Giảm 10% biên chế – chỉ tiêu cứng nhắc khiến vùng sâu thiếu giáo viên
Theo Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo Bảo Lạc, nếu thực hiện giảm 10% biên chế sự nghiệp, cộng với việc không được xem xét tuyển dụng thêm giáo viên, tình trạng thiếu giáo viên sẽ rất khó giải quyết.
Một lớp học của thầy giáo Hoàng Văn Duy tại điểm trường Hò Lù, Trường Tiểu học xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Bảo Lạc, Bảo Lâm là hai huyện vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn của tỉnh Cao Bằng.
Trong lĩnh vực giáo dục, hai địa phương này còn nhiều điểm trường nhỏ lẻ nên dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên từ cấp mầm non đến cấp trung học cơ sở.
Thế nhưng, theo yêu cầu của Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng, hai huyện này sẽ chưa được xem xét thực hiện tuyển dụng viên chức giáo viên năm 2019.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lạc Nông Thị Loan, hiện ngành giáo dục huyện còn thiếu 52 biên chế giáo viên; trong đó cấp mầm non thiếu 15 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 19 giáo viên, cấp trung học cơ sở thiếu 18 giáo viên.
Ngoài việc huyện chưa được tuyển giáo viên từ năm 2018 và số giáo viên nghỉ hưu theo quy định, số lượng giáo viên xin thôi việc do phải đi dạy hợp đồng ở vùng sâu, vùng xa là những nguyên nhân chính dẫn đến việc huyện Bảo Lạc còn thiếu nhiều giáo viên.
Thiếu giáo viên đã dẫn đến việc một số điểm trường còn có trẻ cấp mầm non chưa được ra lớp hoặc giáo viên dạy một số môn đặc thù bị quá tải.
Video đang HOT
Cụ thể, điểm trường Pò Pán, Trường Mầm non xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc, còn hơn 10 trẻ chưa được ra lớp học do không có giáo viên (tính đến ngày 15/9 vừa qua); các trường như Trung học Cơ sở thị trấn Bảo Lạc thiếu 1 giáo viên dạy môn Vật lý và Công nghệ, 1 giáo viên dạy môn Ngữ Văn-Công tác Đội, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hồng Trị thiếu 1 giáo viên dạy môn tiếng Anh…
Tại các trường thiếu giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường đã đề ra các giải pháp như dồn lớp hoặc giảm các môđun trong môn học không có giáo viên phụ trách. Tuy nhiên, việc này dẫn đến tình trạng các giáo viên kiêm nhiệm gặp nhiều khó khăn.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thư, giáo viên Tiếng Anh, Trường Trung học Cơ sở thị trấn Bảo Lạc, chia sẻ, trường thiếu giáo viên dạy môn Công nghệ nên anh được Ban Giám hiệu nhà trường phân công kiêm dạy môn học này. Do không được đào tạo về lĩnh vực công nghệ (công nghệ trồng trọt, lắp điện dân dụng, may vá…) nên anh gặp nhiều khó khăn khi truyền đạt tới học sinh một số từ ngữ chuyên ngành, về phương pháp dạy học… dẫn đến chất lượng môn học không đảm bảo.
Cô giáo Nông Thúy Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hồng Trị, cho biết hiện nay trường có 8 lớp nhưng chỉ có một giáo viên dạy môn Tiếng Anh.
Theo tiêu chuẩn, một giáo viên dạy 17 tiết/tuần, nhưng giáo viên Tiếng Anh của trường đang dạy 22 tiết/tuần. Nếu không tuyển thêm giáo viên dạy môn Tiếng Anh, cô giáo của trường sẽ dạy thừa trên 240 tiết (theo quy định trong một năm học, giáo viên chỉ được dạy thừa giờ tối đa là 200 tiết).
Tình trạng, một giáo viên phải dạy nhiều lớp đã dẫn đến quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học môn Tiếng Anh của giáo viên và học sinh.
Tình trạng thiếu giáo viên cũng đang diễn ra ở huyện Bảo Lâm (địa phương cách thành phố Cao Bằng gần 200km).
Theo Báo cáo về việc đề nghị không tinh giản biên chế đối với viên chức giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019-2020, huyện Bảo Lâm còn thiếu 31 biên chế giáo viên bậc Trung học cơ sở.
Cũng trong báo cáo này, Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm đề nghị Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng cho chủ trương được ký hợp đồng có thời hạn đối với giáo viên thiếu theo biên chế để Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lâm có đủ giáo viên đứng lớp theo quy định…
Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng đã đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh xác nhận nhu cầu tuyển dụng viên chức giáo viên năm 2019 để có cơ sở tham mưu, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên năm 2019.
