Giải thưởng “Quả cầu vàng” cho nữ sinh viên đam mê khoa học
Dương Ngân Hà (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong 20 gương mặt đạt giải thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ năm 2021.
Dương Ngân Hà trong lễ nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng do Trung ương Đoàn và Bộ KH&CN trao tặng. Ảnh: TG
Chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức.
Sắp xếp thời gian để yêu… khoa học
Nhìn vào thành tích “khủng” trong học tập và nghiên cứu, không ít người nghĩ Ngân Hà sẽ chỉ học và học. Nhưng Ngân Hà có bí quyết học tập và cân bằng các hoạt động trong cuộc sống rất đơn giản: “Đi học đầy đủ và nghe giảng trên lớp giúp em tiết kiệm nhiều thời gian trong quá trình ôn thi.
Bên cạnh đó, em cũng chủ động sắp xếp thời khóa biểu của bản thân, khoảng 2 – 3 ngày tập trung cho hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động Đoàn – Hội. Tuy nhiên, công việc quan trọng nhất của sinh viên vẫn là học tập. Nên điều kiện tiên quyết khi sinh viên muốn tham gia các hoạt động khác một cách hiệu quả thì phải bảo đảm việc học tập”.
Là nữ, lại theo học ngành công nghệ nhưng Dương Ngân Hà khiến đa số bạn nam trong lớp và khoa nể phục vì thành tích học tập, đặc biệt là say mê nghiên cứu khoa học. Chia sẻ về đam mê này, Ngân Hà cho biết: “Trong hành trình nghiên cứu, em nghĩ các bạn sinh viên có thể tìm hiểu và tham gia vào các lab nghiên cứu có hướng đi mà mình hứng thú. Khi đó, mình có thể học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau, cập nhật những hướng đi, phát minh mới nhất trong cộng đồng nghiên cứu, từ đó cũng dễ dàng có ý tưởng và phát triển ý tưởng đó”.
Sớm khẳng định niềm đam mê với Toán học từ những năm cấp ba, Hà thường tham gia một số hoạt động như Ngày hội Toán học mở, Trại hè Toán và khoa học MaSSP, Toán mô hình… và cảm thấy thu hút bởi ứng dụng của toán trong cuộc sống. Từ đó, nữ sinh quan tâm nhiều hơn đến các ngành mà liên quan đến Toán, tận dụng được thế mạnh và sở thích của mình như Toán cơ bản, Toán ứng dụng, Công nghệ thông tin.
TS Lê Phê Đô – giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, người đồng hành cùng Ngân Hà trong quá trình học tập và thi đấu các giải – nhận xét: “Ngân Hà là một trong những học trò thông minh, ý thức kỷ luật tốt. Hà đã có niềm đam mê với Toán học. Tại Trường ĐH Công nghệ, em tiếp tục nuôi dưỡng và có cơ hội phát huy niềm đam mê này ở các kỳ thi.
Mặc dù, lớp K64 CACLC3 đa số là nam sinh nhưng Ngân Hà được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp trưởng trong suốt những năm qua. Bởi Hà luôn tích cực và năng động tham gia các phòng trào Đoàn – Hội, đặc biệt là say mê và tích cực nghiên cứu khoa học bằng việc tham gia phòng thí nghiệm Tối ưu hóa các hệ thống lớn”.
Dương Ngân Hà (đứng giữa) và các bạn chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Ảnh: TG
Nhờ thầy truyền lửa, bạn động viên
Trong lớp học có số đông bạn trai nhưng Ngân Hà đã biết tận dụng thế mạnh của mình để “bứt phá”. Dương Ngân Hà cũng thừa nhận khá bất ngờ khi đăng ký ngành Khoa học máy tính tại Trường ĐH Công nghệ vì không giỏi trong lĩnh vực này. Nhưng khi vào trường và qua quá trình học tập, Hà cảm thấy may mắn khi lựa chọn đúng ngành học bản thân hứng thú và môi trường học tập đã giúp cô hoàn thiện bản thân.
Video đang HOT
Nhớ lại những ngày đầu vào trường, Ngân Hà cũng như nhiều sinh viên khác khá e dè trong môi trường mới. Nhưng Ngân Hà cho biết: Các giảng viên trong môi trường đại học đã phá vỡ bức tường và tạo không khí thoải mái giữa thầy/cô và sinh viên, giúp tân sinh viên quen dần với môi trường mới.
