Giấc mơ đến trường bên gánh khoai lang
Mất cha mẹ từ nhỏ, làm đủ việc để kiếm sống chỉ với một lý do: sợ phải nghỉ học. Đó là câu chuyện về Trần Minh Phụng, (lớp 8 trường THCS Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, TP.HCM).
Thợ đụng từ tuổi niên thiếu
Cứ đúng 6h sáng mỗi ngày, Phụng phụ bà ngoại xếp những củ khoai lang còn nghi ngút khói lên chiếc mâm nhôm, bỏ thêm cái cân, cẩn thận nhét xấp bịch nilông bên dưới cho bà đi bán buổi chợ sớm. Xong xuôi đâu đó, cậu bé mới thay đồ chuẩn bị đến trường.
Phụng rửa khoai giúp ngoại để chuẩn bị luộc vào sáng sớm mỗi ngày.
Năm học này, Phụng học lớp 8, trường THCS Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ngay từ năm lớp 4, Phụng đã có “thâm niên” đi làm thêm đủ thứ nghề. Đầu tiên là bán vé số dạo. Học buổi chiều thì sáng Phụng cầm tập vé số đi bộ lòng vòng trong xóm, bán không hết thì đi miết ra mấy trục đường lớn.
Buổi chiều đi học về, Phụng lại chạy ra đại lý lấy tiếp vé mới bán tới 9-10 giờ đêm. Nhà gần chợ, những ngày chợ đông, Phụng ra xin mấy cô mấy dì bán gà vịt cho phụ nhổ lông. Thấy trong xóm có người bỏ mối hàng gia công găng tay đấm bốc, Phụng cũng lãnh về làm.
Nhưng đâu phải ngày nào cũng có hàng, có việc để làm. Những lúc “thất nghiệp”, cậu bé theo chân bà ngoại đi bán khoai lang, khoai mì dạo.
Hè vừa rồi, nhờ người hàng xóm giới thiệu, Phụng vào làm cho một quán nhậu về đêm.
Ông Trần Văn Triều, ông ngoại của Phụng, kể: “Nó đi làm từ 5h30 chiều tới hơn 12h đêm mới về tới nhà. Công việc là rửa chén, bưng bia. Một bữa đi làm về nó sốt li bì, tui chở ra phòng khám mà nó ngồi xe không nổi. Bác sĩ cho chụp hình mới biết nó bị cong cột sống do khuân vác nặng. Tội nghiệp, mấy bữa nay tui bắt ở nhà uống thuốc, ăn uống mới khá khá chút chứ hồi trước thằng nhỏ ốm nhom có chừng 29 kg chứ mấy”…
“Em sợ phải nghỉ học”
Hỏi Phụng vì sao đang tuổi ăn tuổi chơi mà suốt ngày tẩn mẩn đi kiếm việc làm như người lớn thì có ngay câu trả lời: “Em sợ phải nghỉ học, ông bà ngoại sức khỏe ngày một yếu mà…”
Video đang HOT
Hơn 1 tuổi, Phụng mồ côi cha vì tai nạn giao thông. Tấm hình duy nhất cả nhà chụp chung là tấm bé Phụng mặc áo tang được mẹ bồng cạnh quan tài cha. Những tháng ngày sau đó, mẹ em đi làm ăn xa, để em lại cho ông bà ngoại. Khi mẹ con được sống gần nhau chẳng bao lâu thì mẹ cũng qua đời.
Để có tiền nuôi cháu ngoại, ông ngoại ngày ngày đi làm phụ hồ, bà ngoại đi bán khoai dạo. Những ngày không ai thuê, ông ngoại chỉ còn cách loanh quanh ở nhà phụ bà ngoại gom phế liệu, củi khô để luộc khoai.
Phụng kể từ năm lớp 7, thấy mình bắt đầu gặp khó với môn tiếng Anh nhưng khó mấy Phụng cũng chỉ biết ôm sách qua nhà bạn hỏi chứ không dám xin tiền ngoại đi học thêm. Phụng nói mình rất thích hai môn văn và sử, nên nếu bây giờ có tiền “em sẽ chạy ào ra nhà sách mua những cuốn em thích, trong đó nhất định phải có cuốn 171 bài văn hay lớp 8″.