Trong đó có nêu: Đối với Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm và Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lạc chưa thực hiện đảm bảo giảm tối thiếu 10% biên chế sự nghiệp, vì vậy chưa xem xét thực hiện tuyển dụng.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lạc Nông Thị Loan, nếu thực hiện việc giảm 10% biên chế sự nghiệp, cộng với việc không được xem xét tuyển dụng thêm giáo viên, tình trạng thiếu giáo viên của địa phương sẽ rất khó giải quyết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ích Chánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lạc, cho rằng việc giảm 10% biên chế sự nghiệp là cơ học và Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cần tính đến các địa phương là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn để đưa ra những giải pháp hợp lý hơn./.
Chu Hiệu
Theo TTXVN/Vietnamplus
Khánh Hòa thiếu gần 700 giáo viên
Thiếu gần 700 giáo viên, nhiều nhất là ở bậc mầm non, một số hiệu trưởng, nhân viên y tế tại các trường phải đứng lớp.
Cô Nguyễn Thúy Hồng (Hiệu trưởng trường mầm non Phương Sơn, TP Nha Trang) cho hay, trường đang có 9 lớp với gần 280 bé từ 25 tháng đến 6 tuổi. Theo quy định, mỗi lớp 25-30 học sinh, được chia theo độ tuổi và có hai cô giáo. Tuy nhiên, hiện chỉ một người đứng lớp.
Cô Nguyễn Hoàng Khánh Loan đang tổ chức trò chơi cho các bé tại trường mầm non Phương Sơn, TP Nha Trang. Ảnh: Xuân Ngọc
Theo nữ hiệu trưởng, trường có 13 giáo viên và thiếu 5 người. Nguyên nhân tuyển dụng chưa được là lương trung bình quá thấp, chỉ 2,5 triệu đồng mỗi tháng. "Mức thu nhập không bằng một nửa trường tư thục nên các cô giáo không mặn mà cũng đúng", bà Hồng nói.
Tình trạng này đã khiến việc giảng dạy, chăm sóc trẻ đang gặp khó khăn. Hiệu trưởng, hai hiệu phó, nhân viên cấp dưỡng, y sĩ, kế toán của trường phải thay nhau hỗ trợ các cô giáo trong giờ ăn và sinh hoạt của các bé.
Có bốn năm làm việc tại trường, cô Nguyễn Hoàng Khánh Loan nói rằng, từ hồi khai giảng đến nay, cô phải bao quát từ việc ăn, ngủ và đến khâu tổ chức hoạt động vui chơi của các bé. "Một giáo viên với gần 30 em thì khó quản lý. Nhiều lúc, tôi bị quá tải với công việc, nhưng phải cố gắng", cô Loan nói.
Thiếu giáo viên cũng khiến các trường tiểu học ở Phước Đồng phải dồn lớp với số học sinh đông hơn so với quy định. Đặc biệt, 7 lớp không thể tổ chức học hai buổi một ngày. "Nếu trường có bán trú thì chúng tôi an tâm và đỡ mất thời gian hơn", bà Nguyễn Thị Lan, phụ huynh trường Tiểu học Phước Đồng, nói.
Theo ông Trần Nguyên Lập, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Nha Trang, mỗi năm, số lượng trẻ đến trường tăng đều tăng. Tuy nhiên, số biên chế giáo viên không được tăng thêm. Hiện, thành phố thiếu hơn 210 giáo viên từ mầm non đến THCS. "Chúng tôi đã có tờ trình báo cáo tình hình và xin ý kiến tuyển nhân sự để đảm bảo chất lượng giáo dục", ông Lập cho biết.
Bà Hoàng Thị Lý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cho hay, năm học 2019-2020, tỉnh thiếu gần 700 giáo viên, trong đó mầm non hơn 400 người. Việc này diễn ra ở TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh, Diên Khánh...
Ngành giáo dục đã báo cáo UBND tỉnh sớm có giải pháp, bố trí đủ nhân lực các trường nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học. Sở Nội vụ Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ rà soát, điều chỉnh bổ sung thêm 545 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp ngành giáo dục cho địa phương các khối và đang chờ phản hồi.
"Trước mắt, các trường hợp đồng giáo viên thỉnh giảng, hoặc tăng tiết học đảm bảo việc giảng dạy", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nói.
Xuân Ngọc
Theo VNE
Đắk Lắk: Địa phương cần có chính sách an cư cho giáo viên vùng sâu ổn định cuộc sống Năm học mới đã chính thức bắt đầu, đội ngũ giáo viên từ khắp nơi lại trở về các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tiếp tục công tác trồng người với nhiều tâm tư nỗi niềm nơi xa xôi hẻo lánh. Theo quochoitv.vn