“Các bạn nam trong lớp hết sức thân thiện, gần gũi, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ nhau trong học tập và nghiên cứu. Đặc biệt là giảng viên ngay từ năm thứ nhất đã giúp em rèn luyện được tâm thế chủ động và trao đổi khi cần giúp đỡ. Em nghĩ việc mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô hay những người đi trước khá hữu ích trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Điều em cảm nhận rõ ràng nhất ở Trường ĐH Công nghệ đó là tinh thần khoa học và cống hiến. Chúng em được dạy rằng mình học ở trường này, ngành này để hướng tới việc làm những công nghệ ít người làm được. Các thầy đã truyền lửa đam mê, nhiệt huyết với khoa học cho sinh viên”, Dương Ngân Hà chia sẻ.
Tự hào về bạn của mình, Ngô Xuân Bách – sinh viên K64, chuyên ngành Khoa học máy tính, Trường ĐH Công nghệ – chia sẻ: “Hà luôn duy trì được phong độ của bản thân, thành tích học tập luôn đứng đầu trong lớp, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, xã hội.
Tiếp xúc nhiều với Ngân Hà, em luôn cảm nhận nguồn năng lượng tích cực của bạn vẫn được duy trì một cách bền bỉ qua từng năm học. Dành khá nhiều thời gian cho học tập nghiên cứu, nhưng bạn luôn là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Hỗ trợ sinh viên. Hà sẵn sàng tham gia bất cứ hoạt động nào. Mỗi khi câu lạc bộ cần, bạn đều sẵn sàng tham gia cùng mọi người. Vì vậy, các thành viên tự hào và ngưỡng mộ Ngân Hà”.
Với nhiệt huyết và năng động của tuổi trẻ, nữ sinh viên năm thứ ba Dương Ngân Hà đã gặt hái được nhiều thành công trong học tập và nghiên cứu. Ngân Hà nhiều lần đạt sinh viên xuất sắc và học bổng khuyến khích, học bổng Posco, đoạt giải cao tại kỳ thi Olympic Toán học sinh viên lần thứ VII, tốt nghiệp khóa học Machine Learning của VEF.
Điểm trung bình chung tích luỹ cả 2 năm đạt top 1 ngành học. Đặc biệt, Hà còn tham gia các đề tài nghiên cứu lý thuyết và dự án ứng dụng công nghệ (hệ thống Tối ưu phân bổ vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm) tại Phòng thí nghiệm Tối ưu hóa các hệ thống lớn ORLab. Không chỉ dành thời gian cho học tập và nghiên cứu, Ngân Hà luôn tích cực tham gia công tác Đoàn và giữ chức Chi hội trưởng K64 CACLC3.
Còn 1 năm nữa sẽ rời giảng đường đại học, chia sẻ về hướng đi trong tương lai, Hà cho biết: “Em dự định học tiếp cao học để trau dồi tri thức chuyên sâu hơn về ngành học của mình và tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học. Em nghĩ nó phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Hy vọng, em có thể nghiên cứu ra nhiều ứng dụng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống con người, mang lại giá trị cho cộng đồng”.
Tình yêu Toán học dẫn lối cho nữ tiến sĩ người Việt ở Úc
Yêu thích Toán học, nhưng có giai đoạn, chị Ngân từng không nghĩ đến việc sẽ theo đuổi bậc tiến sĩ ngành này.
Chuyện đi theo con đường làm toán ứng dụng với chị đơn giản chỉ là muốn giải đáp đến tận cùng những điều mình còn băn khoăn.
TS Lê Kim Ngân (sinh năm 1984), hiện là giảng viên khoa Toán tại Đại học Monash (Úc). Tuy nhiên, xuất phát điểm của chị không phải từ một học sinh chuyên Toán.
Sinh ra ở Gò Vấp, chị Ngân từng theo học chuyên Tin ở Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), sau đó đỗ vào lớp Toán - Tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên năm 2002. Nhưng chị Ngân nói, ngay từ sớm, trong mình đã hình thành tình yêu với toán học.
"Thời cấp 2, ba tôi - một thầy giáo dạy toán - luôn muốn con phải ngồi vào bàn học tiếng Anh 1 tiếng mỗi ngày. Nhưng tôi khi ấy lại không thích học tiếng Anh. Ngồi suốt 1 tiếng như thế, tôi lén lôi sách toán lớp 8 ra để tự giải. Càng làm, tôi càng cảm thấy thích thú nên đã xin ba mua thêm cho sách nâng cao để giải hết từ quyển này đến quyển khác.
Tôi nhớ mãi năm lớp 9, trong những giờ không học môn Toán, tôi thường giấu cuốn sách toán dưới ngăn bàn, mở ra xem đề, sau đó lại lấy giấy nháp để giải ở trên. Có lần, cô giáo môn khác bắt được đã phạt tôi phải đứng góc lớp".
