Giá thịt lợn tăng cao, bếp ăn trường học “gồng mình” ứng phó
Trong bối cảnh giá thịt lợn tăng cao, việc bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng đối với các trường học có tổ chức cho học sinh ăn bán trú.
Tại Hải Phòng, điều chỉnh thực đơn, giảm thịt lợn, tăng thức ăn phụ sao cho vẫn đảm bảo lượng dinh dưỡng cho học trò là cách mà nhiều nhà trường đang triển khai. Đó là giải pháp tạm thời, về lâu dài, việc nâng tiền ăn để phù hợp với thực tế đã được các nhà trường tính đến.
Ảnh minh họa
Giá thịt lợn tăng cao và chưa có xu hướng giảm khiến các trường học có tổ chức cho học sinh ăn bán trú gặp phải nhiều khó khăn. Trong bối cảnh “bão” giá thịt lợn, tại Hải Phòng, vấn đề mà các nhà trường quan tâm là làm thế nào để duy trì bữa ăn bán trú bảo đảm chất lượng dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
Trường mầm non Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo) có 400 trẻ, mức thu tiền ăn với mỗi trẻ trong ngày là 15.000 đồng. Với mức thu này, nhóm nhà trẻ được ăn 1 bữa chính, 2 bữa phụ; mẫu giáo được ăn 1 bữa chính và 1 bữa phụ. Để đảm bảo định lượng trong bữa ăn cho trẻ thịt lợn được coi là món chính.
Tuy nhiên, khi giá thịt lợn tăng quá cao, nhà trường đã phải linh hoạt thay đổi món cho trẻ để đảm bảo không tăng giá mỗi bữa ăn hàng ngày.
Trong tình trạng giá thịt lợn tăng cao, nhiều trường học linh hoạt thay đổi thực đơn (ảnh ITN)
Cô giáo Phạm Thị Thu, Hiệu trưởng trường mầm non Tân Liên chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, việc tính toán khẩu phần ăn đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cho trẻ là vấn đề khó với nhà trường.
Cô Thu cho hay, giá thịt lợn hiện nay nhà trường nhập từ đơn vị cung cấp là 140.000/1kg thịt mông, tăng gấp đôi so với 5 tháng trước. Dù giá thịt lợn tăng nhưng giá tiền cho mỗi bữa ăn của các cháu không tăng, nhà trường cũng không dám thu thêm bất kỳ khoản gì từ phụ huynh nên rất vất vả để duy trì.
Giải pháp mà trường mầm non Tân Liên thực hiện là tích cực tận thu những sản phẩm rau xanh nhà trường trồng được, để giảm tối đa vấn đề nhập rau từ bên ngoài, hạn chế kinh phí phát sinh, dồn tiền vào giá thịt lợn.
Còn với trường mầm non Vĩnh Tiến, cô giáo Đỗ Thị Xuyến chia sẻ: Nhà trường có 208 học sinh, mức thu chung cho bữa ăn của các con một ngày là 15.000 đồng. Trong khi giá thịt lợn tăng cao, nhà trường cũng phải gồng mình lo từng bữa ăn với việc lên thực đơn, chia lượng dinh dưỡng cho đủ chất, đảm bảo theo đúng quy định. Cái lợi của trường là có vườn trồng rau xanh, hạn chế mua bên ngoài nên lấy cái nọ bù cái kia. Đặc biệt, với đơn vị cung cấp thịt lợn nhà trường yêu cầu giá thịt phải thấp hơn 5.000 đồng so với ngoài thị trường, nếu có tăng giá thì tăng theo tuần và phải có sự báo trước.
Bà Phạm Thị Hoan, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo cho hay, các trường mầm non trên địa bàn huyện đều khắc phục khó khăn trong việc điều chỉnh bữa ăn cho trẻ bằng cách tăng cường cải tạo vườn trường để trồng rau xanh. Ngoài ra, một số trường có ao, vườn chăn nuôi được như: Nhân Hòa, Dũng Tiến, Thắng Thủy… thì lấy nguồn thực phẩm tự cấp để bù cho giá thịt lợn tăng cao.
