Gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia
Còn hơn 1 tháng nữa kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra. Nhiều địa phương trong cả nước đã có những chuẩn bị cho kỳ thi này. Đến nay, những công tác chuẩn bị cho những đặc thù của địa phương đã hoàn tất.
Tập trung cho học sinh miền núi
Thời gian qua, các trường THPT ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh để các em có thể đạt được kết quả thi cao nhất. Chất lượng học sinh ở khu vực miền núi Quảng Ngãi rất thấp, thể hiện rõ qua đợt khảo sát chất lượng đầu năm, với hơn 60% học sinh yếu kém. Vì vậy, từ đầu năm học các trường THPT ở các huyện miền núi đã chỉ đạo phân luồng học sinh, dạy học theo kiểu cuốn chiếu, dạy tới đâu ôn tới đó để giúp học sinh có thể nắm vững kiến thức. Hiện nay, ngoài các tiết học trên lớp, các thầy cô giáo còn tăng cường phụ đạo cho học sinh, vừa dạy kiến thức mới, vừa lấp lỗ hổng kiến thức cũ.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Giờ học địa lý của các em học sinh lớp 12 trường THPT huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi), không còn cảnh giáo viên đọc cho học sinh chép, mà học sinh chủ động làm việc theo nhóm. Đối với học sinh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng tư duy, vận dụng thực tế còn hạn chế, nên các em phải nỗ lực rất nhiều. Em Đinh Thị Vi, học sinh lớp 12B, trường THPT Sơn Tây, cho biết: “Đề thi theo hướng này thì hơi khó khăn với chúng em vì từ trước đến nay chúng em chỉ học trong sách, giờ có thêm kiến thức bên ngoài thì bắt buộc chúng em phải tìm hiểu nhiều hơn, mà các phương tiện thông tin thì chúng em cũng không được tiếp xúc nhiều như những học sinh ở thành phố, đồng bằng. Để có thể làm bài tốt thì chúng em phải vừa học trong sách giáo khoa, vừa phải xem thêm tivi, báo chí…”.
Thầy Nguyễn Văn Hùng, giáo viên trường THPT Sơn Tây, cho hay: “Đối với những lớp có nhiều học sinh học lực khá, giỏi, thì ngoài việc giao bài tập theo chương trình chuẩn, chúng tôi còn giao bài tập nâng cao, khó hơn. Còn với học sinh yếu kém thì chủ yếu làm bài tập trong sách giáo khoa, hướng dẫn chi tiết hơn, cặn kẽ hơn, để các em có thể đạt trên điểm trung bình”.
Ở môn tiếng Anh, cô giáo Vương Thị Phượng, trường THPT Tây Trà, cho hay: “Giáo viên cho học sinh làm các dạng đề thi theo mẫu của Bộ và đề thi của các khóa trước. Nhà trường cũng tổ chức phụ đạo và bổ sung các tiết học tự chọn trên lớp, phụ đạo buổi chiều. Lo lắng nhất là phần tự luận, các em còn hạn chế vì nhìn chung học sinh ở đây vốn từ ít, khả năng sắp xếp từ trong câu còn hạn chế, nên làm phần bài viết sẽ khó hơn phần trắc nghiệm”.
Đảm bảo điều kiện cho thí sinh và người nhà
Ở những địa bàn miền núi, việc di chuyển của thí sinh là một trong những quan tâm hàng đầu của địa phương. Ông Phan Văn Êm, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT tỉnh Tuyên Quang cho biết: “ĐH Tân Trào là nơi tổ chức kỳ thi với 12 điểm thi. Để tạo điều kiện cho các thí sinh ở xa về dự thi, nhà trường đã chuẩn bị 1.048 chỗ ở trong đó có 500 chỗ ở miễn phí cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhà trường cũng cử cán bộ đến từng điểm thi, liên hệ với các nhà cho thuê trọ, nhà nghỉ giúp thí sinh và người nhà của thí sinh yên tâm về chỗ ăn, chỗ nghỉ, có được tâm tý tốt nhất bước vào kỳ thi đạt kết quả cao”.
Để đảm bảo kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc, tỉnh Thái Bình sẽ huy động khoảng 3.800 cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Y Dược Thái Bình và cán bộ, giáo viên của các trường THPT trong tỉnh làm nhiệm vụ trong kỳ thi. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Công ty Điện lực Thái Bình kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống lưới điện, kịp thời phát hiện và xử lý những điểm có nguy cơ gặp sự cố, bố trí nhân lực, vật tư dự phòng để sửa chữa, thay thế, khắc phục nếu xảy ra sự cố nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ kỳ thi.
Còn tại Hải Dương, trước ý kiến cho rằng tỷ lệ thí sinh dự thi tại cụm thi địa phương của Hải Dương gần 40% là cao hơn so với mặt bằng chung, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết công tác tư vấn, hướng nghiệp cũng như thông tin về kỳ thi được địa phương rất quan tâm, chỉ đạo ngành giáo dục và các trường học thực hiện. Do vậy, học sinh đăng ký thi trên cơ sở nguyện vọng và đúng năng lực, không có chuyện ép thí sinh trong việc đăng ký dự thi.
Trước dư luận đặt ra nghi ngờ về việc có chuyện địa phương tổ chức đãi ngộ tốt cho cán bộ coi thi để dễ dãi trong coi thi, hay thi tại địa phương sẽ dễ hơn thi tại các cụm thi do trường đại học tổ chức, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD – ĐT khẳng định: “Dù thi tại cụm địa phương hay cụm thi do các trường đại học tổ chức đều diễn ra theo một quy chế, một quy trình kỹ thuật như nhau, kinh phí đủ để bảo đảm cho việc tổ chức kỳ thi; các tỉnh, thành đều có Ban chỉ đạo thi giám sát thực thi việc này tại địa phương…”.
Theo tin tức