Giấc mơ đại học
PN – Tại kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia đang diễn ra, cả nước có hơn một triệu thí sinh dự thi. Năm nay, khác biệt lớn nhất là không còn hai kỳ thi riêng rẽ thi tú tài và thi đại học (ĐH) nữa.
Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được dùng vừa để xét tốt nghiệp phổ thông, vừa để xét tuyển vào ĐH. Suốt tuần qua, các quan chức ngành giáo dục, các chuyên gia tư vấn tâm lý, các thầy cô đã trấn an sĩ tử bằng nhiều cách khác nhau.
Mọi người đều trấn an với ý chung là tổ chức một kỳ thi để giảm tải, giảm áp lực cho thí sinh, một kỳ thi sẽ nhẹ nhàng như… thi học kỳ mà thôi, không nên lo lắng, không nên căng thẳng. Nhưng, căng thẳng hay không cứ nhìn phụ huynh thì biết. Nhiều vị đã đưa con đến trường thi từ lúc… 4g30 sáng vì sợ kẹt xe. Trên những tuyến đường có điểm thi, hình ảnh phổ biến là cha hay mẹ chở con đến trường, dựng xe đứng trước cổng đợi con.
Một kỳ thi bắt đầu, cũng tức là một giấc mơ sẽ bắt đầu: giấc mơ ĐH. Ai đó cứ việc nói rằng đâu phải vào ĐH mới thành công, cứ việc nói rằng học ĐH ra rồi thất nghiệp thì cũng không bằng người không học… Có nói gì đi nữa, với bản chất hiếu học của người Việt, ĐH vẫn là con đường hoa gấm mà cha mẹ nào cũng mong con mình được bước chân vào. Hơn cả một tấm bằng, đó còn là giấc mơ cho con một nền tảng giáo dục vững vàng, trở thành người có học thức.
Trùng hợp ngẫu nhiên, cũng tuần qua, thế giới mạng dậy sóng bởi một giấc mơ ĐH được hoàn thành trên nền một cuộc đời đã mãi mãi dang dở.
Người ta xúc động chuyền nhau bức ảnh người cha thay con lên nhận bằng ĐH. Cậu sinh viên tên Nguyễn Đức Huy, đã học hết 5 năm ngành kiến trúc của Trường ĐH dân lập Văn Lang, đạt kết quả tốt, đồ án tốt nghiệp đã xong, đang chuẩn bị bảo vệ thì đột ngột ra đi vì bạo bệnh. Hội đồng tốt nghiệp của trường đã quyết định vẫn trao bằng kiến trúc sư cho em.
Trong lễ tốt nghiệp, người cha thay em lên nhận bằng. Bức ảnh trên mạng chụp lại phút xúc động khi trao bằng, với tấm hình của Huy chiếm một nửa sân khấu, nửa còn lại là bằng kiến trúc sư của em. Vị hiệu trưởng trong lễ phục trang trọng và người cha trong tấm áo trắng giản dị đã ôm lấy nhau, san sẻ những mất mát của cả nhà trường và gia đình. Trong ngôi nhà nhỏ ở vùng quê An Giang, tấm bằng kiến trúc sư được đặt trên bàn thờ, bên cạnh ảnh người đã khuất. Trong lời tâm sự của mình, người cha nói, ông sẽ giữ gìn tấm bằng ấy đến suốt đời.
Đó là gìn giữ một giấc mơ – giấc mơ ĐH đã thành hình hài; cha mẹ, anh chị em đã có thể sẻ chia, tự hào.
Ngày 30/6/2015, ngày đầu tiên thí sinh đến điểm thi làm thủ tục dự thi, khi kết thúc thời gian phổ biến quy chế, kiểm tra thông tin, ở điểm thi Trường THPT Hậu Giang, Q.5, TP.HCM, mỗi thí sinh đã được các anh chị sinh viên tình nguyện tặng một ly chè đậu đỏ. Nhiều cô cậu học trò đã ngạc nhiên hỏi: chi vậy chị? Câu trả lời là: em ăn đi, để mai đi thi sẽ “đậu đỏ”!
Những người cha người mẹ theo con đến trường rồi trải tấm ni lông ngồi ngoài cổng ngóng con. Người bận rộn thì khi chở con đến trường cũng ráng dừng xe đứng lại một chút, để nhìn con đi vào phòng thi, để lỡ nó có quên gì, thiếu gì, trở ra còn tìm thấy mình, mình còn giúp được nó. Sĩ tử đi khuất vào trường rồi, mà ánh mắt mẹ cha còn ngóng dài.
Những ly chè đậu đỏ mang niềm tin dân dã, những hàng phụ huynh đứng đợi con trước cổng trường dưới nắng trưa đổ lửa hay trong mưa chiều, tấm bằng ĐH mà người cha run run xúc động nhận thay con trai… tất cả thể hiện một sự trông cậy lớn lao vào giáo dục, một niềm tin có gốc rễ sâu bền từ trong truyền thống hiếu học của toàn xã hội. Lòng tin ấy, sự trông cậy ấy về cốt lõi là không lay chuyển, cho dù nền giáo dục của nước nhà chưa phải đã được như người ta mong muốn. Kỳ thi năm nay đã là một thay đổi, những giảng đường nặng tính hàn lâm của các ĐH đã mở rộng cửa hơn… Có phải những tín hiệu ấy đang đánh dấu cho một bước chuyển mình của toàn hệ thống?
Mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người trở nên toàn vẹn cả về kiến thức, kỹ năng và tâm hồn. Hẳn là nghĩ đến điều thật khó chu toàn cho đến tận cùng đó, mà mỗi một người, mỗi một việc, mỗi một tổ chức đều cố gắng góp phần mình cùng thực hiện giấc mơ học hành, để sự toàn vẹn không chỉ ngấm vào con người trong giờ học, trên giảng đường, mà còn từ nhiều những chăm lo khác nữa, dù nhỏ bé và không hề có ý định lưu danh.
Theo PN