Game mobile Việt Nam cần làm gì để thành công?
Những công thức thành công tiêu biểu của game mobile, đặc biệt là gMO tại Việt Nam trong giai đoạn gần đây
Làm thế nào để có được một game online, hay cụ thể hơn là một gMO ăn khách và tạo dựng được tiếng vang trong cộng đồng game thủ của làng game Việt? Một vài công thức đã được đúc rút.
Góp mặt trên những cửa hàng lớn
Những cửa hàng phân phối nội dung số ở đây là những Play Store của Google, App Store của Apple, hoặc những ứng dụng tự do khác. Có mặt trên những cửa hàng ảo như thế này, có nghĩa là cơ hội để những gMOnày tiếp cận tới cộng đồng game thủ là rất lớn.
Đa phần người sử dụng thiết bị di động tìm kiếm tựa game mới thông qua mục “recommend” hoặc danh sách những game sở hữu nhiều lượt tải nhất. Chính thực tế cũng đã chứng minh rằng những tựa game nằm ở vị trí 50 hoặc 60 trên Play Store hoặc App Store chắc chắn không thể gây sự chú ý bằng những game đứng trong top 10.
Tương thích với mặt bằng thiết bị
Thị trường thiết bị di động Việt Nam là nơi hàng loạt những chiếc máy với cấu hình cũng như màn hình trải rộng từ phân khúc bình dân tới cao cấp. Chính vì vậy, thử thách đặt ra cho bất kỳ nhà phát hành gMO nào tại Việt Nam đó là phục vụ tất cả thị trường. Họ phải tránh để xảy ra những tình trạng như game có hình ảnh trung bình để phục vụ thị phần bình dân, hoặc quá đẹp và nặng, khiến cho những chiếc điện thoại giá rẻ phải chào thua.
Kích thước màn hình cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Với sự phân mảnh đã và đang diễn ra đối với Android, hệ điều hành chiếm thị phần lớn nhất trong số các HĐH di động hiện nay, thách thức lại được đặt ra.
Không phải chiếc máy nào cũng có độ phân giải màn hình siêu nét, chip khủng, RAM 3GB như nhiều flagship hiện nay của Samsung, HTC, Sony hay đáng chú ý nhất (vẫn) là iPhone. Việc tối ưu hóa tựa game để chúng hoạt động trơn tru, không xảy ra hiện tượng tràn hình hoặc co hình là điều không thể bỏ qua đối với các NPH.
Gameplay đơn giản nhưng cuốn hút
Với người sở hữu thiết bị di động, đa phần họ không thể nào dành cả ngày để chìm đắm trong những game mobile online. Hầu hết còn công việc và cuộc sống thật. Thậm chí xét một cách đơn giản, chưa có chiếc smartphone nào đủ sức chiến game nguyên một ngày trời cả. Chính vì vậy, gameplay của những gMO cần có sự đơn giản, nhưng vẫn đủ hấp dẫn để lôi kéo game thủ Việt.
Video đang HOT
Nhìn vào thành công của một số thể loại game trên di động như casual (Candy Crush Saga), chiến thuật (Clash of Clans) hoặc những game casual, công thức tương tự có thể được áp dụng cho làng game Việt. Thời gian gần đây, những tựa game hành động 3D cũng như thẻ tướng với lối chơi “đã tay”, hình ảnh bắt mắt cũng như yêu cầu sự đầu tư công sức của người chơi cũng thu hút rất nhiều game thủ.
Chưa dừng lại ở đó, những MMORPG với bối cảnh tiên hiệp, kiếm hiệp chắc chắn vẫn sẽ tìm được chỗ đứng của chúng khi đặt chân lên nền tảng mới.
Hình ảnh
Trước đây, những tựa game sở hữu hình ảnh dễ thương, hầu hết là 2D được đưa về thị trường Việt Nam rất được các nhà phát hành quan tâm. Khả năng hoạt động mượt mà trên nhiều thế hệ máy (vì không có những mô hình vật thể nặng nề) đã góp phần biến gMO trở thành một thị trường sôi động như thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên khi mặt bằng cấu hình sản phẩm đã và đang tăng cao, thì như đã đề cập ở trên, việc đưa những tựa game hành động đặc sắc với hình ảnh 3D sắc nét, mượt mà lại trở thành xu hướng mới của cộng đồng game thủ Việt.
Sống tốt cùng 3G Việt
Chất lượng dịch vụ 3G tại Việt Nam hiện nay đang bị không ít người sử dụng lên tiếng phàn nàn về vấn đề tốc độ. Những gMO ra mắt tại làng game Việt cũng sẽ phải “sống chung với lũ”, khi game thủ không phải lúc nào cũng có kết nối WiFi ổn định để thưởng thức những trò chơi hấp dẫn trên chiếc điện thoại của họ.
