Gia Lai: Mang bệnh ung thư, cô giáo 9X vẫn kết nối nhịp cầu yêu thương
Tuy bị mắc bệnh ung thư tụy không thể chữa trị, nhưng thời gian rảnh cô giáo Nguyễn Lữ Thu Hồng (TP. Pleiku, Gia Lai) vẫn đến các ngôi trường vùng cao để trao những món quà từ các nhà hảo tâm ủng hộ.
Đặc biệt, hàng ngày cô giáo Hồng vẫn âm thầm “thắp lửa hy vọng” cho những bệnh nhân đang điều trị ung thư trên khắp mọi miền.
Trao yêu thương cho học sinh nghèo, khuyết tật
Dù biết mình mắc căn bệnh ung thu tụy không thể chữa trị nhưng cô giáo Nguyễn Lữ Thu Hồng (SN 1992, hiện là giáo viên Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku, Gia Lai) vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ nghề giáo. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô Hồng trúng tuyển vào trường ĐH Quy Nhơn. Sau 4 năm học tập, cô Hồng ra trường với tấm bằng cử nhân nhưng lại không xin được việc làm.
Từ khi làm giáo viên, cô Hồng đã kêu gọi rất nhiều quần áo, sách vở và các nhu yếu phẩm đển với học sinh nghèo, bà con vùng khó
Ước mơ đứng trên bục giảng đã thôi thúc cô mở một lớp gia sư tại gia nhằm kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Lớp học có chỉ có từ 5 – 7 em học sinh trong xóm. Nhưng điều đặc biệt, trong những em đó có một số em bị khuyết tật như: thiểu năng, chậm phát triển và các khuyết tật dị dạng khác.
“Biết tôi mở lớp gia sư nên các phụ huynh đã bế con đến gửi nhờ cô dạy chữ. Họ bảo rằng, vì các em có những khuyết tật như vậy nên khả năng tiếp thu chậm, nhiều nơi không nhận. Nhìn ánh mắt các phụ huynh và khao khát học chữ của các em nhỏ nên tôi đã không ngại ngần nhận các cháu vào lớp. Các em thường hay bị kích động, chậm nhận biết nên tôi phải nhẹ nhàng dạy các em từng chữ, tạo cảm giác thỏa mái. Cứ như thế gần 3 năm, các cháu đều đã biết đọc, biết viết. Đó chính là niềm vui hạnh phúc của một người giáo viên trẻ như tôi”, cô giáo Hồng nhớ lại.
Thấy cô Hồng nhiệt tình trong công tác tình nguyện, rất nhiều đoàn đã gửi quà tặng nhờ cô mang đến trao tận tay bà con vùng sâu, vùng xa.
Năm 2016, cô giáo trẻ đã đậu vào viên chức và vào dạy tại xã Ia Pia (Chư Prông, Gia Lai), một xã vùng sâu cách nhà hơn 50km. Cô Lữ Hồng tâm sự: “Là một cô giáo trẻ, chưa có kinh nghiệm nhiều trong công tác giảng dạy. Tôi đến các em qua những trang sách giáo khoa, câu chuyện về tình thương giữa con người với con người. Tôi mong muốn, trước khi các em học được cái chữ thì phải học làm người. Khi gặp các thầy cô, cha mẹ… đều có những ứng xử đúng với chuẩn mực xã hội”.
Trong thời gian đi dạy, cô Hồng luôn cùng với các giáo viên, đoàn thanh niên tham gia nhiều hoạt động tình nguyện như quyên góp sách vở, quần áo cho các em học sinh. Biết cô mắc bệnh hiểm nghèo nhưng có lòng hướng thiện nên hàng tuần liên tục có rất nhiều đoàn từ thiện đã gửi quà như: sách, vở, quần áo trắng và các như yếu phẩm gồm: gạo, mắm, muối nhờ cô Hồng trao đến các bà con nghèo trong vùng…
“Khi có nhiều người liên hệ gửi gắm những món quà đến với học sinh và bà con vùng cao, em cảm thấy rất vui, hạnh phúc. Bản thân em cũng yếu, không có sức khỏe nhiều nhưng mọi người tin tưởng nên em luôn tình nguyện đi khắp các bản làng và trao tận tay bà con, để không phụ sự gửi gắm của các nhà hảo tâm. Điển hình Tết nguyên đán vừa qua, một nhà hảo tâm gửi 3 tấn gạo và các nhu yếu phẩm đến bà con ở xã biên giới. Lúc đó, em đã một mình cùng với bác tài xế vượt hơn 80km đường rừng để chở gạo và nhu yếu phẩm đến xã Ia Mơr (Chư Prông) nhằm hỗ trợ cho các bà con nghèo đón Tết.