Loay hoay điều chỉnh thực đơn
Điều chỉnh thực đơn trong tuần là giải pháp của hầu hết các nhà trường thực hiện khi giá thịt lợn tăng. Trường có 650 học sinh ăn bán trú, mức thu là 12.000 đồng/ bữa chính và 4.000 đồng/ bữa phụ. Khi giá thịt lợn tăng cao, trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Bảo đã điều chỉnh thực đơn theo hướng sử dụng nhiều thực phẩm thay thế thịt lợn như thịt gà, thịt bò, cá, tôm… Tùy theo tình hình cụ thể, mỗi tuần học sinh có thể được ăn 2-3 bữa có món chính được chế biến từ thịt lợn, 1 bữa thịt bò.
Tuy nhiên, cô giáo Đào Thị Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Bảo cho hay, mặc dù nhà trường rất cố gắng đổi món cho học trò để đảm bảo dinh dưỡng nhưng món ăn học sinh ưa thích vẫn là thịt lợn. Nên dù đổi món khác như : tôm, chả cá các con đều không thích.
Video đang HOT
Bếp ăn tại trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Bảo
Theo chia sẻ của cô Hương, trong khi giá thịt lợn tăng cao, việc đảm bảo dinh dưỡng cho học trò trong khi không tăng giá tiền ăn hàng ngày là một khó khăn lớn. Tuy nhiên, vấn đề mà nhà trường lo lắng nhất đó là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi, trường tiểu học, nhiệm vụ chính là giáo dục, việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú là theo yêu cầu của phụ huynh. Trong khi đó, tình trạng chung ở Vĩnh Bảo là các đơn vị cung cấp thực phẩm vào trường học hiện nay không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo) là trường cấp 2 duy nhất trên địa bàn huyện có tổ chức ăn bán trú cho học sinh với đặc thù có nhiều học sinh ở xa đến theo học.
Năm học này nhà trường có 300 học sinh ăn bán trú. Mức thu mỗi bữa ăn với 1 học sinh là 12.000 đồng. Theo thầy giáo Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch công Đoàn trường, mức thu đó với một học sinh ở địa bàn huyện ngoại thành là hợp lý và đảm bảo dinh dưỡng. Tuy nhiên, gần 3 tháng nay, giá thịt lợn tăng cao, nhà trường xoay sở rất khó khăn. Đành rằng, giảm thịt lợn và tăng cường thịt gà, trứng nhưng cũng phải đảm bảo dinh dưỡng đồng thời 1 tuần các con vẫn được ăn 2-3 bữa thịt lợn.
Việc linh hoạt nguồn thực phẩm hay đổi món cho học sinh chỉ là giải pháp tạm thời. Theo chia sẻ của lãnh đạo các trường: mầm non Tân Liên, mầm non Vĩnh Tiến, THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà trường sẽ nâng phí 1 bữa ăn lên từ 2.000-3.000 đồng. Tuy nhiên, việc tăng tiền ăn các nhà trường sẽ họp, bàn bạc, thống nhất với phụ huynh, đồng thời phải được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương mới tiến hành thu tăng.
Nguyễn Dịu
Theo GD&TĐ
Siết chặt bếp ăn học đường: Muộn còn hơn không
Hiện nay, Hà Nội có gần 2 triệu học sinh, 50% số trường tổ chức ăn bán trú, do đó nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm là rất lớn. Vì vậy, hàng năm Sở Y tế và Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, giám sát công tác an toàn thực phẩm tại các trường học.
Theo ông Đỗ An Thắng - Khoa Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, những năm qua, Sở Y tế tích cực phối hợp kiểm tra, giám sát các bếp ăn trường học, các cơ sở cung cấp thức ăn, đồ uống.
