Giá sách giáo khoa tăng, nhiều thầy cô giáo vùng cao lo lắng
Nhiều thầy cô giáo vùng cao bày tỏ sự lo lắng khi giá sách giáo khoa tăng cao khiến các em học sinh vùng khó sẽ ngày càng khó khăn khi đến trường.
Các nhà xuất bản đã công bố mức giá cho các bộ sách, tuy nhiên mức giá sách giáo khoa mới tăng 3 đến 4 lần so với giá sách hiện hành, điều này khiến các thầy cô cũng như phụ huynh ở vùng cao e ngại.
Nhiều thầy cô lo lắng học sinh ở vùng cao không đủ tiền mua sách, nhất là trong tình hình dịch bệnh vừa qua, để đến trường học các em học sinh trên này cần phải cố gắng rất nhiều.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cô Bùi Thị Thơm giáo viên dạy trường Phổ thông dân tộc bán trú Nàn Xỉn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, cho biết đối với việc sách giáo khoa tăng giá đây là một bài toán khó đối với học sinh vùng cao.
Giờ thể dục ở trường Trung học cơ sở bán trú Nàn Xỉn. Ảnh: minh họa: Lê Vân/Báo Biên phòng
Tuy rằng cũng sẽ có một số gia đình học sinh cố gắng mua đủ sách cho con mình, cũng có học sinh được nhà nước hỗ trợ mua sách cho học sinh, nhưng nhìn chung đa phần học sinh sẽ khó khăn ở vấn đề sách tăng giá.
Cô Thơm băn khoăn: “Giá sách tăng mà giáo viên đòi hỏi học sinh phải có đầy đủ bộ sách, chúng tôi đang lo học sinh sẽ bị áp lực học tập dẫn đến việc không đảm bảo duy trì sĩ số đối với học sinh vùng sâu vùng xa”.
Cô Thơm cũng cho rằng, việc sách giáo khoa tăng giá cũng có nguyên nhân chính đáng của nhà xuất bản, nên các giáo viên sẽ cần khắc phục việc mua sách giáo khoa cho học sinh vùng cao bằng nhiều cách khác nhau.
“Đa số học sinh trên vùng cao ở bán trú tại trường nên sẽ để học sinh dùng chung một bộ sách, hoặc sau khi kết thúc năm học trường sẽ xin lại sách để cho khóa sau học, khoảng 40% học sinh sẽ đồng ý để lại sách cho nhà trường.
Nhưng đấy chỉ là giải pháp tạm thời bởi sẽ có lúc không xin được sách, học sinh cũng không để lại sách giáo khoa cho nhà trường, vậy nên vẫn phải xin nhà xuất bản thực hiện giảm giá sách đối với học sinh vùng sâu vùng xa”, cô Thơm cho biết.
Video đang HOT
Thầy Trần Văn Minh (Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Mai Châu B, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) cũng cho rằng, sách giáo khoa tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của học sinh, bởi trên vùng cao thường hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều trường hợp nhà trường phải hỗ trợ suốt cả 3 năm học.
“Học sinh ở vùng 135 tuy được cấp tiền và gạo, thế nhưng nhắc đến mua sách vở hay đồ dùng phục vụ cho học tập, nhiều gia đình vẫn còn băn khoăn vì chưa đủ tài chính, bởi có những gia đình bố, mẹ đi làm ăn xa, không có thời gian quan tâm đến con, trường đã tạo điều kiện đi xin sách giáo khoa cũ ở các địa phương mấy năm để phục vụ cho học tập.
Đã nhiều năm nay trường đều thu mua lại sách của các tỉnh, hoặc xin lại sách cũ để phục vụ cho học sinh của trường”, thầy Minh nói.
Nhiều thầy cô giáo lo lắng khi học sinh vùng cao đến trường thiếu sách vì giá cao, chính sách cắt giảm. Ảnh: LC
Cũng chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc giá sách tăng cao, cô Lương Thị Ngọc (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cho rằng, vấn đề sách giáo khoa tăng giá là điều không thuận lợi cho học sinh vùng cao, cũng như quá trình thuyết phục phụ huynh trên vùng cao mua sách tăng giá sẽ gặp trở ngại, vì nguồn kinh phí của họ không đủ cung ứng.
“Học sinh vùng cao, các em cũng được hỗ trợ chi phí học tập, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình học sinh có thể dùng tiền đấy vào các mục đích khác nên khi mua sách giáo khoa nguồn chi phí không còn đủ.
Phụ huynh thường sẽ không thể bỏ ra một khoản tiền ngay từ đầu năm học để có thể trang bị đầy đồ dùng học tập, họ còn phải cân nhắc rất nhiều, bởi nhiều khi cơm ăn còn chưa đủ nên tiền học phí họ sẽ đắn đo rất lâu”, cô Ngọc nói.
