Giải pháp tăng hiệu quả bồi dưỡng học sinh giỏi THCS
GD&TĐ – Cô Nguyễn Thị Nhung – Phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Tiến (Văn Giang, Hưng Yên) – chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường THCS.
Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng
Cùng với nâng cao nhận thức về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cho cán bộ, giáo viên, việc xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể, thiết thực với từng bước đi thích hợp là vô cùng quan trọng .
Kế hoạch xây dựng phải thể hiện rõ mục tiêu, thời gian, chương trình, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng, nội dung bồi dưỡng, các lực lượng tham gia bồi dưỡng, chỉ tiêu, số lượng của đội tuyển.
Quản lý chương trình, kế hoạch giảng dạy tức là đưa ra các biện pháp quản lý, yêu cầu giáo viên căn cứ vào kế hoạch đã đề ra để thực hiện nghiêm túc.
Ban giám hiệu (Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn) dự thảo kế hoạch hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi thông qua hội đồng nhà trường, trên cơ sở đó các giáo viên dạy đội tuyển xây dựng kế hoạch cho từng môn học và hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch cho bản thân giúp các em có hướng học tập tốt hơn .
Đầu tư thỏa đáng
Để tăng hiệu quả bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường cần đầu tư thoả đáng cho việc mua sắm tài liệu; đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, đồ dùng thiết bị dạy học cốt yếu, cần thiết hỗ trợ cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi.
Ban giám hiệu nhà trường tích cực tham mưu với phòng GD&ĐT, với chính quyền địa phương trong việc trang bị những thiết bị hiện đại nhất, mới nhất cho nhà trường trong việc nâng cấp cơ sở vật chất, làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục huy động sự đóng góp của tập thể, cá nhân ,các ban nghành đoàn thể về vật chất cũng như tinh thần cho việc nâng cao chất lượng day và học của nhà trường.
Quản lý tốt, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy học, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi.
Tăng cường mua sắm các đầu sách tham khảo phục vụ cho chuyên môn giảng dạy trên cơ sở yêu cầu, nguyện vọng của giáo viên. Đồng thời, củng cố và cải tiến hoạt động của thư viện, nâng cao chất lượng phòng đọc cho học sinh.
Video đang HOT
Phát huy sức mạnh các lực lượng giáo dục
Nhà trường cần huy động các lực lượng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường nói chung và chất lượng của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng.
Để làm được việc này, Ban giám hiệu nhà trường quan tâm tiến hành có hiệu quả việc đề xuất, tham mưu với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thuộc hệ thống quản lý nhà nước tăng cường nhiều hình thức liên kết, hợp đồng trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Phối hợp với chính quyền địa phương, với hội cha mẹ học sinh thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên, học sinh, giúp cho giáo viên toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường, giúp học sinh thoải mái, tự tin trong học tập.
Thực hiện tốt, có hiệu quả công tác xã hội hoá sự nghiệp giáo dục. Kết hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và xã hội tạo nên môi trường giáo dục toàn diện, họp phụ huynh 3 lần trong năm, lắng nghe những ý kiến đống góp của cha mẹ học sinh, xử lý kịp thời mọi thông tin giải quyết kịp những vướng mắc góp phần thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng xã hội để bảo vệ an ninh trường học thông qua các báo cáo bằng văn bản, qua các buổi họp giao ban hàng tháng với Đảng uỷ – UBND xã.
Tổ chức tốt các hoạt động của học sinh như chăm sóc dọn vệ sinh các khu di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ, hoạt động hè … phục vụ hoạt động chính trị – xã hội của địa phương góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Tìm kiếm đội ngũ bồi dưỡng học sinh giỏi
Tuyển chọn giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi phải là giáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có trình độ năng lực chuyên môn và sư phạm giỏi.
Đồng thời, phải có trách nhiệm cao, nhiệt tình say mê với công việc, có kiến thức và hiểu biết sâu rộng. Có kinh nghiệm và phương pháp dạy phù hợp bộ môn và là người biết tạo cho học sinh động cơ thái độ học tập đúng đắn, tạo niềm say mê yêu thích và niềm hứng thú trong học tập cho học sinh.
Bồi dưỡng giáo viên theo các nội dung: Nhận thức về tư tưởng chính trị, phẩm chất nghề nghiệp; năng lực chuyên môn; năng lực sư phạm; kinh nghiệm thực tế và bồi dưỡng các kiến thức hỗ trợ
Với những nội dung trên, ngay từ đầu năm học căn cứ vào điều kiện thực tế đội ngũ và năng lực tay nghề của mỗi giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường nghiên cứu phân công giáo viên đã được công nhận là giáo viên giỏi các cấp, có chuyên môn vững vàng, có lòng yêu nghề mến trẻ, tâm huyết với các công việc dạy bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi.
Tổ chức các chuyên đề phục vụ cho nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi giúp giáo viên học hỏi nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm nêu kinh nghiệm bồi đưỡng học sinh giỏi để đạt được kết quả cao để giáo viên khác học tập.
