Gian nan nghề làm móng ở Mỹ
Theo thống kê năm 2012-2013, 48% kỹ thuật viên làm móng tại Mỹ là người Việt và là cộng đồng gắn bó nhiều nhất với nghề này
Thống đốc bang New York – Mỹ Andrew Cuomo vừa ban bố các biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó tình trạng nhân viên các tiệm làm móng bị bóc lột sau khi tờ The New York Times đăng tải phóng sự về nghề này.
Không thể làm ngơ
Các tiệm làm móng ở bang New York hôm 18-5 nhận được cảnh báo phải tôn trọng quyền lợi của người lao động (hầu hết là người nhập cư đến từ châu Á, châu Mỹ Latin), nếu không thì có thể bị đóng cửa theo những quy định mới ban hành. Ngoài ra, Thống đốc Cuomo cho biết bang này sẽ lập một nhóm gồm đại diện nhiều cơ quan để kiểm tra hoạt động của các tiệm làm móng và việc thực thi những quy định nhằm bảo vệ người lao động khỏi các hóa chất có thể làm hại sức khỏe, trong đó có sẩy thai và gây dị tật bẩm sinh. Các tiệm nào không tuân theo quy tắc an toàn và không trả lương đầy đủ cho nhân viên sẽ bị đóng cửa. Cũng theo quy định mới, các cửa hiệu được yêu cầu dán quy định chi tiết về quyền lợi lao động bằng 6 thứ tiếng, mua bảo hiểm cho nhân viên để có giấy phép kinh doanh từ chính quyền bang.
Thống đốc bang New York cũng tuyên bố sẽ thẳng tay với những tiệm ăn chặn tiền lương nhân viên, buộc họ làm việc với hóa chất độc hại. Nhiều người lao động không có giấy tờ nên đành cắn răng chịu đựng, không dám khai báo với cơ quan chức năng khi bị bóc lột. Văn phòng Thống đốc cho biết chiến dịch điều tra này sẽ giúp đỡ người lao động, bất kể tình trạng cư trú của họ. “Đã đến lúc chúng ta không thể tiếp tục làm ngơ được nữa khi các nhân công bị tước đi quyền lao động cơ bản nhất. (…) Quan điểm của chúng tôi rất đơn giản: Bóc lột sức lao động không có chỗ ở bang New York” – Thống đốc Cuomo nói.
Video đang HOT
Một tiệm làm móng ở TP New York – Mỹ Ảnh: The New York Times
Bên cạnh đó, ông Cuomo cho biết sẽ khởi động một chiến dịch giáo dục cộng đồng để giúp người lao động hiểu được quyền lợi của họ, tổ chức những lớp dạy tiếng Anh miễn phí… “Các quyền của thợ làm móng phải được tôn trọng và chúng tôi đang phát động chiến dịch trấn áp mạnh tay vào ngành công nghiệp này để bảo đảm điều đó” – Thống đốc New York nhấn mạnh. Các nhóm lao động nhập cư đã lên tiếng ủng hộ những bước đi mạnh mẽ trên, đồng thời bày tỏ hy vọng chúng sẽ trở thành hình mẫu toàn quốc để giúp cải thiện chất lượng những công việc tại tiệm làm móng.
Bị ngược đãi, cắt tiền lương
Theo các bài viết đăng trên The New York Times, nghề làm móng đang sinh sôi nảy nở ở Mỹ. Cả nước này hiện có trên 17.000 tiệm và tính riêng ở TP New York là 2.000, tăng gấp 3 trong 15 năm qua. Tuy nhiên, tờ báo cho rằng những người thợ làm móng thường xuyên bị bóc lột sức lao động. Họ bị ngược đãi theo nhiều cách như cắt bớt tiền boa do những lỗi vụn vặt, liên tục bị theo dõi qua camera hay thậm chí là lạm dụng thể chất. Thế nhưng, chủ tiệm lại không hề phải chịu trách nhiệm cho những hành động này.
