Giải trí thời… Corona
Sau mùng 10 Tết, đường sá vẫn không mấy kẹt xe giờ cao điểm, khu vực mua sắm, giải trí vắng khách rõ rệt, vì nhiều người hạn chế ra ngoài và đến chỗ đông người.
Đó là do những quyết định của chính quyền thành phố tạm cho học sinh nghỉ học, không tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch nCoV.
Nhưng ở nhà cũng cuồng chân, một số người bắt đầu ra phố, nhóm bạn trẻ vẫn khẩu trang kín mặt, tay cầm điện thoại check-in và chờ đến suất chiếu để vào rạp chiếu phim.
1. Chiều 8-2, tại Trung tâm thương mại SC Vivo City (đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TPHCM), mặc dù là cuối tuần, nhưng lượng khách dạo chơi và mua sắm trong trung tâm khá ít. Theo lời chị Thu Ngân (23 tuổi, nhân viên khu vực ăn uống tại tầng 3): “Hôm nay, tuy thưa nhưng cũng có khách đi dạo, mua sắm, chứ mấy bữa trước còn vắng hơn nữa”.
Khu vực rạp chiếu phim khá yên ắng, 2 bạn trẻ tranh thủ check-in trước poster bộ phim mới ra mắt và chờ suất chiếu kế tiếp. Lác đác vài khách mua vé hoặc bắp, nước ra dãy ghế để ngồi chờ các suất chiếu. Một nhóm 5 bạn trẻ vừa trò chuyện, vừa chụp hình, khẩu trang kín mít.
Hỏi chuyện đi xem phim trong những ngày này, Hoàng Yến (19 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) nói: “Ở trường tụi em được tạm nghỉ học, ở nhà hoài cả ngày chán lắm, nên kệ cứ đeo khẩu trang đi coi phim”.
Đi cùng Yến, Minh Thy (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng) tiếp lời: “Tụi em theo dõi tin tức trên báo, đang có dịch bệnh nên hạn chế đến chỗ đông người, nhưng ở nhà cả tuần rồi oải lắm. Nay 2 đứa rủ nhau đi xem phim cho đỡ buồn, tụi em thủ sẵn khẩu trang với gel rửa tay khô để xài mọi lúc mọi nơi”.
Các em nhỏ được phụ huynh trang bị khẩu trang khi đến nhà sách
Video đang HOT
Suất chiếu kết thúc, bước ra từ rạp phim, Thiện Toàn (24 tuổi, nhân viên kỹ thuật, ngụ quận 8, TPHCM) hóm hỉnh nói với người bạn đi cùng: “Bữa nay, coi phim mà tưởng đâu tụi mình bao hết nguyên rạp luôn chứ, vắng hoe. Tính luôn tôi với bạn tôi, cả rạp chỉ có đúng 6 người thôi. Thường thì cuối tuần mà đi trễ là mua vé không còn vị trí đẹp, vậy mà bữa nay rạp trống trơn, người ta sợ dịch bệnh nên ở nhà, còn tụi tui cũng sợ nhưng ở nhà nản quá, đi coi đỡ buồn”.
Đi cùng Toàn, khẩu trang kín mặt, tay cầm sẵn lọ nước rửa tay khô, Lạc Hồng (22 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) giục: “Thôi rửa tay rồi ghé ăn uống hay trà sữa đi, chứ về nhà sớm cũng không biết làm gì, không đi chơi cả tuần rồi, nay đi bữa cho đáng”.
2. Một nhóm 4 bạn trẻ đi dạo ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ, chuẩn bị sẵn máy ảnh khá chuyên nghiệp để chụp hình. “Ở nhà hoài sao chịu nổi, cũng phải ra ngoài hóng gió, hít thở một chút chứ, mấy bữa nay chụp hình ở đây khỏi sợ dính người này người kia, khách dạo phố ít”, dứt lời Tấn Thành (26 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận 5) bấm lia lịa cho 2 cô bạn đi cùng.