Bằng cái giọng già trước tuổi, Phụng tính: “Em ráng đi làm phụ ngoại để có tiền ăn học được chừng nào hay chừng đó. Nếu không học được tới cấp III, em sẽ đi học nghề. Ông bà ngoại và dì Út “khờ” (dì Út của Phụng bị bệnh tâm thần) mai này chỉ có mình em lo thôi”.
Cô Thiều Thị Phượng, giáo viên dạy sử năm lớp 7 đồng thời là hàng xóm của Phụng, cho biết: “Phụng là học trò ngoan, ham học, chịu khó. Nhưng trường ở vùng ven toàn học trò nghèo, thầy cô, bạn bè có thương cũng không giúp được gì nhiều. Bà con lối xóm cũng chỉ giúp được chút đỉnh. Nếu vì khó khăn mà em phải bỏ ngang việc học thì đáng tiếc vô cùng”.
Theo Mai Hương/Báo Tuổi trẻ
Gập ghềnh đường đến trường
Để vào ĐH, những học sinh nơi vùng sâu vùng xa tỉnh Tiền Giang phải vượt qua một chặng đường dài đầy chông gai, thử thách.
41 tân sinh viên ấy tuy xuất thân từ những gia đình khác nhau nhưng các bạn lại giống nhau bởi một lý lịch chung: nhà thuộc diện nghèo, thiếu cha hoặc vắng mẹ, tự thân bươn chải từ nhỏ để phụ giúp gia đình và tìm đường đến trường...
Cô học trò làng biển cháy ước mơ thoát nghèo
12h trưa, cảng cá Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vẫn còn tấp nập những đợt cá, mực từ các tàu đi biển mang vào. Len lỏi giữa dòng người hối hả ở cảng, chúng tôi gặp tân sinh viên Võ Nhật Hảo. Cô bé có gương mặt sáng, dáng người nhỏ xíu đang cùng mẹ xẻ vội số mực vừa được giao.
Hảo xẻ mực thuê ở cảng cá Vàm Láng.
Từ năm học lớp 8, Hảo đã theo mẹ vào cảng xẻ mực thuê. Hảo cho biết công việc xẻ mực rất bấp bênh, có ngày hai mẹ con làm được cả trăm ngàn đồng nhưng cũng có ngày chỉ hai ba chục ngàn. "Nửa đêm tàu ghé là phải có mặt làm liền để mực tươi. Mẹ ít khi cho em theo, chỉ buổi trưa mẹ mới cho ra làm" - Hảo nói.
Hảo là con gái lớn trong gia đình có ba chị em. Cha Hảo mất cách đây bốn năm. Kể từ đó, mẹ Hảo trở thành trụ cột chính trong gia đình với nghề xẻ mực thuê và sửa quần áo. Thương mẹ vất vả, Hảo phụ mẹ mọi việc có thể. Hàng xóm thương con bé Hảo học giỏi, hiếu thảo nên cho chiếc xe đạp để em đi học và chở mẹ ra chợ làm mỗi ngày.
Rồi khi Hảo lên THPT, đi học xa nhà gần 20 km, hàng xóm lại thương cho cả chiếc xe máy cũ để đến trường.
Bà Phạm Thị Tiến - mẹ Hảo nói: "Ở đây sống chủ yếu nhờ tình làng nghĩa xóm. Con Hảo nhập học ĐH được cũng nhờ mỗi người cho một ít..."
Kỳ thi ĐH năm nay Hảo đỗ cả hai trường là ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Hảo nói: "Nhìn mẹ vất vả em thương lắm nhưng không thể bỏ học được. Chỉ có học mới giúp em thoát nghèo, mới lo cho mẹ, ông bà nội và các em được".
"Con phải vào ĐH"
Trở về nhà sau hơn một tuần nhập học, Đoàn Thị Diễm Trinh (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) không quên đến bên bàn thờ mẹ thắp nén nhang và kể về những ngày đầu bước vào giảng đường.
Với Trinh, việc vào được giảng đường ĐH không chỉ là hiện thực hóa ước mơ của bản thân mà hơn hết đó chính là hoàn thành di nguyện của người mẹ quá cố.
Tranh thủ ngày chủ nhật về thăm nhà, Trinh giúp cha rửa xe cho khách.
