Giải thưởng Võ Trường Toàn lần thứ 22 năm 2019: Bài 4: Giáo viên trung học phổ thông – Tự hào người truyền lửa
Trung học phổ thông (THPT) là bậc học năm nay có nhiều giáo viên đạt Giải thưởng Võ Trường Toản (10 thầy cô giáo).
Dù giảng dạy ở nhiều bộ môn, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, nhưng các thầy cô giáo đều là những tấm gương sáng về tinh thần tận tụy, đem kiến thức và nhân cách truyền dạy cho nhiều thế hệ học sinh.
Trưởng thành từ gian khó
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghề nông, cô Nguyễn Thu Hồng, Tổ trưởng chuyên môn Toán, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cho biết, cha mẹ vì muốn con gái đỡ khổ nên định hướng con làm kinh tế. Nhưng bằng sự quyết tâm, cô đã xin theo nghề sư phạm. Sau khi ra trường, cô giáo trẻ được phân công về một trường THPT ở tỉnh Vĩnh Long. Dù trường học thiếu thốn trăm bề, giáo viên xếp hàng xách từng xô nước giếng để sinh hoạt, nhưng chính tình cảm của học trò đã giữ chân các thầy, cô giáo. Đến nay, dù đã về TPHCM công tác nhưng nhiều thế hệ học trò ở Vĩnh Long vẫn thường xuyên về thăm cô.
Cô Nguyễn Thu Hồng, Tổ trưởng chuyên môn Toán, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. Ảnh: Hoàng Hùng
Nhìn lại quãng đường hơn 30 năm công tác, cô Thu Hồng cho biết, cô yêu thích công việc của mình bởi sự đa dạng và biến hóa. Dạy học sinh lớp 10, giáo viên phải hết sức tâm lý, giúp các em làm quen phương pháp học mới ở bậc THPT, không bị sốc trước những thay đổi về môn học và chương trình so với bậc THCS. Trong khi đó, lớp 11 là lứa tuổi học sinh dễ nổi loạn, muốn chứng tỏ bản thân. Riêng với lớp 12, giai đoạn các em trải qua những kỳ thi căng thẳng, giáo viên phải là chỗ dựa về tinh thần, giúp học sinh cân đối giữa việc học và giữ gìn sức khỏe.
Nhận xét về cô Thu Hồng, thầy Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cho biết: “Nhiều năm qua, trong vai trò Tổ trưởng tổ Toán, cô Hồng luôn thực hiện tốt việc nêu gương, có uy tín cao trong tập thể sư phạm, được đồng nghiệp tín nhiệm và yêu quý”.
Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là món quà chia tay thật đẹp với nghề giáo của cô, vì ngày 1-12 tới đây, cô Thu Hồng sẽ chính thức về hưu. Gửi lời nhắn nhủ đến các đồng nghiệp trẻ, nhà giáo này bày tỏ, để trở thành một giáo viên tốt thì tình thương yêu học sinh thôi chưa đủ mà cần có sự đồng cảm, đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của các em để hiểu được tâm tư, tình cảm của học trò.
Một tấm gương khác là thầy giáo Ngô Tấn Đạt, Tổ trưởng chuyên môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Tất Thành. Vốn thể trạng yếu, nhưng sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, thầy giáo trẻ vẫn 2 lần làm đơn tình nguyện xin đi dạy học ở huyện Cần Giờ. Ngoài công tác giảng dạy, thầy còn tham gia các hoạt động cộng đồng như chăm sóc trẻ nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại các cơ sở giáo dục… Thầy Đạt tâm sự, càng dấn thân làm nghề càng muốn làm nhiều điều hơn nữa cho học trò.
Biến tình yêu thành sức mạnh
Video đang HOT
Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay đối với cô Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng chuyên môn Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, là niềm hạnh phúc to lớn. Bởi lẽ, đây là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng, là dấu ấn quan trọng trong cuộc đời một nhà giáo.
