Gác mộng tiến sĩ, để ngàn tỉ mở trường lớp
Đọc bài “ Trường lớp xập xệ, thầy trò bất an” đăng trên báo Báo, tôi cũng như nhiều người cảm thấy nhói lòng trước thực trạng xuống cấp trầm trọng của hệ thống cơ sở vật chất trường lớp ở tỉnh Quảng Bình.
ảnh minh họa
Tường bong tróc, tường nứt nẻ, mái ngói thủng lỗ chỗ, mái tôn dột nước, cửa sổ chắp vá, lõi thép bên trong bê tông trồi ra… quả là ám ảnh người đọc. Thầy trò vừa học vừa run, chẳng biết tai họa ập xuống lúc nào.
Chúng ta bỗng giật mình khi nhớ lại nhiều vụ việc trước đó: Một cái lan can ở trường Tiểu học Văn Môn (Bắc Ninh) đã sập vào chiều 11-12 làm 16 học sinh bị thương. Trước đó nữa, chiều 26-8, sàn phòng học bị sập và 10 học sinh trường THPT Đống Đa (Lâm Đồng) bị rơi xuống tầng một. May mắn là không có học sinh nào thiệt mạng nhưng nó đã đánh lên hồi chuông báo động mạnh mẽ về sự an toàn trong môi trường học đường.
Sự xuống cấp về trường lớp năm nào cũng được ban giám hiệu nhà trường làm tờ trình gửi cơ quan chức năng. Đúng như lý giải của UBND huyện Bố Trạch, nguồn vốn để xây dựng trường lớp mới trên địa bàn rất khó xoay xở, nhất là khi hàng loạt công trình trọng yếu khác cần sửa chữa sau thiên tai. Nhưng giáo dục là quốc sách hàng đầu, lẽ nào cứ để thầy trò học hành trong thấp thỏm, lo âu như thế?
Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, chúng ta không thể đòi hỏi một sự đầu tư lớn để cải thiện chất lượng trường lớp. Nhưng giáo dục luôn được ưu tiên, nguồn ngân sách chi cho giáo dục hàng năm chiếm tỉ trọng lớn. Nhà nước ta sẵn sàng chi hàng nghìn tỉ đồng để thực hiện đề án ngoại ngữ, xây dựng chương trình và biên soạn bộ sách giáo khoa mới…
Mới đây nhất là đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ với tổng kinh phí 12.000 tỉ đồng. Con số 9.000 tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT phấn đấu nằm trong đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2018-2025″.
Đúng là số lượng tiến sĩ của nước ta đang thấp so với các nước trong khu vực, đúng là cần nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên bằng cách nâng số lượng bằng tiến sĩ. Nhưng chưa có gì chắc chắn cho sự thành công của đề án khi mà dân ta đã quá chán ngán với số lượng tiến sĩ hiện có.
Video đang HOT
Và tôi đang nhìn vào con số 12.000 tỉ đồng mà ước… Nếu khoản tiền này được đầu tư để xây trường mở lớp thì cả nước ta có hơn 12.000 ngôi trường mới và hàng triệu, chục triệu lớp học mới khang trang, tiện nghi, sạch sẽ và quan trọng nhất là an toàn cho hàng ngàn đứa trẻ.
Theo NLĐ
Đề án đào tạo tiến sĩ: Không thể 'mộng mơ'
Thất bại của đề án đào tạo 23.000 tiến sĩ chưa kịp rút kinh nghiệm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục đưa ra đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ với kinh phí lên đến 12.000 tỉ đồng
Giáo dục đại học luôn cần được nâng chất lượng dạy và học. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: TẤN THẠNH
Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng (Đề án 911) có tổng kinh phí 14.000 tỉ đồng với mục tiêu đào tạo 23.000 tiến sĩ.
Phá sản vì thiếu thực tế
Mục tiêu chung của đề án là "tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường ĐH, CĐ của cả nước, phấn đấu đến năm 2020 bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam". Cụ thể, sẽ đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở các trường ĐH có uy tín trên thế giới; 3.000 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và trường ĐH nước ngoài và khoảng 10.000 tiến sĩ ở trong nước.