Nhưng cũng chính những ký ức đẹp đẽ đó cùng tình yêu với Toán học đã thôi thúc chị quay trở lại con đường làm Toán.
"Thực ra, việc học Tin ở trường Năng khiếu hay ở ĐH Khoa học Tự nhiên đều rất thú vị. Nhưng trong tôi vẫn thường hay thắc mắc, tại sao những thuật toán ấy lại luôn đúng. Tôi muốn tự mình chứng minh thuật toán ấy là đúng. Cuối cùng, tôi nghĩ mình phải quay trở lại việc học Toán. Mọi thứ diễn ra như một lẽ rất tự nhiên, chủ yếu là do tình yêu với Toán học dẫn lối".
TS Lê Kim Ngân hiện là giảng viên khoa Toán tại Đại học Monash (Úc)
Năm 2018, chị Ngân học lên thạc sĩ theo chương trình PUF hợp tác với Pháp để "được thỏa mãn đam mê học Toán" chứ chưa nghĩ tới việc sẽ học lên tiến sĩ, làm toán ứng dụng hay đi du học. Tuy nhiên, đến khi theo đuổi chương trình này, chị có 4 tháng sang Pháp để làm luận văn. Thời điểm đó, chị Ngân nhận được hai lời mời cho học bổng tiến sĩ tại Pháp.
Vì lý do gia đình, chị từ chối, sau đó cùng chồng - cũng là bạn học thời phổ thông - sang Úc làm việc.
"Trước khi lên đường sang Úc, tôi có tới gặp để chia tay thầy tôi, GS Dương Minh Đức. Thầy khuyên tôi nên tiếp tục học lên tiến sĩ, đồng thời giới thiệu thầy Trần Thạnh cũng làm về phương trình đạo hàm riêng mà tôi có thể kết nối khi qua Úc".
May mắn, khi sang Úc, chị Ngân giành được học bổng của chính phủ Úc dành cho nghiên cứu sinh quốc tế. Sau đó, chị cũng lựa chọn theo hướng giải tích số cho phương trình đạo hàm riêng ngẫu nhiên vì cho rằng đây là hướng đi có nhiều ứng dụng thực tế hấp dẫn.
Chuyện dạy Toán ở nước Úc
Học tiến sĩ tại Đại học New South Wales trong vòng 3,5 năm, sau đó tiếp tục làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc), chị Kim Ngân có cơ hội được giảng dạy ở một số môn liên quan đến Toán tại ngôi trường này.
"Quả thực, đó là những kinh nghiệm giảng dạy rất hữu ích và cũng giúp cho tôi rất nhiều trong quãng thời gian sau này".
Theo chị Ngân, muốn trở thành một giảng viên ở Úc đòi hỏi hai yếu tố. Thứ nhất, phải có kỹ năng và kinh nghiệm giảng dạy. Ngoài ra, ứng viên cũng cần phải có một số lượng bài báo nhất định đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Với kinh nghiệm giảng dạy, theo chị Ngân, những người từng làm postdoc ở châu Âu hoặc ở Mỹ sẽ có nhiều lợi thế hơn do họ thường có cơ hội được giảng dạy ở các lớp lý thuyết. Nhưng khi ở Úc, postdoc chỉ có thể đứng các lớp thực hành, rất hiếm khi được giao phụ trách lớp lý thuyết.
Quãng thời gian làm postdoc tại Đại học New South Wales đã giúp chị Ngân có thêm một số kinh nghiệm đứng lớp. Vì thế, đến tháng 4/2020, chị Ngân được nhận vào vị trí giảng viên khoa Toán tại Đại học Monash.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã trở thành giảng viên chính thức, chị Ngân nói, người dạy cũng phải nỗ lực để đổi mới không ngừng.
"Các trường học Úc thường đánh giá giảng viên hàng năm thông qua những phiếu nhận xét từ phía người học. Do đó, để có thể nhận được đánh giá tốt nhất từ phía sinh viên, giáo viên cũng phải cố gắng cải thiện chất lượng giảng dạy. Điều này có thể thông qua việc học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, liên tục tìm kiếm phương pháp mới giúp học sinh dễ tiếp thu hơn, đồng thời luôn phải chuẩn bị bài thật kỹ trước khi đến lớp".