Tạo điều kiện cho giáo viên đi học nâng chuẩn, nâng cao năng lực chuyên môn phục vụ có hiệu quả cho công tác giảng dạy đặc biệt là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Phát hiện và tuyển chọn học sinh giỏi
Việc phát hiện học sinh giỏi của nhà trường được thông qua các tiết dạy, dựa trên nền kiến thức học sinh đại trà. Giáo viên theo dõi sự nhạy bén của học sinh đối với từng môn học thông qua những câu trả lời trên lớp, quan tâm đến những học sinh có nhận thức tư duy thể hiện tính linh hoạt, sáng tạo mềm dẻo khi giải quyết nhiệm vụ học tập.
Ngoài ra, việc phát hiện học sinh giỏi còn được kết hợp với các bài kiểm tra khảo sát chất lượng, với việc phỏng vấn để tìm ra những học sinh thông minh, trí tuệ, có khả năng sáng tạo, tinh thần say mê ham học.
Để tuyển chọn đúng đối tượng học sinh giỏi, Ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên dạy các đội tuyển xây dựng các căn cứ cơ bản để tuyển chọn học sinh giỏi như:
Căn cứ vào thành tích học tập ở trường của học sinh như tốc độ tiếp thu kiến thức của tiết học. Điểm học lực môn học đạt được của năm học trước, điểm kiểm tra thường xuyên…
Căn cứ vào sự lựa chọn của giáo viên phụ trách môn học; vào sự sáng tạo, trí tuệ của cá nhân.
Căn cứ vào đức tính: Kiên trì, tò mò ham hiểu biết, luôn hoàn thành mọi công việc được giao, sự tôn trọng, độc lập trong công việc và sự lựa chọn của bạn bè, gia đình…
Dựa trên những cứ đó, nhà trường đã tổ chức cho học sinh đăng ký dự thi vào các đội tuyển ngay trong các tuần đầu mỗi năm học.
Trong quá trình bồi dưỡng đội tuyển đi thi học sinh giỏi vòng huyện, trường tổ chức thi vòng xét duyệt (ít nhất 4 lần) để chọn học sinh có đủ điều kiện đi thi đạt kết quả cao.
Danh sách học sinh trong các đội tuyển được nhà trường, tổ chuyên môn quan tâm để có hướng động viên, kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở. Có thể bổ sung vào danh sách này những học sinh giỏi của các lớp khác mà qua quá trình dạy học phát hiện thêm. Biện pháp bồi dưỡng, phát triển học sinh giỏi
Để học sinh được chuẩn bị tốt nhất khi tham gia các kì thi học sinh giỏi, nhà trường phải đảm bảo cho các em được học đầy đủ những kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục theo chuẩn kiến thức kỹ năng và kiến thức nâng cao.
Những công việc cần làm là: Thành lập ban chỉ đạo xây dựng chương trình bao gồm Ban giám hiệu, các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn;
Thành lập các nhóm biên soạn tài liệu giảng dạy các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh gồm tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán. Tiến hành thẩm định trong tổ chuyên môn.
Việc thực hiện bồi dưỡng các đội tuyển được tiến hành thường xuyên ở các khối lớp, được mang tính kế thừa trong cả khóa học. Các đội tuyển thường được tổ chức bồi dưỡng ngay sau khi chọn xong đội tuyển các môn (từ tuần 3 hàng năm).
Về phía giáo viên dạy bồi dưỡng, soạn giáo án theo các phương thức đã được thống nhất và ký hàng tuần như giáo án dạy chính khóa.
Lưu ý các biện pháp khích lệ
Để giáo viên bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường nhận thức sâu sắc hơn trọng trách của mình, đồng thời phấn khởi, say mê hơn với công việc được giao, nhà trường cần luôn đổi mới, cải tiến chế độ, chính sách thi đua, khen thưởng kịp thời, công bằng, khách quan, dựa trên những tiêu chí cụ thể, phù hợp.
Ví dụ, khuyến khích động viên giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi như trừ giờ, đánh giá thi đua, thưởng tiền những đội đạt giải cao theo các mức khác nhau. Với học sinh, nhà trường gặp mặt động viên, tuyên dương dưới cờ và thưởng bằng hiện vật và bằng tiền như quy định.
Cô Nguyễn Thị Nhung lưu ý, các biện pháp trên có mối quan hệ biện chứng và hỗ trợ nhau. Do vậy, trong quản lý bồi dưỡng học sinh giỏi, không được coi trọng hay xem nhẹ biện pháp nào mà phải kết hợp và triển khai một cách đồng bộ.
Tuy mức độ có thể khác nhau song, các biện pháp nêu trên đều cấp thiết và khả thi. Nếu người quản lí sử dụng đồng bộ và linh hoạt tất cả các biện pháp thì chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi sẽ ngày càng tốt hơn.
Theo GD&TĐ