Thế nhưng, đề án triển khai đến hết năm 2016 đã bộc lộ hàng loạt hạn chế, không đạt mục tiêu đề ra, Bộ GD-ĐT phải dừng tuyển sinh từ năm 2017. Giai đoạn 2012-2016 mới tuyển được 2.062 nghiên cứu sinh (NCS) đào tạo trong nước, đạt 36% chỉ tiêu. Trong đó, có 703 NCS đến thời hạn kết thúc thời gian nghiên cứu nhưng mới chỉ có 165 NCS hoàn thành khóa học, bảo vệ thành công luận án đúng thời hạn (đạt tỉ lệ hơn 23%). Đối với đào tạo phối hợp, chỉ có 1 NCS đang học tập nghiên cứu tại Pháp, trong số 1.300 chỉ tiêu của giai đoạn 2012-2016. Trong khi đó, từ năm 2012 đến hết năm 2016, có 2.926 người trúng tuyển đào tạo ở nước ngoài nhưng chỉ có 1.961 người (gần 34% chỉ tiêu) được làm thủ tục đi học...
Cũng theo kết quả kiểm toán, điều kiện đầu ra theo Đề án 911 của Bộ GD-ĐT yêu cầu cao hơn so với đào tạo tiến sĩ nói chung. Thế nhưng, chương trình đào tạo không khác biệt nhiều so với đào tạo tiến sĩ đại trà. Các trung tâm đào tạo tiến sĩ được thành lập và đầu tư kinh phí 9 tỉ đồng để trang bị phòng học ngoại ngữ, xây dựng giáo trình đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng trước khi đi NCS nhưng qua kiểm toán một số trung tâm thì các trung tâm này hoạt động không hiệu quả, không đúng chức năng đồng nghĩa với việc giáo trình không sử dụng gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Nguồn tuyển thiếu nghiêm trọng
Đánh giá về đề án này, Kiểm toán Nhà nước cho rằng một trong những bất cập là Bộ GD-ĐT xây dựng đề án quá cao, thiếu cơ sở khảo sát, đánh giá không sát thực tế, dẫn đến mục tiêu không thực hiện được cả về số lượng đào tạo tiến sĩ, kinh phí và nguồn hình thành. Mức kinh phí hỗ trợ của đề án thấp, trong khi yêu cầu ràng buộc trách nhiệm của NCS cao hơn chương trình đại trà, không phù hợp về trách nhiệm và quyền lợi nên chưa thu hút được các ứng viên tham gia.
Trước quan điểm này của Kiểm toán Nhà nước, ông Nguyễn Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT, thừa nhận mục tiêu của đề án tại thời điểm xây dựng là chưa phù hợp với tình hình thực tế về khả năng nguồn tuyển sinh cũng như khả năng đào tạo, thực hiện đề án của các cơ sở giáo dục ĐH trong nước. Vì vậy, tỉ lệ tuyển sinh hằng năm thấp hơn kế hoạch. Ngoài ra, bên cạnh những yêu cầu chặt chẽ về điều kiện tuyển sinh, ứng viên phải thực hiện nhiều cam kết về trách nhiệm trong khi kinh phí hỗ trợ NCS thấp nên hạn chế việc thu hút các ứng viên và cơ sở đào tạo trong nước tham gia đề án. Do tỉ lệ tuyển sinh hằng năm thấp nên dẫn đến thừa dự toán.
Tiếp tục xây dựng đề án 12.000 tỉ đồng
Thế nhưng, điều đáng nói, sự thất bại của đề án 14.000 tỉ đồng chưa được nghiêm túc mổ xẻ, rút kinh nghiệm thì Bộ GD-ĐT đã lại vội xây dựng đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025" với mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ.
Nguồn kinh phí 12.000 tỉ đồng của đề án này được lấy chủ yếu từ Đề án 911 (10.200 tỉ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án 911) và 1.800 tỉ đồng từ các cơ sở giáo dục ĐH và đối tượng thụ hưởng đề án. Theo đề án này, sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới. Từ năm 2018 đến 2025, mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 NCS đi đào tạo ở nước ngoài. Ngoài ra, sẽ đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam và thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài đến làm việc tại các trường ĐH tại Việt Nam...
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng phải phân tích rõ tại sao Đề án 911 không thành công, đó là vì không có được nguồn tuyển dồi dào do NCS không thích đi học bằng đề án này. Học bổng của Chính phủ Việt Nam vừa thấp vừa nhiều ràng buộc. Những người giỏi sẽ tìm cách xin học bổng của chính phủ nước ngoài và điều này với họ không khó.