Cô Ngọc cho biết thêm, hiện tại trong khi chờ giá sách khoa cụ thể trường sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động, để các nhà tài trợ sẽ giúp đỡ các học sinh vùng cao có hoàn cảnh khó khăn, cũng như xin lại sách giáo khoa của các khóa trước để lại cho các lớp học sau.
“Trước mắt Trường Trung học Phổ thông Mèo Vạc sẽ tập hợp lại số liệu, rà soát xem bao nhiêu học sinh đã có, và chưa có sách giáo khoa, dựa trên cơ sở đấy nhà trường sẽ tìm các nguồn cung ứng để hỗ trợ cho học sinh, cũng như định hướng cho phụ huynh sử dụng đúng với số tiền hỗ trợ chi phí học tập của nhà nước để đảm bảo cho học sinh có đủ sách giáo khoa ngay từ đầu năm học.
Cũng có một số phụ huynh có thể tự đặt sách giáo khoa, tuy nhiên nếu đặt sách qua nhà trường sẽ thuận lợi hơn trong vấn đề tìm nguồn cung ứng sách giáo khoa uy tín, bởi trường lo sợ phụ huynh sẽ mua phải sách hàng giả, hàng nhái, tuy nhiên trường cũng sẽ giới thiệu cho phụ huynh nguồn mua sách giáo khoa để họ có thể tự mình mua sách cho con của mình.
Trường mong muốn sách giáo khoa sẽ được giảm giá hoặc được trợ giá đối với học sinh vùng cao, để học sinh có đầy đủ sách giáo khoa vào đầu năm học, cũng như đầu năm nay học sinh lớp 10 sẽ theo chương trình giáo dục phổ thông mới trường mong muốn được biết giá sách sớm để điều chỉnh cũng như thông báo đến phụ huynh sớm hơn”, cô Ngọc chia sẻ.
Giá sách giáo khoa mới cao gấp 2-3 lần do đâu?
Bắt đầu từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 cả nước sẽ học sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ban hành năm 2018.
Theo công bố của các nhà xuất bản, giá SGK mới ở các lớp này đều cao hơn khoảng 2-3 lần so với SGK hiện hành theo chương trình cũ tùy từng bộ. Trước đó, học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo chương trình GDPT mới từ năm học 2021-2022 cũng đều phải mua SGK mới cao hơn 2-3 lần so với chương trình cũ. Vì sao giá SGK mới lại cao hơn đã và đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm tại thời điểm này.
Theo công bố của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam mới đây, bộ SGK lớp 3 theo chương trình GDPT mới có giá bìa 177.000 - 183.000 đồng/bộ (12 đầu sách, chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ SGK lớp 7 có giá bán 208.000 - 209.000 đồng/bộ (13 đầu sách, chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ SGK lớp 10 có giá bán 246.000 - 301.000 đồng/bộ (tùy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn).
Ghi nhận thời điểm hiện tại, một bộ SGK lớp 3 hiện hành theo chương trình cũ có giá bán khoảng 58.000 đồng. Như vậy, bộ SGK lớp 3 mới cao hơn khoảng 3 lần, chưa kể sách Tiếng Anh. Tương tự, bộ SGK lớp 7 hiện hành có giá bán là 134.000 đồng trong khi đó bộ SGK lớp 7 mới có giá từ 208.000 đến 209.000 đồng. Nếu tính cả sách tiếng Anh (chưa công bố giá), số tiền có thể cao hơn khoảng hai lần so với SGK hiện hành.
Với lớp 10, giá một bộ SGK mới từ 246.000 đến 301.000 đồng, tùy thuộc tổ hợp môn học. Mức này bao gồm tổng giá bìa của 5 trong số 7 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập. Trong khi đó, giá bộ SGK cũ là 164.000 đồng, tức SGK mới cũng cao hơn khoảng 2 lần.
Nhiều bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới có giá cao hơn từ 2-3 lần so với sách giáo khoa hiện hành. Ảnh minh họa.
Giải đáp băn khoăn của dư luận về việc tăng giá SGK mới, ông Hoàng Lê Bách - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục cho biết: Việc so sánh giá của các bộ SGK theo chương trình GDPT mới với bộ SGK hiện hành là không tương đồng, do khâu biên soạn, xuất bản một bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây.
Theo lý giải của ông Hoàng Lê Bách, về nguồn vốn, việc tổ chức biên soạn, xuất bản SGK được thực hiện bằng nguồn vốn do doanh nghiệp tự đầu tư, thu xếp và vay ngân hàng. Còn đối với SGK hiện hành (cũ), toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo được chi trả bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới, NXB Giáo dục chỉ đảm nhiệm chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản.
Chi phí tổ chức bản thảo SGK hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức bản thảo SGK mới. Thứ hai, chi phí nhuận bút đối với SGK mới cao hơn so với SGK hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để tìm kiếm và giữ chân các tác giả giỏi. Thứ ba, về quy cách chất lượng sách, SGK mới có khổ 19 x 26,5cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành (17x24cm).
