Giải thưởng Lý Tự Trọng 2019: Sống là cho đi
Với quan niệm “ sống là cho đi”, các cán bộ đoàn xuất sắc nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2019 có điểm chung là mang nhiệt huyết, sức trẻ thanh xuân thiết kế, tổ chức những mô hình, hoạt động hướng về cộng đồng, với mong muốn cuộc sống của người dân được đổi thay ngày càng tốt đẹp hơn.
Anh Trần Quốc Bủ, Bí thư Đoàn xã Đất Mới (thứ hai, từ trái sang) phát tờ rơi phòng chống đuối nước cho các em học sinh
Tiếp sức cho trò nghèo ở cực Nam Tổ quốc
Hơn 10 năm làm Bí thư Đoàn xã Đất Mới (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau), một trong những vùng đất ở cuối cùng cực Nam Tổ quốc, anh Trần Quốc Bủ đã tổ chức hàng loạt chương trình, mô hình hỗ trợ, tiếp sức cho trẻ em, giúp cuộc sống người dân nơi đây đổi thay. “Đất Mới còn nhiều khó khăn lắm, điều kiện tự nhiên chủ yếu là kênh rạch, trình độ dân trí thấp, đặc biệt là trẻ em bỏ học nhiều. Hồi đầu mới về đây làm Bí thư Đoàn nhìn cảnh các em bỏ học tôi rất sốt ruột, thương các em không có trình độ sau này mưu sinh kiểu gì”, anh Trần Quốc Bủ kể lại.
Trăn trở từ thực tế đó, anh Bủ xây dựng mô hình “Thanh niên đồng hành với trẻ em nghèo”. Anh đến từng nhà động viên, kêu gọi các gia đình cho con em đi học. “Nhiều gia đình khi thấy chúng tôi đến xua đi. Họ cho rằng “không cần học nhiều, nghỉ học sớm để đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền”. Chúng tôi phải nhẫn nại giải thích cho họ hiểu những hệ lụy của việc nghỉ học sớm cũng như giá trị của người có trình độ, được học hành đầy đủ”, anh Bủ kể. Bên cạnh thuyết phục, đội “Thanh niên đồng hành với trẻ em nghèo” còn hỗ trợ vật chất cho các em đi học. Anh em đoàn viên thanh niên góp tiền hỗ trợ các em tiền học, tiền mua cặp sách, sách vở, đồ dùng học tập. Nhờ đó, khoảng 200 em học sinh bỏ học đã đi học trở lại.
Tiếng lành đồn xa, việc làm ý nghĩa thiết thực của Đoàn xã Đất Mới được bà con ghi nhận và các mạnh thường quân tìm đến ủng hộ, tiếp sức. Đến nay, mỗi năm Đoàn xã nhận được trên 100 triệu đồng tiếp sức các em đến trường. Bên cạnh đó, Đoàn hỗ trợ hàng tháng cho 3 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bao gồm: Tiền đò, chi phí, dụng cụ học tập, với tổng trị giá 400 nghìn đồng/em/tháng.
Anh Trần Xuân Hùng tặng quà cho điểm trường vùng cao
Dịp nghỉ hè, Bí thư Đoàn xã Đất Mới Trần Quốc Bủ lại đau đáu thiết kế, tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, chương trình bổ túc để các em có một mùa hè bổ ích. Trong đó, đáng chú ý là mô hình Dạy bơi cho trẻ em. Đội hình dạy bơi của Đoàn xã Đất Mới gồm 15 thành viên, gồm giáo viên Tổng phụ trách đội, các bí thư chi đoàn trực tiếp dạy bơi cho các em.
“Chúng tôi đi xuống đến tận nhà chở các em đi học bơi, học xong lại chở từng em về nhà, đảm bảo an toàn tuyệt đối”, anh Bủ cho biết. Điều đặc biệt, địa điểm học bơi của các em là ở các vuông tôm. “Ở đây làm gì có bể bơi, chúng tôi đi mượn vuông tôm của người dân cho các em học bơi. Thế mà mỗi mùa học chúng tôi dạy cho 45-50 em biết bơi. Mấy năm nay, ở Đất Mới không xảy ra tình trạng trẻ em đuối nước”, anh Bủ chia sẻ.
