Giám đốc trung tâm ngoại ngữ phải tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ
Dự thảo ‘ Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học’ quy định rõ trình độ, nghiệp vụ sư phạm của giám đốc, giáo viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học. So với quy chế ban hành năm 2011, dự thảo có một số điều chỉnh, đặc biệt là quy định cụ thể và yêu cầu cao hơn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của nhân sự ở các trung tâm này.
Giám đốc và phó giám đốc trung tâm phải có nhân thân tốt; có năng lực quản lý; đã tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tin học hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ đào tạo ngoại ngữ, tin học; đã hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong nước hoặc quốc tế ít nhất 3 năm… Nhiệm kỳ giám đốc là 5 năm. Trong quy chế năm 2011, chức danh phó giám đốc có thể tốt nghiệp cao đẳng.
Các giáo viên ở trung tâm ngoại ngữ, tin học phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiểu từ bậc 4 trở lên.
Giáo viên trung tâm, nếu là người Việt Nam dạy tin học, cần có bằng cao đẳng sư phạm tin học trở lên hoặc bằng cao đẳng tin học trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Giáo viên Việt Nam dạy ngoại ngữ phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiểu từ bậc 4 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương) trở lên; hoặc có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiếu từ bậc 4 trở lên.
Theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, người có chứng chỉ bậc 4 có thể hiểu ý chính của một văn bản phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, kể cả trao đổi kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân. Người này phải giao tiếp trôi chảy, tự nhiên với người bản ngữ, viết được các văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề và giải thích quan điểm của bản thân về một vấn đề…
Ngoài ra, dự thảo bổ sung giáo viên là nước ngoài giảng dạy ở trung tâm ngoại ngữ, tin học, văn bản năm 2011 không đề cập. Cụ thể, những người này cần có bằng đại học trở lên và chứng chỉ đào tạo ngoại ngữ, tin học.
“Hành vi, ngôn ngữ ứng xử của giáo viên phải mẫu mực, có tác dụng giáo dục đối với học viên. Trang phục của giáo viên phải chỉnh tề, giản dị, phù hợp với hoạt động sư phạm”, dự thảo nêu rõ nhiệm vụ của người dạy học ở trung tâm.
Video đang HOT
Một chương về Điều kiện, thẩm quyền thành lập, trình tự, thủ tục thành lập, sát nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể trung tâm ngoại ngữ, tin học với các quy định, hướng dẫn thủ tục ở quy chế 2011 bị bỏ hoàn toàn trong dự thảo mới. Văn bản đang xin ý kiến ngoài ra còn bỏ quy định về tỷ lệ trung bình không quá 25 học viên/giáo viên/ca học. Nội dung này được chuyển thành “mỗi lớp học có một giáo viên chủ nhiệm và lớp trưởng”.
Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học được lấy ý kiến đến hết ngày 27/6.
Đầu tháng 5, sau vụ giáo viên mắng học viên là “mặt người óc lợn” gây phẫn nộ trong cộng đồng, trung tâm tiếng Anh MST English (thuộc Công ty MST) ở Hà Nội đã bị kiểm tra.Sở Giáo dục thủ đô phát hiện trung tâm có 3 cơ sở đào tạo, hoạt động không giấy phép suốt 2 năm qua. Giám đốc công ty đồng thời là giám đốc chuyên môn của trung tâm Nguyễn Thị Kim Tuyến – người mạt sát học viên, không trình được văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ.Sở Giáo dục Hà Nội đã ra quyết định giải thể trung tâm MST English, dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy tiếng Anh tại công ty MST và cá nhân bà Nguyễn Thị Kim Tuyến. Công ty này bị xử phạt 20 triệu đồng do tự ý thành lập trung tâm đào tạo ngoại ngữ không xin phép. Bà Tuyến bị phạt 5 triệu đồng do xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học.
Quỳnh Trang
Theo vnexpress.net
Giảng viên đại học: Cần cả "lượng" lẫn "chất"
"Mọi mặt về trình độ, năng lực, kinh nghiệm, tác phong, đạo đức của người giảng viên thì cơ sở đào tạo nơi giảng viên đó công tác phải nắm rõ nhất và hiểu nhất. Cho nên, nhất cử, nhất động của giảng viên trong hoạt động giảng dạy, cơ sở đào tạo điều biết hết" - PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang (Trưởng khoa Phát thanh, Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ với Báo GD&TĐ một góc nhìn về quản lý giảng viên ở cơ sở đào tạo ĐH và sau ĐH.
Cơ sở đào tạo là nơi hiểu rất rõ về trình độ, năng lực, kinh nghiệm, tác phong, đạo đức... của giảng viên mình quản lý. (trong ảnh: Giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng BTEC).
