Gian lận thi cử: Xin đừng để tích tiểu thành đại
Suốt thời gian qua, gian lận thi cử ở kỳ thi THPT quốc gia vẫn là đề tài rất nóng. Đành rằng các quan chức dính dáng kỳ thi năm ngoái đang bị xử lý, mấy ổ bán “công cụ hỗ trợ” bị tóm, các chuyến thanh kiểm tra, biện pháp chống gian lận liên tục được đề ra,… nhưng chúng ta đang nỗ lực xử lý phần “ngọn” hay phần “gốc”?
Chống gian lận thi cử được hay không, theo quan điểm người viết, chúng ta phải nhìn nhận vào gốc gác của vấn đề. Dường như gian lận trong kỳ thi quốc gia THPT chỉ là hệ quả tất yếu của một quá trình “tích tụ” từ mẫu giáo đến lớp 12 và được sự trợ giúp tích cực của phụ huynh và nhà trường.
Chưa cần những đề tài nghiên cứu riêng, chỉ cần thấy từ học bạ “siêu nhân”, cả ngàn học sinh tổng kết “đẹp như mơ” toàn điểm 9, 10 cho quá trình học 5 năm cấp 1, cuối năm, cả lớp rồi cả trường đến 70-80% học sinh giỏi. Mà theo người viết, điều này không chỉ diễn ra ở một nơi hay một trường, cũng đủ thấy “có vấn đề gì đó”.
Và cái “vấn đề gì đó” lại đang được nhiều phụ huynh và các trường mặc nhiên chấp nhận (hoặc cam chịu). Nhà trường có kết quả rực rỡ để báo cáo cuối năm học, bố mẹ hãnh diện khoe với bạn bè, thân thích,…
Hãy hình dung một đứa trẻ, từ 5-6 tuổi đến hết lớp 12, được nuôi và dạy trong môi trường đó. Đầu tiên các cháu chưa biết hay hiểu chuyện gì đang xảy đến. Nhưng rồi, các cháu sẽ thấy “điểm ảo”, “thành tích ảo” sướng hơn và từng bước vô tình hay hữu ý tham gia vào chính quá trình gian lận đó.
Để rồi mức độ gian lận ngày càng cao hơn, tinh vi hơn, kéo từ thời phổ thông đến đại học, rồi đi làm, thậm chí đến nghỉ hưu…
Người gian lận được thì hãnh diện và sẵn sàng tìm mọi cách để đạt và bảo vệ được “thành quả” vì những lợi ích, vị trí thậm chí cả học hàm/học vị. Cứ thế, có thể gian lận cả đời. Một số sẽ bị chặn lại bởi pháp luật hoặc khi tham gia vào một môi trường mà sự gian lận không còn được chấp nhận.
Video đang HOT
Rõ ràng việc chống gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không thể giải quyết được vấn đề khi mà việc gian lận đã manh nha, tích tụ từ cấp học bên dưới và có sự đồng thuận đáng kinh ngạc cũng như đáng xấu hổ từ nhiều phía.
Gian lận có thể manh nha ở bất kỳ đâu nhưng ở nơi tử tế, việc gian lận có 2 điểm khác biệt: Chỉ là hiện tượng hiếm gặp và không được xã hội chấp nhận. Thứ hai, nếu bị phát hiện thì bị trừng phạt tương xứng với mức độ vi phạm.
Thi cử ở đâu cũng có, nhưng đừng “trầm trọng hóa” thi cử. Thi đậu tất nhiên là tốt, nếu trượt, đã có những phương án phân luồng khác phù hợp hơn.
Giữa cơn bão gian lận, có những ý kiến tưởng như vô lý nhưng tại sao không thể. Đó là mỗi năm tổ chức thi tốt nghiệp THPT… 3,4 lần. Ai thích thi bao nhiêu lần cũng được, mục đích là để cấp bằng THPT quốc gia cho những ai đạt ngưỡng kiến thức tối thiểu cần có ở 12 năm học. Không cần phân biệt, câu nệ phải học trường nào đó, nếu tự học mà thi được cứ để họ thi.
Các trường đại học có dùng điểm thi đó hay không hay dùng như thế nào là việc của họ.
Giảm áp lực thi cử, hẳn nhiên sẽ giảm áp lực lên toàn xã hội, ắt giảm cả nhu cầu gian lận.
Lúc ấy, Bộ GD&ĐT có thể chỉ cần làm một việc: Đặt ra ngưỡng tiêu chuẩn. Còn sở GD&ĐT lo tạo môi trường thi minh bạch, đảm bảo yêu cầu.