Hình ảnh trẻ em Đất Mới học bơi trong các vuông tôm thu hút sự quan tâm của mọi người, lan tỏa trên các trang mạng xã hội. Nhờ đó, các mạnh thường quân ở khắp nơi gửi tiền về cho Đoàn xã Đất Mới phát huy, nhân rộng mô hình này giúp các em nhỏ ở vùng sông nước có kỹ năng phòng tránh đuối nước.
Một mô hình đáng chú ý nữa của Bí thư Đoàn xã Đất Mới Trần Quốc Bủ là “Hũ gạo tình thương”. Với mô hình này, hiện nay, Đoàn xã đang nhận đỡ đầu 12 cụ già neo đơn. Mỗi tháng Đoàn xã dành 500 nghìn đồng mua nhu yếu phẩm và một ít tiền mặt hỗ trợ, chia sẻ với các cụ già.
“Cuộc sống là biết cho đi để được nhận lại. Tổ chức các mô hình tình nguyện giúp đỡ các em nhỏ, người kém may mắn nhưng bản thân tôi nhận lại được rất nhiều. Tôi được mọi người yêu thương, bạn bè ngày càng đông, mối quan hệ rộng mở. Họ đến với tôi vì một mục tiêu chung là trao đi, giúp đỡ để cuộc sống tốt đẹp hơn. Với tôi, đó là điều hạnh phúc lớn nhất”, Bí thư Đoàn xã Đất Mới Trần Quốc Bủ trải lòng.
Video đang HOT
“i để trở về”
Đó là tên mô hình xây dựng nhà bán trú với thiết kế đa dạng, linh hoạt tạo không gian sinh hoạt thoải mái và tăng tính tương tác cho các em thiếu nhi vùng cao của anh Trần Xuân Hùng, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam.
Khác với anh Bủ, anh Hùng làm việc ở một môi trường với những bạn trẻ có trình độ, năng động. Nhưng từ những chuyến đi vùng cao chứng kiến điều kiện học tập, khó khăn của các em nhỏ, Hùng đã bén duyên với mô hình thiện nguyện dành cho thiếu nhi vùng cao. Anh Hùng chia sẻ: “Khi đi khảo sát thực tế, tôi thấy hầu hết các em đi bộ đến trường từ 5-15 km, rất vất vả. Những hôm mưa gió, thời tiết khắc nghiệt, các em phải nghỉ học. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với học sinh vùng cao đi học cách nhà từ 7km được hỗ trợ tiền ăn, nhưng với điều kiện các em phải ở bán trú”, anh Hùng kể. Trước thực tế đó, Hùng cùng với các tổ chức tình nguyện khác cùng bắt tay xây dựng nhà bán trú cho học sinh vùng cao với mục tiêu tạo môi trường ăn ở, sinh hoạt ổn định cũng như giúp học sinh vùng cao nhận được ưu đãi từ Bộ GD&ĐT.
Với kiến thức chuyên môn, anh Trần Xuân Hùng kết hợp với tổ chức tình nguyện chủ trì xây dựng: Trường học mẫu giáo tại xã Ngải Thầu (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); Trường tiểu học làng Khe Chữ (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam); Nhà ở bán trú Trường trung học xã Chiến Phố (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang); “Nhà ở bán trú trường trung học xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang).
Anh Hùng chia sẻ, để thực hiện được những phần việc đó, bản thân anh cũng phải nỗ lực cân đối thời gian, hoàn thành tốt công việc ở đơn vị. “Những chuyến đi về miền đất nghèo cho tôi rất nhiều trải nghiệm và bài học ý nghĩa. Có những nơi, người dân rất chân chất, mộc mạc, hiền lành nhưng trong họ lại chứa đựng một tinh thần lạc quan, tinh thần tương thân tương ái lớn. Hay chuyến đi ở Hà Giang, câu nói của em học sinh nghèo khiến tôi đau đáu: Nếu bố bắt em nghỉ học, em sẽ đấu tranh đến cùng”, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam Trần Xuân Hùng chia sẻ.
Chương trình Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2019 được tổ chức vào 20h00, ngày 23/3 tại Khu tưởng niệm anh hùng Lý Tự Trọng (xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Trần Quốc Bủ, Bí thư Đoàn xã Đất Mới (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) và Trần Xuân Hùng, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam là 2 trong số 72 cán bộ đoàn xuất sắc nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2019 do T.Ư Đoàn trao tặng. Giải thưởng Lý Tự Trọng là phần thưởng cao quý của T.Ư Đoàn trao tặng bí thư chi đoàn; phó bí thư, bí thư đoàn cấp cơ sở; cán bộ Đoàn cấp huyện có thành tích xuất sắc.