Hay mới đây, các bạn sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một đã mang sách vở quần, áo đến hỗ trợ bà con xã Ia Pia (Chư Prông). Các bạn còn mang trà sữa, bánh tráng trộn đến tận nơi để làm cho các em học sinh thưởng thức. Nhìn các em học sinh từng là học trò mà mình giảng dạy được quần áo mới và nhấm nháp từng ly trà sữa mà trong đời thường các em cũng không dám mơ, điều đó khiến tôi rất hạnh phúc…”, cô Lữ Hồng nhớ lại với những giọt nước mắt hạnh phúc trong khóe mắt.
Video đang HOT
Được mọi người tin tưởng, cô giáo Hồng đã không quản ngại khó khăn vượt hàng trăm cây số để mang quà hỗ trợ đến hỗ trợ bà con ăn dến
Dù không có điều kiện để mua những nhiều quà hỗ trợ cho các em học sinh nghèo, hàng tháng, cô giáo Lữ Hồng vẫn dành một chút thời gian để viết văn, thơ và các bài báo gửi cộng tác về cho rất nhiều tờ báo địa phương và trung ương. Vừa là đam mê viết lách và mỗi tháng cô lại dành số tiền nhuận bút được hưởng để góp vào các chương trình từ thiện…
Cuộc sống cô Lữ Hồng được ví von như một ngọn đèn, nó có thể tắt bất cứ lúc nào. Nhưng ở cuộc sống hiện tại, ngọn đèn ấy tỏa sáng, vẫn cống hiến sức trẻ để thực hiện những hoài bão, đam mê và gắn kết yêu thương đến mọi người.
“Thắp lửa hy vọng” cho bệnh nhân ung thư
Cũng là một bệnh nhân đang từng ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư tụy quái ác, cô Lữ Hồng hiểu giá trị của cuộc sống. Năm 2017, câu chuyện của cô giáo Lữ Hồng bị mắc căn bệnh ung thư, bị bệnh viện trả về đã lan tỏa đến khắp nơi. Nhưng hơn 10 năm qua, cô Hồng vẫn sống khỏe mạnh và hoạt động tình nguyện rất sôi nổi. Chính vì vậy, mỗi ngày có hàng chục cuộc điện thoại gọi đến nhằm động viên, hỏi thăm cô. Đặc biệt, trong số này có cả những bệnh nhân ung thư đang hóa trị, xạ trị ở bệnh viện.
Một bài viết của cô giáo Lữ Hồng được đăng tải trên báo Gia Lai
“Khi hoàn cảnh mình được mọi người biết đến, nhiều bệnh nhân ung thư và người nhà đã gọi để hỏi về cách điều trị, ăn uống, chăm sóc…Vì bệnh Hồng nặng nên không có pháp đồ điều trị mà chỉ trông chờ những thang thuốc nam. Nhưng Hồng chia sẻ với họ về nghị lực sống, khát khao sống được cống hiến mỗi ngày. Lúc mình còn sống một ngày, Hồng sẽ sử dụng ngày đó để cống hiến, làm những việc mà mình đang dự định làm với một tinh thần vui vẻ, thoải mái…”, cô Lữ Hồng bộc bạch.
Những bài thơi mang gam màu sáng, tràn đầy sự yêu đời được Lữ Hồng gửi tặng mọi người
Lữ Hồng còn nhớ: “Năm 2018, khoảng 3h chiều Hồng nhận được một cuộc điện thoại của người chồng tư vấn khi cô vợ anh ấy đang từng ngày bị xạ trị dày vò. Lúc đó, anh ấy nói: “Anh ấy cần vợ, hai đứa con cần mẹ nên anh ấy không thể để cô ấy ra đi…!”. Sau nhiều lần Hồng trò chuyện, Hồng đã khuyên anh ấy biến nỗi lo của mình thành những sự quan tâm, tạo cho cô ấy vui vẻ, lạc quan sống…Vài tháng sau, anh ấy đã gửi cho Hồng những tấm ảnh chụp chung giữa anh và cô vợ đi chơi ở Gia Lai. Tuy bức ảnh có hiện lên nét đau và tóc cô vợ đã rụng hết, nhưng sâu thẳm đó là sự hạnh phúc…Một thời gian sau, Hồng rất buồn đã nghe tin cô vợ đã ra đi…”.
Với những cố gắng của mình, cô giáo Lữ Hồng (đứng giữa) được Tỉnh đoàn Tỉnh Gia Lai vinh danh là 1 trong 50 gương mặt tiêu biểu làm theo lời Bác năm 2019.
