Giải tỏa nỗi lo tăng học phí
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019. Theo đó, một trong những nội dung được dư luận quan tâm là khi cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ thì giá học phí sẽ thay đổi như thế nào?
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong giờ học. Ảnh: TG
Phải có lộ trình tăng học phí
Là một trong những cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ từ một phần đến toàn phần, PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những đơn vị thực hiện theo cơ chế đổi mới về học phí. Cho đến nay, nhà trường vẫn thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 86/2015 của Chính phủ, mức học phí bảo đảm công khai, minh bạch và công bố học phí cho toàn khóa; mức tăng không quá 10%/năm và thực tế hiện nay là khoảng 5%/năm.
“Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng được Nhà nước đầu tư khá nhiều trong quá khứ. Sắp tới, chúng tôi cũng được đầu tư khoảng 10 triệu USD. Như vậy, lượng đầu tư từ Nhà nước, ngân sách vẫn chiếm vị trí quan trọng. Hiện nay, nhà trường đang cố gắng ngày càng hoàn thiện cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn dữ liệu, học liệu. Nhà trường sẽ cố gắng tạo điều kiện tối đa để thầy và trò có môi trường học tập tốt nhất.”
PGS Phạm Hồng Chương
Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, học phí là một yếu tố rất quan trọng nhưng để bảo đảm cho người học có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với GDĐH, nhà trường dùng đến quỹ học bổng. Với mức học phí như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta cần có những giải pháp căn bản hơn về vấn đề tài chính.
Còn theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH khẳng định rõ việc quyết định học phí là quyền của các trường. Tuy nhiên, việc quyết định học phí là yếu tố rất quan trọng nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo. “Thực tế đến nay, chính sách học phí của nhà trường cơ bản ổn định. Khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì học phí cũng sẽ bù vào đó một phần. Vì vậy, việc nâng học phí là điều không thể tránh khỏi” – PGS Hoàng Minh Sơn trao đổi, đồng thời cho rằng, việc tăng học phí phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng, miền khác nhau.
Video đang HOT
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. – Ảnh: Nhà trường cung cấp
Mức thu theo lộ trình tính đúng, tính đủ
Vẫn theo PGS Hoàng Minh Sơn, không phải các trường tự chủ là không được Nhà nước cấp kinh phí, mà sẽ được cấp theo một hình thức khác. Sinh viên khi học ở những trường danh tiếng thì cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Vì vậy, học phí các em đóng vào chưa phải là 100% chi phí đào tạo, mà mới là một phần đầu tư vào cơ sở vật chất của nhà trường. “Chúng ta cũng cần tính toán để sinh viên thấy rõ, việc đóng góp của mình là chính đáng, là được đầu tư trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất đào tạo. Khi đó chắc chắn các trường sẽ nhận được sự đồng thuận của sinh viên và phụ huynh”, PGS Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết, mức thu học phí, thu dịch vụ tuyển sinh, các khoản thu dịch vụ khác đã được quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với các cơ sở thí điểm tự chủ, sẽ thực hiện theo quyết định phê duyệt thí điểm tự chủ cho mỗi trường hiện nay.
Tuy nhiên, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và sắp tới là Nghị định hướng dẫn Luật này có hiệu lực thì đối với các cơ sở GDĐH công lập sẽ thực hiện theo Điều 65 của Luật này. Theo đó, các cơ sở GDĐH đáp ứng những quy định của Khoản 2 Điều 32 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, đồng thời bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên của mình thì sẽ được tự chủ xác định mức thu học phí. Tuy nhiên, việc xác định mức thu học phí vẫn phải căn cứ vào định mức thu theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Ngoài ra, các trường cũng phải thực hiện chế độ về quản lý tài chính về kế toán, kiểm toán, công khai minh bạch thông tin.
Cũng theo PGS Nguyễn Thị Thu Thủy, các trường tự chủ được tự quyết học phí trước hết tuân theo đề án thí điểm tự chủ đại học được Chính phủ phê duyệt. Trong thời gian tới, khi các trường tự xác định mức học phí, để hài hòa giữa nhà trường và sinh viên, đồng thời không gây sức ép quá lớn về tài chính cho các trường thì Nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính toán đủ chi phí GD-ĐT. Các trường sẽ lấy đó làm căn cứ để ra quyết định, cùng với đó các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề này.
PGS Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, trước mắt từ nay đến ngày 31/12, các cơ sở GDĐH công lập phải thành lập hoặc kiện toàn hội đồng trường (HĐT). Cụ thể đối với các cơ sở thành lập HĐT, hiệu trưởng thống nhất với đại diện cơ quan trực tiếp quản lý về số lượng, thành phần, cơ cấu của HĐT; đồng thời tổ chức quy trình bầu Chủ tịch HĐT và các thành viên trong hội đồng. Ngoài ra, hiệu trưởng trình cơ quan trực tiếp quản lý ra quyết định công nhận HĐT, chủ tịch HĐT. Hiệu trưởng đang đương nhiệm được tiếp tục đến hết nhiệm kỳ.
Đối với các đơn vị kiện toàn HĐT, cần chỉnh sửa quy chế tổ chức và hoạt động của trường theo quy định của Luật, trong đó quy định số lượng, thành phần, cơ cấu của HĐT; Chủ tịch HĐT tổ chức kiện toàn HĐT theo quy định của Luật và trình cơ quan trực tiếp quản lý ra quyết định công nhận HĐT, chủ tịch HĐT; Hiệu trưởng đang đương nhiệm được tiếp tục đến hết nhiệm kỳ.
