đang HOT
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều SV rất bức xúc trước tình trạng này, tuy nhiên không phải ai cũng dám nêu tên để phản ảnh vấn đề. D.H (SV Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thường trú tại đường Đồng Khởi, P.7, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), thuộc diện miễn 70% học phí do học ngành có tiếp xúc với chất độc hại vẫn chưa nhận lại tiền. K.Ngân (SV Khoa Dược, Trường ĐH Y dược TP.HCM, thường trú tại xã Đức Phong, H.Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) cũng được giảm 70% học phí theo diện xã vùng ven biển có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nhưng đã nộp hồ sơ hơn 6 tháng nay lên xã mà vẫn chưa nhận được tiền.
T.H.H (SV năm 3 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thường trú tại xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), bức xúc: “Em mất một học kỳ không được miễn giảm vì thủ tục rườm rà. Khi có đủ giấy tờ xác minh ở trường, em gửi hồ sơ về xã thì xã nói là nộp trễ đơn miễn giảm ở trường về địa phương. Nên số tiền gần 3 triệu đồng em phải đóng và không được hoàn phí. Nếu gia đình em không khó khăn chắc em cũng không viết đơn làm gì, cực lắm!”.
Tìm hướng giải quyết
Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác HS – SV, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết năm 2010 có rất nhiều SV cho biết nhận lại học phí trễ. “Chúng tôi cũng có giải thích cho SV. Thật sự là có nhiều tỉnh nghèo, việc chi trả số tiền này khó mà nhanh chóng được. Việc nắm danh sách, làm đề nghị cấp kinh phí cũng tốn thời gian. Với những trường hợp này, phía trường có giải pháp là cho một số SV khó khăn được gia hạn thời gian nộp học phí để lãnh tiền ở địa phương rồi mới đóng cho trường. Có SV gia hạn đến cả học kỳ và chúng tôi vẫn giải quyết cho các em”, ông Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức, đợt vừa rồi có một số SV phải tốn công tốn sức trong việc làm hồ sơ nhận lại tiền miễn giảm học phí. Thay vì chỉ cần có giấy xác nhận của trường, một số địa phương buộc SV làm một giấy xác nhận theo mẫu của Bộ Tài chính, SV phải đi lại nhiều lần rất mệt mỏi.
Theo thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác chính trị SV Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhà trường luôn cố gắng nhanh chóng hoàn tất hồ sơ học phí để SV mang về địa phương nhận lại tiền. Tuy nhiên để thúc đẩy nhanh hơn quá trình chi trả lại học phí cho SV, ông Cường cho rằng các cơ quan ban ngành liên quan nên tiếp tục ngồi lại với nhau để giải quyết. Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Ngân hàng chính sách cùng họp bàn để biết đang khó khăn ở điểm nào, có thể định ra thời gian cụ thể để SV biết chắc chắn thời gian nhận lại học phí…
Theo thanh niên
Trúc "già" đầy sức sống
Nụ cười lúc nào cũng nở trên môi Minh Trúc. Nhưng sau nụ cười ấy, là cả những gian nan và nghị lực sống mãnh liệt.
Trúc "già". Đó là cái tên mà các bạn trong lớp dành cho Nguyễn Thị Minh Trúc lớp 12A20 Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM).
Lưu ban vẫn học giỏi
Đến nhà Minh Trúc, tại con hẻm nhỏ thuộc Q.Bình Tân, TP.HCM để tìm lời giải đáp cho cái tên Trúc già. Minh Trúc đang nấu cơm, đôi tay đầy nước mỉm cười mời tôi vào nhà líu lo kể về chuyện trường lớp và việc mình lưu ban hồ sơ học tập vì sức khỏe nên các bạn cùng lớp hay gọi là chị Trúc già. Hai năm trước, Trúc phải nhập viện vì sốt hơn 40 độ và đau xương. Trúc không nhớ mình đã chuyển viện và làm xét nghiệm bao nhiêu lần vì bác sĩ không xác định được bệnh và rồi gia đình như suy sụp khi biết Trúc bị mắc bệnh tự miễn không có cách điều trị, phải uống thuốc thường xuyên để không bị đau sương và sốt cao. Mẹ Trúc nghẹn ngào tâm sự " Thà con mắc bệnh có thể chữa được, gia đình còn chạy kiếm tiền lo cho con, đằng này lại không có cách chữa bệnh....", bỗng mẹ Trúc lặng im quay lưng sang góc khuất và lau đi những giọt nước mắt khi thấy con gái lại gần.