Tranh thủ bắt lại khoảnh khắc nắng chiều trên phố đi bộ, Trần Thanh Hùng (29 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) cho hay: “Tôi thích chụp ảnh, nên đám bạn rủ là đi luôn, lúc nãy cũng đeo khẩu trang nhưng ra đây thấy người đeo, người không. Chụp hình mà đeo khẩu trang cũng hơi vướng víu, nên tui tháo xuống đỡ”.
Đang thuyết minh cho nhóm 5 khách nước ngoài, anh Nguyễn Đức Cường (33 tuổi, hướng dẫn viên tự do, ngụ Gò Vấp, TPHCM) kể: “Nhóm này cũng không hẳn là khách, họ đến Việt Nam vài lần và lần nào cũng hẹn tôi làm hướng dẫn viên, nên coi như bạn bè. Họ đến trước tết, mấy ngày nay tôi cũng có cảnh báo về dịch bệnh nhưng mọi người vẫn muốn đi tham quan và tự trang bị đầy đủ khẩu trang lẫn nước rửa tay khô, tiết trời khá nóng nên họ cũng không đeo khẩu trang liên tục”.
Teddy (40 tuổi, một du khách đến từ Anh) chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi đến phố đi bộ này, ít người hơn lần trước nhiều. Tôi có theo dõi tin tức về dịch bệnh và tìm hiểu các biện pháp phòng tránh. Lần này trở lại TPHCM, tôi và các bạn muốn tham quan ở đây nhiều hơn, nên chúng tôi vẫn ra ngoài đi dạo, vì ở trong khách sạn cả ngày thì rất chán”.
Chung cư 42 Nguyễn Huệ, nơi tập hợp những quán cà phê, những góc check-in “sống ảo” có tiếng trong giới trẻ, nhưng lượng người đến cũng thưa thớt hẳn. Chú Tấn (50 tuổi, thu tiền thang máy trong chung cư) cho biết: “Mấy ngày nay khách ít lắm, nhiều quán trên đó tui thấy họ cho nhân viên phục vụ tạm nghỉ bớt, hoặc thay phiên nhau làm theo ngày. Ngày thường vào buổi tối, đứng dưới này ngó lên bàn ghế chỗ ban công khách ngồi chật kín, mấy bữa nay lưa thưa vài bàn”.
Nhà sách phía dưới chung cư cũng không khá hơn, vẫn có khách ra vào nhưng đã giảm đi nhiều, từ nhân viên đến khách mua sách, ai nấy khẩu trang bịt kín.
Những khu vực vui chơi khác trong thành phố như: phố đi bộ Bùi Viện, đường sách Nguyễn Văn Bình, hồ Con Rùa… vẫn có khách dạo chơi, khách tây lẫn khách ta, tuy nhiên số lượng đã giảm đi đáng kể.
3. Thời điểm cuối tuần rơi vào ngày rằm tháng Giêng và Tết Nguyên tiêu theo phong tục của người Hoa, nhưng một số chùa trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM), lượng khách đến hành hương lưa thưa, hoặc vừa phải, không còn cảnh đông đúc người, nghi ngút khói nhang như những năm trước.
Giữ xe phía trước chùa Bà Thiên Hậu, anh Lê (27 tuổi) cho hay: “Như năm rồi thì khách gửi xe chật trong chật ngoài, bữa nay cũng có khách nhưng ít hơn năm rồi nhiều”. Người đến viếng chùa cũng khẩu trang kín mặt, một số tháo ra khi thắp hương và ra về nhanh, số ít chụp vài tấm hình.
Tại chùa Ông, lượng khách cũng vừa phải, trước cổng chùa có lực lượng dân quân xịt thuốc sát trùng vào tay cho khách trước khi vào hành lễ, bên trong cũng treo các bảng thông báo, khuyến khích khách đến chùa đeo khẩu trang phòng dịch bệnh.