Trinh kể cách đây gần một năm, mẹ em bị bệnh nặng phải vào bệnh viện. Gia đình khó khăn, chỉ có căn nhà sàn dựng tạm bên lề đường. Cha làm nghề sửa và rửa xe, phải bỏ hết việc theo mẹ vào bệnh viện. Hằng ngày ở nhà, Trinh thay cha rửa xe cho khách kiếm tiền đi học. Chị gái Trinh đang học CĐ cũng phải bỏ ngang việc học để giúp cha chăm sóc mẹ.
Thế rồi, không bao lâu sau mẹ Trinh qua đời. Trước lúc mất, người mẹ chỉ nhắn gửi chồng mình một điều là lo cho hai con học đến nơi đến chốn, nhất là Trinh, phải vào được ĐH.
Căn bệnh ung thư quái ác không chỉ cướp mất mẹ Trinh mà còn để lại một món nợ khổng lồ cho gia đình Trinh. Chị gái Trinh quyết định không trở lại trường mà đi làm công nhân để phụ giúp cha. Còn Trinh nhận được giấy báo nhập học vừa mừng vừa lo không biết liệu đường nào.
Ông Đoàn Ngọc Thanh - cha Trinh nói: "Con gái lớn quyết tâm đi làm nuôi em nên tui cũng ráng lo cho con được thỏa ước mơ. Tui ở nhà làm kiếm tiền trả nợ từ từ cũng được, chỉ sợ con gái đi học xa nhà thiếu hụt đủ thứ thì tủi thân".
Phận mồ côi vào ĐH
Khác với Trinh, Lượm mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn rất nhỏ. Cái tin thằng Lượm "mồ côi" đậu ĐH khiến không khí trong căn nhà lá xập xệ ở phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sôi nổi hẳn lên.
Trong căn nhà ấy, có đến năm người phụ nữ đã thay phiên nhau chăm sóc Lượm từ những ngày còn đỏ hỏn. Giờ họ đang nở nụ cười tươi vì đứa con "ngang hông" nay đã vào được ĐH.
Đạt đi cắt rau mướn phụ giúp các cô.
Lượm là cái tên các cô đặt cho Lương Phát Đạt bởi lẽ "nó sức khỏe yếu, khó nuôi" - bà Lương Thị Kim Liên, cô thứ tám của Đạt giải thích. Bà Liên kể do mẹ Đạt bị bệnh tim nên sinh em ra rất yếu, chỉ có 2,1kg. Ít lâu sau khi sinh Đạt thì mẹ em mất. Sau ngày vợ mất, cha Đạt buồn nên đi làm xa, cả năm mới ghé về một lần. Bốn năm sau thì ông có gia đình mới.
Cách đây hơn một năm, cha Đạt trở về nhà, sau đó qua đời. Đạt nói: "Năm người cô thay phiên nhau lo cho em đến giờ. Cô này lấy chồng thì gửi em cho các cô còn lại. Cứ như thế giờ chỉ còn cô út chưa lấy chồng nên đi làm nuôi em".
Hiện tại, Đạt sống chung với gia đình người cô thứ tám và cô út. Cuộc sống gia đình chỉ trông vào mảnh vườn nhỏ trồng mấy dây mướp và vài cây mít, cây mía. Cô út của Đạt làm công nhân, mỗi tháng tích góp được hơn 2 triệu đồng cũng để dành lo cho thằng cháu đi học.
Đạt đã chọn ngành sư phạm ngữ văn và thi đỗ vào ĐH Sư phạm TP.HCM. Sau khi làm thủ tục nhập học, Đạt được các cô gửi ở một ngôi chùa gần trường ĐH. Hằng ngày sau giờ học em lại phụ giúp các sư dọn dẹp và giữ xe cho khách viếng chùa.
Đạt nói: "Em mang ơn các cô nhiều lắm. Nhờ các cô em mới lớn khôn nên người. Em phải học tốt để trả ơn các cô...".
Theo Thuý Hằng - Hiền Trần/Báo Tuổi trẻ
Nghị lực thép của chàng trai mù ước mơ trở thành thầy giáo Từ một đứa bé mù lòa, Lê Minh Tâm phấn đấu vừa học, vừa làm để tự nuôi sống bản thân và trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Điều đáng trân trọng là đời sống sinh viên vẫn còn nhiều khó khăn, túng thiếu nhưng Tâm luôn sẵn sàng dạy đàn miễn phí cho những bạn trẻ nghèo, tàn...