“Hay một hoàn cảnh khác, người con gái gọi đến nhờ hướng dẫn chăm sóc mẹ đang xạ trị. Vì cùng độ tuổi nên Hồng chia sẻ, nói chuyện nhiều lắm. Những lúc cô bé ấy lo lắng về mẹ đều nhắn tin, gọi điện cho Hồng. Tuy việc dạy học cũng bận nhưng Hồng vẫn dành thời gian để gọi an ủi, động viên cô gái cố gắng đồng hành cùng mẹ trong hành trình chữa trị căn bệnh ung thư quái ác đó… Hành trình tiếp diễn cả hơn 1 năm, lúc cô gái ấy gọi đến khóc vì mừng khi mẹ cô ấy đã dần bình phục. Các dấu hiệu của bệnh ung thư cũng đang dần mất đi… Lúc đó, Hồng cảm nhận được tình yêu thương, hạnh phúc của cô gái. Đặc biệt là tình mẫu tử đã giúp cho người mẹ vượt qua bệnh tật và cả cô gái…”, Hồng rưng nước mắt kể lại.
Hàng ngày, mọi người gọi đến với Hồng đều mong muốn có một điểm tựa, một hy vọng từ chính những người cùng cảnh ngộ. Đã từng chứng kiến những cuộc chia ly trong nước mắt và sự đau đớn khi hóa trị, xạ trị của các bệnh nhân ung thư, Hồng vẫn luôn động viên, thắp lửa hy vọng sự sống, niềm tin về một tương lai tươi sáng. Điều mà Hồng nhận lại cũng chính là niềm vui và sự động viên khi chính mình cũng đang mang căn bệnh ung thư trong người.
“Mình cảm thấy “sống vui” vì đã thực hiện được 3 điều là:
Dù mắc căn bệnh ung thư, nhưng mình vẫn sống và được đứng trên bục giảng, truyền cho các em giá trị sống, tình yêu thương…Sống với đam mê viết lách, đưa những nỗi niềm, tâm sự của mình vào văn thơ. Đặc biệt, có sức để đi và viết về cuộc sống, văn hóa của những bà con đồng bào dân tộc thiểu số.Sống cùng ung thư và chia sẻ, tiếp thêm hy vọng cho những người có cùng hòa cảnh.”, Lữ Hồng tâm niệm.
Phạm Hoàng
Theo Dân trí
Cô gái mắc bệnh ung thư và hành trình 10 năm đi tìm bục giảng
"Ung thư không phải là chấm hết mà là động lực để mình tiếp tục cống hiến, sống lạc quan và yêu đời hơn", đó là lời chia sẻ của cô giáo Nguyễn Lữ Thu Hồng (giáo viên Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, huyện Chư Prông, Gia Lai. Một cô giáo mà gần 10 năm trước, bác sĩ đã "bó tay" vì căn bệnh ung thư tụy đã di căn.
10 năm hành trình đi tìm bục giảng
Vừa bước qua cái tuổi 18, cô học sinh lớp 12 Nguyễn Lữ Thu Hồng đã nuôi hoài bão về nghề giáo viên với ước mơ được đứng trên bục giảng. Cầm trên tay bộ hồ sơ tuyển sinh đại học, Hồng đã không suy nghĩ mà điền ngay vào trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn.
Sau hơn 1 tháng đăng kí nguyện vọng, Hồng luôn tập trung vào ôn tập để bước vào 3 kì thi quan trọng trong đời học sinh. Lúc đó, bất chợt cô bé lớp 12 bắt đầu xuất hiện những cơn đau bụng. Khi đi khám, gia đình hết sức bàng hoàng khi nhận tin, Hồng đã bị căn bệnh ung thư tụy và đã di căn. Nằm viện được một tháng, Hồng được gia đình đưa Hồng với những hy vọng mỏng manh.
Trở về nhà, trước mặt là 3 kì thi, sau lưng là những lời động viên mong Hồng nghỉ học để tập trung chăm sóc sức khỏe. Nhưng với hoài bão nghề giáo, Hồng vẫn tiếp tục ôn tập và đăng kí thi cuối cấp lớp 12, tham gia thi tốt nghiệp phổ thông và "vượt ải" cánh cửa đại học thành công. Bố mẹ thì đi tìm khắp các phương thuốc đông tây y... để cho Hồng uống với mong muốn điều kì diệu sẽ đến với cô bé tuổi 18.
Dù mang căn bệnh ung thư hơn 10 năm nhưng Lữ Hồng không bao giờ bỏ cuộc trên hành trình đi tìm bục giảng.
Dù biết mình đang mang trong mình căn bệnh có thể cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào nhưng Hồng vẫn lên đường ra Quy Nhơn để tham gia 4 năm đại học. Ngày tháng dần trôi qua, cuộc sống của Hồng là chuỗi ngày ngày vui vẻ, khỏe mạnh. Cô bé ấy luôn vui cười, tràn đầy khát khao sống và cống hiến những gì mình còn làm được...
