Gia tăng tình trạng không đội MBH khi đi xe gắn máy: Cần tăng mức xử phạt
Những ngày hè oi bức, đường phố Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh thanh, thiếu niên đầu trần, đi xe gắn máy nhưng không đội mũ bảo hiểm (MBH). Những đối tượng này không chỉ ngang nhiên vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), thiếu ý thức tôn trọng bản thân, người tham gia giao thông, mà còn cố tình chống đối khi bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) bắt giữ. Đây là những dấu hiệu thách thức pháp luật, cần có những biện pháp xử phạt tăng nặng để răn đe.
Đáng báo động!
Đi qua bất cứ ngã tư, ngã năm nào trên các tuyến đường của Hà Nội hiện nay, nơi nào có CSGT chốt trực, là nơi đó có người điều khiển phương tiện bị xử phạt vì đi xe gắn máy, nhưng không đội MBH. Tình trạng này đang có dấu hiệu gia tăng đến mức báo động. Đặc biệt, qua kiểm tra, hầu hết số trường hợp bị xử phạt do đi xe gắn máy không đội MBH đều mắc “liên hoàn” lỗi.
Học sinh Trường PTTH Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
Tại chốt trực ngã tư Đinh Tiên Hoàng -Hàng Khay – Tràng Tiền – Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm), các chiến sỹ CSGT Đội 1 (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết, nhiều người đi xe máy không có bằng lái, đăng ký xe, lại còn đèo 3, đèo 4 và không đội MBH. Những trường hợp này rất hiếm khi dừng trước đèn đỏ, tuân thủ tín hiệu giao thông. Do đó, khi thấy CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, các đối tượng vi phạm không ngại ngần lao xe vào CSGT để tìm đường bỏ chạy hoặc lạng lách, đánh võng, bất chấp các phương tiện giao thông khác đang lưu thông để bỏ chạy. Khi bị CSGT chặn giữ, nếu xin xỏ không được, nhiều người có hành vi gọi điện thoại cho người thân quen biết lực lượng CSGT để xin, nếu không được các đối tượng sẵn sàng quay ra đe dọa, lăng mạ và thậm chí gọi đồng bọn đến hành hung CSGT nhằm “đánh tháo”.
Chỉ tính riêng trong 3 tuần đầu tháng 6/2011, theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng CSGT Hà Nội, lực lượng CSGT đã xử lý gần 2.000 trường hợp vi phạm Luật GTĐB, chủ yếu là không đội MBH khi đi xe gắn máy; tạm giữ gần 800 phương tiện và 300 bộ giấy tờ xe của người vi phạm. Đáng chú ý, đối tượng vi phạm chủ yếu trong độ tuổi từ 18 – 35 tuổi, chiếm tới gần 80% tổng số trường hợp bị xử lý.
Video đang HOT
Còn theo các chiến sỹ CSGT Đội 4, chốt trực tại ngã tư Đại Cồ Việt – Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng), phần lớn các đối tượng không đội MBH đều đi những chiếc xe đắt tiền, phân khối lớn như: Liberty, SH, LX, PS… tỏ ra rất ngang nhiên, thiếu ý thức tuân thủ Luật GTĐB và viện dẫn đủ lý do khôi hài khi bị bắt giữ. Mới đây nhất, một chiến sỹ CSGT Đội 4 đã phải xử lý một trường hợp vi phạm khá phức tạp. Đối tượng là Nguyễn Quang Trung (sinh năm 1975, ngụ tại tổ 2, phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng) chở bạn gái bằng xe Liberty không biển kiểm soát, không gương chiếu hậu, không đội MBH và không có giấy phép lái xe, đăng ký xe. Khi tổ chốt trực lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và tạm giữ xe theo quy định, Trung đã liên tục có những lời lẽ thiếu văn hóa, thậm chí dọa đốt xe của mình tại chỗ để ăn vạ. Chưa hết, khi các chiến sỹ CSGT đưa xe vi phạm lên ô tô về nơi tạm giữ, đối tượng còn huy động nhiều người đến chửi bới, đe dọa, đập phá xe của lực lượng CSGT. Trước thái độ hung hãn, manh động của đối tượng này, Đội CSGT số 4 đã phải phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát 113 Công an phường Lê Đại Hành phối hợp xử lý.
Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên xe máy. Ảnh: Anh Tuấn- TTXVN
Còn vô vàn những lý do khôi hài khác mà các đối tượng vi phạm viện dẫn khi bị bắt giữ vì không đội MBH. Theo Đội CSGT số 2, chốt trực tại ngã tư Hùng Vương – Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), nhiều đối tượng khi bị bắt tỏ ra bức xúc khi bị xử phạt, nhưng sau khi được CSGT giải thích rõ thì đa số đều chấp hành. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm đều đưa ra nhiều lý do biện minh cho hành động của mình như: Trời nóng, không muốn đội MBH, cởi MBH ra cho mát, quên đội MBH, đi quãng đường ngắn nên không đội MBH, vội quá nên quên… Có những trường hợp không đội MBH bị phát hiện, biết rõ mình vi phạm nên đã bỏ chạy và vi phạm thêm các lỗi vượt đèn đỏ, đâm thẳng vào người đi đường… Cho đến lúc đó thì tổng số tiền nộp phạt của đối tượng này đã lên tới gần 3 triệu đồng lại bị giữ giấy phép lái xe 30 ngày. Mặc dù các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo luật định, nhưng vi phạm không đội MBH vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm.