Những tựa game ngốn nhiều dữ liệu mạng hoặc cần tới kết nối tốc độ cao, ổn định chắc chắn sẽ gây ra nhiều phiền phức và khó chịu cho người sử dụng. Sẽ chẳng ai muốn thưởng thức một tựa game ngốn tiền 3G còn nhiều hơn số tiền mà họ bỏ vào game để mua vật phẩm ảo cả. Câu chuyện tối ưu tựa game một lần nữa lại được đưa ra bàn luận. Chỉ có điều lần này, gMO không cần được tối ưu cho từng chiếc smartphone, mà là tối ưu để hoạt động mượt mà với chất lượng cơ sở hạ tầng mạng viễn thông nước ta hiện nay.
Tập trung phát triển game mobile made in Vietnam
Sau cơn bão những sản phẩm game mobile casual đến từ các nhà phát triển game Việt, với phát súng mở màn là Flappy Bird, niềm tự hào của các studio game Việt Nam cũng được củng cố.
Tuy nhiên trong bài viết trước đây chúng tôi đã đề cập tới vấn đề game Việt đang quá sa đà vào game offline cũng như tư duy làm game của một số studio vẫn còn tương đối cực đoan. Bên cạnh việc khai thác thị trường game offline đang lớn mạnh trên nền tảng di động, chính bản thân những người làm game Việt cũng không được phép bỏ quên một thị trường lớn hơn rất nhiều, đó chính là game PC, và game chất lượng cao trên mobile, thứ mà thời gian qua đã ghi nhận không ít những phép thử chưa thực sự thành công tại thị trường trong nước.
Thời gian qua, một loạt những điểm sáng như Mộng Võ Lâm, Đại Minh Chủ, CS Zombie,… đều là những sản phẩm đình đám thuần Việt nhưng cùng lúc lại là game online thu hút được sự chú ý của rất nhiều người chơi game không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Theo Gamek
Game thủ Việt liệu đã được NPH "chiều chuộng"?
Phải chăng game thủ Việt nào cũng mong chờ và muốn chơi những game online đỉnh?
Dạo một vòng quanh những trang tin, những diễn đàn về game Việt Namhiện nay, bên cạnh những thông tin game online mới ra mắt, những cái tên nổi đình nổi đám sắp, hoặc có khả năng về với làng game Việt, cũng có không ít những comment than phiền hay thậm chí là chê trách các nhà phát hành trong nước chưa thực sự tận tâm với cộng đồng game thủ cũng như sản phẩm họ phát hành.
Thế nhưng đã tồn tại một thực trạng rất dễ nhận thấy trong quá khứ cũng như hiện tại. Mặc cho những chỉ trích của cộng đồng game thủ dấy lên đã từ lâu, cũng như những thay đổi phần nào trong thời gian qua, webgame 2D vẫn cứ chiếm một mảng thị phần không hề nhỏ trên "chiếc bánh" thị trường game online trong nước hiện tại. Phải chăng các nhà phát hành đang cố tình phớt lờ chính khách hàng, những người đem về lợi nhuận cho mình, hay còn điều gì uẩn khúc?
Chúng ta hãy tạm bỏ qua những NPH, những doanh nghiệp với lối làm ăn chỉ vì đồng tiền, chỉ vì lợi nhuận mà bỏ quên đi cộng đồng mà họ đang phục vụ từng ngày từng giờ. Thay vào đó, hãy quan tâm tới những cái tên khác, tuy rằng vẫn đang hứng chịu nhiều chỉ trích nhưng vẫn cố gắng để cân bằng cán cân khách hàng - lợi nhuận.
Nhận thức của game thủ
Hãy nhìn vào một sự thật mà không phải ai cũng có thể nhận ra, đặc biệt là những game thủ Việt. Đại đa số người chơi game online ở nước ta hiện nay đều không có thời gian hoặc không có điều kiện tiếp cận với những kênh tương tác giữa game thủ và nhà phát hành như trang tin hay forum. Họ thích chơi game gì là quyền của họ. Những game thủ khác đăng bình luận chê bai hay không, họ không biết, và cũng chẳng cần quan tâm.
Một câu chuyện có thật mà tôi từng được chứng kiến. Một ông chủ quán phở trong giờ nghỉ trưa lấy laptop ra thưởng thức một webgame được đánh giá là nằm ở mức trung bình trong số những webgame hiện nay tại nước ta.
Rõ ràng với công việc kéo dài từ sáng đến đêm, việc thưởng thức game của ông chủ quán phở nọ sẽ chỉ có thể diễn ra trong những khoảng thời gian nghỉ ngơi. Rất, rất nhiều game thủ khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Họ không có thời gian, và cũng chẳng muốn đọc những bình luận về game mình đang chơi từ những người họ chưa hề quen biết. Điều đó, đối với họ, có phần phung phí thời gian.
Một thực trạng khác chính là ở bản thân những game thủ Việt ngày ngày lên tiếng chê bai, tẩy chay webgame nói riêng, cũng như một phần game online Việt Nam nói chung. Trong số đó, có những người đã từng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi NPH không quan tâm đến cộng đồng, nhưng cũng chẳng thiếu những kẻ "anh hùng bàn phím" theo nghĩa đen.
Anh hùng bàn phím có nghĩa là, họ chưa từng chơi một webgame nào, thậm chí chưa bao giờ chơi game online, thế nhưng vẫn có những bình luận ngộ nhận đại loại như "Game online Việt Nam bây giờ thì nghỉ đi, chơi game off cho khỏe".
Thị hiếu
Trong quá khứ những tựa game lưu lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ đều là những sản phẩm game online nền 2D hoặc 2.5D với bối cảnh kiếm hiệp, tiên hiệp, thể loại đã ăn sâu vào tiềm thức giới trẻ Việt sau nhiều năm gắn bó với phim ảnh, truyện tranh cũng với bối cảnh phương Đông.
Thêm vào đó, với cuộc sống hàng ngày, game thủ sẽ chẳng còn thời gian cày cuốc, làm nhiệm vụ. Cũng chẳng còn thời gian đi đánh những con trùm tốn nhiều thời gian và công sức, điều này khiến cho game thủ buộc phải tìm đến những tựa game khác mất ít thời gian hơn để thỏa mãn niềm vui với game của mình. Đó cũng là lúc webgame lên ngôi và chiếm được thị phần không hề nhỏ của làng game Việt hiện tại.
Chiều lòng số đông
Vì bài toán doanh thu, cộng với những lý do kể trên, các nhà phát hành luôn luôn có một lựa chọn duy nhất, đó là đưa về những tựa game với thể loại và bối cảnh tương đồng với những sản phẩm đông người chơi và gặt hái được nhiều thành công trong quá khứ. Điều này, một mặt, giúp cho các NPH có thể yên tâm hơn về thành công của dự án.
Thế nhưng mặt khác, NPH cũng sẽ phải chấp nhận hứng chịu những chỉ trích đến từ những game thủ không có thiện cảm với webgame hay game online 2D với nền đồ họa đã lỗi thời. Lựa chọn của họ là không nhiều, và việc chiều lòng số đông, những người thậm chí chẳng bao giờ lên diễn đàn, không bao giờ đọc bài của những trang tin game là hướng đi an toàn nhất.
Sẽ là vô cùng liều lĩnh nếu một nhà phát hành nghe theo vài trăm, thậm chí vài nghìn comment trên một diễn đàn về tựa game họ muốn đưa về Việt Nam sau đó làm theo răm rắp. Lý do rất đơn giản, nếu so với hàng triệu game thủ Việt hiện tại, thì vài nghìn người vẫn chưa phải là con số đáng ghi nhận. Canh bạc tài chính khi đưa về một game online bom tấn là điều NPH nào cũng phải đối mặt. Nếu có cảm giác không an toàn, họ sẽ không liều vung tiền về chỉ để xoa dịu và chiều chuộng những game thủ trên các diễn đàn kia.
Tuy nhiên chỉ trong chưa đầy 1 năm, hàng loạt những sản phẩm đình đám, từ webgame 3D, game client cũng như game mobile đã xuất hiện tại thị trường game online Việt Nam. Điều này chứng minh được hai điều: Thị hiếu của game thủ Việt đã có những thay đổi, chấp nhận và thưởng thức được những sản phẩm có chiều sâu gameplay.
Thứ hai là, nhờ có sự phát triển tương đối trong mặt bằng cấu hình máy tính tại nước ta, những sản phẩm game online yêu cầu cấu hình cao cũng đã và đang được phát hành một cách hiệu quả, cho phép ngày càng nhiều game thủ cùng tham gia.
Theo Gamek
Ngự Long bất ngờ tung teaser và ấn định ngày ra mắt gamer Việt Game Ngự Long bất ngờ ra mắt Teaser và dự kiến sẽ ra mắt game thủ vào ngày 29/10 sắp tới. Theo các tin tức game mới, trong vài ngày gần đây, cộng đồng game thủ bất ngờ với sự xuất hiện của một teaser tại địa chỉ http://nl.clan.vn/. Qua tìm hiểu, được biết đây là teaser của nhà phát hành CLAN giới...