Theo PGS Nguyễn Thị Thu Thủy, từ nay đến 30/11/2019, các trường xây dựng xong đề án hoặc kế hoạch thực hiện tự chủ. Cụ thể là: Rà soát các điều kiện thực hiện quyền tự chủ theo quy định của Luật để xây dựng đề án/kế hoạch đảm bảo phù hợp năng lực, sứ mệnh của cơ sở GDĐH; Xây dựng kế hoạch về tự chủ, xác định lộ trình thực hiện tự chủ hoàn toàn trên các phương diện: Hoạt động chuyên môn, tài chính và nhân sự.
Minh Phong
Theo GDTĐ
Tăng học phí đại học: Đảm bảo hài hòa lợi ích các bên
Năm học 2019-2020 tiếp tục thực hiện lộ trình tăng mức trần học phí các trường Đại học (ĐH) theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Sắp tới, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực, các cơ sở giáo dục ĐH công lập sẽ thực hiện thu học phí theo Điều 65.
Nếu đáp ứng một số điều kiện, sẽ được tự chủ mức thu học phí nhưng cũng cần đảm bảo hài hòa lợi ích của sinh viên và nhà trường. Đó là ý kiến của Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Thu Thủy (Bộ GDĐT).
Sinh viên Trường ĐH Đông Á trong một buổi hội thảo về việc làm sau khi ra trường.
Gánh nặng tăng học phí
Theo Điều 5 của Nghị định 86/2015/NĐ-CP, mức trần học phí của các trường ĐH được quy định riêng cho 2 nhóm trường. Trong đó, đối với các trường tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, đầu tư, mức trần học phí trong giai đoạn năm học 2019-2020 vẫn được giữ ổn định như năm học 2018- 2019.
Cụ thể, với khối ngành, chuyên ngành đào tạo khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản, mức thu học phí là 1.850.000 đồng/tháng. Đối với khối ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch, mức thu là 2.200.000 đồng/tháng. Khối ngành y dược là 4.600.000 đồng/tháng.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã trao quyền tự chủ, tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư cho 23 trường ĐH. Đối với các trường chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư, mức trần học phí được quy định tăng đến 10,16%/tháng. Trong đó, khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản tăng từ 810.000 đồng/tháng năm học 2018-2019 lên mức 890.000 đồng/tháng năm học 2019-2020. Tương tự, khối ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch tăng từ 960.000 đồng/tháng lên 1.060.000 đồng/tháng. Khối y dược tăng từ 1.180.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên đây là quy định mức trần học phí ĐH tối đa trong năm học 2019-2020 do Chính phủ quy định, mức học phí tăng cụ thể sẽ do từng trường ĐH ấn định, đảm bảo không cao hơn mức tối đa do Chính phủ đề ra.
Cần lộ trình phù hợp
Nhìn từ 23 trường ĐH công lập sau khi được Nhà nước giao thực hiện tự chủ đều nâng mức học phí lên cao hơn hẳn so với trước đó. Việc này khiến cho dư luận xã hội cũng như các sinh viên đặc biệt lo lắng.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn- Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nâng học phí là điều không tránh khỏi, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã nêu rõ các trường ĐH tự chủ được quyết định học phí. Tuy nhiên, các trường cân nhắc học phí đến mức nào để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo cũng như khả năng tiếp cận học ĐH của người học. Cân nhắc lộ trình tăng học phí phù hợp với khả năng chi trả và tiếp cận của người học ở các vùng quê khác nhau là điều các trường cần tính toán đến.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Hồng Chương- Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Nhà trường công khai, minh bạch mức học phí toàn khóa học để người học được biết, có sự chuẩn bị, tránh xảy ra bất ngờ. Ví dụ, học phí các ngành ĐH chính quy từ 15 - 18,5 triệu đồng/1 năm học, mức tăng học phí mỗi năm không quá 10%. Như năm học 2019-2020, nhà trường chỉ tăng học phí khoảng 5%.
Cũng về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, sắp tới Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và tới đây Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật này có hiệu lực, các cơ sở giáo dục ĐH công lập thực hiện thu học phí theo Điều 65. Các trường ĐH đáp ứng Khoản 2, Điều 32 của Luật này đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên sẽ được tự chủ mức thu học phí.... Tuy nhiên, việc xác định mức thu học phí phải căn cứ vào định mức kỹ thuật, sẽ được thực hiện theo lộ trình tính đúng, tính đủ.
Bà Thủy cũng lưu ý, các trường ĐH tự chủ xác định mức học phí thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích của người học với sinh viên và nhà trường. Đồng thời, không gây ra sức ép quá lớn về tài chính đối với các trường trong khi vẫn phải đảm bảo tất cả những yêu cầu về đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì thế, rất cần Nhà nước sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ làm căn cứ để các trường ra quyết định. Đồng thời, qua đó các cơ quan nhà nước và xã hội giám sát được việc thực hiện thu học phí của các trường.
Thu Hương
Theo daidoanket
Tự chủ đại học không tránh khỏi việc tăng học phí Tự chủ đại học là mỗi trường phải có chiến lược đổi mới theo năng lực và điều kiện cụ thể. Khi tự chủ đại học cần phải cân nhắc học phí đồng thời vừa phải đảm bảo chất lượng đào tạo, vừa đảm bảo tiếp cận của người học. Tự chủ không tránh khỏi việc tăng học phí Tự chủ đại học...