Giám sát việc biên soạn sách giáo khoa, kinh phí đổi mới chương trình giáo dục
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung giám sát việc biên soạn, phê duyệt sách giáo khoa và hiệu quả sử dụng kinh phí đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (24/9) cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Báo cáo hoạch giám sát chi tiết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (Phó trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát) cho biết, đoàn sẽ đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014-2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày kế hoạch giám sát chi tiết. Ảnh: Phạm Thắng
Đoàn cũng sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đánh giá về hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (kết quả bước đầu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và hướng khắc phục).
Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp, kiến nghị triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Ông Vinh cũng cho biết, việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông có nhiều vấn đề như cơ sở vật chất, giáo viên, trang thiết bị học tập… Sách giáo khoa chỉ là một trong những vấn đề quan trọng được nêu.
Theo ông, điều kiện kinh phí đảm bảo cho chương trình này có sử dụng hiệu quả hay không cũng cần xem xét, đánh giá. “Ví dụ, kinh phí vay để xây dựng bộ sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT nhưng cuối cùng không thực hiện được, phải trả lại”, ông nêu.
Về đối tượng giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ đối tượng giám sát là Chính phủ; Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội; chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành; các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, việc giám sát chuyên đề này được thực hiện trong bối cảnh Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 16/9 có kết luận số 341 kiểm tra Bộ GD-ĐT, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Video đang HOT
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Phạm Thắng
Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đoàn giám sát không làm thay cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đặc biệt, giám sát cần xác định rõ phạm vi, giai đoạn, đối tượng; căn cứ để đánh giá. Nghiên cứu khảo sát phải chọn các điển hình, đặc thù… vùng kinh tế, xã hội khác nhau.
Qua cuộc giám sát, sản phẩm, tổng thể cuối cùng là làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương.
Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.
Đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Sáng 20-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM do đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TPHCM cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị trường học trên địa bàn về khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2020-2022.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 triển khai trong bối cảnh TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề qua 2 năm dịch Covid-19 có nhiều thách thức.
Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc trang bị sách giáo khoa (SGK) cho học sinh, chất lượng dạy và học khi triển khai chương trình mới, chế độ chính sách cho giáo viên.
Toàn cảnh buổi làm việc
Song song đó, yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng chuẩn trình độ giáo viên và các khó khăn về tuyển dụng cũng là những thách thức đặt ra cho ngành giáo dục.
Báo cáo tình hình triển khai chương trình và SGK mới, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho rằng, một trong những khó khăn lớn mà thành phố đang gặp phải là áp lực tăng dân số cơ học.
Tỉ lệ số phòng học/10 nghìn dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) trong giai đoạn 2015 đến 2025 đã tăng từ 247 phòng (năm 2015) lên 293 phòng (năm 2021). Năm 2022 ước tính đạt cả năm là 294 phòng học. Theo kế hoạch, năm 2025 sẽ đạt 300 phòng học/10 nghìn dân.
Bên cạnh đó, tỉ lệ học sinh không có hộ khẩu TPHCM tăng dần qua các năm học. Trong năm học 2021-2022, số học sinh không có hộ khẩu thành phố là 343.894 học sinh, chiếm tỉ lệ 21,26% tổng số học sinh trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc phát biểu tại buổi làm việc
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã nhận được sự quan tâm của tất cả cấp, ngành, tạo chuyển biến tương đối rõ nét về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và chất lượng giáo dục.
Trong đó, giáo viên tích cực hơn trong đổi mới mục tiêu giáo dục phổ thông, đảm bảo dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, từ đó tạo niềm tin cho nhân dân đối với ngành giáo dục.
Tuy nhiên, CT GDPT 2018 ở cấp tiểu học yêu cầu thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nhưng với áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao khiến số trường và số phòng học trên địa bàn thành phố chưa đủ đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhiều trường có sĩ số lớp học đông nên giáo viên rất vất vả trong giảng dạy và bao quát học sinh.
Thêm vào đó, cơ sở vật chất hiện nay chưa đồng bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình, còn nhiều trường có diện tích nhỏ hẹp, thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng do tất cả phòng ốc đều tập trung cho việc học chính khóa của học sinh
Đặc biệt, việc tuyển dụng giáo viên cho năm học 2021-2022 thực hiện chậm dẫn đến một số trường thiếu giáo viên dạy nhiều môn, giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên tiếng Anh và Tin học, Nghệ thuật.
