Già làng làm du lịch
Thời trai trẻ xông pha đánh giặc, đến tuổi xế chiều, già Brôl Vẻ thích làm du lịch, thích dạy cho bọn trẻ biết nhiều bài hát, điệu khèn, tiếng sáo, cồng chiêng… để giữ gìn bản sắc văn hóa của người Jẻ – Triêng.
Đã qua tuổi 70 nhưng già Brôl Vẻ (làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) trông trẻ trung, thân hình lực lưỡng. Đầu điểm bạc mà đôi mắt ông vẫn tinh anh, đôi tay thoăn thoắt, giọng hát mượt mà.
Già Brôl bảo: “Già hay đàn hay hát là vì quá đam mê, còn sống ngày nào thì vẫn đàn hát ngày đó. Già làm du lịch chỉ để nhiều người biết đến văn hóa của đồng bào Jẻ-Triêng hơn”.
Già Brôl biểu diễn đàn tại nhà
Mỗi năm có hàng chục đoàn du lịch trong, ngoài nước ghé thăm làng Đắk Răng, và nhà Brôl Vẻ là một điểm đến quen thuộc. Trong căn nhà nhỏ, hàng chục vật dụng như: gùi, ché, nỏ, cồng chiêng, đàn, sáo… được ông trưng bày ngăn nắp. Hễ khách có nhu cầu, già Brôl biểu diễn phục vụ ngay tại nhà và dẫn khách đi tham quan khắp làng.
Không chỉ được nghe đàn, hát, du khách còn được ông hướng dẫn tận tình về đặc trưng từng loại hiện vật, nhạc cụ. Sáo Ta Lêh dùng để giữ rẫy khỏi thú rừng, chuột; khèn, bin-lang (đàn bầu) dùng trong các dịp hát giao duyên; cồng chiêng dùng trong lễ hội lớn… Ông đã chế tác được 13 nhạc cụ như đâl đo, ta lêh, ta lul, binpul, chà kịt, ang en, gar, bin ne… Mỗi loại đều phát ra âm sắc độc đáo.
Già Brôl nói: “Già sử dụng thành thạo được 15 loại nhạc cụ khác nhau. Khách du lịch đến đây thấy già biểu diễn ai cũng mê, nể phục. Để giữ gìn bản sắc, già đã mở nhiều lớp dạy chế tác nhạc cụ, thổi sáo, đánh chiêng… cho thanh niên trong làng theo học. Già đã 3 lần ra Hà Nội và 1 lần vào TPHCM để biểu diễn trong các lễ hội lớn”.
Mai một nhiều nét văn hóa
Video đang HOT
Già Brôl kể, năm 19 tuổi, ông đã biết chơi và chế tác các loại sáo; đàn, nhờ tài đàn hay, hát giỏi nên “tán gái” dễ dàng, được đi “ngủ thăm” với nhiều sơn nữ. Thời chiến tranh ác liệt, Brôl Vẻ tham gia cách mạng, đi bộ đội ở xã Đắk Pét, Đắk Sút (huyện Đắk Glêi, được giao nhiệm vụ vót chông, làm nỏ, rồi được đơn vị tin tưởng giao cầm súng AK và tham gia nhiều trận phục kích. Già Brôl luôn tự hào vì đã tự tay “bắn chết 3 thằng giặc”.
Già Brôl kể: “Hồi xưa, con gái trong làng đến tuổi 18 – 30 thì được gia đình dựng cho một căn nhà riêng, hằng đêm, nếu cô gái thích chàng trai nào thì hẹn hò nhau ở nhà rông của làng để tìm hiểu, rồi mời “ngủ thăm”. Ngủ thăm là nằm ôm nhau tâm sự, rồi… ngủ thôi chứ không làm gì. Nếu vi phạm sẽ bị làng phạt nặng, bắt phải nộp trâu, bò và bị vẩy máu heo lên người, giải xui cho làng”.
Giờ tục ngủ thăm không còn nữa, nhiều phong tục truyền thống khác cũng bị lãng quên. Lũ trẻ suốt ngày chỉ khoái tivi, điện thoại. “Tôi từng làm thôn đội trưởng, xã đội, phó bí thư và giờ là già làng, người có uy tín trong xã, nhưng lời nói của mình nhiều thanh niên vẫn không chịu nghe.