Bà Hoàng Mai Phương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đánh giá cách thức tổ chức và sử dụng kinh phí của Đề án 911 có quá nhiều hạn chế. Việc xây dựng đề án quá cao, thiếu cơ sở khảo sát, đánh giá về khảo sát thực tế, dự kiến nguồn tuyển sinh không đúng... Bộ GD-ĐT cần thẳng thắn rút kinh nghiệm cho những đề án tiếp theo chứ không phải lại vội vàng xây dựng một đề án mới thiếu tính khả thi tương tự.
Bộ GD-ĐT đã nộp lại hơn 50 tỉ đồng
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị về xử lý tài chính đối với Bộ GD-ĐT, thu hồi nộp ngân sách nhà nước gồm hơn 50 tỉ đồng là học phí của NCS tại Cục Hợp tác quốc tế (từ năm 2012 đến ngày 30-7-2017); các khoản chi sai chế độ, không đúng quy định hơn 424 triệu đồng; thu hồi kinh phí do NCS bỏ học hơn 207 triệu đồng. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT phải hủy dự toán nguồn kinh phí đề án hơn 2,8 tỉ đồng và giảm kinh phí quyết toán năm 2016 hơn 48 triệu đồng...
Giải thích về con số hơn 50 tỉ đồng phải nộp lại này, ông Nguyễn Quang Hưng cho hay theo quy định, các NCS được cử đi học tại nước ngoài theo Đề án 911 sẽ phải nộp học phí 13 triệu đồng/năm (52 triệu đồng/4 năm) kể từ năm 2014. Tổng số học phí các NCS đã nộp từ ngày 1-1-2014 đến 27-7-2017 là hơn 50 tỉ đồng. Số tiền này Bộ GD-ĐT đã nộp lại theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.
Bộ GD-ĐT muốn giải ngân 12.000 tỉ đồng?
Giảng viên một trường ĐH lớn của Hà Nội nhận xét dù Đề án 911 thất bại nhưng dường như Bộ GD-ĐT không tìm cách cải tiến cho đề án sau mà chỉ nghĩ cách làm sao giải ngân được tiền.
Theo giảng viên này, khó khăn lớn nhất khiến đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ của Bộ GD-ĐT đứng trước nguy cơ thất bại chính là tìm đâu ra nguồn tuyển. "Để có được 9.000 tiến sĩ chất lượng thì phải cần ít nhất 9.000 NCS có năng lực, say mê nghiên cứu và có khả năng ngoại ngữ tốt. Ngoài ra, cần phải có thêm được 9.000 giáo sư để hướng dẫn các NCS này" - giảng viên này đặt vấn đề.
Vị giảng viên này phân tích nếu máy móc đưa ra những con số mà không tính đến hoàn cảnh thực tế thì đề án này cũng sẽ sớm thất bại. "Ồ ạt đào tạo theo số lượng 9.000 người thì sẽ tạo ra một lò ấp tiến sĩ "giấy" với những đề tài vớ vẩn chẳng đâu vào đâu. Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần cải tiến lại đề án, tính toán phù hợp thực tế và nghiên cứu làm sao để đào tạo có chất lượng hơn là tìm cách để giải ngân con số 12.000 tỉ đồng này" - giảng viên này nói.
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và Phát triển, cũng tỏ ra thất vọng trước đề án 9.000 tiến sĩ của Bộ GD-ĐT. "Đề án 23.000 tiến sĩ đã thất bại thảm hại nhưng hình như Bộ D-ĐT không nghiêm túc rút kinh nghiệm mà chỉ muốn làm sao để giải ngân được 12.000 tỉ đồng. Trong điều kiện ngân sách quốc gia đang rất khó khăn mà chỉ mong muốn giải ngân hơn chục ngàn tỉ đồng, không tính toán đến thực tế và hiệu quả thì tôi cho là không hợp lý" - TS Vịnh nhìn nhận.
Theo NLĐ
Phản biện độc lập Tiến sĩ - siêu quyền lực khoa học Sử dụng phản biện độc lập, đào tạo Tiến sĩ Việt Nam đang trở nên thiếu minh bạch, lạc lõng không giống ai và tự nhốt mình trong ao làng. Sử dụng phản biện độc lập như là SIÊU QUYỀN LỰC KHOA HỌC là cách làm phản khoa học trong một thế giới văn minh. Vậy ai là người có quyền kiểm soát...