Gia Lai: Thừa cán bộ quản lý, thiếu giáo viên đứng lớp
Trong năm học 2018-2019, tỉnh Gia Lai đã thực hiện việc dồn lớp, sáp nhập các trường lại với nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và giảng dạy. Nhưng sau khi sáp nhập, một số trường dôi dư cán bộ quản lý, có những trường có 4-5 phó hiệu trưởng. Trong khi đó, các giáo viên mầm non, tiểu học đang thiếu trầm trọng.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 19, tỉnh Gia Lai đã triển khai giảm được 56 trường và 190 điểm trường, 433 lớp học. Sau khi dồn trường, ghép lớp đã xảy ra tình trạng thừa rất nhiều cán bộ quản lý, đặc biệt có trường hiện đang có 4-5 phó hiệu trưởng.
Theo quy định, các phó hiệu trưởng này sẽ vẫn được giữ phụ cấp chức vụ cho đến hết nhiệm kỳ đã được bổ nhiệm và không đề cập đến việc giữ lại chức danh cho những trường hợp này. Điều này đã khiến các địa phương khá lúng túng trong việc điều động số cán bộ đang là phó hiệu trưởng dôi dư tại các trường mới sáp nhập xuống làm giáo viên đứng lớp hay vẫn giữ chức vụ quản lý.
Ghi nhận tại trường trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Ia Sao, huyện Ia Grai). Ngay từ đầu năm học, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và Trường Tiểu học Phan Chu Trinh trên cùng địa bàn và được sáp nhập vào làm một. Số học sinh sau khi được sáp nhập là hơn 760 em/28 lớp. Hiện nay, nhà trường đang có 1 hiệu trưởng và 4 phó hiệu trưởng.
Do thiếu giáo viên nên các giáo viên người được phân công dạy tăng giờ, một số môn học chức năng không thể dạy. Trong khi đó, nhiều trường lại đang thừa cán bộ quản lý
Ông Đặng Đình Lực, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: “Trước đây, nhà trường có 2 phó hiệu trưởng. Sau khi sáp nhập, hiện nay, nhà trường đang dư ra 2 phó hiệu trưởng. Nhà trường cũng đã phân công các phó hiệu trưởng phụ trách quản lý các điểm trường. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, các điểm trường phụ cách điểm chính xa nhất là 10km và có 3 lớp học, hiện nhà trường có 5 cụm trường. Hiện số phó dôi dư được giao quản lý một điểm trường…”.
Được sáp nhập từ các Trường Tiểu học Lê Văn Tám và Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Hiện nay, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Ia Grai) đang có 5 phó hiệu trưởng. Toàn trường có gần 900 học sinh/33 lớp, hơn 30 giáo viên giảng dạy ở 5 điểm trường, điểm trường xa nhất cách điểm chính 4km. Với việc dôi dư 5 phó hiệu trưởng, nhà trường được phân công cụ thể gồm: 3 người phụ trách chuyên môn; 1 người phụ trách quản lý cơ sở vật chất, hồ sơ; 1 người quản lý phong trào thi đua.
Video đang HOT
Nhiều trường vùng sâu đang thiếu giáo viên (ảnh minh họa)
Cô Nguyễn Thị Soa (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản) cho biết: “Trường cũ có 2 phó. Thêm trường nhập vào có 2 phó và hiệu trưởng nữa nên hiện nay có 5 phó hiệu trưởng. Như vậy, phụ trách chuyên môn có 2 người. Một người phụ trách chính, một người phụ trách điểm trường chính. Chủ trương của Huyện Ia Grai là giữ lại toàn bộ lãnh đạo 2 trường cho đến khi các phòng, ban khác có cán bộ quản lý nghỉ hưu sẽ sắp xếp các phó hiệu trưởng này về đó nhận công tác…”.
Trao đổi về việc dôi dư cán bộ quản lý trong ngành giáo dục trước thực trạng thiếu giáo viên trầm trọng tại một số địa phương nhất là bậc tiểu học và mầm non, ông Phạm Văn Đại – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ia Grai giải thích: “Theo quy định nếu trường học nào có 6 điểm trường trở lên sẽ được thêm 1 phó hiệu trưởng. Như vậy, một số trường sẽ chỉ thừa 1 -2 phó hiệu trưởng. Số này sẽ được phân công thực hiện chuyên môn, đợi sắp xếp công tác…”.
Ông Phạm Văn Căn, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, khi đơn vị sáp nhập, phó hiệu trưởng có thể bị điều động xuống làm giáo viên đứng lớp. Các trường hợp cố tình vi phạm, về phía Sở sẽ có biện pháp đưa về đúng vị trí việc làm và xem xét xử lý theo quy định.
Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cũng đồng thuận với ý kiến của Sở GD-ĐT, các trường hợp phó hiệu trưởng chưa sắp xếp được vị trí việc làm phù hợp sau khi sáp nhập, Sở sẽ rà soát lại nhân sự và có biện pháp xử lý theo đúng quy định. Ngay tại thời điểm này vẫn sẽ để các cán bộ quản lý nhận phụ cấp chức vụ như cũ cho đến hết nhiệm kỳ. Còn chức danh nhiệm vụ có thể thay đổi theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, tại địa phương vẫn đang thiếu gần 2.000 giáo viên theo định mức của Bộ GD-ĐT. Vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã cho phép tuyển thêm 745 biên chế, đồng thời chỉ thị một số ngành chuyển một lượng biên chế cho ngành giáo dục. Nếu giải quyết được thực trạng dôi dư các chức danh phó hiệu trưởng ở một số huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngành giáo dục tỉnh này sẽ tiết kiệm được hàng trăm nhân sự trong tình hình thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay.