LƯU TRINH
Theo Tiền phong
Hà Tĩnh: Cô thủ thư đi xin sách để tặng trẻ em nghèo
"Ngay cả khi bế tắc nhất của cuộc sống, sách chính là người bạn đã an ủi và tiếp thêm cho tôi nghị lực để sống. Tôi thấy đọc sách vô cùng bổ ích và muốn truyền niềm đam mê này đến nhiều bạn trẻ khác nhất là những em học sinh không có điều kiện mua sách để đọc", đó cũng chính là lý do để chị Nguyễn Thị Hằng - cán bộ thư viện thị xã Kỳ Anh, ngày ngày quyên góp sách để ủng hộ cho trẻ em nghèo.
Hành trình đi xin sách
Sinh ra tại vùng quê nghèo xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh) bản thân chị Hằng (SN 1987) thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi của học trò nông thôn. Bên cạnh cái ăn cái mặc, đời sống tinh thần luôn thiếu thốn, việc đọc sách cũng là một điều hết sức xa xỉ.
Ngay từ nhỏ chị Hằng đã có niềm đam mê với sách. Và cũng như một cơ duyên niềm say mê đọc sách đã đưa chị Hằng đến với nghề thủ thư tại thư viện thị xã Kỳ Anh.
Chị Nguyễn Thị Hằng.
Trong một lần, đi trao quà cho học sinh tại xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) sau cơn bão số 10/2017, nghe tâm sự của nhiều giáo viên tại đây về việc thiếu sách cho học sinh, chị Hằng ấp ủ dự định quyên góp sách để tặng các em học sinh nghèo.
Hành trình gom sách của Hằng bắt đầu từ những bằng những cuốn sách cũ mà chị Hằng chắt chiu bao năm qua và những dòng status trên facebook.
Lần đầu tiên đi "xin" sách chị Hằng nhận được gần 200 đầu sách từ bạn bè khắp nơi gửi đến. Người ở xa thì gửi qua bưu điện, gửi qua xe khách, người ở gần thì mang đến tặng hoặc chị Hằng tự chạy xe đến nhà để lấy. Ngôi trường đầu tiên trong hành trình tặng sách của chị là trường THCS Kỳ Ninh - nơi chị Hằng đã từng công tác.
Tùy vào nhu cầu của mỗi đơn vị nhận sách chị Hằng sẽ phân loại sách phù hợp để tặng.
Nhìn thấy ánh mắt háo hức của các em khi nhận sách, Hằng lại càng có thêm động lực và quyết tâm thực hiện hoạt động ý nghĩa này ở nhiều nơi khác. Vì vậy, tranh thủ mọi thời gian Hằng lại kêu gọi ủng hộ sách cho các em.
"Bây giờ cứ có sách là nhiều bạn khắp cả nước lại gọi điện, nhắn tin để gửi sách nhờ mình gửi đến các bạn nhỏ. Đợt sách mình nhận được nhiều nhất là khoảng 400 cuốn trị giá khoảng 15 triệu đồng. Nhiều bạn đã luôn đồng hành của mình suốt thời gian qua", chị Hằng hào hứng.
Để đưa sách đến các bạn nhỏ, nhiều hôm chị Hằng cùng chồng phải dậy từ 3- 4h sáng, chạy gần 4km để đón xe khách nhận sách. Nhận được sách chị Hằng và chị Đào Thị Vân (nhân viên thư viện) tỉ mỉ phân loại sách, đóng gói riêng.
Chị Hằng chia sẻ: "Việc làm của mình được chồng hết sức ủng hộ và giúp sức. Đặc biệt lãnh đạo và bạn bè đồng nghiệp cũng rất quan tâm và thường xuyên đồng hành tặng sách.
Thường thì mình sẽ liên hệ đến thư viện của từng địa phương để hỏi nhu cầu, sở thích về sách của bạn rồi phân loại ra để đi phát. Nhiều nhà hảo tâm cũng thường hỏi mình cần sách gì để đi mua tặng".
Chỉ trong gần 2 năm, chị Nguyễn Thị Hằng đã nhận được khoảng 20 đợt quyên góp với hơn 2.000 đầu sách tặng cho học sinh 7 xã tại thị xã Kỳ Anh.