Những tác dụng phụ của thuốc làm ảnh hưởng đến xương, bao tử, những cơn sốt mê man làm Trúc không cách nào nhớ được bài " học nhiều nhưng không nhớ được nên mình chỉ biết chọn những từ quan trọng để học thôi". Trúc cười toe cầm khoe mái tóc mỏng manh mới mọc lại của mình sau nhiều tháng rụng hết tóc vì tác dụng của thuốc.
Một năm trở lại tường lớp, khi bạn bè ngày xưa đã tốt nghiệp và thi đại học, Trúc bắt đầu học lại với những đàn em nhỏ tuổi hơn mình điều đó thật khó khăn "Gần một năm xa lớp, bắt đầu lại từ đầu, kiến thức quên đi nhiều, tay mình thậm chí không cầm vững cây bút" thế nhưng Minh Trúc vẫn giữ được phong độ học tập của mình 2 năm liền là học sinh giỏi cấp quận, thành phố và tham gia đội tuyển Olympic Lý cấp trường đấy nhé! Và Minh Trúc vừa nhận học bổng "Chung một ước mơ" do báo Tuổi trẻ tổ chức. Tuy sức khỏe không cho phép Minh Trúc vận động nhiều nhưng cô nàng rất xong xáo tham gia các hoạt động của trường, Trúc đăng ký tham gia chiến dịch Hoa phượng đỏ và các hoạt đoàn hội của trường Trần Phú trong năm học mới của mình đấy!
Không mua sách bao giờ
Ghé thăm góc tập của Minh Trúc, một căn phòng nhỏ với diện tích vẻn vẹn rộng 2m dài 3m, chật hẹp lại gần mái tôn nên rất ngợp và nóng. Đây là vừa là góc học tập vừa là nơi ngủ của Trúc và một chị ở trọ. Trúc chia sẻ: "Đây là ngôi nhà trọ thứ 11 gia đình mình chuyển đến,, mai đây mai đó nhưng cũng vui vì mỗi năm có một nhà mới. Mình có chỗ che mưa che nắng là hạnh phúc hơn nhiều người rồi ". Góc học tập của Trúc chỉ đơn giản là chiếc bàn gỗ nhỏ cũ đủ để vừa một quyển sách, vở và vài chồng sách cũ, "Sách giáo khoa, sách tham khảo cũ này là cậu, dì và bạn mình cho đấy, trước giờ mình không mua sách, nếu cần thì mình mượn bạn photo cho rẻ. Tuy sách cũ nhưng quý lắm đó, kiến thức mình có toàn là nhờ mấy cuốn sách cũ này đấy!" Trúc cười toe chia sẻ. Căn phòng nhỏ tối um, che kín bằng những miếng ván cũ và không có cửa sổ, ánh sáng chỉ là chiếc đèn compact nhỏ vừa đủ để nhìn thấy những con chữ. Nhà Trúc không có TV, máy tính, mỗi khi cần tìm hiểu thông tin, Trúc thường ghé trường mượn máy tính "Mấy cô chú ở phòng vi tính quen mặt mình rồi vì mượn máy nhiều quá!" Trúc cười.
Chia sẻ dự định trong học kỳ tới Trúc cho biết "Mình đã xin làm thêm tại quán trà sữa gần trường, một tiếng cũng được 7000 đồng. Làm ở đó mình vừa phụ được mẹ vừa tranh thủ được những lúc vắng khách để học bài; thương mẹ một mình gồng gánh nuôi ba chị em tuổi ăn tuổi học, mẹ lại đang mang thai em bé nữa nên mình đi làm phụ mẹ". Hằng ngày ngoài việc học ở trường Trúc phụ mẹ cắt chỉ và nấu ăn cho cả nhà, Trúc luôn luôn cười nói vui vẻ, sống hồn nhiên và lạc quan với cuộc sống hiện tại như quên đi căn bệnh không thuốc chữa của mình và khó khăn của gia đình.
Viên Viên
Theo mực tím
Được cấp sai tiền miễn giảm học phí, hàng trăm SV lo lắng Sở Tài chính Thanh Hóa mới đây đã có thông báo về việc UBND huyện Hậu Lộc cấp tiền miễn giảm học phí sai cho sinh viên không thuộc diện được miễn giảm học phí năm học 2011 - 2012 với tổng số tiền lên đến 482,8 triệu đồng. Theo thông báo, số sinh viên (SV) đang học tập tại các trường Đại...