Cơ sở nắm rõ nhất năng lực, trình độ giảng viên
- Nhắc đến vai trò của các cơ sở đào tạo trong việc phát triển và tuyển dụng đội ngũ giảng viên chất lượng, cuối tháng 3 vừa qua, liên quan đến rất nhiều sai sót trong hồ sơ ứng viên GS, PGS năm 2018, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi đến các cơ sở đào tạo trong cả nước, chỉ đích danh những đơn vị buông lỏng trong việc rà soát hồ sơ cũng như quản lý đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Điều đó cũng có thấy vai trò của các cơ sở đào tạo rất quan trọng, nếu không muốn nói là điểm chốt, trong việc kiểm soát và đánh giá chất lượng thực của trình độ giảng viên (khác với trình độ về bằng cấp). Điều này cũng liên quan đến ý kiến lâu nay của dư luận về chất lượng đào tạo tiến sĩ, cũng như việc xét duyệt và phong hàm GS, PGS ở nước ta lâu nay. Bà đánh giá gì về vấn đề này?
"Công tác "làm quen" với các hoạt động giảng dạy là cần thiết với một người trước khi trở thành giảng viên chuyên nghiệp".
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang
Cũng giống như bất cứ ngành nghề nào khác, nơi người lao động làm việc là nơi quản lý và hiểu rõ nhất về người lao động đó. vì vậy, cơ sở đào tạo - nơi giảng viên công tác hiểu rất rõ trình độ, năng lực, kinh nghiệm, tác phong, đạo đức... của giảng viên. Nhất cử nhất động của giảng viên trong hoạt động giảng dạy và đào tạo như làm việc như thế nào, sinh hoạt chuyên môn ở đâu, kể cả đạo đức, tác phong..., cơ sở đào tạo đều nắm rõ.
Trong các trường ĐH có nhiều kênh phản ánh về người giảng viên. Đó qua đồng nghiệp, qua khoa, tổ bộ môn, qua phản hồi, đánh giá của sinh viên, học viên... Hàng năm, để việc đánh giá giảng viên được đa chiều, các cơ sở đào tạo thường sử dụng phiếu khảo sát sinh viên để đánh giá giảng viên. Nôm na là "trò đánh giá thầy". Việc khảo sát này được tiến hành thường xuyên sau mỗi môn học, kỳ học, năm học và cả khoá học.
Trong phiếu khảo sát thường ẩn danh nên việc trả lời của sinh viên khá chính xác và khách quan. Nội dung các câu hỏi cũng khá cụ thể và đi thẳng vào các vấn đề của nội dung, phương pháp giảng dạy, cách phân chia lượng kiến thức giữa lý thuyết và thực hành, hình thức đánh giá, tài liệu tham khảo, tác phong giảng dạy... Có những câu hỏi rất cụ thể như: "Em hãy mô tả buổi học đầu tiên của môn học?" để kiểm tra phương pháp giảng dạy của giảng viên. (Thông thường, tiết học đầu tiên, giảng viên phải giới thiệu mục đích, ý nghĩa của môn học, phương pháp dạy và học của môn học đó, các hình thức đánh giá, các nội dung căn bản của môn học, các tài liệu liên quan đến môn học...).
Sau khi có được câu trả lời của sinh viên, bộ phận khảo thí sẽ tổng hợp và gửi về tổ bộ môn, khoa, giảng viên để đánh giá giảng viên và rút kinh nghiệm. Cho nên, tôi khẳng định không thể nói cơ sở đào tạo không biết hoặc không hiểu rõ giảng viên của mình. Vì vậy, vừa qua có chuyện một số cơ sở đào tạo sai sót trong quá trình thẩm định hồ sơ như câu hỏi phóng viên đề cập, tôi cho rằng, cần xem xét lại quy trình, xem xét lại cách thức các cơ sở đào tạo đó trong nhiều năm vừa qua đã thực hiện như thế nào. Và cơ sở đào tạo không thể nói là "vô can" trong những sai sót về hồ sơ của giảng viên, hồ sơ xin xét công nhận PGS, GS.
Sự khác biệt giữa nhà khoa học và giảng viên chuyên nghiệp
-Hầu hết các cơ sở đào tạo ưu tiên phát triển, tuyển dụng người có học hàm, học vị để đáp ứng về yêu cầu đội ngũ. Tuy nhiên, bằng cấp chỉ là một khía cạnh, vấn đề còn lại chắc chắn nằm ở khả năng truyền đạt kiến thức của giảng viên cho người học, trong khi không phải nhà khoa học nào cũng có thể là nhà sư phạm. Theo bà, có cần quy định cụ thể gì hơn trong vấn đề này, hay cứ học vị tiến sĩ trở lên đều có thể đứng trên bục giảng?
"Cũng giống như bất cứ ngành nghề nào khác, nơi người lao động làm việc là nơi quản lý và hiểu rõ nhất về người lao động đó. vì vậy, cơ sở đào tạo - nơi giảng viên công tác hiểu rất rõ trình độ, năng lực, kinh nghiệm, tác phong, đạo đức... của giảng viên. Nhất cử nhất động của giảng viên trong hoạt động giảng dạy và đào tạo như làm việc như thế nào, sinh hoạt chuyên môn ở đâu, kể cả đạo đức, tác phong..., cơ sở đào tạo đều nắm rõ".