Tăng nặng mức xử phạt để răn đe
Trời Hà Nội vào hè đang trở nên nóng nực và khắc nghiệt hơn, khiến số lượng người tham gia giao thông không đội MBH, vi phạm Luật GTĐB tăng cao. Nhằm hạn chế số vụ vi phạm và thực hiện kế hoạch số 36/KH-PC67 (ngày 6/6/2011) của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội về tăng cường xử lý vi phạm Luật GTĐB, lực lượng CSGT Hà Nội đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xử lý, trong đó sẽ tập trung xử lý các đối tượng thanh, thiếu niên điều khiển xe gắn máy vi phạm Luật GTĐB trên các tuyến phố trung tâm của Thủ đô.
Theo đó, từ nay đến hết tháng 7/2011, không chỉ tập trung xử phạt lỗi không đội MBH, lực lượng CSGT các đội sẽ kết hợp xử phạt lỗi chở quá số người quy định, không gắn biển kiểm soát, đeo biển giả, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, lạng lách đánh võng… Mỗi đội CSGT sẽ chia thành nhiều nhóm, được trang bị 2 xe mô tô 250 phân khối, 2 xe tải, mỗi CSGT được trang bị đủ bộ đàm, súng bắn đạn cao su, gậy điện, còng số 8 và sẽ thay phiên tuần tra lưu động trên địa bàn chốt trực thuộc phạm vi phụ trách để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Có thể thấy các hành vi vi phạm như: Không đội MBH phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, đe dọa, lăng mạ và hành hung CSGT… là những hành vi nghiêm trọng và trở thành khó khăn không nhỏ mà lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường phải đối mặt. Mặc dù theo quan điểm của nhiều chiến sỹ CSGT là trong mọi tình huống đều phải xử lý quyết liệt, đúng luật, nhưng do mức xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên các đối tượng vi phạm tỏ ra nhờn luật. Thực tế này cho thấy cần phải tăng nặng thêm nữa mức xử phạt. Bên cạnh đó, việc đi xe gắn máy đắt tiền nhưng không đội MBH đang được coi là “mốt” với những thanh thiếu niên kém ý thức; nếu không có những biện pháp xử lý mạnh tay, dễ tạo thành những phản ứng dây chuyền, lâu dài, ảnh hưởng tới công tác tuyên truyền văn hóa giao thông, thực hiện các quyết sách của Chính phủ, của thành phố về an toàn giao thông.
Tại cuộc họp sơ kết tháng 5/2001 về tăng cường xử lý người ngồi sau xe gắn máy không đội MBH, Phòng CSGT Hà Nội cũng cho biết đã gửi gần 10.000 thông báo thanh thiếu niên là học sinh, sinh viên các trường học tại Hà Nội vi phạm Luật GTĐB về các xã, phường, trường, song đến nay mới chỉ nhận được hơn 100 phản hồi phối hợp xử lý để răn đe. Thực tế này cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc xử lý vi phạm về giao thông đối với thanh, thiếu niên hiện nay trở nên khó khăn. Trật tự an toàn giao thông luôn là vấn đề nóng bỏng, được nhiều người, nhiều cấp ngành quan tâm, việc duy trì giao thông thông suốt là trách nhiệm lớn của lực lượng CSGT, song ý thức của người tham gia giao thông và sự phối hợp của chính quyền các cấp, các ban, ngành chức năng, từ nhà trường đến xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông và giữ gìn kỷ cương pháp luật.
>>Ý KIẾN:
Kiên quyết xử lý theo đúng luật định
Trung tá Vũ Văn Ngoại, Đội phó Đội CSGT số 4 cho biết: Trước khi các chiến sỹ CSGT lên đường làm nhiệm vụ, chỉ huy đơn vị đều quán triệt làm đúng, làm nghiêm và xử lý chính xác lỗi của người vi phạm với thái độ hòa nhã, văn minh lịch sự. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp vi phạm hiện nay đều có thái độ chống đối lực lượng chức năng. Với những trường hợp này, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng luật định. Thời gian tới, việc tuần tra, xử phạt sẽ được áp dụng cho đến 22 giờ đêm, lực lượng CSGT sẽ phối kết hợp với các lực lượng cảnh sát cơ động, công an các quận, huyện, xã, phường, tập trung các biện pháp phòng chống và xử lý vi phạm.
Xử lý nghiêm sẽ giúp kiềm chế tai nạn giao thông
Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội CSGT số 3 cho biết: Triển khai kế hoạch số 36/KH-PC67 (ngày 6/6/2011) của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội về tăng cường xử lý vi phạm Luật GTĐB, các chiến sỹ CSGT đội 3 đã kết hợp và huy động các lực lượng khác của công an thành phố xử lý nghiêm tình trạng vi phạm không đội MBH tập trung vào các đối tượng thanh, thiếu niên. Điều này sẽ giúp kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, nhất là tạo ra tính răn đe đối với các đối tượng khác.
Nhóm đối tượng vi phạm gây nhiều bức xúc nhất là những thanh thiếu niên “đầu trần”
Trung tá Hà Văn Tuân, Đội phó Đội CSGT số 1 cho biết: Việc lực lượng CSGT thành lập các tổ tuần tra lưu động kết hợp với chốt chặn cố định, nhằm xử lý kiên quyết những trường hợp thanh, thiếu niên cố tình vi phạm Luật GTĐB. Những đối tượng “đầu trần” này thời gian qua gây nhiều bức xúc trong dư luận. Không chỉ không đội MBH khi đi xe gắn máy, mà những đối tượng này còn chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt đèn đỏ, tụ tập đua xe… Việc tập trung xử lý kiên quyết nhóm đối tượng này sẽ hạn chế được tình trạng “dễ làm, khó bỏ” hiện nay.
Theo baotintuc