Chúng nó hay đánh nhau, nam nữ “ăn cơm trước kẻng” không còn là chuyện hiếm thấy. Nhiều phong tục của làng không còn nữa. Các bài hát Ret nig (đám cưới), A hay ơi (hát nhớ nhau), Tang brai (dệt vải)… chỉ còn vài người biết”, già Brôl chia sẻ.
Dù được nhận kỷ niệm chương vì có nhiều đóng góp cho văn hóa du lịch ở địa phương, nhưng già Brôl luôn bùi ngùi, trăn trở. “Giờ mình già rồi, chỉ muốn truyền dạy tất cả những gì mình biết, học được cho thế hệ trẻ. Lỡ mình không còn nữa thì buôn làng vẫn có người biết, truyền dạy lại cho mai sau”, già Brôl nói, ánh mắt xa xăm.
Chị Y Hồng, Phó Chủ tịch xã Đắk Dục, cho biết, trong xã giờ chỉ còn 2 nghệ nhân dân gian, trong đó ông Brôl Vẻ là người có nhiều đóng góp cho địa phương.
Theo Lê Kiến (Tiền Phong)
Khai quật hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh
Ngày 18.3, đại diện Cơ quan tìm kiếm người mất tích Việt Nam (VNOSMP) và đại diện Văn phòng MIA Mỹ tại Hà Nội (DET2) đã tổ chức chuyến thăm và kiểm tra hiện trường khai quật người Mỹ mất tích trong chiến tranh tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Đại tá Đào Xuân Kính, Phó giám đốc VNOSMP cho biết, hiện trường khai quật tại triền núi thuộc xã Đak Dục, huyện Ngọc Hồi được tổ chức theo mô hình VRT là sáng kiến của phía Việt Nam.
Mô hình này đã giúp phía Mỹ tìm kiếm thành công nhiều vụ mất tích nơi địa hình khó khăn, phức tạp và được phía bạn đánh giá cao.
Tại hiện trường, trung tá Gregory Jones, Phó văn phòng DET2 tỏ ra rất hài lòng với cách làm việc của đội tìm kiếm. Khác với trước đây, đội tìm kiếm hiện nay chỉ có số ít là chuyên gia và giám sát người Mỹ, còn đa phần là người Việt Nam.
Trung tá Gregory Jones đánh giá cao sự hợp tác của phía Việt Nam, trong đó có cả chính quyền và người dân bản địa.
Đại tá Đào Xuân Kính cho biết, đợt hoạt động hỗn hợp Việt - Mỹ lần thứ 114 được tiến hành từ ngày 17.2 đến 2.4 với 4 đội khai quật tại 5 tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Khánh Hòa, Gia Lai và Kon Tum.
Được biết, sau đợt tìm kiếm này, đầu tháng 4.2014 sẽ có một đợt hồi hương hài cốt các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Sân bay Đà Nẵng.
Sau khi xác định địa điểm, đội tìm kiếm tiến hành đào đất theo hướng dẫn của một chuyên gia nhân chủng học người Mỹ
Đất được vận chuyển trong thùng đến chỗ sàng lọc để tìm
Tiến hành sàng từng xô đất
Đại tá Đào Xuân Kính (bìa phải), trung tá Gregory Jones (bìa trái) theo dõi việc tìm kiếm
Chuyên gia người Mỹ (trái) đang trao đổi công việc với đại tá Đào Xuân Kính
Trung tá Gregory Jones (bìa trái) đang trao đổi với các cộng sự
Bữa cơm trưa trong lán
Theo TNO
Khánh thành đường tại Lào do Việt Nam tài trợ 50 tỉ đồng Sáng 5.7, tại cửa khẩu Phu Cưa, tỉnh A Pư (Lào) diễn ra lễ khánh thành dự án xây dựng đoạn đường nối mốc 790 đến Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Phu Cưa. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) phát biểu tại lễ khánh thành - Ảnh: Khoa Điềm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn...