Gần 100 tỷ đồng thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa có Quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011 – 2020 với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng.
Mục tiêu của Đề án để củng cố và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học (GDĐH) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), tạo môi trường và hành lang pháp lý cho sự phát triển ổn định hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục. Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục để triển khai đánh giá các cơ sở giáo dục và chương trình GDĐH, các trường TCCN đạt tiêu chuẩn chất lượng, góp phần vào việc đảm bảo và nâng cao chất lượng GDĐH – TCCN.
Xây dựng chính sách để phát triển đội ngũ chuyên gia đánh giá ngoài có đủ trình độ và số lượng để triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH – TCCN. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH – TCCN.
Sinh viên đại học Sư phạm TPHCM trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: MAI HẢI
Theo Đề án, đến hết năm 2012 có ít nhất 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước được thành lập và đi vào hoạt động. Đối với đào tạo chuyên gia đánh giá ngoài, trong năm 2011, 2012, mỗi năm sẽ đào tạo 350 người, các năm tiếp theo mỗi năm khoảng 200 người; Tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quản lý giáo dục và chuyên môn kiểm định chất lượng giáo dục cho các chuyên gia đánh giá ngoài, đảm bảo các chuyên gia đánh giá ngoài đều được cập nhật kiến thức 2 năm/lần.
Bộ ban hành cơ chế để khuyến khích các cơ sở GDĐH-TCCN tổ chức đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường, triển khai tự đánh giá, đảm bảo đến năm 2015 có 90% số cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài (vòng 1); Chỉ đạo các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục triển khai đánh giá công nhận các cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong giai đoạn 2011 – 2015 có 90% số cơ sở được đánh giá ngoài.
Video đang HOT
Tổng nguồn lực tài chính để triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH – TCCN trong giai đoạn 2011 – 2020 dự kiến là 98.867 triệu đồng. Trong đó, kinh phí chi trả cho các hoạt động tập huấn chuyên môn nghiệp vụ của các cơ sở GDĐH – TCCN là 5.500 triệu đồng và kính phí chi trả cho các hoạt động đánh giá ngoài là 84.560 triệu đồng. Nguồn chi cho nội dung này lấy từ nguồn thu của các cơ sở GDĐH – TCCN. Kinh phí để chi trả cho các hoạt động của Bộ liên quan đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục là 3.984 triệu đồng, nguồn để chi cho nội dung này lấy từ Ngân sách nhà nước. Kinh phí để chi trả cho các hoạt động định kỳ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chuyên gia đánh giá ngoài của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ước tính là 4.800 triệu đồng, nguồn chi này lấy từ nguồn kinh phí của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Hồng Hạnh
Theo Dân Trí
Gần 60 trường cao đẳng kém chất lượng
Tại hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường cao đẳng diễn ra ngày 25-26/11 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT thống kê có 56 trường cao đẳng đạt dưới 5 điểm, cho thấy việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng của các trường chưa tốt.
Nhiều trường cao đẳng bị điểm 0 về tiêu chuẩn đào tạo
Năm học 2009 - 2010, Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT đã đánh giá, cho điểm về lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục của 224 trường cao đẳng. Cho thấy, các trường đạt điểm từ 7 điểm trở lên là 108 trường chiếm (48,2%), những trường này hầu là đều đã có đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường, đã tích cực triển khai công tác tự đánh giá và hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Đây cũng là nhóm những trường đã quan tâm đến việc tăng cường năng lực cho đội ngũ hoạt động về đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục. Những trường này đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo.
Đặc biệt, trong cuộc khảo sát này có 56 trường đạt dưới 5 điểm (chiếm 25%), xét trong tương quan chung điểm số thi đua các trường, mức điểm như vậy là thấp. Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định cho biết: Điểm số trên cho thấy việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng của trường chưa tốt. Đây là những trường chưa triển khai công tác tự đánh giá và chưa hoàn thành báo cáo tự đánh giá theo tiến độ quy định của Bộ GD-ĐT, có tới 50/56 trường chưa có đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường.
(ảnh minh họa)
Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cũng cho hay, các văn bản yêu cầu triển khai hướng dẫn nhiệm vụ của Bộ được phổ biến rộng rãi nhưng báo cáo thực hiện của các trường gửi về Bộ chậm, thiếu và rất nhiều trường không gửi nên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục không có cơ sở để chấm điểm và đành phải cho điểm 0 ở nhiều tiêu chuẩn. Các trường gửi bản tự đánh giá cho điểm thi đua về Cục chỉ có 107 trường.
Nhận xét về việc tự chấm của các trường. Trong số 107 trường tự đánh giá và cho điểm gửi về Bộ chỉ có 11 trường có kết quả chấm bằng Bộ chấm. 27 trường kết quả chấm thấp hơn Bộ chấm, trường chênh cao nhất tới 3,5 điểm; 69 trường có kết quả chấp cao hơn Bộ chấm, trường chênh cao nhất tới 5,5 điểm.
Nguyên nhân chấm chênh lệch giữa Bộ với các trường là do những trường này chưa hiểu rõ nội hàm từng tiêu chuẩn, tiêu chí, ví dụ trường coi thành lập được Hội đồng tự đánh giá cũng là thành lập được đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng... hoặc tự đánh giá chưa chính xác, cho điểm tối đa đối với cả những việc trường chưa làm hoặc làm chưa tốt, ví dụ có trường website không hoạt động vẫn cho tiêu chuẩn 5 điểm đạt điểm tối đa, hoặc có tham gia tập huấn về nghiệp vụ nhưng bỏ về giữa chừng vẫn cho đủ điểm ở tiêu chuẩn 3...
Đề nghị công khai danh sách các trường không đảm bảo chất lượng
Tại hội nghị, Tiến sĩ Bùi Thị Việt, Trưởng Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường cao đẳng Sư phạm TƯ TPHCM đề nghị: "Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức kiểm định giữa kỳ, đánh giá chương trình đào tạo và văn bản hướng dẫn sử dụng kết quả đánh giá trong bình xét thi đua hàng năm. Đặc biệt, cần có kế hoạch rõ ràng, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ hàng năm. Cần có biện pháp, chế tài cho các đơn vị thực hiện nghiêm/không nghiêm trong kiểm định chất lượng, bởi có một số cán bộ giáo viên không nhận thấy lợi ích của công tác này".
Đại diện trường CĐ Công nghiệp - Dệt may thời trang Hà Nội kiến nghị với Bộ xem xét một số tiêu chí quá cao đối với các trường hiện nay như đủ diện tích, chỗ làm việc cho tất cả cán bộ, giảng viên.
Còn Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho rằng Bộ cần tăng cường hướng dẫn, mở nhiều lớp tập huấn và có chỉ đạo thường xuyên để các trường sớm hoàn thiện công tác đảm bảo chất lượng đào tạo. Thành lập các tổ chức chuyên nghiệp, minh bạch để triển khai công tác đánh giá ngoài đối các trường đã hoàn chỉnh tự đánh giá chất lượng.
Đại diện Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thái Bình đề nghị Bộ công khai kết quả kiểm định chất lượng của các trường để xã hội biết làm cơ sở quyết định lựa chọn trường để học tập. Bộ cũng cần có kế hoạch dài hạn, có giải pháp cụ thể để tuyên truyền cho xã hội hiểu và ủng hộ chủ trương kiểm định chất lượng giáo dục. Chỉ trên cơ sở được sự đồng thuận của xã hội, công tác kiểm định chất lượng giáo dục mới thực sự phát huy hiệu quả cao nhất.
Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2010 - 2011, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn đánh giá cho điểm để đảm bảo yêu cầu dễ hiểu, dễ vận dụng cho các trường trong việc tự chấm, giảm đến mức tối đa sự chênh lệch kết quả chất giữa Bộ và trường.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Du học hiệu quả nhờ Kaplan Higher Singapore Qua tìm hiểu từ các phụ huynh và du học sinh tại Singapore, chúng tôi đã tìm ra những thông tin chính xác và khách quan về việc du học tại một ngôi trường uy tín tại đây - Kaplan Higher Singapore. Nền giáo dục tiên tiến, một ngôi trường học có tính toàn cầu Kaplan Higher Singapore là thành viên của một...