Từ thành lập đoàn đến kiểm tra xác suất
"Riêng tại tuyến quận, huyện, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra, đồng thời, tuyên truyền theo phân cấp, chỉ định các cán bộ đi tập huấn cho các trường học, trung tâm y tế theo đúng quy định. Trong năm học, ngay đầu năm đã thành lập ban giám sát để kiểm tra bếp ăn bán trú trong nhà trường", ông Thắng cho biết.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn trường học tại huyện Thanh Trì. (Ảnh: Ngọc Tú)
Đồng quan điểm, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Ngọc Tuấn cho biết, năm học 2019 - 2020, Sở giáo dục và Đào tạo đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại 18 quận, huyện, thị xã. Mỗi đoàn kiểm tra 2 đơn vị từ kiểm tra xác suất đến ngẫu nhiên, qua đó, nắm được tình hình thực hiện vấn đề an toàn thực phẩm cũng như đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn học đường. Cũng theo ông Tuấn, có những đơn vị thực hiện rất tốt nhưng cũng nhiều trường học gặp khó khăn về cơ sở vật chất tổ chức bữa ăn bán trú, một số đơn vị thực hiện chưa tốt các quy định an toàn thực phẩm.
"Đặc biệt, Sở giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hệ thống phần mềm đưa ra các thực đơn đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng. Các trường dựa vào đó để điều chỉnh suất ăn đủ dinh dưỡng cho học sinh nhưng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương" - ông Tuấn cho hay.
Hiện nay, các trường tiểu học khác với mầm non, mầm non nuôi dưỡng là chủ yếu. Căn cứ theo yêu cầu của khối học sinh mới mở các lớp bán trú. Với sự phối hợp của Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo, hàng năm các Trung tâm y tế thường xuyên có buổi hướng dẫn, chế độ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho các cô nuôi, người chế biến thực thẩm. Ngoài ra cũng đã bố trí kiểm tra (test) mẫu thực phẩm thường xuyên để đảm bảo an toàn
Đơn cử, tại trường Mầm non Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân - Hà Nội) có 500 suất ăn tại bếp ăn bán trú, khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát bếp ăn luôn được trường đặc biệt quan tâm. Theo bà Hoàng Thị Hằng, Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Xuân Trung, từ đầu năm học trường đã triển khai một loạt biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, như thành lập Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường, thành lập tổ giám sát nguồn thực phẩm trong nhà trường, bao gồm đại diện ban phụ huynh, hiệu trưởng, giáo viên,... để giám sát nguồn thực phẩm cung ứng cho trường. Ngoài ra, tổ giám sát cũng trực tiếp đến cơ sở cung ứng thực phẩm, trực tiếp lựa chọn những nguồn thực phẩm tốt nhất, trực tiếp giám sát kí kết hợp đồng cung ứng thực phẩm để các hợp đồng đảm bảo hồ sơ pháp lý, các công ty hiểu rõ trách nhiệm và đủ năng lực giải trình được về các mặt hàng cung cấp trong nhà trường.
Tổ giám sát hàng ngày cũng cùng ban phụ huynh và nhà trường giám sát quá trình giao nhận thực phẩm. Ngoài việc kiểm tra bằng chiết xuất, nhà trường còn tiến hành kiểm tra bằng cảm quan thực tế để thấy thực phẩm có đảm bảo cho chế biến hay không. "Đồng thời, chúng tôi đang thực hiện chỉ đạo của quận về việc test thực phẩm, test nhanh về độ ôi thiu của thịt, độ sạch của rau, đồ dùng dụng cụ nấu bếp, với chi phí được quận hỗ trợ cho các trường trên địa bàn. Hiện tại, các nguồn thực phẩm trong nhà trường đều được trường thực hiện đảm bảo an toàn, và không có trường hợp ngộ độc trong nhà trường", Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Xuân Trung cho hay.