Đòi hỏi chất lượng giáo dục cao, nên giảng viên ở Úc cũng nhận được những đãi ngộ rất tốt. Mỗi năm, giảng viên thường có 40% thời gian dành cho giảng dạy, 40% thời gian dành cho việc nghiên cứu. Đối với ngành Toán thường khó tìm kiếm nguồn tài trợ nghiên cứu hơn, nên giảng viên có thể xin nguồn tài trợ từ Chính phủ, miễn dự án đó khả thi và mang lại những giá trị thực tiễn.
Giảng viên cũng được tạo điều kiện đi gặp các đối tác trong và ngoài nước. Kinh phí chuyến đi có thể lấy từ các nguồn tài trợ của trường hoặc các tổ chức khác.
"Thông qua sự cởi mở đó, giảng viên cũng được tạo điều kiện để mở rộng mạng lưới và trau dồi kiến thức chuyên môn trong chính lĩnh vực của mình", TS Lê Kim Ngân cho hay.
Để theo đuổi con đường làm Toán chuyên nghiệp
Là người nghiên cứu và giảng dạy về Toán, theo TS Lê Kim Ngân, "có một câu hỏi muôn thuở nhưng rất nhiều học sinh không thể trả lời được là 'Học Toán xong để làm gì?'". Điều này, chị Ngân cho rằng, một phần lỗi đến từ việc giáo dục ở cấp phổ thông.
"Ở Úc, khi học sinh học về cách tính diện tích, giáo viên thường đặt ra những bài rất thực tế để các em thấy được, những công thức này có thể ứng dụng chứ không hề hoài phí. Đến bậc đại học, lợi ích của Toán càng được trình bày rõ rệt trong việc giải quyết các vấn đề thực tế. Nhờ đó, học sinh thấy được vai trò của những kiến thức Toán mà cuộc sống cần đến".
Khi đã hiểu 'học Toán để làm gì', việc theo đuổi con đường làm toán chuyên nghiệp cũng dễ dàng hơn. Tất nhiên, theo TS Lê Kim Ngân, vẫn cần có nhiều yếu tố để những người trẻ theo đuổi được trên con đường làm Toán, nhưng quan trọng nhất vẫn là phải có đam mê, có khả năng và phải thật kiên trì.
"Để trở thành một nhà Toán học chuyên nghiệp, rất cần phải có niềm yêu thích Toán. Bởi vì, định nghĩa của sự chuyên nghiệp là việc cống hiến hết mình cho công việc. Bên cạnh đó, cũng cần phải có khả năng thì một người mới có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của họ.
Cuối cùng, cần phải có sự kiên trì. Một người cần phải mất nhiều năm trong cuộc đời mới có thể trở thành nhà toán học thực thụ. Nhưng đổi lại, họ sẽ có được niềm vui sau khi nhận được những thành quả của nhiều năm kiên trì ấy. Chắc chắn, 'không ai có được niềm vui từ những câu đố được giải chỉ trong 5-10 phút', TS Lê Kim Ngân nói.
Người trẻ dễ dàng xin học bổng du học ngành Toán
Trước đây, việc xin học bổng đi du học ngành Toán khó khăn hơn do các trường đại học thế giới chưa biết nhiều đến các đại học Việt Nam. Nhưng giờ đây, nhiều trường của Việt Nam đã có tiếng tăm và nhận được sự đánh giá cao từ các trường quốc tế, do đó sinh viên cũng thuận lợi hơn khi xin học bổng du học ở các quốc gia như Mỹ, Úc,...
Tuy nhiên, nếu có thể, sinh viên vẫn nên viết ít nhất một bài báo khoa học (có thể đứng tên cùng thầy cô nếu chưa thể tự viết). Bài báo sẽ là một điểm cộng rất lớn cho việc xin học bổng.
Các em cũng hoàn toàn có thể yên tâm rằng, chỉ cần học tốt môn chuyên ngành đã có đủ sức cạnh tranh với các sinh viên quốc tế khác (nếu như điểm những môn học khác không quá cao). Bởi giờ đây, có rất nhiều trường chỉ lấy những môn chuyên ngành để xét điểm cạnh tranh xin học bổng.
TS. Lê Kim Ngân
Thủ khoa Học viện Nông nghiệp: "Nghiên cứu khoa học không phải để làm giàu" Vũ Duy Thái Sơn đã trở thành thủ khoa đầu ra của Học viện Nông nghiệp với điểm GPA 3.78/4.0. Nam sinh 9x này cũng sở hữu bảng thành tích rực rỡ với nhiều giải thưởng nghiên cứu và học bổng quốc tế. Sơn cho rằng người làm nghiên cứu cần có sự chăm chỉ, kiên trì và không sợ thất bại. Đạt...