Phạm Hoàng
Theo Dân trí
Gia Lai: Thực hiện dồn lớp, ghép trường trên vùng cao: Cần có lộ trình
Từ đầu năm học 2018-2019, tỉnh Gia Lai đã thực hiện việc dồn lớp, sáp nhập các trường lại với nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và giảng dạy. Với việc thực hiện này, tỉnh Gia Lai đã giảm được 56 trường học theo tinh thần Nghị Quyết 19. Tuy nhiên việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong việc điều chuyển cán bộ, cơ sở vật chất và đi lại của học sinh.
Ông Phạm Văn Căn - Chánh văn phòng, Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho biết: "Ngay từ cuối năm học 2017-2018, Sở đã phối hợp cùng với UBND huyện, thị và các Phòng Giáo dục để triển khai sắp xếp lại trường, lớp theo tinh thần Nghị quyết số 19. Theo đó, hiện nay tỉnh Gia Lai đã triển khai giảm được 56 trường và 190 điểm trường, 433 lớp học".
Cụ thể, trong năm học 2018-2019, TP. Pleiku đã tiến hành sáp nhập 8 trường học. Sau khi sáp nhập, đã có 20 cán bộ quản lý, nhân viên dôi dư được đơn vị điều chuyển về các đơn vị trường học khác trên địa bàn thành phố. Đối với cán bộ quản lý thì sắp xếp, thực hiện điều chuyển về các trường phù hợp để yên tâm công tác.
Một điểm trường thuộc xã Lơ Pang (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) vẫn đang nằm cheo leo trên đỉnh núi Bờ Yầu.
Tại huyện biên giới Đức Cơ đã sát nhập được 3 trường (2 trường tiểu học và 1 trường THCS), giảm được 3 trường; 39 lớp. Công tác dồn lớp, sát nhập các trường này đã giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên từ 112 xuống còn 54 giáo viên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nhật Trường - Phó Phòng GD-ĐT huyện Đức Cơ cho hay: "Việc ghép trường, lớp được triển khai đã giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, giảng dạy ở những trường học có địa hình khó khăn. Qua đó, đồng nhất chương trình giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao".
Cảnh những thầy cô giáo "băng rừng" cõng chữ lên điểm trường B Yầu
"Tuy nhiên với địa hình vùng cao lại có khoảng cách giữa các làng, xã khá xa, dẫn đến học sinh đến trường xa, khó khăn hơn. Từ đó, công các duy trì sĩ số cũng khó khăn hơn. Cơ sở vật chất tại các điểm trường chính cũng quá tải, ngược lại vật chất ở trường lẻ lại dôi dư, lãng phí. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sẽ dư thừa. Hiện huyện đã giải quyết những khó khăn trên bằng cách điều giáo viên thừa đến nơi thiếu, nhưng vẫn còn 3 đến 4 cán bộ quản lý vẫn chưa sắp xếp được công việc. Chính vì vậy, việc thực hiện dồn trường, lớp này được huyện thực hiện có lộ trình, không ồ ạt, chạy đua...", ông Trường cho biết thêm.
Các thầy giáo vùng cao đi vận động học sinh đến trường
Trường PTDTBT Tiểu học Hà Đông (huyện Đăk Đoa) là một trong những trường nằm ở khu vực hiểm trở, được mệnh danh như "ốc đảo" Hà Đông. Hiện nay, trường có 880 học sinh, tất cả đều là con em người đồng bào dân tộc thiểu số người Banar. Cũng vì vậy, mà đời sống kinh tế của bà con khó khăn, trình độ dân trí thấp nên dường như mọi việc học tập đều phó mặc cho các thầy cô nơi đây.
Thầy Đỗ Thiện Úy - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hà Đông cho biết: "Năm học 2017-2018 nhà trường đã đưa học sinh khối lớp 4, lớp 5 của 5 điểm trường và học sinh lớp 3 thuộc phân hiệu Kon Nak về học tại trường chính. Đầu năm học này, trường đã tiếp 30 em học sinh từ điểm trường làng về trường chính. Dự kiến sang đầu học kì 2, nhà trường được nhận bàn giao 4 phòng học thì sẽ đưa tất cả số học sinh tại phân hiệu Kon Nak lên học tại trường chính. Còn 4 điểm trường khác sẽ chuyển dần vào các năm học sắp tới, nhưng lộ trình đến năm 2021 sẽ hoàn thành...".
"Chính sách như vậy thì quá tốt cho học sinh. Nhưng các anh tính xem, trường có 880 em học sinh mà trường chính thì chỉ có 6 phòng, nếu tính đang xây thêm 4 phòng nữa là 10 phòng học. Mỗi lớp học khoảng trên 30 em thì chúng tôi còn thiếu hơn 10 phòng học nữa mới đáp ứng được việc học cho các em. Nhưng còn việc ăn, ở nội trú nữa thì thiếu trầm trọng nên việc ghép lớp đang triển khai cần có lộ trình. Hiện chúng tôi cũng đang cố gắng hoàn thiện vật chất để chuyển dần các em từ điểm trường lên trường chính học", thầy Úy cho biết thêm.
Phạm Hoàng
Theo Dân trí
Quảng Ngãi: Khắc phục tình trạng một lớp học chỉ có vài học sinh Năm học 2018 - 2019, huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) không còn nỗi lo thiếu giáo viên vì ngành Giáo dục đã mạnh dạn sáp nhập 12 điểm trường lẻ về điểm chính. Việc làm này đã giảm được 46 lớp học chỉ có trung bình từ 5 - 7 học sinh mỗi lớp. Ông Bùi Thế Giới - Trưởng...