Cần đảm bảo vi chất cho bữa ăn học đường
Trong khi đó, hàng ngày, Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy - Hà Nội) tập trung lo hơn 2.500 suất ăn bán trú nhưng luôn kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm. "Trường đã phối hợp với Công ty Hương Việt Sinh xây dựng bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn học đường khi giá thực phẩm tăng cao, nhất là giá thịt lợn. Trong khi, trường chỉ thu 28.000 đồng/2 bữa ăn bán trú (gồm thực phẩm, công nấu, chất đốt, thuế). Bởi vậy, trường mong muốn Nhà nước có biện pháp hỗ trợ thuế, giảm bớt chi phí, đảm bảo bữa ăn bán trú luôn đủ dinh dưỡng, tăng sự phát triển về thể lực cũng như sức khỏe cho học sinh" - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch vọng B Đỗ Thị Mai bày tỏ quan điểm.
Theo ông Đỗ An Thắng, Khoa Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội: "Sở Y tế cũng như Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã hỗ trợ trực tiếp công tác kiểm tra tại các bếp ăn tập thể. Hàng năm, các trung tâm y tế thường xuyên hướng dẫn cho các cô giáo quản lý bán trú, người chế biến thực thẩm, đặc biệt là các trường thuê công ty chế biến thực phẩm. Chúng tôi khuyến khích các trường mua thiết bị test xét nghiệm nhanh để chủ động việc tự giám sát. Những xét nghiệm này rất đơn giản, ngoài cảm quan màu sắc, mùi vị, còn nhận biết được một số tiêu chí khác... Tất cả nhằm bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm bữa ăn học đường.
Thực tế cho thấy, để bữa ăn học đường đạt chất lượng, đảm bảo chi phí của học sinh là không dễ dàng, cần "cái bắt tay" của cả doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý. Là đơn vị cung cấp suất ăn học đường lớn tại Hà Nội từ nhiều năm nay, Công ty Cổ phẩn Hương Việt Sinh đã chủ động nguồn thực phẩm chế biến từ rất nhiều nơi cung cấp. Tháng 9/2019, công ty phối hợp với Viện Y học ứng dụng Việt Nam nghiên cứu bộ thực đơn "Dinh dưỡng cho bữa ăn học đường". Trong đó, giá thành thấp nhất của một bữa ăn phổ biến trong khoảng 30.000 - 35.000 đồng/bữa. Dù không được hỗ trợ kinh phí nhưng công ty đã mạnh dạn đưa vào các trường học áp dụng thử thực đơn này, thực hiện 1 bữa/1 tuần và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đơn vị.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam Trương Hồng Sơn cho rằng, hiện nay, bữa ăn học đường thường xuất phát từ việc chọn thực phẩm, sau đó tính giá thành. Tuy nhiên, quy trình này chưa đúng và đi ngược lại với thế giới. Theo ông Sơn, trước tiên cần xác định các vi chất có lợi cho trẻ em ở từng độ tuổi, sau đó mới xác định thực phẩm nào chứa các vi chất đó để lựa chọn. "Bữa ăn của trẻ, đặc biệt là bữa ăn học đường chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều phụ huynh và cơ sở giáo dục chưa quan tâm đến việc trang bị kiến thức về dinh dưỡng học đường. Nhiều ông bố, bà mẹ chỉ cần nhìn thấy bữa trưa ở trường của con có đủ thịt, cá, rau và đồ tráng miệng là hài lòng, mà chưa để ý trẻ ăn có đủ dinh dưỡng hay không" - ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay bữa ăn học đường ở Việt Nam cần tăng thêm khẩu phần rau xanh, trái cây, tiến tới hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối. Bởi bữa trưa học đường của học sinh tiểu học và trung học cơ sở nước ta dù đã cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như chưa có danh mục thực phẩm cung cấp năng lượng hay vi chất thiết yếu theo nhóm tuổi, theo mùa.
Minh Khuê
Theo laodongthudo
Kiểm tra chợ đầu mối Thủ Đức: Khó kiểm soát việc ngâm tẩm hóa chất Rạng sáng 7/1, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã làm việc, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - nơi cung cấp rau, củ, quả lớn nhất TP.HCM. Lượng hàng tăng gấp đôi dịp cận tết Đây là hoạt động trọng tâm trong đợt kiểm tra cao điểm, nhằm...