Cô chia sẻ, một khi đã chọn nghề giáo phải giữ được lửa đam mê. Mình có yêu nghề, nghề mới không phụ mình. Nhưng nói yêu thôi chưa đủ, điều quan trọng là phải làm sao biến tình yêu ấy thành những việc làm thiết thực, mang đến cho học trò những tiết học hứng thú và bổ ích. Cô Huệ cho rằng, khi đã bước chân vào lớp là thầy cô bước vào một thế giới học trò vô cùng sinh động, được tạo nên từ nhiều cá tính, trình độ, hoàn cảnh khác nhau. Thành công sẽ đến khi người thầy tìm được phương pháp giảng dạy phù hợp với từng học sinh. Để làm được điều đó, các thầy cô giáo hãy tận dụng quyền được chủ động và sáng tạo trong giờ dạy của mình, biến công việc quen thuộc thành mới mẻ, và hãy trao cho học trò cảm hứng để mỗi ngày tới trường đều trở thành ngày vui.
Cô Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng chuyên môn Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: Thu Tâm
Đối với cô Lê Thị Minh Phương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, nghề giáo là truyền thống gia đình nhưng cũng là ý thích cá nhân. Ấn tượng sâu sắc về những người thầy thuở nhỏ, lớn lên cô quyết tâm theo đuổi “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Là một trong những người có đóng góp quan trọng vào việc hình thành và phát triển lớp chuyên Ngữ văn của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, cô Phương đã giúp đơn vị gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào. Nhà giáo này tâm niệm, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải truyền nhân cách cho học sinh.
“Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, giáo viên có thể chưa là người hoàn hảo để trở thành tấm gương sáng cho học trò noi theo, nhưng phải có ý thức giữ mình, không được thờ ơ, cẩu thả. Từ kinh nghiệm thực tế cá nhân, thầy cô chính là người bảo ban, giúp học trò hành xử đúng đắn trong cuộc sống”, cô Phương bày tỏ. Đến nay, dù đã qua 32 năm đứng trên bục giảng nhưng cô Phương vẫn dành góc nhỏ trái tim mình nhớ về từng gương mặt thân thương của học trò. Đó là kỷ niệm, nhưng cũng là một phần máu thịt trong cuộc đời cầm phấn của cô.
Không ngừng đổi mới
Khi chúng tôi gặp thầy Lưu Đình Nhân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, nhà giáo này tâm sự, dù thu nhập nghề giáo hiện nay còn hạn chế nhưng cuộc sống không chỉ có vật chất, cơm áo, gạo tiền. Nghề giáo viên tuy không mang lại cuộc sống dư dả về tiền bạc nhưng bù lại rất ấm áp về tinh thần. Những lời động viên, tin tưởng, gửi gắm của phụ huynh hay lòng biết ơn, tôn trọng của học trò sẽ là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn giúp các thầy cô giáo vượt qua mọi khó khăn, vững tay chèo. Trước thực tế chương trình hiện nay còn nặng nề về kiến thức, nhiều đòi hỏi, yêu cầu học sinh phải vận dụng tư duy và sáng tạo cá nhân, thầy Nhân cho biết, cái quý nhất của người thầy không phải dạy học sinh bao nhiêu kiến thức mà là rèn cho các em tinh thần tự học và sáng tạo, bởi chỉ khi biết tư duy đúng cách thì kiến thức mới thật sự là của các em.
Danh sách giáo viên bậc THPT được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các thầy cô giáo: Trần Mỹ Liêm, Tổ trưởng chuyên môn Sinh, Trường THPT Nguyễn Khuyến; Hàng Thị Hiền, Tổ trưởng tổ Lịch sử – Giáo dục quốc phòng, Trường THPT Trần Văn Giàu; Nguyễn Hồng Thơ, giáo viên Trường THPT Trung Phú và Võ Huỳnh Long, giáo viên Trường THPT An Nhơn Tây.
Với cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, dù tuổi đời lớn nhất trong các đồng nghiệp ở tổ Ngữ văn nhưng cô Oanh là người tiên phong trong mọi hoạt động đổi mới. Cô cho biết, giáo viên trong bối cảnh giáo dục mở phải biết nhạy bén, kịp thời nắm bắt những thay đổi của chương trình và phương pháp dạy học. Bản thân cô từng trải qua nhiều vị trí như trợ lý thanh niên, chủ tịch công đoàn, thư ký hội đồng sư phạm, dù ở vai trò nào cô cũng luôn nỗ lực hết mình, trở thành tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo.
MINH QUÂN
Theo sggp
Giáo viên trung học cơ sở: Những người "lái đò" tận tụy
8 giáo viên bậc THCS được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó. Đến với học trò bằng lòng yêu thương và sự hy sinh, tận tụy, các thầy, cô đã tạo nên những bức tranh đẹp về tình cảm thầy - trò, trở thành động lực cho thành công của nhiều thế hệ học trò.