Lữ Hồng tâm niệm: "Từ khi mắc bệnh, em nhìn những người đang còn điều trị, kể cả những người đã ra đi thì thấy mình đang còn rất may mắn. Cũng vì vậy, em quên dần đi bệnh tật và làm mọi thứ để thực hiện ước mơ. Đồng hành với nó là tiếng cười lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Chắc có lẽ vậy mà gần 10 năm nay căn bệnh không tái phát và ước mơ trở thành một cô giáo đang dần thành hiện thực.".
Với những nỗ lực đó, vừa qua Lữ Hồng đã được Tỉnh đoàn Gia Lai chọn là một trong 50 tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Năm 2013, Hồng ra trường với tấm bằng Cử nhân Sư phạm. Nhưng một lần nữa cô lại bị thử thách trên hành trình đến với ước mơ nghề giáo. Lúc đó, chỉ với tấm bằng, Hồng không xin được chỗ dạy nên em đã về mở một lớp gia sư. Ngôi nhà nhỏ trong hẻm hàng ngày vẫn vang vọng những tiếng học trò học cùng cô giáo trẻ say sưa giảng bài. Rồi những bài thơ, truyền ngắn do Lữ Hồng sáng tác được học sinh ngồi chăm chú nghe.
Hơn 3 năm làm gia sư ở nhà, năm 2016, Lữ Hồng đã xin hợp đồng tại một ngôi trường ở thành phố. Cũng trong năm đó, Hồng đã mạnh dạn đăng kí thi tuyển viên chức và cô đã đậu vào dạy ở một ngôi trường vùng khó tại huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai). Mỗi tuần cô Hồng phải vượt gần 50km vào xã Ia Piơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) để dạy môn Ngữ Văn cấp 2.
Đưa tiếng cười vào thơ văn
Tuy phải dạy ở một ngôi trường vùng sâu, nhưng trong Lữ Hồng luôn có đam mê văn thơ nên cô thường sáng tác những bài truyện ngắn, thơ để gửi lên các báo. Sau khi một số tác phẩm được đăng lên báo, cô tiếp tục mở rộng viết những bài viết về chính nghề giáo viên vùng sâu. Nơi mà cô và các đồng nghiệp khác đang từng ngày "gieo chữ" cho các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Cô giáo Lữ Hồng bộc bạch: "Từ hồi sinh viên em đã có một niềm đam mê với văn, thơ. Tuy nó không đúng vần, đúng điệu hay kết cấu nhưng em chỉ muốn gửi vào đó những cảm xúc thật của chính mình. Hơn nữa là những điều em muốn gửi gắm trong cuộc sống để mọi người như em có thể đọc, chia sẻ để cùng hướng đến một cuộc sống vui vẻ, lạc quan...".
Ngoài ước mơ đướng trên bục giảng, cô giáo Lữ Hồng còn đi về các vùng sâu để tìm hiểu thông tin để viết truyện ngắn, văn thơ và các bài báo văn hóa.
Sau mỗi đêm soạn xong giáo án, Lữ Hồng lại mở cuốn sổ tay của mình để ghi lại những câu chuyện về tình thầy trò. Từ đó, tạo ra những âm điệu thơ khắc họa chân thực về cuộc sống và hành trình của những cô giáo "bám bản". Chỉ trong năm 2018, Hồng đã tìm trên mạng địa chỉ của một số tờ báo nhằm gửi những bài viết của mình. Đáp lại những nỗ lực của cô giáo trẻ, nhiều tờ báo, tạp chí như báo Gia Lai, Tạp chí Văn nghệ Gia Lai, Quân đội nhân dân, báo Phú Yên, Quảng Nam... hàng tuần đều đăng tải những bài viết, bài thơ cô gửi về cộng tác.
Cô giáo Lữ Hồng luôn tươi cười trong cuộc sống và có khát khao sống mãnh liệt
Từ những bài viết, bài thơ cô đăng tải trên mạng, báo Thanh Niên đã âm thầm kết hợp cùng Nhà xuất bản Hội Nhà văn với sự hỗ trợ của nhà thơ Văn Công Hùng đã sưu tập và in tặng cô tập thơ "Một mai thức dậy", tác giả Lữ Hồng. Đọc những vần thơ cô viết không phải là một sự u buồn mà là cuộc sống tươi vui. Những câu thơ gắn kết giữa con người với thiên nhiên và nêu cao những mối quan hệ bình dị như tình thầy - trò, tình cảm cảm gia đình...
Theo dantri
Trường THPT số 1 Lào Cai tưng bừng đón 'cậu bé vàng' đoạt giải quốc tế Sáng 20/5, Trường THPT số 1 Lào Cai tưng bừng tổ chức lễ chào đón em Vũ Hoàng Long trở về sau cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế intel IESF tại Mỹ với thành tích đạt Giải Ba cho Đoàn Việt Nam. Vũ Hoàng Long trong vòng tay thầy cô và bạn bè Long là thí sinh đoạt giải thưởng duy...