Tôi xin nói rằng, để trở thành giảng viên thì dù có là TS hay hơn TS thì cũng chỉ là điều kiện "cần" thôi, phải có nhiều điều kiện "đủ" nữa. Ví dụ, một TS có kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực cụ thể, có thể được mời tham gia hội đồng đánh giá khoá luận cử nhân, luận văn cao học, hoặc tham gia hội đồng thẩm định các đề tài khoa học trong chuyên ngành đã được đào tạo TS... "Anh" cũng có thể được mời vào một hội thảo khoa học, một chuyên đề để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nhưng để trở thành giảng viên chuyên nghiệp thì bấy nhiêu thôi chưa đủ.
Tùy vào từng trường ĐH, từng cơ sở đào tạo mà yêu cầu giảng viên cần có thêm các điều kiện gì, chẳng hạn, có trường yêu cầu giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ về phương pháp nghiên cứu khoa học, chứng chỉ về phương pháp giảng dạy hiện đại, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học... Có những người đã là TS nhưng chưa bao giờ tham gia công tác giảng dạy thì ban đầu vẫn phải làm trợ giảng, phải trải qua một thời gian rèn dũa kinh nghiệm giảng dạy ở vị trí trợ giảng (cho những giảng viên chính), sau đó soạn giáo án, nghiên cứu giáo trình, trải qua những khóa học về phương pháp giảng dạy... Công tác "làm quen" với các hoạt động giảng dạy là cần thiết với một người trước khi trở thành giảng viên chuyên nghiệp.
Nhiều trường đại học đã cho sinh viên đánh giá hiệu quả giảng dạy của giảng viên. (trong ảnh: SV Trường ĐH FPT).
-Trên "nền" quy định chung của Bộ GD&ĐT, mỗi cơ sở đào tạo đang tuyển dụng, sử dụng và có những yêu cầu riêng khác nhau đối với giảng viên nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ, cũng như giữ gìn, nâng cao vị thế của nhà trường trong hoạt động đào tạo. Bà có thể phân tích thêm về những "yêu cầu riêng" đó?
Trong các cơ sở đào tạo ĐH đều có những quy định, yêu cầu về giảng viên. Ví dụ, ở trường tôi, khi tuyển một người về làm giảng viên, người đó sẽ được phân công vào tổ bộ môn. Tổ bộ môn sẽ yêu cầu giảng viên đó phải soạn bài, tham gia trợ giảng; sau thời gian tham gia soạn bài, trợ giảng thì giảng viên sẽ đăng ký giảng bài và thông qua bài giảng trước tổ bộ môn, trước hội đồng khoa học của khoa, của trường. Giảng viên sẽ từng bước được tham gia giảng dạy từng phần trong một bài giảng (chứ không được giảng ngay toàn bộ bài)... Sau một thời gian, qua nhiều khâu, nhiều đánh giá... thì người giảng viên đó mới được xem xét cho giảng cả một bài, rồi tiến tới đạt yêu cầu mới được trở thành giảng viên chính thức.
Mặc dù hiện nay, các trường tuyển giảng viên bao giờ cũng yêu cầu trình độ từ thạc sỹ, TS trở lên, thậm chí có người tuyển vào đã là PGS rồi, nhưng chưa có kinh nghiệm giảng dạy thì cần phải có quá trình trải nghiệm công tác giảng dạy trước khi vào giảng dạy chuyên nghiệp. Đây là cách thức mà các trường ĐH của Việt Nam vẫn làm để đảm bảo chất lượng giảng viên. Phải có một quá trình "thực tập" nghiêm túc, tham gia một quá trình trải nghiệm hoạt động giảng dạy thật, trước khi trở thành giảng viên chính thức, có quá trình như vậy mới mong có những giảng viên "đạt yêu cầu".
Trên "nền" những quy định chung của Bộ GD&ĐT, trên cơ sở những quy định "cứng" trong công tác tuyển dụng và sử dụng giảng viên, mỗi một cơ sở đào tạo lại có thêm những quy định riêng phù hợp với quan điểm, nhu cầu sử dụng giảng viên của từng cơ sở đào tạo, nhằm đảm bảo chất lượng giảng viên của cơ sở đào tạo, nâng cao uy tín cũng như thương hiệu của cơ sở đào tạo đó trong xã hội.
-Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
"Trên &'nền' những quy định chung của Bộ GD&ĐT, trên cơ sở những quy định "cứng" trong công tác tuyển dụng và sử dụng giảng viên, mỗi một cơ sở đào tạo lại có thêm những quy định riêng phù hợp với quan điểm, nhu cầu sử dụng giảng viên của từng cơ sở đào tạo, nhằm đảm bảo chất lượng giảng viên của cơ sở đào tạo, nhằm nâng cao uy tín cũng như thương hiệu của cơ sở đào tạo đó trong xã hội".
An Nhiên (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai.vn
Sẽ có Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học, lấy ý kiến rộng rãi từ nay đến hết ngày 26/6/2018 trước khi ban hành chính thức. Ảnh minh họa/internet Theo dự thảo, Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học...