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, SGK cần thay đổi theo hướng tăng cường kênh hình, hình ảnh hóa nội dung... Do đó, đơn giá công in đã bị tăng lên 23% so với SGK hiện hành. Ngoài ra, khi thực hiện biên soạn sách theo chương trình mới, các đơn vị xuất bản phải đáp ứng nhiều yêu cầu cao hơn so với trước đây.
Trong khi đó, với bối cảnh nhiều đơn vị cùng xuất bản sách, số lượng bản SGK ở mỗi tên sách của một đơn vị xuất bản sẽ giảm so với thời kỳ trước. Các chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản SGK sẽ cao hơn. Khi nhiều NXB cùng tham gia xuất bản SGK, phải cạnh tranh cũng sẽ kéo theo việc tăng chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như giới thiệu, cung cấp sách mẫu, truyền thông...
Còn theo đại diện NXB Đại học Sư phạm, SGK mới được lựa chọn sử dụng giấy tốt, chống lóa. Sách được in đẹp, nhiều hình ảnh, tranh vẽ hấp dẫn phù hợp với tâm lý học sinh. Sách cũng có những điều chỉnh về kích cỡ, về số trang. Bên cạnh SGK giấy, học sinh còn được thực hành, trải nghiệm trên những cuốn SGK điện tử, có điều kiện tương tác, trau dồi kiến thức, kỹ năng trên môi trường kỹ thuật số. Đây cũng là chi phí được tính vào giá SGK...
Ngoài các yếu tố "đầu vào" tăng như lý giải của các NXB, theo tìm hiểu của chúng tôi, còn một yếu tố khiến giá SGK mới bị đội lên là do tăng số lượng đầu sách bắt buộc so với trước đây. Đơn cử như đối với bộ SGK lớp 1 theo chương trình GDPT mới, ngoài 3 môn là Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội còn có thêm nhiều môn khác như Đạo đức, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm.
Tương tự với bộ SGK lớp 3, nếu như các năm học trước, học sinh chỉ cần mua 6 cuốn bắt buộc thì từ năm học 2022-2023, khi học theo chương trình GDPT mới, các em phải mua ít nhất 14 cuốn. Trong số này có thể kể đến một số cuốn mới như Tin học, Tiếng Anh, hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể chất.
Ngoài ra, nếu như sách hiện hành môn Toán chỉ có 1 tập thì sách mới chia thành 2 tập, đồng nghĩa với việc phụ huynh phải bỏ ra gấp đôi số tiền cho một môn học, chưa kể giá mỗi cuốn đều cao hơn rất nhiều so với hiện hành... Đối với SGK lớp 10 theo chương trình GDPT mới, áp dụng từ năm học 2022-2023 cũng sẽ có thêm một số đầu SGK mới như giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp...
Nhiều phụ huynh cho rằng, đối với các môn học, hoạt động có tính thực hành cao như giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chỉ cần có sách hướng dẫn của giáo viên là đủ, không cần SGK riêng cho học sinh. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT và các nhà biên soạn chương trình vẫn giữ quan điểm đã là môn học bắt buộc thì phải có SGK. Và đây cũng là một trong những nhân tố khiến giá các bộ SGK theo chương trình mới cao hơn so với SGK theo chương trình hiện hành.
Dù rằng trên thực tế các loại SGK này phụ huynh nào cũng phải mua song không phải học sinh nào cũng có thể sử dụng. Đơn cử như đối với học sinh lớp 1 học chương trình GDPT mới từ năm học 2021-2022, 2 cuốn SGK môn giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm ít khi được dùng đến vì vào thời điểm đầu năm học, hầu hết học sinh lớp 1 đều chưa biết đọc.
Thực tế cho thấy, SGK là mặt hàng thiết yếu nên việc tăng giá sách sẽ tác động không nhỏ đến đông đảo người dân, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Với chủ trương xã hội hóa SGK, các NXB, công ty sẽ tự bỏ toàn bộ chi phí, tự tổ chức từ bản thảo sách, in ấn, phát hành, giới thiệu, quảng bá và không dùng ngân sách nhà nước, do vậy, họ không thể bán SGK dưới giá thành.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có cơ chế giám sát, đặc biệt là trong quá trình doanh nghiệp kê khai giá. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét việc xã hội hóa SGK cần thực hiện ở tất cả các khâu hay chỉ xã hội hóa ở một số khâu nào đó để đảm bảo giá SGK phù hợp đối với mọi gia đình.
Thiếu nhiều GV Tiếng Anh, Tin học, nguy cơ thầy cô phải dạy 2-3 trường cùng lúc Nhiều trường Tiểu học ở vùng cao đang gặp khó khăn trong công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học trong năm học 2022 - 2023. Theo kế hoạch, năm học 2022 - 2023, môn Tiếng Anh, Tin học sẽ tổ chức dạy học bắt buộc từ lớp 3 trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Do...