Thầy Lê Cảnh Thạnh, giáo viên Trường THCS Võ Văn Tần (quận Tân Bình)
Trưởng thành từ gian khó
Chúng tôi biết đến thầy giáo Lê Cảnh Thạnh, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân, Trường THCS Võ Văn Tần (quận Tân Bình), qua những dòng mô tả của học trò tại cuộc thi "Viết về người thầy của tôi" do Đoàn Trường THCS Võ Văn Tần tổ chức. "Thầy là một người thấp bé, ngoại hình gầy gò. Nhưng mỗi khi lên lớp, thầy truyền cho chúng tôi nguồn năng lượng cùng lượng kiến thức khổng lồ, trái ngược hoàn toàn với thân hình gầy gò của thầy".
Hay như, "Mỗi lần làm gì đó sai, chúng tôi gần như thu mình lại trước thầy, nghĩ rằng thầy sẽ tức giận. Nhưng ngạc nhiên chưa, người thầy của chúng tôi với ánh mắt dịu dàng, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện có bóng dáng mình trong đó. Vậy là không một tiếng rầy la, thầy đã giúp lũ học trò chúng tôi nhận ra lỗi lầm của mình". Chia sẻ về cái duyên đến với nghề giáo, thầy Cảnh Thạnh cho biết, từ nhỏ thầy đã học rất giỏi các môn tự nhiên. Vào năm học lớp 8, hình ảnh cô giáo dạy môn Địa lý với đôi mắt khiếm khuyết nhưng mỗi khi lên lớp, cô dùng hết năng lượng truyền tải kiến thức cho học trò khiến cậu trò nhỏ nuôi mơ ước trở thành giáo viên môn Địa lý.
Cô Nguyễn Thị Sương Anh, giáo viên Trường THCS Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận) - Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trải qua 3 năm đầu bươn chải với đủ nghề lao động kiếm sống do không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, nhưng người thanh niên Lê Cảnh Thạnh vẫn nuôi mơ ước theo nghề giáo. Cuối cùng, hạnh phúc đã mỉm cười khi Thạnh trúng tuyển trong một đợt tuyển dụng của Sở GD-ĐT TPHCM. Thạnh nhớ lại, buổi chiều nhận giấy báo trúng tuyển cũng là lúc Thạnh nhận được tin báo ngay sáng hôm sau có thời khóa biểu dạy 5 tiết ở đơn vị công tác mới.
Lúc đó, trong tay chưa có bất cứ hành trang nào ngoài lòng yêu nghề. Chỉ trong một buổi tối, thầy giáo trẻ vừa chạy đi mượn bạn áo sơ mi trắng để mặc lên lớp, tìm mua sách giáo khoa, vừa thức cả đêm để soạn giáo án. Qua 12 năm công tác, đến nay trường học đã trở thành mái nhà thứ hai đối với thầy giáo trẻ. Ở đó, ngoài việc giảng dạy, Thạnh còn làm thêm công tác quản lý học sinh, tự tay trồng và chăm bón từng chậu hoa, cây cảnh. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, bản thân Thạnh cùng vợ và hai con nhỏ vẫn đang ở trọ, nhưng lửa nghề chưa một ngày lụi tắt.
Một tấm gương khác là cô Huỳnh Thị Kim Kiều, giáo viên Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè). 21 năm đứng lớp đối với cô là chuỗi ngày vượt lên khó khăn, vất vả. Khi 2 đứa con cô lần lượt chào đời, niềm hạnh phúc vừa đến thì chồng cô bị tai biến, phải chữa trị lâu dài. Hơn 7 năm qua, người giáo viên ấy vừa là trụ cột kinh tế trong gia đình, vừa gồng gánh việc trường lớp, vừa nuôi dạy hai con nhỏ.
Tuy nhiên, khi nhận xét về cô Huỳnh Thị Kim Kiều, các đồng nghiệp trong trường đều cho biết, cuộc sống riêng nhiều khó khăn nhưng cô Kiều luôn là người đi đầu trong mọi hoạt động của trường, không ngại việc khó, sẵn sàng dấn thân và hỗ trợ đồng nghiệp trẻ. Chia sẻ với chúng tôi, người phụ nữ giàu nghị lực này cho biết: "Tôi quan niệm cuộc đời mỗi người chỉ một lần được sống nên hãy sống bằng tất cả nghị lực của mình. Ai cũng có một thời tuổi trẻ và đó là giai đoạn đẹp nhất để cống hiến".
