Gian lận thi cử không khác gì những kẻ cướp giật ngoài đường
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) cho rằng, những người thực hiện sửa điểm và những người có con, cháu và những học sinh được sửa điểm đã có những hành động xấu xa về mặt đạo đức không khác gì những kẻ cướp giật ngoài đường.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Nhắc đến những tiêu cực trong việc gian lận thi cử vừa qua, bà Ngà nhận định tình trạng “tham nhũng vặt” đang ở giai đoạn “giọt nước đã tràn ly” và đã đến lúc toàn xã hội phải quyết liệt, quyết tâm hơn nữa.
“Chống tham nhũng vặt phải thành phong trào, toàn xã hội. Phải làm thế nào để những người thực hiện sửa điểm và những người có con, cháu và những học sinh được sửa điểm khi đi ra ngoài xã hội phải cúi mặt xuống vì đã có những hành động xấu xa về mặt đạo đức không khác gì những kẻ cướp giật ngoài đường”- bà Ngà nói.
Thậm chí, theo vị Ủy viên UBKTTW, những người này còn xấu hơn cả những kẻ cướp giật ngoài đường, vì thực chất là đã ăn cướp vị trí, cơ hội của người khác xứng đáng hơn, giỏi hơn mình.
“Những kẻ này ai dám chắc là sau khi ra trường không chạy chọt để làm công chức, viên chức, làm cán bộ có chức có quyền, đè đầu cưỡi cổ mọi người, để lại lãnh đạo xã hội theo cái tư duy đáng xấu hổ của họ”- bà Nguyễn Thị Bích Ngà nhận xét.
Vân Thanh
Video đang HOT
Theo baophapluat
Gian lận thi THPT quốc gia: Nói không biết con mình được nâng điểm là vô lý!
TS Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong đã phân tích thông qua tỉ lệ xác xuất và khẳng định, thí sinh đã chủ động không điền đáp án để dễ dàng hơn trong quá trình gian lận điểm thi.
Những ngày qua, kết quả xử lý vụ việc gian lận thi THPT quốc gia 2018 đang dần được sáng tỏ. TS Nguyễn Việt Cường (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong), người nhiều năm liền có tên trong 5% kinh tế gia hàng đầu thế giới đã đưa ra những phân tích của mình về vụ bê bối thi cử gây chấn động dư luận này.
Ông khẳng định: "Tôi thấy một số bậc phụ huynh nói là họ không hề biết việc con cái được nâng điểm. Điều này là hết sức vô lý, vì việc nâng điểm đã được chuẩn bị trước khi học sinh đi thi".
Sở GD&ĐT Sơn La là một trong những đơn vị tổ chức thi để xảy ra gian lận thi THPT quốc gia 2018.
Ông lý giải quan điểm này thông qua việc phân tích các bài thi trong kì thi THPT quốc gia 2018.
Đối với bài thi trắc nghiệm khách quan sẽ có 4 đáp án cho mỗi câu hỏi, và chỉ cần chọn câu trả lời ngẫu nhiên chúng ta cũng có thể đúng được 25% số câu hỏi. Như vậy, ở bài thi có 40 câu, và nếu chúng ta cứ chọn ngẫu nhiên câu trả lời thì trung bình cũng được 2,5 điểm.
TS Nguyễn Việt Cường cho rằng: "Muốn được điểm dưới 1 không hề dễ chút nào".
Lý do bởi, với 40 câu hỏi và xác suất đúng là 0.25 thì số câu trả lời đúng nó sẽ phân phối theo quy luật nhị thức (binomial distribution). Muốn được dưới 1 điểm thì chúng ta chỉ được phép đúng tối đa 3 câu, và xác suất để đúng tối đa 3 câu này là 0.0047. Có thể dễ dàng nhận được kết quả này khi tính bằng công thức hay phần mềm thống kê nào đó có hàm binomial.
Xác suất để được điểm 0 thì bé hơn nhiều, bằng 0.00001006.
Điểm thật và điểm giả của thí sinh gian lận thi THPT quốc gia 2018 sau khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định.
Ông tiếp tục phân tích thông qua ví dụ: "Giả sử chúng ta xem xét xác suất được dưới 1 điểm thì với tổng số thí sinh là 900 nghìn thì sẽ có 4230 thí sinh được dưới 1 điểm. Con số này vẫn khá nhiều nên vẫn có thể các thí sinh được nâng điểm thực sự bị dưới 1 điểm.
Tuy nhiên mấu chốt vấn đề là một số thí sinh được điểm cả 3 bài thi dưới 1 điểm (thậm chí bao gồm cả điểm 0). Được một điểm dưới 1 đã khó, mà được cả ba điểm dưới 1 là vô cùng hy hữu. Xác suất để cả ba bài thi đều dưới 1 điểm là 0.0047 mũ 3, tức là 1.035e-07, khoảng 1 phần 10 triệu.
Có thí sinh thậm chí còn được 2 điểm 0 nữa, mà xác suất được 2 điểm 0 là một phần 10 tỷ. Có nghĩa là bắt cả thế giới này đi thì trắc nghiệm và yêu cầu chọn ngẫu nhiên thì cũng chưa chắc tìm được ai có 2 điểm 0.
Vậy mà ở mấy tỉnh với vài chục nghìn học sinh thôi lại tìm được mấy em như vậy. Điều này khẳng định là học sinh đã chủ động không điền đáp án, để cho việc điền đáp án sau khi thi được dễ dàng hơn".
TS Cường nhấn mạnh: "Như vậy trước khi thi, những học sinh này đã biết trước rằng họ sẽ được nâng điểm. Thí sinh biết được điều này thì không thể nói cha mẹ không biết được".
TS Nguyễn Việt Cường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong chịu trách nhiệm về điều hành hoạt động nghiên cứu, chuyên môn, và giám sát chất lượng sản phẩm nghiên cứu. Ông tốt nghiệp thạc sỹ và tiến sỹ chuyên ngành kinh tế phát triển tại ĐH Wageningen, Hà Lan.
TS Cường có rất nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực đánh giá tác động của các chính sách và dự án, phân tích nghèo đói, dân tộc thiểu số, phân tích y tế và giáo dục. Ông đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu và tư vấn với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu cho các Bộ, Viện nghiên cứu, các cơ quan quốc tế và tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.
Ông hiện được xếp ở vị trí số một tại Việt Nam về số lượng bài báo quốc tế theo thống kê của tổ chức RePEc (Các nghiên cứu trong Kinh tế học), và trong số 300 nhà kinh tế ở châu Á. Trên thế giới, TS Nguyễn Việt Cường được xếp trong 5% nhà kinh tế có số lượng nghiên cứu kinh tế nhiều nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Nhiều nghiên cứu của TS Nguyễn Việt Cường đã được xuất bản ở các tạp chí quốc tế như American Political Science Review, World Bank Economic Review, Journal of Comparative Economics, Health Economics, World Development, Journal of Development Studies,...
Huyền Trần
Theo thoidai.com.vn
Không có con thi THPT Quốc gia 2018 Bản thân tôi rất bất ngờ vì tôi không có con, cháu thân thiết tên là Diện (Thí sinh Quách Tất Diện - PV) tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2018... Sở GD&ĐT Hòa Binh là địa phương dính bê bối gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018. Thông tin trên được ông Quách Tất Liêm, Phó Giám đốc...