Nghị lực của cô thủ thư mê sách
Nhìn gương mặt luôn nở rạng rỡ trên môi nụ cười, ít ai biết rằng cuộc sống của chị Hằng không hề may mắn. Đã có lúc, số phận đã khiến chị gục ngã. Nhưng chính trong thời điểm đen tối nhất, sách chính là người bạn đã vực dậy tinh thần, cho chị thêm nghị lực.
Hằng là con thứ 2 trong gia đình 2 anh em. Bố Hằng mất sớm, một mình mẹ Hằng tần tảo nuôi hai anh em ăn học. Năm 2015, khi đang mang thai bé thứ 2 ở tháng thứ 6 chị bất ngờ bị cắt hợp đồng. Cùng lúc đó, mẹ chị ốm nặng qua đời. Cú sốc tâm lý khá lớn khiến chị Hằng phải sinh non.
Niềm vui của chị Hằng là buổi chiều nhìn các bạn trẻ rời xa màn hình ti vi, điện thoại tìm đến thư viện ngày càng nhiều.
"Đó là khoảng thời gian mình rất đau buồn và bế tắc. Mình thất nghiệp, 2 con nhỏ, đồng lương giáo viên của chồng rất vất vả để nuôi sống gia đình. Phải mất một thời gian mình mới lại gượng dậy được.
Trong quãng thời gian này, mình cũng thường xuyên tìm đến những cuốn sách về nghị lực trong cuộc sống. Mình thấy cuộc sống mình cũng không may mắn nhưng nhiều người còn bất hạnh hơn mình. Điều đó lại khiến mình phải vươn lên, sống mạnh mẽ hơn nữa", chị tâm sự.
Đến năm 2017, như một cơ duyên chị Hằng được tuyển vào làm thủ thư tại thư viện thị xã Kỳ Anh. Đây là thư viện được Bộ VHTT&DL đánh giá là 1 trong 12 thư viện cấp huyện có lượt bạn đọc lớn nhất cả nước. Để làm quen với công việc, chị Hằng đã dành hẳn 2 tuần để xem hết các đầu sách tại đây.
Thư viện thị xã Kỳ Anh - 1 trong 12 thư viện cấp huyện có lượng bạn đọc nhiều nhất cả nước.
Nhằm lôi kéo bạn đọc đến thư viện nhiều hơn, chị Hằng cùng cán bộ, nhân viên tại đây đã liên tục mở lớp học tiếng Anh, tiếng Hàn miễn phí.
Các em học sinh tới đây vừa được học miễn phí lại được đọc sách với nhiều thể loại phong phú nên rất thích thú. Dần dần, tiếng lành đồn xa, nhiều bạn đọc ở cách xa hàng chục km cũng thường bắt xe buýt tới đây đọc sách.
"Toàn bộ diện tích phòng đọc hơn 120m2, nhưng nhiều thời điểm không đủ chỗ để các bạn ngồi học và đọc sách. Chúng tôi phải mở cửa tầng 2 để các em vào nhưng vẫn thiếu chỗ, các em phải ngồi ra ngoài cầu thang", chị Hằng cho biết.
Niềm vui của chị Hằng là buổi chiều nhìn các bạn trẻ rời xa màn hình ti vi, điện thoại tìm đến thư viện ngày càng nhiều. Điều đặc biệt, có nhiều bạn đọc còn thường xuyên tặng sách khi biết dự định của chị Hằng.
Khi chúng tôi kết thúc cuộc phỏng vấn với chị Hằng thì chị mới tiết lộ bản thân chị đang chiến đấu với bệnh tật để giành sự sống từng ngày. Hơn 1 năm phát hiện bệnh, nhưng chị luôn lạc quan bởi "Ngoài kia, trời rất xanh" - như một tựa sách mà chị yêu thích...
Phượng Vũ
Theo Dân trí
Chuyện ghi ở ngôi trường học sinh đang nghe giảng bỗng bỏ chạy khi thấy đoàn thanh tra Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy, cô giáo ở xã vùng cao Phước Bình vẫn hằng ngày "đồng cam, cộng khổ" để "gieo" chữ cho học sinh, nơi mà người dân có trình độ dân trí còn thấp, điều kiện đi lại hết sức khó khăn. Clip giáo viên tâm sự về chuyện học ở vùng cao Phước Bình...