“Năm nay, tôi cũng rủ mấy người bạn đi cùng nhưng nhiều người không đi vì ngại dịch bệnh, chỗ đông người, nên tôi đi một mình. Nhiều khách thắp nhang, khấn vái xong thì về liền, chứ thường năm cũng hay ngồi lại trò chuyện, thỉnh lộc may mắn. Năm nay, chỗ thỉnh lộc ít người, mọi năm đông lắm, có khi còn phải chen”, cô Vương Huệ Dung (55 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) kể.
Tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, thay vì chỉ ở nhà, một số người dân cũng bắt đầu đến các điểm vui chơi nhưng lượng người ít và phập phồng nỗi lo. Năm ngay, quận 5 không tổ chức lễ hội Nguyên tiêu rằm tháng Giêng như mọi năm, đồng nghĩa với các hoạt động ngoài trời đều ngưng, như lễ hội diễu hành đường phố, trình diễn lân sư rồng. Tuy vậy, phần lớn người dân khu vực Chợ Lớn đều đồng tình. Bà Châu Ái Muội (tiểu thương chợ Bình Tây) cho hay: “Lúc nghe không có lễ hội Nguyên tiêu, tụi tui cũng buồn lắm, vì đó là đặc trưng của đồng bào người Hoa ở Chợ Lớn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ngưng lễ hội để tránh nguy cơ phát tán bệnh tật là điều cần làm. Tui ủng hộ quyết định này của chính quyền quận 5″.
Rõ ràng, do ảnh hưởng bởi dịch nCoV, rất nhiều các hoạt động văn hóa – giải trí của người dân thành phố phải hoãn hoặc chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, một bộ phận người dân luôn có ý thức đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng gel sát trùng hay các dung dịch sát khuẩn ở nơi công cộng, để có thể bước chân ra đường an toàn, giải trí an toàn vẫn là hình ảnh đẹp trong nỗi lo âu bệnh dịch.
KIM LOAN
Theo sggp.org.vn
Quảng Trị: Cấp phát khẩu trang miễn phí tại các điểm chợ
Tuổi trẻ huyện Vĩnh Linh phối hợp với Cty Cổ phần May mặc miền Trung tổ chức cấp phát khẩu trang miễn phí phòng, chống dịch nCoV tại các điểm chợ và khu vực công cộng đông người, cũng như tổ chức truyền thông về các biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Nhằm chung tay ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, ngày 11/2, Huyện Đoàn Vĩnh Linh (Quảng Trị) phối hợp với Cty Cổ phần May mặc miền Trung tổ chức cấp phát 4.000 khẩu trang miễn phí cho các hộ tư thương và người dân lúc tới mua sắm tại các điểm chợ chính trên địa bàn huyện này như chợ Trung tâm thị trấn Hồ Xá, chợ thị trấn Bến Quan, chợ Do và các điểm chợ ở thị trấn Hồ Xá.
Điểm cấp phát khẩu trang miễn phí tại chợ Trung tâm thị trấn Hồ Xá.
Toàn bộ số khẩu trang được cấp phát do Cty Cổ phần May mặc miền Trung sản xuất. Ngoài ra, Huyện Đoàn Vĩnh Linh còn phối hợp với Cty này cấp phát khẩu trang tại các khu vực tập trung đông người và bệnh nhân ở Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh, Bệnh viện Y học Cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh Quảng Trị tại thị trấn Cửa Tùng.
Bên cạnh hoạt động cấp phát khẩu trang, Huyện Đoàn Vĩnh Linh cùng Cty Cổ phần May mặc miền Trung còn tổ chức truyền thông về thông tin cũng như những diễn biến mới nhất của dịch nCoV gây ra, nhất là các biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
H.THÀNH
Theo Tiền phong
Bỏ trốn khỏi khu cách ly dịch corona - hành vi cần lên án Đây là hành vi cần được lên án trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona diễn biến khó lường. Theo thông tin từ Trung đoàn 123 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, người phụ nữ bỏ trốn khỏi khu cách ly, theo dõi sức khỏe ngày 10/2 là Nguyễn Thị D, sinh...