Theo ông Nguyễn Hải Hiệu, Phó trưởng Phòng Hành chính, Sở Nội vụ TPHCM, thiếu giáo viên là vấn đề đã tồn tại nhiều năm, chứ không riêng gì năm học này. Do đó, ngành giáo dục cần chủ động làm việc với các sở, ngành để tham mưu UBND TPHCM có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tuyển dụng cho các đơn vị.
Bên cạnh đó, hiện nay yêu cầu sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có cơ sở giáo dục công lập gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thực tế hàng năm thành phố tăng từ 20.000-30.000 học sinh.
Năm học 2022-2023, toàn thành phố có hơn 1,6 triệu học sinh, lớn hơn dân số của một tỉnh, thành phố đòi hỏi nguồn lực cơ sở vật chất phải mở rộng. Trước thực tế đó, các cấp quản lý cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương.
Về khó khăn tuyển dụng giáo viên, năm 2020, Bộ Nội vụ cho phép tuyển dụng giáo viên theo hình thức hợp đồng nhưng chỉ áp dụng ở các đơn vị tự chủ một phần, riêng đơn vị hoạt động do ngân sách cấp 100% kinh phí không thể hợp đồng giáo viên.
Vừa qua, Sở Nội vụ TPHCM đã kiến nghị Bộ Nội vụ có cơ chế tháo gỡ khó khăn về tuyển dụng, giải quyết tạm thời bài toán thiếu giáo viên của TP.
Ở góc độ khác, ông Phạm Minh Hải, Phòng Hành chính sự nghiệp, Sở Tài chính TPHCM thông tin, hiện nay theo quy định của Bộ Tài chính không có khoản chi từ ngân sách cho các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ đối với viên chức đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường học.
Do đó, Sở Nội vụ đang lấy ý kiến các sở, ngành để tham mưu UBND TPHCM về chính sách đặc thù về chế độ bồi dưỡng, đào tạo giáo viên nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM nêu ý kiến, ngành giáo dục cần có giải pháp căn cơ hơn về đào tạo và nâng chuẩn trình độ cho giáo viên, tránh để các trường tự xoay xở tìm giải pháp tháo gỡ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM trăn trở về yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng trình độ cho giáo viên
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng chất lượng chương trình cần được đánh giá toàn diện hơn để có các giải pháp, kế hoạch thực hiện phù hợp.
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển, đặt câu hỏi, năm nào ngân sách thành phố nói chung và các địa phương nói riêng đều quan tâm chế độ chính sách đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đều chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Đầu năm học nào, ngành giáo dục cũng đứng trước bài toán khó khăn về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hạ tầng, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình bày tỏ, tỉ lệ dạy học 2 buổi/ngày ở một số địa phương hiện nay chưa đạt 30%. Trong khi đó, chương trình dạy học buổi 2 là dành thời gian cho các hoạt động phát triển kỹ năng cho học sinh.
"Nếu dồn chương trình triển khai trong một buổi sẽ khó đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, ảnh hưởng chất lượng giáo dục", ông Cao Thanh Bình nêu ý kiến.
Riêng với tình trạng thiếu SGK đầu năm học này, ngành giáo dục cần rút kinh nghiệm, tránh tái diễn tình trạng thiếu SGK vào năm học sau. Song song đó, Sở GD-ĐT TPHCM cần chủ động có kế hoạch giúp giáo viên có thêm thời gian nghiên cứu các bộ SGK trong quá trình chọn sách cũng như triển khai chương trình.
Trước hàng loạt khó khăn và thách thức, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất Bộ GD-ĐT có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện CT GDPT 2018, trong đó xây dựng bổ sung vị trí việc làm, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định.
Riêng đối với HĐND và UBND TPHCM, ngành giáo dục kiến nghị tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện CT GDPT 2018 ở những năm học tiếp theo.
TP.HCM: Nội dung Hoạt động trải nghiệm và Giáo dục địa phương 'giẫm chân' nhau Khối lớp 7 hiện vẫn chưa có tài liệu môn giáo dục địa phương, các trường bị động trong việc sắp xếp phân công giáo viên, thực hiện kiểm tra đánh giá Ngày 13/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát tại Ủy ban nhân dân Quận Tân Phú về tình hình thực hiện nghị...