Tòa án ở New York thường xuyên tiếp nhận các vụ kiện về vi phạm quyền lao động như chỉ được trả 1,5 USD/giờ, tuần làm việc 66 giờ, bị tính tiền khi uống nước, ngày ế khách không được trả tiền hay bị chửi mắng và bạo hành khi đang làm việc. Trong số 100 nhân viên mà tờ The New York Times phỏng vấn, chỉ 25% cho biết họ nhận mức lương tương đương mức tối thiểu ở New York. Hầu hết đều tố đã bị chủ cắt tiền lương vô lý. Cũng theo bài báo, thợ làm móng Hàn Quốc thu nhập gấp đôi so với các đồng nghiệp, tiếp đến là người Trung Quốc. Còn thợ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước không thuộc châu Á luôn ở tầng đáy. “Nhân viên người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thường không thông minh và sạch sẽ như người Hàn Quốc” – Mal Sung Noh (68 tuổi, chủ tiệm làm móng Rose Nails ở phía Đông Manhattan) giải thích.
Thế nhưng, công việc làm móng không đến mức quá bi đát tại những địa phương khác ở Mỹ. “Tôi không nghĩ tình hình ở Seattle tệ như vậy. Cá nhân tôi rất hài lòng với công việc và không có gì để phàn nàn” – cô Holly Nguyễn (nhân viên tại một tiệm làm móng ở trung tâm TP Seattle, bang Washington) nói với trang seattleglobalist.com. Cô nhân viên gốc Việt gắn bó với nghề này suốt 7 năm nói thêm: “Tôi biết những rủi ro. Chúng tôi được đào tạo kỹ lưỡng về cách sử dụng các sản phẩm, đeo bịt mặt và găng tay suốt thời gian làm việc”. Holly Nguyễn cho biết hầu hết các tiệm ở Seattle đều chú trọng lắp thiết bị thông gió tốt vì không muốn khách hàng chết ngộp với mùi hóa chất khi bước vào. Ngoài ra, nhân viên phải có đầy đủ giấy phép mới được làm việc. Theo Tạp chí Nails Magazine, thống kê năm 2012-2013 cho thấy 48% kỹ thuật viên làm móng tại Mỹ là người Việt và được đánh giá là cộng đồng gắn bó nhiều nhất với nghề này.
HUỆ BÌNH
Theo_Người lao động
Bang New York của Mỹ công bố đường bay thẳng tới Cuba
Hãng thông tấn nhà nước Mexico (NOTMEX) ngày 5/5 đưa tin Thống đốc bang New York (Mỹ), ông Andrew Cuomo vừa công bố việc lập đường bay thẳng từ Gran Manzana của bang này tới thủ đô La Habana của Cuba và sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng Bảy thông qua hãng hàng không JetBlue.
Bảng thông báo chuyến bay tới La Habana tại sân bay Mỹ. (Nguồn: AP)
Theo kế hoạch, các chuyến bay tiến hành vào ngày thứ Sáu hàng tuần từ sân bay John F. Kennedy tới sân bay Jose Marti tại thành phố La Habana trong khi JetBlue cũng thực hiện 5 chuyến bay khứ hồi tới Cuba từ các thành phố Tampa và Fort Lauderdale tại bang Florida.
Sau Florida, bang New York là nơi có cộng đồng người gốc Cuba lớn thứ 2 trên lãnh thổ Mỹ.
Cùng ngày 5/5, lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, nhà chức trách Mỹ đã quyết định cấp phép cho việc mở các dịch vụ tàu thủy thương mại tới Cuba.
Cơ quan Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho biết cơ quan này đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm liên quan đến loại hình dịch vụ trên và ngay lập tức Công ty Dịch vụ Vận tải biển Mỹ có trụ sở tại Florida đã được cấp giấy phép mở các dịch vụ vận tải bằng tàu biển tới Cuba.
Bên cạnh đó, các chuyến tàu cũng sẽ được phép vận chuyển hàng hóa tới Cuba. Florida là bang miền Đông Nam nước Mỹ, nơi có đảo Key West chỉ cách Cuba khoảng 90 hải lý (150km).
Trước đó, 2 nước cũng đã mở các dịch vụ hàng không nhằm nỗ lực tạo điều kiện cho những người Mỹ gốc Cuba về nước thăm gia đình và người thân./.
Theo Vietnam
Chính quyền Nixon điên cuồng ngăn chặn vụ rò rỉ năm 1971 Sau khi sao chép được tài liệu mật, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Daniel Ellsberg đã cung cấp phần lớn cho phóng viên Neil Sheehan của tờ The New York Times. Ngoài ra, ông cũng đưa bản sao tài liệu mật cho một loạt tờ báo hàng đầu khác của Mỹ lúc bấy giờ. Ông Daniel Ellsberg trả lời báo giới...