Truyền cảm hứng cho học trò
Đến Trường THCS Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận) vào một giờ học tiếng Anh, ấn tượng của chúng tôi về cô giáo Nguyễn Thị Sương Anh là một giáo viên nhiệt tình và năng nổ. Hình ảnh người giáo viên "tả xung, hữu đột" trên lớp, hết mình trong từng hoạt động, luôn biết cách động viên và khơi gợi cảm hứng nơi học trò, khiến không ai nghĩ đây là lứa học trò cuối cùng được cô giảng dạy trước khi chính thức về hưu vào tháng 5 năm tới. Nhớ lại những năm tháng đầu tiên vào nghề, cô Sương Anh cho biết, 9 năm đầu cô là giáo viên dạy môn Nữ công (nay là môn Công nghệ).
Nhưng do có niềm yêu thích đặc biệt với môn tiếng Anh nên cô đã vừa học vừa đi dạy, lấy thêm bằng cử nhân sư phạm tiếng Anh. Từ năm 2011 đến nay, cô là Tổ trưởng chuyên môn tiếng Anh. Ý chí phấn đấu chưa dừng ở đó, gần 2 năm qua, cô Sương Anh còn học tiếp trình độ thạc sĩ và sẽ bảo vệ luận văn thạc sĩ vào tháng 4-2020.
Nữ giáo viên bày tỏ, sau khi về hưu sẽ tiếp tục phát triển chuyên môn, dạy hợp đồng tại một số đơn vị trường học. Kinh nghiệm được giáo viên này đúc kết sau hơn 31 năm đi dạy là để giữ vững công tác tốt, người giáo viên phải tập cho mình tính kiên nhẫn, "thắng không kiêu, bại không nản". Theo đó, thành công của một giáo viên chỉ có 1% là may mắn, 99% còn lại là sự đầu tư nghiêm túc và luôn nỗ lực làm hết sức mình.
Đối với cô Phùng Thị Hoàng Yến, Tổ trưởng Tổ Công nghệ - Tin học, Trường THCS Trần Quốc Toản (quận Bình Tân), nếu được chọn lại, cô vẫn chọn làm giáo viên môn Công nghệ. Lý giải điều này, cô Yến cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh chịu khá nhiều áp lực từ các môn học chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Do đó, khi dạy các môn Công nghệ, Tin học, giáo viên sẽ tạo không khí học tập vui tươi, thoải mái, giúp học sinh giải tỏa căng thẳng.
Ngoài ra, với đặc thù môn học là mang đến những kiến thức gần gũi trong cuộc sống thường ngày của học sinh như kỹ thuật nối ghép mạch điện, trồng trọt, trang trí nhà cửa, may vá, lựa chọn thực phẩm... nên trong mỗi tiết dạy, cô Hoàng Yến luôn gắn kiến thức bài học với những câu chuyện sinh động, thực tế giúp học sinh dễ hiểu và nhớ lâu kiến thức. Giáo viên này cho biết, đối với một người giáo viên không quan trọng dạy môn gì mà đòi hỏi đầu tiên là sự gần gũi, tạo được sự tin tưởng nơi học sinh.
Các thầy, cô giáo không chỉ hoàn thành tiết dạy trên lớp rồi về, trao cho học sinh không chỉ kiến thức mà cả nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp các em trở thành người có ích trong xã hội.
Danh sách giáo viên bậc THCS được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các thầy, cô giáo: Huỳnh Thị Kim Dung, giáo viên Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); Khưu Thị Thanh Hiền, giáo viên Trường THCS Linh Trung (quận Thủ Đức); Tôn Thất Minh, giáo viên Trường THCS Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) và Phạm Thị Thanh Nhung, giáo viên Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn).
THU TÂM
Theo SGGP
Đôi mắt học trò soi sáng lương tâm nghề giáo Nghề giáo nhiều niềm vui và cũng lắm thăng trầm, có những băn khoăn, trăn trở bên trang giáo án nhưng ánh mắt học trò thân thương đã giúp giáo viên giữ trọn ngọn lửa nghề Thầy Nguyễn Phương Bình, giáo viên mầm non Trường Mầm non 1 (quận 5, TP HCM), là một trong những gương mặt tiêu biểu của TP HCM...