Chỉ có ánh sáng mới đẩy lùi bóng tối! Không ai có thể trở thành người tử tế nhờ gian lận.
Theo Dân trí
Cần lắm những kỳ thi "sạch" đúng nghĩa
Sau những sai phạm, gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, chưa bao giờ những từ "an toàn", "nghiêm túc" lại được nhắc nhiều như thời điểm này.
Từ ngày 24/6, hơn 887.000 thí sinh trong cả nước sẽ bắt đầu bước vào kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019. Bộ Giáo dục- Đào tạo khẳng định: đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất.
Sau những sai phạm, gian lận thi cử trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm ngoái, chưa bao giờ những từ "an toàn", "nghiêm túc" và "trung thực" lại được nhắc nhiều như thời điểm này, bởi đó là mong đợi không chỉ của thí sinh, phụ huynh, mà của toàn xã hội về kỳ thi quan trọng như kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Ảnh minh họa.
Năm nay là năm thứ 5 liên tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia theo hình thức "hai trong một", vừa sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng.
Những sai phạm, gian lận thi cử trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm ngoái cho thấy còn nhiều lỗ hổng cần phải khắc phục ngay lập tức, đặc biệt là trong khâu bảo quản bài thi, chấm thi. Chính vì thế, Quy chế thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm nay đề ra nhiều quy định chi tiết nhằm siết chặt tất cả các khâu tổ chức kỳ thi.
Cụ thể là: Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong tủ riêng biệt, có khóa và niêm phong. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng cả ngày, có ít nhất một công an trực, bảo vệ suốt cả ngày và một cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng thường trực đêm tại phòng.
Bộ Giáo dục- Đào tạo điều động cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến các hội đồng thi tỉnh/ thành phố để phối hợp tổ chức thi. Trường đại học, cao đẳng các tỉnh, thành không còn được tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình như trước đây. Các trường đại học chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. "Đánh phách" điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát...
Trước thềm kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, trên mạng xã hội và các cửa hàng bán thiết bị điện tử xuất hiện nhan nhản và bán chạy như "tôm tươi" khiến nhiều người lo lắng về tình trạng gian lận thi cử sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi. Nhằm đối phó với tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mời đại diện Cục Công nghệ cao (Bộ Công an) tham gia Ban chỉ đạo và lực lượng này đã tập huấn kỹ cho các cán bộ coi thi và trực tiếp phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp.
Sự thành công của một kỳ thi quan trọng như kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia phụ thuộc trước tiên vào công tác tổ chức. Công tác tổ chức càng chặt chẽ, khoa học, kỹ càng, chu đáo, thì càng ít xảy ra các sự cố đáng tiếc, càng đảm bảo sự công bằng, khách quan. Sự nghiêm túc của kỳ thi còn phụ thuộc vào từng người tham gia vào kỳ thi này: từ thí sinh, phụ huynh, đến các cán bộ coi thi, chấm thi, làm công tác thanh tra, kiểm tra, hay phục vụ cho kỳ thi. Nếu tất cả mọi người đều thực hiện đúng chức trách, phận sự của mình, chắc chắn kỳ thi sẽ diễn ra nghiêm túc như nó cần phải có.
Với các thí sinh tham dự kỳ thi quan trọng này, "Leo cây đã đến ngày hái quả", các em hãy chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi, tự tin làm bài bằng kiến thức thật, đừng mắc vào những sai lầm không đáng có, ảnh hưởng tới tương lai cả cuộc đời phía trước.
Những dư chấn của cơn "động đất" sai phạm, gian lận thi cử trong mùa thi Trung học phổ thông quốc gia vẫn còn dai dẳng đến bây giờ. Vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến xử lý sai phạm vẫn tiếp tục được dư luận quan tâm và trở thành vấn đề "nóng" trên nghị trường của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa rồi cũng đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể về việc tổ chức kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, công bằng và an toàn tuyệt đối.
Trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc tổ chức những kỳ thi "sạch" đúng nghĩa là nặng nề, nhưng là việc cần làm và cần sự chung sức của toàn xã hội./.
Mai Hồng
Theo VOV1
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Xử lý sai phạm trong thi cử không có vùng cấm "Tất cả phải toàn diện, nếu phát hiện vi phạm ở mức nào thì xử lý ở mức đó. Ở mức hành chính thì xử lý hành chính, còn đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự. Không làm oan cũng như không có vùng cấm", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh. Trong buổi chất...